George Weigel vừa viết trên National Catholic Register rằng : Nhân vật vĩ đại cuối cùng của Công Giáo thế kỷ 20 không giống với bức tranh biếm họa được tạo ra bởi những kẻ thù thần học và văn hóa của ngài.
Joseph Ratzinger mà tôi biết trong 35 năm — đầu tiên trong tư cách bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (CDF), sau đó là Giáo hoàng Bênêđictô XVI và sau đó là giáo hoàng hưu trí— là một người thông minh, thánh thiện, không giống với bức tranh biếm họa lần đầu tiên được tạo ra bởi những kẻ thù thần học của ngài và sau đó được đúc thành khuôn bêtông truyền thông.
Ratzinger biếm họa là một quan tòa trừng trị lạc giáo/ người chấp pháp giáo hội tàn nhẫn, không ngừng nghỉ, “Chó săn của Thiên Chúa”. Người mà tôi biết là một người thanh nhã hoàn hảo với tâm hồn dịu dàng, một người hay e lệ nhưng vẫn có khiếu hài hước mạnh mẽ, và là một người yêu Mozart về căn bản là một người vui vẻ chứ không phải một người cáu kỉnh.
Ratzinger biếm họa không có khả năng hiểu hay đánh giá cao tư tưởng hiện đại. Ratzinger mà tôi biết là người uyên bác nhất trên thế giới, với kiến thức bách khoa về thần học Kitô giáo (Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành), triết học (cổ đại, trung cổ và hiện đại), nghiên cứu Kinh thánh (Do Thái giáo và Kitô giáo), và lý thuyết chính trị (cổ điển và đương thời). Tâm trí của ngài minh mẫn và có trật tự, và khi được hỏi một câu hỏi, ngài sẽ trả lời bằng cả đoạn văn — bằng ngôn ngữ thứ ba hoặc thứ tư của ngài.
Ratzinger biếm họa là một kẻ phản động chính trị, bị xáo trộn bởi các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1968 ở Đức và khao khát khôi phục lại quá khứ quân chủ; những kẻ thù độc ác hơn của ngài ám chỉ sự đồng cảm đối với Đức Quốc xã (do đó có tên Panzerkardinal bẩn thỉu). Ratzinger mà tôi biết là một người Đức, trong chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010 cấp nhà nước, đã cảm ơn người dân Vương quốc Anh vì đã giành chiến thắng trong Trận chiến nước Anh – một đảng viên Đảng Dân chủ Kitô giáo vùng Bavaria (điều này sẽ khiến ngài hơi lệch về phía tả của cánh giữa trong ngôn từ chính trị của Hoa Kỳ) mà sự coi thường chủ nghĩa Mác vừa mang tính lý thuyết (nó chẳng có ý nghĩa gì về mặt triết học) vừa mang tính thực tiễn (nó không bao giờ có hiệu quả và vốn dĩ là toàn trị và sát nhân).
Ratzinger biếm họa như kẻ thù của Công đồng Vatican II. Ratzinger mà tôi biết, ở độ tuổi ngoài 30, là một trong ba nhà thần học có ảnh hưởng và hữu hiệu nhất tại Vatican II – người, trong tư cách bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã làm việc cùng với Đức Gioan Phaolô II để đem lại một lối giải thích có thẩm quyền cho Công đồng, một lối giải thích được ngài thâm hậu hóa hơn nữa trong triều giáo hoàng của chính ngài.
Ratzinger biếm họa là một ẩn sĩ phụng vụ quyết tâm quay ngược đồng hồ cuộc cải cách phụng vụ. Ratzinger mà tôi biết đã chịu ảnh hưởng sâu xa, cả về linh đạo lẫn thần học, bởi phong trào phụng vụ thế kỷ 20. Ratzinger đã trở thành một vị giáo hoàng hào phóng hơn nhiều trong việc chấp nhận đa nguyên phụng vụ hợp pháp so với vị giáo hoàng kế nhiệm ngài, bởi vì Đức Bênêđictô XVI tin rằng, từ một đa nguyên quan trọng như vậy, các mục tiêu cao cả của phong trào phụng vụ từng đào tạo ra ngài cuối cùng sẽ được thực hiện trong một Giáo hội được sự cung kính tôn thờ lên sức lực cho sứ mệnh và sự phục vụ của mình.
Ratzinger biếm họa là câu chuyện của ngày hôm qua, một trí thức hoài cổ mà sách vở sẽ sớm phủ bụi và vỡ vụn, không để lại dấu ấn gì đối với Giáo hội hay văn hóa thế giới. Ratzinger mà tôi biết là một trong số ít các tác giả đương thời có thể chắc chắn rằng sách của ngài sẽ được đọc trong nhiều thế kỷ kể từ bây giờ. Tôi cũng ngờ rằng một số bài giảng của vị giáo hoàng giảng thuyết vĩ đại nhất kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả cuối cùng sẽ được đưa vào kinh nguyện chính thức hàng ngày của Giáo hội, Giờ kinh Phụng vụ.
Ratzinger biếm họa khao khát quyền lực. Ratzinger mà tôi biết đã ba lần cố gắng từ chức trong Giáo triều, không có ước muốn làm giáo hoàng, đã nói với các Giáo phẩm đồng nghiệp vào năm 2005 rằng ngài “không phải là governo [nhà cai trị] và chỉ chấp nhận cuộc bầu cử giáo hoàng vào năm 2005 vì vâng phục những gì ngài coi là thánh ý Thiên Chúa, biểu lộ qua lá phiếu áp đảo của các Hồng Y anh em của ngài.
Ratzinger biếm họa thờ ơ với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Ratzinger mà tôi biết cũng như bất cứ ai, trong tư cách Hồng Y trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin và sau đó là giáo hoàng, đã làm để tẩy sạch Giáo hội khỏi những gì mà ngài mô tả một cách tàn bạo và chính xác là “rác rưởi ô uế”.
Chìa khóa của Joseph Ratzinger đích thực, và của sự vĩ đại của ngài, là tình yêu sâu đậm của ngài dành cho Chúa Giêsu – một tình yêu được tinh luyện bởi một trí thông minh thần học và chú giải phi thường, được thể hiện trong bộ ba tác phẩm của ngài, Chúa Giêsu thành Nadarét, mà ngài coi là đá chốt vòm của dự án học thuật suốt đời của mình. Trong những cuốn sách đó, hơn sáu thập kỷ học hỏi đã được chắt lọc thành một câu chuyện mà ngài hy vọng sẽ giúp những người khác đến và yêu mến Chúa Giêsu như ngài đã yêu mến, vì như ngài nhấn mạnh trong rất nhiều biến thể về một chủ đề lớn, “tình bạn với Chúa Giêsu Kitô” là sự khởi đầu, điều kiện thiết yếu, của đời sống Kitô hữu. Và nuôi dưỡng tình bạn đó là toàn bộ mục đích của Giáo hội.
Nhân vật vĩ đại cuối cùng của Công Giáo thế kỷ 20 đã về với Chúa, Đấng sẽ không ngừng ban thưởng cho người đầy tớ tốt của Người.