Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Tôi mới tham dự một Thánh Lễ. Trong bài giảng (vốn tập trung vào đức tin của chúng ta là người Công Giáo), vị linh mục sử dụng tiếng thô tục không chỉ một lần ( “… Đồ chết tiệt!”, trích dẫn từ Flannery O’Connor) nhưng hai lần (lần này là một lời có tính riêng tư hơn: “Chúng ta là đồ ngốc khốn kiếp!”). Tôi phải nói rằng, điều này làm cho tôi rất khó chịu cho suốt buổi lễ, và tôi vẫn còn thấy bực bội vào cuối ngày trong giờ kinh tối. Tôi cố gắng hết sức để không nói lời thô tục – việc kiềm chế này đang trở thành ngày càng khó hơn trong xã hội chúng ta đang sống. Thưa cha, có trường hợp nào mà lời thô tục là được chấp nhận không? – D. B., Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ.
Đáp: Bạn ạ, ở đây chúng ta đứng trong lĩnh vực ý kiến cá nhân hơn là bất kỳ quy tắc chặt chẽ nào.
Trước hết, thật là cần thiết để nhìn nhận rằng khái niệm thô tục, ít nhất liên quan đến một số từ ngữ, phụ thuộc vào thói quen của địa phương. Một số từ ngữ bị xem là thô tục trong một bối cảnh này, nhưng lại có thể được dùng một cách đơn giản trong một bối cảnh khác.
Do đó, một linh mục nên chú ý tới sự nhạy cảm của địa phương, và tránh sử dụng ngôn từ, ngay cả trong các trích dẫn, vốn có thể gây khó chịu nhiều cho một số người nghe. Đồng thời, nếu một linh mục từ nơi khác đến sử dụng một từ ngữ, vốn làm cho người nghe nhíu mày hoặc há hốc mồm, thì ngài cần được thông cảm vì không biết một số điều tinh tế trong ngôn ngữ địa phương.
Điều này là cần hơn nữa khi người ta đi từ nước này đến nước khác, hoặc thậm chí thay đổi ngôn ngữ nói khác. Đã hơn một lần tôi có kinh nghiệm khi các giáo sĩ từ nơi khác đến đã vô tình làm cho thính giả phải cười khúc khích, khi ngài dùng từ ngữ hai nghĩa, vốn trong khi đó là hoàn toàn ngây thơ trong ngôn ngữ bản xứ của ngài.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề khác cho vị giảng thuyết khi cố ý nói lời thô tục trong bài giảng. Đây là điều mà tôi tin rằng là cần phải tránh hết sức. Mặc dù tôi không nghĩ rằng vấn đề này là rất phổ biến, mà thực sự có thể là hoàn toàn ngược lại, tôi sẽ cố gắng nêu ra vài lý do có liên quan.
Trước tiên, trong hành động hy tế, vị linh mục đại diện cho Chúa Kitô trong bài giảng của mình, nên ngài cần tránh các từ ngữ xem ra là không xứng đáng với Chúa. Đúng là Chúa chúng ta đôi khi thốt ra vài lời đầy màu sắc và mạnh mẽ, để lay động sự tự mãn của các kẻ phản đối sứ điệp của Chúa. Nhưng chúng ta không tìm thấy trong đó bất cứ lời nào thô lỗ hay không xứng hợp.
Thứ đến, mục đích của bài giảng là truyền thông sứ điệp của Chúa Kitô cho các tín hữu. Do đó, linh mục cần phải cố gắng tạo ra sự truyền thông tốt nhất, và tránh bất cứ lời nào có thể gây ra sự cản trở cho việc các tín hữu chấp nhận và thẩm thấu sứ điệp ấy vào đời sống của họ.
Cuối cùng, cộng đồng giáo xứ gồm các tín hữu đủ lứa tuổi, và linh mục phải là một gương mẫu cho họ. Thật là quá đáng tiếc, nếu các bậc cha mẹ không cho con cái xem phim ảnh mà không có họ hướng dẫn, trong khi họ lại nghe các lời thô tục trong bài giảng lễ.
Trong Tông huấn “Evangelii Gaudium” của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô không giải quyết chủ đề đặc biệt này. Tuy nhiên, tôi tin rằng các nguyên tắc, mà Ngài nêu ra về bài giảng, cho thấy rằng tông huấn là một sứ điệp tích cực, và rằng nó sẽ loại trừ bất kỳ sự sử dụng cố ý nào về những gì có thể làm cho một số tín hữu xa lánh bài giảng thiêng liêng.
Chẳng hạn, Ngài nói :
“135. Bây giờ chúng ta nhìn vào việc giảng trong phụng vụ mà các mục tử cần phải xem xét nghiêm túc. Tôi sẽ bàn một cách đặc biệt, và thậm chí hơi tỉ mỉ, về bài giảng và sự chuẩn bị bài giảng, vì có quá nhiều mối quan tâm đã được bày tỏ về tác vụ quan trọng này và chúng ta không thể làm ngơ. Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng. Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp
gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên”.
“137 […] Bài giảng có tầm quan trọng đặc biệt vì bối cảnh Thánh Thể của nó: nó vượt quá mọi hình thức huấn giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích. Bài giảng một lần nữa tiếp nối cuộc đối thoại mà Chúa đã thiết lập với dân Người. Người giảng thuyết phải biết lòng cộng đoàn của mình, để biết chỗ nào ước muốn của nó về Thiên Chúa đang sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại ấy trước kia rất thân thương nay đã bị thui chột và cằn cỗi”.
“139. Chúng ta đã nói rằng, nhờ Chúa Thánh Thần liên tục hoạt động trong tâm hồn, dân Chúa không ngừng tự phúc âm hoá chính mình. Nguyên tắc này có hệ luỵ gì đối với các giảng viên? Nó nhắc nhớ chúng ta rằng Hội Thánh là một người mẹ, và Hội Thánh giảng giống như cách một người mẹ nói chuyện với con, bà biết con tin rằng mẹ dạy gì cũng là vì lợi ích của nó, vì con cái biết rằng chúng được yêu. Hơn nữa, một người mẹ tốt có thể nhận ra mọi sự mà Thiên Chúa đang làm nơi con của bà, nên bà lắng nghe các mối quan tâm của chúng và học hỏi từ chúng. Tình yêu thương ngự trị trong gia đình hướng dẫn mẹ và con trong câu truyện; khi trò chuyện, mẹ và con cùng dạy và học, trải nghiệm sự sửa sai và tăng trưởng trong cách đánh giá điều gì là
tốt. Một điều tương tự cũng xảy ra trong bài giảng. Cùng một Thần Khí gợi hứng cho các sách Tin Mừng và hành động trong Hội Thánh cũng chính là Thần Khí soi sáng cho giảng viên để nghe đức tin của dân Chúa và tìm cách thích hợp để giảng vào mỗi Thánh Lễ. Bài giảng Kitô giáo vì thế tìm được nơi con tim của dân chúng và nền văn hoá của họ một nguồn nước sự sống, gúp giảng viên biét phải nói gì và nói thế nào. Như tất cả chúng ta đều thích được người khác nói với mình bằng tiếng mẹ đẻ của mình, thì cũng vậy, trong đức tin, chúng ta thích được người khác nói với mình bằng “văn hoá mẹ” của chúng ta”, bằng tiếng bản xứ của chúng ta (xem 2 Mcb 7, 21. 27), và quả tim chúng ta sẵn sàng nghe hơn. Ngôn ngữ này là một thứ âm nhạc khêu gợi sự khích lệ, sức mạnh và niềm phấn khởi”.
“140. Khung cảnh này, vừa từ mẫu vừa Hội thánh, trong đó diễn ra cuộc đối thoại giữa Chúa và dân của Người, phải được khuyến khích bởi sự gần gũi của giảng viên, sự ấm áp của âm giọng, sự đơn sơ không phô trương trong cách nói, và sự vui vẻ trong các điệu bộ của giảng viên. Cho dù bài giảng đôi khi có thể có phần tẻ nhạt, nhưng nếu có tinh thần từ mẫu và hội thánh, nó sẽ luôn luôn hiệu quả, giống như những lời khuyên bảo nhàm chán của một người mẹ, khi đến lúc, cũng sinh hoa kết quả trong lòng các con của bà” (Bản dịch tiếng Việt của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Sau đó, Ngài đưa ra một số lời khuyên thiết thực để giúp các linh mục chuẩn bị bài giảng, trong đó có việc cần dành một lượng thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ (số 145), và kính trọng sự thật bằng cách cố gắng hiểu đúng ý nghĩa sứ điệp trọng tâm của một bản văn (số 146-148).
Cuối cùng Ngài nhắc nhở các linh mục rằng “người giảng thuyết cũng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì. Người giảng thuyết phải nhìn xem thế giới, nhưng cũng phải nhìn xem người dân” (số 154) (Bản dịch, như trên).
Nếu linh mục chúng ta suy nghĩ nhiều về tông huấn của Đức Thánh Cha, chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao chất lượng bài giảng của mình, và tỏa lan niềm vui của Tin Mừng cho các tín hữu. (Zenit.org 18-2-2014)
Nguyễn Trọng Đa