Giải đáp phụng vụ: Người đã ly dị tái hôn được rước lễ theo quyền “tòa trong” không?

Nghe bài này

lydi
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong cuộc thảo luận gần đây tại một cuộc họp của giáo hạt, một linh mục tiết lộ rằng ngài đã cho rước lễ các người ly dị tái hôn theo luật đời, mà không có sắc lệnh tiêu hôn, dựa theo quyền của “tòa trong”, bất kể hoạt động vợ chồng của họ là như thế nào. Trong ánh sáng số 1650 của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (CCC), linh mục này đang nói về điều gì vậy? Có điều gì tôi chưa hiểu chăng? Xin cha nói rõ về vấn đề này. – G. S., Florida, Mỹ.

Đáp: Số 1650 của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói như sau :

“Nhiều người Công Giáo, ở một số quốc gia, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Giáo Hội trung thành với lời của Ðức Kitô: “Ai bỏ vợ và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình; ai bỏ chồng để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình” (x. Mc 10, 11-12). Nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự, Giáo Hội không thể công nhận liên kết mới là thành sự. Nếu những người đã ly dị, tái hôn theo luật đời, họ rơi vào tình trạng khách quan đi ngược lại luật Thiên Chúa. Vì thế, bao lâu còn sống trong tình trạng này, họ không được rước lễ. Cũng vậy, họ không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Giáo Hội. Chỉ những người hối hận vì mình đã vi phạm đến dấu chỉ giao ước và sự trung thành với Ðức Kitô, và cam kết sống tiết dục trọn vẹn, mới được giao hòa nhờ bí tích Thống Hối” (Bản dịch tiếng Việt của Ban Giáo lý Tổng giáo phận Sài Gòn)

Số này phải được bổ túc bởi số sau đây:

“1651. Ðối với những tín hữu đang sống trong hoàn cảnh như vậy, vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái theo tinh thần Công Giáo, linh mục và cộng đoàn phải có thái độ ân cần đặc biệt, để họ đừng coi như bị tách lìa khỏi Giáo Hội và nếp sống tín hữu mà họ có thể và phải giữ vì đã được rửa tội:

“Họ được mời gọi nghe Lời Chúa, tham dự hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và các sáng kiến của cộng đoàn để phục vụ công lý, giáo dục con cái trong đức tin Công Giáo, vun trồng tinh thần sám hối và làm các việc đền tội, để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ân sủng Thiên Chúa (x. Tông Huấn Gia Ðình 84)” (bản dịch như trên).

Sách Giáo Lý tóm tắt giáo lý lâu đời của Giáo Hội, nhưng cũng quan tâm đến nhiều cuộc tranh luận trong vài thập kỷ qua.

Trong thực tế, mỗi mục tử phải xử lý vấn đề của một số người, vì họ đi vào quan hệ hôn nhân ổn định mới trong khi cuộc hôn nhân phép đạo trước đó vẫn còn tồn tại. Thường hôn nhân thứ hai kéo dài lâu hơn hôn nhân thứ nhất và có con cái. Đối với nhiều tín hữu, việc không được rước lễ là nỗi đau của họ.

Các tình huống khó khăn như vậy khiến một số Giám mục và thần học gia đề nghị giải pháp “tòa trong” hoặc “lương tâm tốt” cho một số trường hợp đặc biệt của các các cặp vợ chồng ly dị tái hôn.

Các tác giả của lý thuyết này khác xa nhau về định nghĩa và sự áp dụng giải pháp đề xuất. Nói tóm lại, đây là một sự đáp trả mục vụ của một người, với sự giúp đỡ của một linh mục, mà trong đó con người xác tín vào việc nhận thức về sự vô hiệu của một cuộc hôn nhân trước, mặc dù một quyết định pháp lý bề ngoài liên quan đến sự hợp lệ này không thể được giải quyết. Vì thế, xác tín ấy sẽ cho phép quay trở lại với các bí tích.

Tuy nhiên, các ý kiến là khá đa dạng về cách thức áp dụng giải pháp đề xuất này. Một số tác giả nhấn mạnh rằng giải pháp này không được ban bởi một linh mục, nhưng chỉ hành động theo sự hướng dẫn của ngài. Các tác giả khác nói một cách rõ ràng rằng đó là quyền quyết định của một linh mục, mà không cần nại đến tòa án.

Tương tự như vậy, một số vị khác lại cho rằng trước khi sử dụng quyền “tòa trong”, đương sự phải cố gắng chạy đến với tòa ngoài (tòa án hôn phối), nhưng không có vấn đề gì đang xảy ra do thủ tục hoặc khó khăn khác. Một vài vị khác lại cho rằng có những trường hợp mà đương sự có thể quyết định ngay, mà không cần liên hệ với tòa án, nếu có lý do chính đáng để không làm như vậy.

Các tác giả ủng hộ “giải pháp tòa trong”, cũng nhìn nhận rằng giải pháp chỉ nên được giới hạn cho một số cặp vợ chồng đã ly dị và tái hôn mà thôi, và không phải là một sự kiểm tra trắng để cho phép nhận lãnh trở lại các bí tích.

Trong số các điều kiện được các tác giả này nêu ra, có: họ có thể nhận các bí tích mà không gây vấp phạm trong cộng đồng; họ hứa hợp thức hóa hôn nhân sau khi người phối ngẫu cũ qua đời; họ chứng tỏ sự ổn định lầu bền trong hôn nhân thứ hai; và họ hiểu rằng việc họ được trở lại với các bí tích không hàm ý có sự thay đổi trong giáo lý Công Giáo, về sự bất khả phân ly của hôn nhân, và cũng không cấu thành một quyết định chính thức liên quan đến việc vô hiệu hoá của cuộc hôn nhân trước.

Chúng tôi đã phải đơn giản hóa lập luận của các tác giả này, nhưng hy vọng rằng chúng tôi đã không diễn dịch chúng một cách sai lạc.

Đồng thời, chúng tôi phải nhấn mạnh rằng đây chỉ là các ý kiến, và không đại diện cho giáo lý Công Giáo về tòa trong.

Giáo huấn chính thức của Giáo Hội về chủ đề này được chứa trong một số văn bản. Chúng tôi nói đến văn bản quan trọng nhất cho lập luận của mình.

Ngày 11-4-1973: Đức Hồng Y Franjo Seper, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF), đã viết thư cho Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Mỹ, nói về “các ý kiến mới, vốn phủ nhận hoặc cố gắng ngờ vực giáo lý của Huấn Quyền Giáo Hội về sự bất khả phân ly của hôn nhân”. Ngài kết luận với các chỉ dẫn thiết thực sau đây:

“Về việc lãnh nhận các Bí tích, các Đấng Bản Quyền được yêu cầu, một đàng nhấn mạnh việc chấp hành kỷ luật hiện hành và, đàng khác chăm lo cho các mục tử để các ngài quan tâm đặc biệt đến sự tìm kiếm các người đang sống trong một hôn nhân bất thường, bằng cách áp dụng cho các trường hợp này, ngoài các phương cách chính đáng khác, sự thực hành đã được Giáo Hội chấp thuận ở tòa trong (probatam Ecclesiae praxim in foro interno)”.

Một số Giám mục đã yêu cầu giải thích rõ ràng thế nào là sự thực hành đã được Giáo Hội chấp thuận ở tòa trong. Ngày 21-3-1975, Đức Tổng Giám Mục Jean Hamer, thư ký Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã trả lời:

“Tôi muốn nói rằng cụm từ này [probata praxis Ecclesiae] phải được hiểu trong bối cảnh của thần học luân lý truyền thống. Các cặp vợ chồng [người Công Giáo sống trong hôn nhân bất thường] có thể được phép nhận lãnh các bí tích với hai điều kiện: họ cố gắng sống theo các đòi hỏi của nguyên tắc luân lý Kitô giáo, và họ nhận lãnh các bí tích trong các nhà thờ, mà ở đó không ai biết họ để họ không gây ra cớ vấp phạm nào”.

Các văn bản này, cộng với Tông huấn “Familiaris Consortio” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tạo nên cơ sở của giáo lý được tìm thấy trong Sách Giáo Lý.

Năm 1994, hai năm sau khi ban hành Sách Giáo Lý, để đáp ứng với một vài gợi ý rằng có thể có một số trường hợp ngoại lệ mục vụ cho giáo lý này, và các điều khoản của Giáo luật trong các trường hợp đặc biệt, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã viết thư cho các Giám mục trên thế giới “Về việc Rước lễ của các tín hữu Công Giáo đã ly dị và tái hôn”.

Tài liệu này khẳng định lại lập trường của tông huấn “Familiaris Consortio” và Sách Giáo lý (bao gồm cả hai lý do được nêu ra ở trên), khi nói thêm: “Cấu trúc của tông huấn và cung giọng của các từ ngữ trong đó giúp hiểu rõ ràng sự thực hành ấy, vốn được trình bày như là ràng buộc, không thể được sửa đổi do các tình huống khác nhau”.

Giáo lý cơ bản này đã được khẳng định một lần nữa trong Tông huấn năm 2007 “Sacramentum Caritatis “: “Thượng Hội Đồng Giám Mục căn cứ vào Thánh Kinh (x. Mc 10,2-12) xác định thực hành của Giáo Hội, không thể cho những người đã ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích, chỉ vì tình trạng và điều kiện của họ nghịch lại cách khách quan sự liên hệ tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội, điều được biểu lộ và hiện thực trong Bí tích Thánh Thể” (Bản dịch tiếng Việt của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Như vậy, rõ ràng là Tòa Thánh đã loại trừ khả năng của “giải pháp tòa trong” như là một cách hợp lệ để giải quyết các vấn đề về tính hợp lệ của hôn nhân. Việc kết hôn là một hành động công khai, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt xã hội, và do đó các câu hỏi về tính hợp lệ của nó chỉ có thể được giải quyết ở tòa ngoài. Việc cho phép lãnh nhận các Bí tích chỉ có thể xảy ra trong các trường hợp được nêu ra trong Sách Giáo Lý.

Tuy nhiên, tất cả các vị Giáo hoàng gần đây đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau đớn của các cặp vợ chồng đang ở trong tình trạng này. Trong các tháng đầu tiên của triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi nghiên cứu thêm điều khó khăn này. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đề cập đến chủ đề, và đã kêu gọi các Giám mục đề xuất các sáng kiến có thể sẽ giúp Giáo Hội cho phép các thành viên ấy dự phần vào Thân mình Chúa Kitô một cách tốt hơn.

Tuy nhiên, như một Hồng Y nổi tiếng đã ghi nhận về chủ đề này: “Đen không thể trở thành trắng được”. Không giải pháp mục vụ nào có thể thay đổi Tin Mừng hoặc giáo huấn đã được thiết lập của Giáo Hội về sự bất khả phân ly của hôn nhân.

Hoạt động mục vụ quan trọng nhất mà Giáo Hội có thể và nên làm, là cổ vũ việc huấn luyện Kitô giáo cho các bạn trẻ Công Giáo, để họ đi vào hôn nhân với ý định hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa, trong việc đưa ra một cam kết suốt đời cho chính họ. Nói cách khác, giải pháp lâu dài tốt nhất cho việc ly dị và tái hôn là phải tránh ly dị trước tiên.

Đồng thời, thật là ngây thơ khi nghĩ rằng một số cuộc hôn nhân sẽ không thất bại, hoặc sẽ không có việc kết hôn không hợp lệ. Đây là một hệ quả tất yếu của sự yếu đuối con người và sự tự do của con người. Tương tự như vậy, hiện nay có một số lượng lớn người Công Giáo ở trong các giải pháp bất thường, họ có nhu cầu mục vụ cụ thể, và Giáo Hội được thúc đẩy tìm cách giúp đỡ họ, trong khi vẫn tôn trọng giáo huấn của Chúa Kitô về sự thánh thiện của hôn nhân .

Đây có lẽ sẽ là tinh thần, mà với nó Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám mục sẽ tìm hiểu bất cứ con đường nào và sáng kiến nào thích hợp, để mang lại ánh sáng của Chúa Kitô cho tất cả các thành viên của Giáo Hội Công Giáo. (Zenit.org 11-2-2014)

Nguyễn Trọng Đa

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS