Sorting by

×

Giám mục Richard Williamson đã qua đời, để lại di sản gây tranh cãi

Nghe bài này

Cựu giám mục SSPX Richard Williamson đã qua đời đêm 30 Tháng Giêng, sau khi vào bệnh viện vào đầu tuần này trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó có thông tin cho biết Đức Cha Williamson đã được đưa vào bệnh viện ở Margate, đông nam nước Anh và đã được nhận các bí tích sau khi được cho là bị xuất huyết não. Catholic Herald đã thông báo rằng ngài đã qua đời vào đêm 30 Tháng Giêng, lúc 11.23 tối. Ngài hưởng thọ 84 tuổi.

“Ngài được bao quanh bởi các giáo sĩ và tín hữu, những người đã canh thức cùng ngài trong suốt hành trình cuối cùng của ngài”, một email từ văn phòng giám mục cho biết. “Họ đã cầu nguyện cho đến phút cuối cùng”.

Email nói thêm: “Hàng ngàn người trên khắp thế giới đã cầu nguyện cho ngài. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời chia buồn.”

Williamson, được thụ phong linh mục vào năm 1976, là một nhân vật gây tranh cãi trong Giáo hội và đã bị khai trừ nhiều lần, khiến ngài trở thành một trong những giáo sĩ nổi loạn nhất trong lịch sử gần đây của Giáo hội.

Ngài đã tấn phong một số người lên làm giám mục mà không có sự chấp thuận của Vatican, để lại một dòng dõi giám mục bất hợp pháp.

Vị giám mục phản bội này là một trong bốn người được tấn phong làm giám mục cho Huynh Đoàn Thánh Piô X, gọi tắt là SSPX bởi Tổng giám mục Marcel Lefebvre tại Écône, Thụy Sĩ, mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Được biết đến với quan điểm gây tranh cãi, Williamson cho rằng phụ nữ không nên theo đuổi sự nghiệp hoặc học đại học và tuyên truyền các thuyết âm mưu, bao gồm cả tuyên bố rằng vụ tấn công ngày 11 tháng 9 và vụ đánh bom Luân Đôn năm 2005 là do chính phủ Hoa Kỳ và Anh dàn dựng.

Williamson, một người Anh và ban đầu là một người Anh giáo, đã theo học tại Cao đẳng Winchester và sau đó là Đại học Cambridge. Ông được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo vào năm 1971 và sau khi nhận định ơn gọi của mình tại Brompton Oratory, Luân Đôn, ông đã vào Chủng viện Quốc tế Saint Pius X tại Écône, Thụy Sĩ.

Hội Thánh Piô X – được thành lập bởi Tổng Giám mục Lefebvre, người vào thời điểm đó đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội – đã phản đối các cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II.

Đến năm 1988, căng thẳng giữa Hội và Rôma đã lên đến đỉnh điểm. Tổng giám mục Lefebvre từ lâu đã bất đồng quan điểm với Tòa thánh, phải đối mặt với lệnh đình chỉ a divinis vì đã phong chức linh mục mà không được chấp thuận và phản đối Nghi lễ mới của các bí tích.

Lệnh đình chỉ a divinis là sự đình chỉ “cấm thực hiện mọi hành vi thuộc quyền hạn của chức thánh mà một người có được thông qua chức thánh hoặc đặc ân”.

Mặc dù đang có cuộc đối thoại với Hồng Y Ratzinger, người tìm cách hợp thức hóa SSPX, hành vi thất thường của Lefebvre và sự phản đối kiên quyết của Lefebvre đối với các cải cách của Vatican II cuối cùng đã làm chệch hướng thỏa thuận của họ. Năm đó, Lefebvre đã tấn phong Williamson và ba người khác làm giám mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dẫn đến việc Lefebvre, Williamson và ba giám mục khác bị vạ tuyệt thông ngay lập tức.

Vào năm 2009, cùng thời điểm Vatican xóa bỏ lệnh tuyệt thông tự động đối với các giám mục, Williamson đã trở thành tiêu điểm chú ý khi tuyên bố trên truyền hình Thụy Điển: “Tôi tin rằng bằng chứng lịch sử chống lại mạnh mẽ, cực kỳ chống lại việc sáu triệu người Do Thái bị đầu độc bằng khí độc một cách có chủ đích trong các phòng hơi ngạt như một chính sách có chủ đích của Adolf Hitler.”

Sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, ông đã nhanh chóng bị cách chức khỏi vị trí nhà lãnh đạo chủng viện SSPX tại Á Căn Đình.

Ở Đức, nơi cuộc phỏng vấn được ghi lại vào năm 2008, phủ nhận Holocaust là một tội hình sự. Do đó, vào năm 2010, Williamson đã bị kết án vì tội kích động thù hận.

Sau đó, ông đã thua đơn kháng cáo bản án bị Tòa án Nhân quyền Âu Châu bác bỏ vào năm 2019.

Luật sư của Williamson lập luận rằng ông không nên bị kết án vì cuộc phỏng vấn chỉ được phát sóng ở Thụy Điển, nơi không có luật phủ nhận Holocaust.

Nhưng ECHR có trụ sở tại Strasbourg đã kết luận rằng Williamson biết rằng ông ta đã vi phạm luật pháp Đức vào thời điểm đó và không cố gắng giới hạn cuộc phỏng vấn chỉ trên sóng phát thanh Thụy Điển. Ban đầu, ông ta bị kết án phạt 12.000 euro, giảm xuống còn 1.500 euro khi kháng cáo.

Mối quan hệ của Williamson với SSPX cuối cùng trở nên ngày càng căng thẳng. Vào tháng 8 năm 2012, ông đã tiến hành ban phép Thêm Sức trái phép tại Brazil, khiến ban lãnh đạo SSPX chỉ trích vì hành vi bất tuân.

Đến tháng 10 năm 2012, sau khi từ chối nộp và công bố một bức thư ngỏ phản đối Bề trên Tổng quyền, ông đã bị trục xuất khỏi Hội vì từ chối “thể hiện sự tôn trọng và vâng lời xứng đáng với bề trên hợp pháp của mình”.

Đặng Tự Do

BÀI ĐỌC HẰNG NGÀY

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS