Giáo dân kiện Giáo Hội đòi bãi bỏ luật xưng tội một năm ít là một lần

Nghe bài này

Tòa án cấp cao nhất của Ấn Độ đã đồng ý xem xét yêu cầu bãi bỏ luật buộc xưng thú tội lỗi một năm ít là một lần với một linh mục trong Giáo Hội Chính thống Syria Malankara sau khi có khiếu nại rằng luật này vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Theo UCANews, hôm 14 tháng 12, Tòa án Tối cao Ấn Độ cho rằng họ đã hỏi ý kiến về đơn kiện này với các nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Ấn Độ, có trụ sở tại bang Kerala, ở miền nam nước này. Tòa án cũng hỏi ý kiến chính phủ liên bang, và những người khác nữa, với lý do đơn kiện ra tòa này là vì lợi ích công cộng. Kiện tụng vì lợi ích công cộng, tiếng Anh gọi là public interest litigation, theo luật pháp Ấn Độ, có nghĩa là nguyên đơn không phải là người bị hại, không bị mất quyền lợi cụ thể nào nhưng kiện khơi khơi vậy thôi vì nghĩ rằng nó đem lại lợi ích công cộng.

Những người khởi kiện là ba kẻ đại nghịch bất đạo Mathew Mathachan, PJ Shaji và CV Jose, tất cả đều là các giáo dân của Giáo Hội Chính thống. Họ muốn tòa án ra lệnh cho Giáo Hội của họ phải bãi bỏ luật có từ ngàn xưa là xưng tội một năm ít là một lần, vì cho rằng nó vi phạm quyền riêng tư và nhân phẩm.

Đơn khởi kiện cáo buộc rằng việc bắt buộc các thành viên phải xưng tội một năm ít nhất một lần “là một sự xâm phạm nghiêm trọng vào quyền tư ẩn của cá nhân.”

Giáo Hội Chính thống Syria Malankara thường được gọi tắt là Giáo Hội Chính Thống Ấn Độ được Thánh Tôma Tông Đồ thành lập từ thế kỷ thứ nhất khi ngài truyền giáo tại Ấn Độ. Họ tách khỏi tình hiệp thông với Giáo Hội Tây phương từ năm 451 sau Công Đồng Chalcedon.

Những cố gắng của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha nhằm đưa Giáo Hội này quay lại trong tình hiệp thông với Rôma đã hình thành nên Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, từ trong lòng Giáo Hội Chính Thống Ấn Độ. Những ai không muốn hiệp thông với Tòa Thánh tiếp tục ở lại trong Giáo Hội Chính Thống Ấn.

Ngày nay, tại Ấn Độ, Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar có đông tín hữu nhất với gần 2.4 triệu tín hữu, kế đến là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh với gần 1 triệu tín hữu, và sau cùng là Giáo Hội Chính thống Syria Malankara với gần nửa triệu tín hữu.

Giáo Hội Chính thống Syria Malankara đã trải qua một tai tiếng trầm trọng vào tháng 6 năm 2018, khi các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải huyền chức năm linh mục của mình sau các cáo buộc rằng họ lạm dụng tình dục một bà mẹ hai con bằng cách đe dọa sẽ tiết lộ cho người chồng của nạn nhân tội ngoại tình mà cô đã xưng trong tòa giải tội.

Sau khi vụ việc được tiết lộ, Ủy ban phụ nữ quốc gia của Ấn Độ, đã kêu gọi một lệnh cấm các linh mục, dù là Chính Thống Giáo hay Công Giáo, cũng không được phép giải tội cho phụ nữ.

Trong một bản tuyên bố hôm 27 tháng 7, 2018, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn nhận định rằng đòi hỏi quái đản, xuất phát từ một vụ việc cực kỳ hiếm hoi như thế, của Ủy ban phụ nữ “thể hiện sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về bản chất, ý nghĩa, sự thánh khiết và tầm quan trọng của Bí tích này đối với người dân chúng ta”.

Các tôn giáo không phải là Ấn Giáo đã chịu đủ các hình thức bách hại từ ngày 16 tháng Năm 2014, khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng cho đến nay.

Sau khi đã thất bại hồi năm 2018 trong việc cấm các linh mục không được giải tội cho nữ giới, chiêu thức kiện ra tòa này là một mưu toan mới. Lần này, họ đòi cấm luôn cả việc giải tội cho nam giới. Trong đơn kiện, 3 kẻ đại nghịch bất đạo này nói rằng các linh mục có thể dùng những lời xưng tội để uy hiếp và làm tiền những người chồng xưng tội ngoại tình, mặc dù họ không trưng ra được bằng chứng nào.

Một hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán, do Chánh án Tòa Án Tối Cao Ấn Độ Sharad Arvind Bobde đứng đầu, đã đồng ý thụ lý vụ kiện. Hội đồng xét xử nói họ đã nghe ý kiến của tất cả các bên tham gia.

Tuy nhiên, hôm 15 tháng 12, cha Johns Abraham Konatt, phát ngôn viên của Giáo Hội Chính thống Ấn Độ cho UCANews biết vẫn chưa nhận được thông tin nào từ tòa án.

Nhược điểm lớn nhất của Giáo Hội Chính thống Ấn Độ trong vụ này là họ không có luật bảo vệ ấn tín bí tích giải tội. Bên cạnh đó còn có một thực hành khác có thể gây ra rắc rối là mỗi khi một hối nhân xưng tội thì linh mục phải ghi lại tên người ấy. Những ai không có tên trong sổ giải tội trong một năm có thể bị trục xuất khỏi Hội Thánh.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị những người theo chủ nghĩa dân tộc coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS