Tin tức trên được đưa ra vào cuối Thượng Hội đồng của các Giám mục thuộc nghi lễ Melkite, được tổ chức tại Raboueh, Libăng, từ ngày 19 đến 24/6/2023.
“Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Melkite: hành trình đại kết 1724-2024”
Chương trình kỷ niệm sẽ có chủ đề chung là “Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Melkite: hành trình đại kết 1724-2024”, và sẽ bao gồm các cử hành phụng vụ, hội nghị nghiên cứu, ấn phẩm và đào sâu về bản chất lịch sử, thần học và đại kết, triển lãm về di sản tâm linh và nghệ thuật được bảo vệ bởi các cộng đồng Melkite ở Trung Đông.
Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Melkite
Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Melkite ra đời vào năm 1724 theo sáng kiến của Đức Seraphim Tanas, được bầu làm Thượng phụ Antiokia vào năm đó với tên gọi là Kyrillos VI: cuộc bầu cử bị tranh chấp bởi Đức Thượng phụ của Constantinople, người đã rút phép thông công Đức Seraphim Tanas, áp đặt một Thượng phụ khác, Silvestro của Aleppo, trên ngai Antiokia. Đức Kyrillos sau đó phải chạy trốn sang Libăng để tránh bị lính canh của Sultan bắt giữ.
Chỉ đến ngày 8/7/1729, qua một sắc lệnh do Bộ Truyền giáo lúc bấy giờ công bố, Toà Thánh mới chấp thuận cuộc bầu cử “hợp lệ và tự do” của Đức Kyrillos VI, và do đó ngài trở thành Thượng phụ đầu tiên của Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Melkite.
Tín hữu Melkite theo nghi lễ Byzantine do Thánh Gioan Kim Khẩu sắp xếp và hệ thống hóa, đồng thời sử dụng tiếng Ả Rập, ngoài tiếng Hy Lạp, làm ngôn ngữ phụng vụ.
Tòa Thượng phụ Công giáo-Hy Lạp Melkite mở rộng quyền tài phán của mình đối với tất cả những người Công giáo theo nghi lễ Byzantine cư trú trên lãnh thổ của các tòa thượng phụ cổ xưa ở Antiokia, Giêrusalem và Alexandria ở Ai Cập, và đối với các cộng đồng được thành lập ở hải ngoại.
Hiện nay Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Melkite có khoảng 1 triệu 700 ngàn tín hữu.
Hồng Thủy – Vatican News