Giáo hội Mexico đẩy mạnh việc dịch Kinh Thánh sang các tiếng bản địa

Nghe bài này

Trong tháng 9, tháng Giáo hội Công giáo đặc biệt dành để cổ võ việc học hỏi Kinh Thánh, Giáo hội tại Mexicô, quốc gia có 69 ngôn ngữ quốc gia, gồm 68 ngôn ngữ bản địa và tiếng Tây Ban Nha, đẩy mạnh nỗ lực dịch Kinh Thánh sang một số ngôn ngữ bản địa.

Đức Hồng Y Felipe Arizmendi Esquivel, Giám mục hưu trí của San Cristóbal de las Casas ở Chiapas, đã lãnh đạo các sáng kiến của Hội đồng Giám mục Mexico nhằm mang Lời Chúa đến các cộng đồng bản địa.

Đức Hồng Y đã thông báo rằng các cuốn Kinh Thánh được dịch chính yếu thuộc các ngôn ngữ của các cộng đồng ở Los Altos de Chiapas.

Đức Hồng y cho biết, kể từ bản dịch đầu tiên vào năm 2003 sang tiếng Tseltal, một ngôn ngữ được hơn nửa triệu người sử dụng, Hội đồng Giám mục Mexico đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch hoàn chỉnh Kinh Thánh sang tiếng Tsotsil của Zinacantán và bản Tân Ước sang tiếng Tsotsil của Huixtán, vào năm 2015.

Đức Hồng y cho biết vào năm 2024 này, bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Tsotsil của San Juan Chamula, ngôn ngữ có khoảng 350.000 sử dụng, cũng đã được hoàn thành.

Bên cạnh đó, bản dịch đại kết của các sách “Đệ nhị Quy điển” cũng đã được dịch sang tiếng Ch’ol, với sự cộng tác của các Hiệp hội Kinh Thánh.

Khó khăn trong việc dịch Kinh Thánh sáng ngôn ngữ bản địa

Đức Hồng Y Arizmendi Esquivel cho biết có một số bản dịch được thực hiện bởi các linh mục địa phương và nhiều bản dịch trong số này “chưa được trình lên Hội đồng Giám mục để phê duyệt”. Ngài đưa ví dụ: tiếng Nahuatl, ngôn ngữ bản địa được nói nhiều nhất ở Mexico “với gần hai triệu người nói”, có ít nhất sáu phiên bản Kinh Thánh của Tin lành, nhưng “không có [phiên bản] Công giáo nào cả. Ngài giải thích lý do là “Trong nhiều thế kỷ, người Công giáo coi trọng việc cử hành phụng vụ hơn là quan tâm đến việc Lời Chúa tiếp cận với những ngôn ngữ bị gạt ra bên lề này”.

Theo Đức Hồng Y, một trong những thách thức quan trọng nhất trong quá trình này là “nhiều từ trong Kinh Thánh rất khó dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào”. Trong trường hợp các ngôn ngữ bản địa, điều này thậm chí còn phức tạp hơn, vì “bạn phải biết rõ về văn hóa nguyên thủy để tìm cách dịch trung thành với văn bản Kinh Thánh và văn hóa địa phương”.

Bất chấp những thách đố này, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cả các bản dịch đã được phê duyệt và các phiên bản địa phương được thực hiện bằng các ngôn ngữ khác nhau đều được những người nói những ngôn ngữ này đón nhận rất nồng nhiệt. Ngài nói thêm, họ “cảm thấy được Giáo hội công nhận và nền văn hóa của họ có giá trị”, điều này “đã giúp họ tự tin hơn vào bản thân và cảm thấy rằng Giáo hội quan tâm đến họ”.

Hồng Thủy – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS