Hiệp ước Trung Quốc-Vatican lại thất bại: lời kêu gọi từ Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc

Nghe bài này

Ngày 20 tháng 5 năm 2023, tạp chí The Catholic Herald của Anh cho đăng tải một bài viết mà tờ này cho là của “một người Công Giáo Trung Quốc, người mà vì những lý do rõ ràng, được giấu tên”. Bài viết như sau (https://catholicherald.co.uk/the-sino-vatican-pact-fails-again-an-appeal-from-the-catholic-church-in-china):

Việc thuyên chuyển Giám mục Shen Bin từ Giáo phận Hải Môn đến giáo phận Thượng Hải lân cận vào ngày 4 tháng 4 năm 2023 đánh dấu sự thất bại của thỏa thuận bí mật Trung Quốc-Vatican năm 2018. Các linh mục giáo phận ở Thượng Hải hầu hết miễn cưỡng chấp nhận Giám mục Shen Bin làm giám mục của Thượng Hải, và có vẻ như Đức Giám Mục Shen gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc cai quản của mình, chẳng hạn như thuyên chuyển các linh mục giữa các giáo xứ.

Việc bổ nhiệm đã được thực hiện mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh bởi cơ quan gọi là ‘Hội đồng Giám mục Trung Quốc’, một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, trong đó Giám mục Shen Bin là Chủ tịch. Đây là lần thứ hai Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm một giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Lần đầu tiên, bị Vatican tố cáo, là việc bổ nhiệm bất hợp pháp Giám mục John Peng Weizhao, giám mục của Giáo phận Yujiang thuộc tỉnh Giang Tây, làm Giám Mục Phụ Tá của cái gọi là ‘Giáo phận Giang Tây’. (Cùng với việc kiểm soát việc bổ nhiệm giám mục, nhà nước Trung Quốc đã tự đảm nhận tổ chức lại các giáo phận mà không cần tham khảo Tòa thánh.) Nhìn lại 5 năm kể từ khi có thỏa thuận, thật khó để nhận ra những kết quả tích cực của nó.

Cho đến năm 2018, đã có các giám mục ‘hầm trú’ công nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, và một cơ cấu song song gồm các giám mục và giáo phận, ‘Hiệp hội Công Giáo Yêu nước’, thực tế là một chi nhánh của Nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, các giám mục của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước đã được tấn phong hợp lệ và trong một số trường hợp đã tuyên bố công khai hoặc riêng tư về lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng.

Có lẽ đáng ngạc nhiên là các giám mục của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và các linh mục của họ không nhất thiết được bảo vệ khỏi sự bách hại—chẳng hạn như việc tịch thu các tòa nhà của nhà thờ, hoặc bắt giữ tùy tiện—và một số lượng lớn các giáo phận bị cố tình bỏ trống không có giám mục. Không thể có Hội đồng Giám mục chính thức nào được Vatican công nhận, vì theo định nghĩa, phải có mọi giám mục và chỉ là các giám mục hợp pháp của một quốc gia mới là thành viên của Hội đồng Giám mục.

Mặt khác, ngoại trừ thông điệp Ad Apostolorum Principis (Tại mộ Thủ Lãnh các Tông đồ) của Đức Giáo Hoàng Piô XII vào năm 1958, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước đã không bị Vatican chính thức tố cáo là một thực thể ly giáo, mà trong nhiều năm đã muốn duy trì tình trạng mơ hồ, với hy vọng rằng điều này sẽ làm cho một số mối quan hệ hợp tác trong tương lai dễ dàng hơn. Trong tình huống khó hiểu này, giáo dân Công Giáo thường cảm thấy có thể tham dự các buổi lễ được tổ chức dưới quyền của cả hai nhóm giám mục.

Thỏa thuận năm 2018 nhằm mang lại một số trật tự cho tình huống này. Đầu tiên, để bảo đảm rằng tất cả các giám mục của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước đều được tấn phong với ‘sự ủy nhiệm cần thiết của giáo hoàng’ từ Vatican. Thứ hai, để gộp Giáo hội ‘hầm trú’ vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, để có một Giáo Hội Công Giáo chân chính duy nhất ở Trung Quốc. Thứ ba, để tạo ra một tình huống ổn định đang diễn ra với một mức độ can dự của nhà nước Trung Quốc được cả hai bên chấp nhận. Tuy nhiên, thất bại của nó có thể được tóm tắt dưới ba điểm.

1. Tòa Thánh vẫn chưa có tiếng nói cuối cùng về việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc. Các nhà quan sát lạc quan cho rằng sự thống nhất của Giáo hội ở Trung Quốc sẽ được phục vụ bằng cách chấm dứt việc tấn phong giám mục mà không có sự cho phép của Tòa thánh. Trên thực tế, điều đã xảy ra là Hiệp hội Công Giáo Yêu nước (hoặc chính phủ Cộng sản Trung Quốc, vì chúng là một) đã tạm dừng các lễ tấn phong giám mục thiếu thẩm quyền thích hợp, nhưng thuyên chuyển các giám mục giữa các giáo phận mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Đây dường như là một cách để lách lệnh cấm tấn phong giám mục trái phép. Tuy nhiên, để xem thực tiễn này liên quan như thế nào đến thỏa thuận năm 2018, chúng ta không thể chỉ đơn giản tham khảo lời lẽ của tài liệu, vì điều này chưa bao giờ được tiết lộ công khai đầy đủ. Đúng là việc tấn phong giám mục hiện nay diễn ra với sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng, nhưng trên thực tế, điều này đã xảy ra trước khi thỏa thuận được thực hiện, vì vậy không diễn tả sự nhượng bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trên thực tế, bất kể trước hay sau thỏa thuận, trong các lễ tấn phong Giám mục của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước với sự ủy quyền của giáo hoàng, chỉ có thư bổ nhiệm từ Hiệp hội Công Giáo Yêu nước mới được phép đọc công khai, trong khi sắc chỉ bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng chỉ có thể được đọc trước trong phòng áo lễ.

2. Vẫn còn một số giám mục bị rút phép thông công ở Trung Quốc đại lục. Theo Giáo luật, nếu một cuộc tấn phong giám mục bất hợp pháp diễn ra, những người tấn phong và (các) người được tấn phong đều bị vạ tuyệt thông latae sententiae [tiền kết]. Đây là một hình phạt tự động, xảy ra ngay lập tức và không có bất cứ tuyên bố nào từ Tòa thánh (Giáo luật 1382). Có một thời, có nhiều trường hợp tấn phong giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng, và tất cả những người tấn phong (bao gồm cả những người đồng tấn phong) cũng như những người được tấn phong sẽ vi phạm điều giáo luật này. Năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với tám giám mục (lạ lùng thay, bao gồm cả một giám mục đã qua đời, người đã xuống mồ vốn khăng khăng đòi độc lập khỏi Giáo hội Hoàn vũ), người đã được tấn phong một cách bất hợp pháp, nhưng lại đã không làm điều tương tự cho các giám mục tấn phong họ. Thật khó để biết liệu đây có phải là một sự sơ suất hay một nỗ lực để giả vờ cho rằng không có vụ tuyệt thông latae sententiae nào xảy ra.

3. Các giám mục hợp pháp hợp tác với thỏa thuận tiếp tục bị sách nhiễu. Vào năm 2018, với việc thực hiện thỏa thuận, hai giám mục thầm lặng, Peter Zhuang Jianjian của Giáo phận Swatow và Vincent Guo Xijin của Giáo phận Mindong, đã được yêu cầu từ bỏ chức vụ của họ. Ở tuổi 87 vào năm 2018, Giám mục Zhuang đã được yêu cầu từ chức để nhường chỗ cho người đồng cấp của mình, giám mục Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Huang Bingzhang. Vào thời điểm Giám mục Zhuang được đưa đến Bắc Kinh và bị một ‘giám mục nước ngoài’ yêu cầu từ chức, ngài cảm thấy rất chán nản và nói rằng ngài thà bị buộc tội bất tuân còn hơn là tuân theo một yêu cầu vô lý như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng, ngài đã chấp nhận yêu cầu từ Tòa thánh và bước sang một bên. Trường hợp của Giám mục Guo Xijin dường như còn lạ thường hơn. Ngài được Vatican yêu cầu chấp nhận giáng chức xuống vị trí Giám Mục Phụ Tá trong giáo phận của mình, trong khi Hiệp hội Công Giáo Yêu nước của người đồng cấp, Giám mục Zhan Silu, đã được Tòa thánh công nhận là đấng bản quyền. Lúc đầu, Giám mục Guo đã chấp nhận điều này, theo lệnh của Đức Giáo Hoàng. Nhưng vào tháng 1 năm 2020, ngài bị chính quyền địa phương đuổi ra khỏi nhà thờ bằng biện pháp cắt điện nước. Đồng thời, một thông báo được dán trên tường nói rằng tòa nhà nơi Giám mục Guo sống, được xây dựng cách đây hơn 10 năm, ‘không phù hợp với luật và quy định về phòng cháy chữa cháy’, do đó phải đóng cửa ngay lập tức. Một số linh mục của ngài cũng bị đuổi khỏi giáo xứ của họ. Chín tháng sau, ngài tuyên bố từ chức.

Hai trường hợp trên đã được người Công Giáo Trung Quốc biết đến rộng rãi, và dường như rõ ràng là thỏa thuận đã không làm được gì ngoài việc khuyến khích nhà nước Trung Quốc xâm phạm hơn nữa quyền tự do và quyền của Giáo hội. Thay vì nhượng bộ mà không có bất cứ động thái đáp lại nào từ Trung Quốc, đã đến lúc Vatican ít nhất phải đăng ký phản đối. Vì phẩm giá của Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi kêu gọi rằng:

1. Tòa thánh tuyên bố rằng việc thuyên chuyển Giám mục Shen Bin là bất hợp pháp và không có hiệu lực.

2. Tòa thánh tiết lộ toàn bộ nội dung của Thỏa thuận bí mật Trung Quốc-Vatican 2018 cho các tín hữu trên toàn thế giới, đặc biệt những người ở Trung Quốc biết. Họ có quyền được biết một thỏa thuận quan trọng như vậy liên quan đến họ.

3. Tòa Thánh xem xét lại việc gia hạn thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc và điều chỉnh chính sách ngoại giao của mình nhằm đạt được một số nhượng bộ thực sự vì lợi ích của Giáo hội.

Người xưa có câu: “Quân tử thà chết chứ không để nhục” (士可殺不可辱). Người Công Giáo Trung Quốc không muốn những nhượng bộ vô tận chỉ mang lại đau đớn và khổ sở cho Giáo hội. Ngay cả khi phải trả giá bằng sự xấu hổ về mặt ngoại giao, chúng tôi muốn Vatican phá vỡ sự im lặng của mình và đáp ứng việc thuyên chuyển bất hợp pháp này với lòng can đảm và phẩm giá, hơn là nhắm mắt làm ngơ trước nó.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS