Nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong các buổi tiếp kiến chung trong tháng 6, ĐTC thường nhắc nhở các tín hữu về lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa, biểu tượng tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22 tháng 6 năm ngoái (2022), khi chào những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, ngài nhắc đến lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ kính Khiết Tâm Đức Mẹ mà Giáo Hội chuẩn bị cử hành, và nói rằng: các lễ này nhắc nhớ chúng ta cần phải đáp lại tình yêu thương xót của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta hãy tín thác nơi sự chuyển cầu của Mẹ Chúa Kitô.
Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư 7/6 vừa qua, trước khi vào bệnh viện Gemelli để chịu phẫu thuật, khi chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nói: “Trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho con tim chúng ta trở nên giống con tim của Chúa, và trở thành những dụng cụ của Người để thực hiện những điều tốt lành. Chúng ta noi gương Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống tận hiến cho Thiên Chúa và quên mình, yêu mến và an ủi Chúa Giêsu, đồng thời chuyển cầu cho phần rỗi của mọi người”.
Lẽ ra thứ Tư 14/6 sắp tới, ĐTC cũng sẽ tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, và ắt hẳn ngài cũng tái nhắc nhở mọi người về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, nhưng vì còn dưỡng bệnh, nên buổi tiếp kiến này sẽ không diễn ra như thường lệ, vì vậy, trong bài hôm nay, chúng tôi xin gợi lại cùng quý vị vài điểm về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Trái tim biểu tượng tình yêu
Trên đồi Canvê, chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một người lính cầm đòng đâm cạnh sườn, trúng trái tim của Chúa Giêsu đang chịu treo trên thập giá, tức thì máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34). Qua bao thế hệ, Giáo Hội vẫn nhìn qua sự kiện đó một dấu chỉ tình thương tột đỉnh của Thiên Chúa đối với loài người. Thánh Phaolô đã kêu lên: “Người đã yêu thương tôi và đã chịu phó nộp vì tôi” (Gl 2,20).
– Trong tiểu sử thánh nữ Catarina thành Siena có ghi lại lời Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Khi chỉ cho con cạnh sườn mở toang của Cha, Cha muốn con thấy bí mật của con tim Cha, để con hiểu rằng Cha đã thương yêu nhiều hơn là Cha có thể bày tỏ tình yêu đó qua những đau khổ của Cha”.
– Thánh Bonaventura, Tiến Sĩ Hội Thánh, cũng than thở với Chúa: “Con tim Chúa đã bị thương, để qua vết thương hữu hình đó, chúng con có thể thấy vết thương vô hình của tình yêu”.
– Từ thế kỷ 13 trở đi với thánh nữ Mechtilde de Hackeborn và Gertrude, việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu như biểu tượng tình thương khôn lường của Thiên Chúa đối với nhân loại bắt đầu phát triển. Đến cuối thế kỷ 17, Chúa Giêsu lại hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque, bên Pháp, trao cho thánh nữ sứ mạng cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm và kêu gọi loài người ăn năn trở lại, đền bù những lỗi lầm, những thương tích đã gây ra cho Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ sinh năm 1647, sống khiêm hạ và âm thầm trong đan viện dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và qua đời tại đây năm 1690.
Các vị Giáo Hoàng
Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, qua dòng thời gian đã được nhiều vị Giáo Hoàng phê chuẩn và cổ võ qua một số thông điệp.
– Đặc biệt ngày 15/05/1956, nhân kỷ niệm 100 năm Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố Thông Điệp “Haurietis Aquas” về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm, trình bày những nền tảng đức tin và căn bản Thánh Kinh của lòng sùng kính Thánh Tâm, bản chất cũng như sự cần thiết và lợi ích lớn lao của lòng sùng kính này.
Đức Piô XII
Trong thông điệp này, Đức Piô XII nhấn mạnh rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được Giáo Hội nhìn nhận và nhiệt liệt cổ võ không phải vì đã được mạc khải riêng cho Thánh Margarita Maria, nhưng vì lòng sùng kính này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Kitô giáo, thực chất là đạo của tình yêu. Ngài viết: “Vì vậy, thật hiển nhiên, những mạc khải được tiết lộ cho Thánh Margarita Maria đã không thêm gì vào đạo lý Công Giáo. Ý nghĩa của những mạc khải ấy dựa vào điều này: Chúa Kitô khi biểu lộ Thánh Tâm Người một cách ngoại thường và đặc biệt, muốn kêu gọi tâm trí con người chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm tình yêu rất thương xót của Thiên Chúa dành cho loài người”.
Đức Piô XII cũng nêu lên ý nghĩa căn bản của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Chúng ta sẵn sàng hiểu rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu và đồng thời cũng là tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người. Hay nói cách khác, lòng sùng kính này được hướng tới tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta để ta thờ lạy Người, cảm tạ Người và suốt đời noi gương Người”.
Cũng trong thông điệp này, Đức Thánh Cha Piô XII đã cho thấy lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là tinh hoa và tổng hợp của tất cả mọi lòng sùng kính cần thiết và lành mạnh khác trong Giáo Hội như việc suy tôn Thánh Giá, việc tôn sùng Thánh Thể và lòng biệt kính Đức Mẹ. Ngài khẳng định: “Lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác”. (Thông Điệp “Haurietis Aquas”, 15/05/1956).
Thánh nữ Têrêsa Calcutta
Gần đây hơn cả, trong tiểu sử Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta có kể lại: Ở Calcutta, có một nhà thương thí dành cho những người sắp chết. Một hôm, có một bệnh nhân bị ung thư, người gầy guộc tàn tạ bị đưa vào đây. Mọi người đều bỏ rơi bệnh nhân đó, vì thấy không còn làm gì cho ông ta được nữa. Nhưng Mẹ Têrêxa lại gần ông, ân cần lau rửa cho ông ta. Ông ta trố mắt hỏi: “Làm sao bà có thể chịu đựng sự hôi thối của thân xác tôi như thế?”. Nhưng Mẹ Têrêxa đáp: “Ồ, điều này có là gì đâu so với những đau khổ mà ông đang phải chịu!”. Người bệnh trở nên điềm tĩnh hơn và nói: “Chắc chắn là bà không phải là người ở đây. Vì dân chúng ở đây không cư xử đẹp như bà!”. Một lát sau, người bệnh thì thào: “Hỡi bà, chúc tụng bà”. Nhưng Mẹ Têrêxa đáp: “Không phải thế, chúc tụng ông là người đang chịu đau khổ với Chúa Kitô”, và cả hai trao đổi nụ cười. Người bệnh ngưng đau khổ. Hai ngày sau, ông từ trần. (José Gonzalez-Balado, Il Sorriso dei poveri, Città Nuova ed., 1982, p.13)
Động lực khiến Mẹ Têrêxa Calcutta và các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ cũng như bao nhiêu tín hữu khác nhiệt thành và ân cần giúp đỡ các bệnh nhân là xác tín chính Chúa Giêsu hiện diện nơi anh chị em bệnh nhân, và mỗi chị nữ tu được kêu gọi biểu lộ tình yêu thương của Trái Tim Chúa cho người bệnh, cho những người nghèo khổ và cho tha nhân nói chung là hình ảnh của Thiên Chúa.
G. Trần Đức Anh, O.P