Khi Thượng hội đồng khai mạc, Vatican nói không với vấn đề nữ phó tế

Nghe bài này

Theo Elise Ann Allen của tạp chí Crux trong bản tin ngày 3 tháng 10 năm 2024, vào ngày đầu tiên của phiên họp cuối cùng của Thượng hội đồng Giám mục về tính đồng nghị, một nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm đánh giá chức phó tế nữ đã tuyên bố rằng, mặc dù vẫn đang khám phá các hình thức tham gia khác của phụ nữ vào Giáo hội, họ sẽ không trở thành phó tế.

Thực vậy, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, đã đưa ra thông báo này trong phiên họp chiều của Thượng hội đồng vào ngày 2 tháng 10, ngày làm việc chính thức đầu tiên của Thượng hội đồng từ ngày 2 đến 27 tháng 10.

Về chức nữ phó tế, ngài cho biết, “Chúng tôi muốn chia sẻ ngay từ đầu rằng, dựa trên các phân tích đã tiến hành cho đến nay – cũng tính đến công việc do hai Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập về chức nữ phó tế thực hiện – cơ quan này phán đoán rằng vẫn chưa có chỗ cho một quyết định tích cực của Giáo quyền liên quan đến việc phụ nữ được tiếp cận chức phó tế, được hiểu như một cấp độ của Bí tích Truyền chức thánh.”

“Bản thân Đức Thánh Cha gần đây đã xác nhận công khai việc xem xét này. Dù sao, Cơ quan này phán đoán rằng cơ hội để tiếp tục công việc nghiên cứu đào sâu vẫn còn bỏ ngỏ,” ngài cho biết.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước đây đã thành lập hai ủy ban khác nhau để nghiên cứu vấn đề chức nữ phó tế, với ủy ban đầu tiên được thành lập vào năm 2016. Cả hai ủy ban đều trình bày những phát hiện của họ, cuối cùng là không có kết luận, lên Đức Giáo Hoàng.

Chủ đề về chức phó tế dành cho phụ nữ là một trong những chủ đề được tranh luận sôi nổi nhất trong cuộc họp thượng hội đồng năm ngoái, liên quan đến các vấn đề nhạy cảm khác như độc thân linh mục, việc thụ phong linh mục cho phụ nữ và sự hòa nhập rộng rãi hơn của cộng đồng LGBTQ+.

Tuy nhiên, vào tháng 5, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa những câu hỏi này ra khỏi bàn thảo luận của thượng hội đồng, thay vào đó giao cho các nhóm nghiên cứu mà ngài thành lập để tiếp tục suy tư về nhiều điểm khác nhau nảy sinh trong cuộc thảo luận của thượng hội đồng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng dường như đã đưa câu hỏi này ra khỏi bàn thảo luận trong cuộc trò chuyện với CBS News được phát sóng vào tháng 5.

Khi được nhà báo CBS Norah O’Donnell hỏi rằng liệu phụ nữ có bao giờ có “cơ hội trở thành phó tế và tham gia với tư cách là thành viên giáo sĩ trong Giáo hội không?”, Đức Giáo Hoàng trả lời, “Không”.

“Nếu đó là các phó tế với Chức Thánh, thì không. Nhưng tôi cho rằng phụ nữ luôn có chức năng của các nữ phó tế mà không cần phải là phó tế, đúng không? Phụ nữ có thể phục vụ tuyệt vời với tư cách là phụ nữ, không phải với tư cách thừa tác viên, như thừa tác viên về phương diện này, bên trong các Chức Thánh”.

Được nhóm tổ chức của Thượng hội đồng công bố vào tháng 3, các nhóm nghiên cứu của Thượng hội đồng đã được giao các chủ đề sau:

• Mối quan hệ giữa các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Giáo hội Latinh

• Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo

• Sứ mệnh trong môi trường kỹ thuật số

• Việc sửa đổi văn kiện Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis theo quan điểm đồng nghị truyền giáo

• Các vấn đề thần học và giáo luật liên quan đến các hình thức mục vụ chuyên biệt.

• Việc sửa đổi, theo quan điểm đồng nghị truyền giáo, các tài liệu liên quan đến mối quan hệ giữa các Giám mục, đời sống thánh hiến và các hiệp hội giáo hội.

• Một số khía cạnh về con người và chức vụ của giám mục (tiêu chuẩn lựa chọn ứng viên cho chức giám mục, chức năng tư pháp của các giám mục, bản chất và tiến trình của các chuyến viếng thăm ad limina apostolorum) theo quan điểm đồng nghị truyền giáo

• Vai trò của các đại diện giáo hoàng theo quan điểm đồng nghị truyền giáo

• Các tiêu chuẩn thần học và phương pháp luận đồng nghị để phân định chung về các vấn đề giáo lý, mục vụ và đạo đức gây tranh cãi

• Việc tiếp nhận những thành quả của hành trình đại kết trong các hoạt động của giáo hội.

Các nhóm, bao gồm các viên chức giáo triều và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, đã được giao nhiệm vụ xây dựng một kế hoạch làm việc mà họ sẽ trình lên kỳ họp thượng hội đồng năm nay, và với mục tiêu hoàn tất các nghiên cứu của họ để trình kết quả lên Đức Giáo Hoàng vào tháng 6 năm 2025.

Việc nghiên cứu về chức phó tế của phụ nữ đã được giao cho Bộ Giáo lý Đức tin như một phần của cơ sở làm việc về “Một số vấn đề thần học và giáo luật liên quan đến các hình thức thừa tác chuyên biệt”.

Thành viên của nhóm làm việc đó chưa được công bố, nhưng theo hình ảnh có sẵn trực tuyến, nhóm không chỉ bao gồm ĐHY Fernández mà còn có Đức Tổng Giám Mục John Joseph Kennedy, Thư ký Bộ phận kỷ luật của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Tổng Giám Mục Philippe Curbelié, phó thư ký của bộ, và một số ít phụ nữ. Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, một thư ký phụ tá của bộ, cũng là một thành viên.

ĐHY Fernández cho biết nhóm đã quyết định tiến hành soạn thảo một tài liệu về chủ đề nghiên cứu của họ và những phần “đáng lưu ý nhất” trong các phát hiện của hai ủy ban về chức nữ phó tế sẽ được đưa vào.

Để phát triển đúng đắn vị trí của phụ nữ trong Giáo hội và trong các quá trình ra quyết định cũng như ở các vị trí lãnh đạo, ngài cho biết tài liệu sẽ tập trung vào một loạt các chủ đề khác nhau.

Những chủ đề này, ĐHY Fernández cho biết, bao gồm bản chất của quyền năng bí tích, mối quan hệ giữa quyền năng bí tích này bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể và các thừa tác vụ khác của giáo hội “cần thiết cho việc chăm sóc và phát triển Dân Thánh của Chúa với mục đích truyền giáo”.

Chúng cũng sẽ bao gồm nguồn gốc của các thừa tác vụ, bản chất đặc sủng của Giáo hội, việc khám phá các chức năng và thừa tác vụ khác nhau của giáo hội không đòi hỏi Bí tích Truyền chức Thánh, Chức Thánh như một việc phục vụ và các vấn đề phát sinh “từ một quan niệm sai lầm về thẩm quyền của giáo hội”.

ĐHY Fernández cho biết, chỉ sau khi thực hiện sự suy tư này, chúng ta mới có thể “chú ý đúng mức đến vấn đề cấp bách về sự tham gia của phụ nữ vào đời sống và sự lãnh đạo của Giáo hội. Điều này bao gồm câu hỏi về việc phụ nữ có thể tiếp cận chức phó tế hay không”.

ĐHY Fernández cho biết nghiên cứu do Bộ Giáo lý Đức tin thực hiện cho đến nay đã tìm cách tiến hành phân tích sâu sắc về cuộc sống của những người phụ nữ từng có “thẩm quyền hạn và sức mạnh chân chính trong việc hỗ trợ sứ mệnh của Giáo hội”.

Ngài cho biết, sự suy tư sẽ về “các đặc sủng hoặc việc thiết lập các vai trò phục vụ trong giáo hội” không liên quan trực tiếp đến các bí tích, nhưng bắt nguồn từ phép rửa tội và thêm sức.

Ngài chỉ ra những ví dụ lịch sử như Matilda thành Canossa, Hildegard thành Bingen, Bridget thành Thụy Điển, Catherine thành Siena, Teresa thành Ávila, Juana Inés de la Cruz, Elizabeth Ann Seton, Maria Montessori, Armida Barelli, Dorothy Day và Madeleine Delbrêl.

“Tương tự như vậy, điều quan trọng là phải lắng nghe những người phụ nữ ngày nay nắm giữ các vai trò lãnh đạo trong dân Chúa và các giáo hội mà họ thuộc về”, ngài nói.

Theo nghĩa này, ĐHY Fernández cho biết ngoài vấn đề về chức nữ phó tế, “việc nghiên cứu sâu sắc về chứng tá Kitô giáo đa diện của họ có thể giúp hình dung ra những hình thức mục vụ mới có thể tạo ra những cơ hội rộng lớn hơn nữa cho sự hiện diện sâu sắc hơn của phụ nữ trong Giáo hội”.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS