Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em, Chúc Chúa Nhật tốt lành!
Bài Tin Mừng hôm nay dẫn chúng ta lên Giêrusalem, đến nơi thánh thiêng nhất: Đền Thờ. Tại đó, xung quanh Chúa Giêsu, một số người nói với nhau về sự lộng lẫy nguy nga “được trang trí bằng những phiến đá đẹp” (Lc 21,5). Nhưng Chúa khẳng định: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (câu 6). Sau đó, Người cảnh báo bằng việc giải thích mọi sự sụp đổ trong thế giới, sẽ có chiến tranh, loạn lạc, động đất và đói kém, dịch bệnh và bắt bớ (x. câu 9-17). Người nhắc chúng ta đừng quá tin tưởng vào những thực tại trần thế, những thực tại sẽ qua đi. Đây là những lời khôn ngoan, nhưng có thể làm cho chúng ta có một chút cay đắng: nhiều việc đã bị sai, tại sao Chúa lại nói những điều tiêu cực như vậy? Trong thực tế, mục đích của Chúa không phải là tiêu cực, mà là một điều khác. Người cho chúng ta một lời dạy quý giá, đó là cách thoát khỏi tất cả sự bấp bênh này. Và đâu là lối thoát? Làm sao chúng ta có thể thoát ra khỏi thực tại qua đi này?
Nó nằm trong một từ mà có lẽ khiến chúng ta ngạc nhiên. Chúa Kitô bày tỏ điều đó trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng, khi Người nói: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (c. 19). Kiên trì. Đó là gì? Từ này nói đến điều “rất nghiêm túc”; nhưng nghiêm túc theo nghĩa nào? Với bản thân, coi mình thấp kém? Không. Với những người khác, trở nên nghiêm khắc và cứng rắn? Cũng không. Chúa Giêsu yêu cầu phải “nghiêm túc”, trung thành, kiên trì trong những gì quan trọng đối với mình. Bởi vì, những gì thực sự quan trọng, nhiều khi không trùng khớp với những gì thu hút sự quan tâm của chúng ta: thông thường, giống như những người trong đền thờ, chúng ta ưu tiên những công việc của chúng ta, những thành công của chúng ta, những truyền thống tôn giáo và dân sự, những biểu tượng thiêng liêng và xã hội của chúng ta. Đây là điều tốt, nhưng chúng ta quá ưu tiên cho nó. Những điều này quan trọng, nhưng chúng sẽ qua đi. Thay vào đó, Chúa Giê-su nói hãy tập trung vào những gì còn tồn tại, tránh dành cả cuộc đời để xây dựng một thứ gì đó sẽ bị phá hủy, như đền thờ đó, mà lại quên xây dựng những gì không sụp đổ, xây dựng dựa trên lời Người, dựa trên tình yêu và điều tốt lành.
Vì vậy, kiên trì là xây dựng điều tốt lành mỗi ngày. Kiên trì là không ngừng hướng tới những điều tốt lành, đặc biệt là khi thực tế xung quanh lại thúc chúng ta làm điều khác. Chúng ta hãy xem một số ví dụ: Tôi biết rằng cầu nguyện là quan trọng, nhưng tôi cũng như người khác, luôn có nhiều việc phải làm, và vì vậy tôi trì hoãn. Hoặc, tôi thấy nhiều người ranh mãnh tận dụng các tình huống, “luồn lách” các quy tắc, và tôi cũng làm y như vậy, không tuân thủ luật lệ, bỏ sự kiên trì với công lý và luật pháp. Hoặc ví dụ khác: Tôi phục vụ trong Giáo hội, cho cộng đoàn, cho người nghèo, nhưng tôi thấy nhiều người trong thời gian rỗi chỉ nghĩ đến việc vui chơi, và sau đó tôi cũng cảm thấy muốn từ bỏ và làm như họ.
Ngược lại, kiên trì là duy trì những điều tốt đẹp. Chúng ta hãy tự hỏi: sự kiên trì của tôi thế nào? Tôi có bền lòng sống đức tin, công bằng và bác ái theo thời điểm: tôi vui lòng làm khi người ta tỏ lòng biết ơn, trong khi nếu không ai cảm ơn, tôi nản lòng và từ bỏ? Tóm lại, việc cầu nguyện và sự phục vụ của tôi phụ thuộc vào hoàn cảnh hay vào một con tim kiên vững trong Chúa? Chúa Giêsu nhắc chúng ta, nếu chúng ta kiên trì, chúng ta không có gì phải sợ hãi, ngay cả trong những biến cố đau buồn và tồi tệ của cuộc sống, thậm chí về điều xấu mà chúng ta thấy quanh mình, bởi vì chúng ta luôn đặt nền trên điều thiện. Dostoevsky đã viết: “Đừng sợ tội lỗi của loài người, hãy yêu thương con người ngay cả với tội lỗi của họ, bởi vì sự phản chiếu này của tình yêu Thiên Chúa là đỉnh cao của tình yêu trên mặt đất” (I fratelli Karamazov, II, 6,3g). Kiên trì là sự phản chiếu trong thế giới tình yêu của Chúa, bởi vì tình yêu của Chúa là trung tín, kiên trì và không bao giờ thay đổi.
Xin Đức Mẹ, tôi tớ kiên trì cầu nguyện của Chúa (x. Cv 1,12), nâng đỡ chúng ta.
Vatican News