Kirill bị xếp vào danh sách tài phiệt Nga, bị EU tịch thu tài sản, vừa ra thông báo chỉ trích ĐGH

Nghe bài này

Kirill bị tịch thu tài sản trong vòng thứ sáu của các biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Âu Châu tung ra

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, nằm trong số những cá nhân sẽ bị đưa vào vòng trừng phạt thứ sáu của Liên minh Âu Châu.

Các nguồn tin cho biết bản dự thảo của vòng trừng phạt thứ sáu đã được gửi đến các đại sứ các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu để xem xét.

Ở giai đoạn này, các tên có thể được lấy đi hoặc thêm vào tùy theo quyết định của quốc gia thành viên, một nguồn tin của Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu cho biết.

Theo một báo cáo năm 2006 được Forbes công bố vào năm 2020, Kirill, người ủng hộ nồng nhiệt cuộc chiến ở Ukraine, có tài sản lên đến 4 tỷ đô la. Ở Nga có một tạp chí nổi tiếng chuyên theo đuổi các phóng sự điều tra về các nhà tài phiệt Nga làm ăn phi pháp. Đó là tờ Novaya Gazeta. Tạp chí do Dmitri Muratov, người đoạt giải Nobel làm chủ biên, trong đó các ký giả bị ám sát chết gần hết, mới nhất là cô Anna Politkovskaja qua đời vào ngày 5 tháng 4 vừa qua. Novaya Gazeta ước tính vào năm 2019 rằng Thượng Phụ Kirill có một khối tài sản từ 4 đến 8 tỷ đô la. Các số liệu không được xác minh và trong mọi trường hợp không thể xác minh được. Tài sản cá nhân đáng kể này là kết quả của việc nhà nước Nga miễn thuế đối với một phần đáng kể thuốc lá và bia được Chính Thống Giáo Nga nhập khẩu từ nước ngoài về bán tại Nga. Ngài Thượng phụ còn bị cáo buộc là người đứng tên cho những tài sản của Putin, Lavrov và những người khác.

Hôm thứ Tư, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã đề xuất một loạt các biện pháp bao gồm lệnh cấm đối với dầu của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích Kirill vì tán thành những lý do Putin đưa ra về việc xâm lược Ukraine, đồng thời cảnh báo ông ta đừng trở thành “cậu bé giúp lễ của Putin”.

Đáp lại, Giáo hội Chính thống Nga cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng “giọng điệu sai trái” khi mô tả cuộc gặp của ngài với Đức Thượng phụ Kirill và gọi những bình luận của Đức Giáo Hoàng là “đáng tiếc”.

Vương quốc Anh công bố thêm các biện pháp trừng phạt Nga và nhắm mục tiêu vào các phương tiện truyền thông vì “thông tin sai lệch”

Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Liz Truss đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 63 công dân và thực thể Nga, bao gồm cả Kirill và các công ty truyền thông Nga “đứng sau chiến dịch thông tin xấu xa của Putin”.

Các phóng viên chiến trường của Nga có mặt với lực lượng Nga ở Ukraine và một số hãng truyền thông Nga nằm trong số những người bị trừng phạt.

Bên cạnh việc đóng băng tài sản và cấm đi lại, luật mới được đưa ra có nghĩa là các công ty truyền thông xã hội, dịch vụ internet và ứng dụng tại Anh “phải thực hiện các hành động cần thiết để chặn nội dung từ hai nguồn thông tin sai lệch chính của Nga là RT và Sputnik”.

“Các hãng tin này đã bị ngừng phát sóng ở Anh và chúng tôi đã cấm bất kỳ ai kinh doanh với họ. Giờ đây, chúng tôi đã chuyển sang rút phích cắm trên các trang web, tài khoản mạng xã hội và ứng dụng của họ để ngăn chặn sự phát tán dối trá của họ,” Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Công nghệ Chris Philp cho biết.

Thông báo trừng phạt mới nhất cũng cho thấy việc Anh cấm xuất khẩu dịch vụ sang Nga, cấm cung cấp dịch vụ tiếp thị, tư vấn quản lý và dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp Nga.

Truss nói: “Làm ăn với chế độ của Putin là phá sản về mặt đạo đức và giúp tài trợ cho một cỗ máy chiến tranh đang gây ra những đau khổ không kể xiết trên khắp Ukraine,” Truss nói và nói thêm rằng “việc Nga bị cắt giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ của Anh sẽ gây thêm áp lực lên Điện Cẩm Linh và cuối cùng giúp bảo đảm rằng Putin sẽ thất bại trong Ukraine. “

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa ra tuyên bố chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Cuối ngày thứ Tư 4 tháng 5, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra một tuyên bố chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô, nói rằng Đức Giáo Hoàng đã xuyên tạc cuộc trò chuyện cuối cùng mà với Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa.

Phát biểu với tờ báo Ý Corriere della Sera vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi đã nói chuyện với Kirill trong 40 phút qua Zoom. 20 phút đầu tiên ông ta cầm một lá sớ trên tay, ông ấy đã đọc cho tôi tất cả các lý do biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói với ỏ ta: Tôi không hiểu gì về việc này. Anh à, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.”

Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga đã ra một tuyên bố, xin mạn phép chỉ dịch các đoạn bớt xúc phạm, thay vì dịch toàn văn vì có quá nhiều lời lẽ không đúng sự thật và có tính chất cay cú, lăng mạ Đức Giáo Hoàng.

Các cuộc đàm phán của Giáo Chủ Giáo hội Chính thống Nga với Đức Giáo Hoàng và nhà lãnh đạo Giáo hội Anh, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby đã diễn ra trực tuyến vào ngày 16 tháng 3. Các vị đã thảo luận về các vấn đề giúp đỡ những người tị nạn, quyền của mọi người được tuyên xưng đức tin và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ mà không bị đàn áp chính trị, và vai trò của các Kitô hữu trong việc tìm kiếm hòa bình ở Ukraine.

Điều đáng tiếc là một tháng rưỡi sau cuộc trò chuyện với Đức Thượng phụ Kirill, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn sai giọng điệu để truyền tải nội dung của cuộc trò chuyện này. Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại.

Tuyên bố của Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga sau đó giải thích rằng Thượng phụ Kirill nói với Đức Thánh Cha Phanxicô rằng cuộc chiến bắt đầu do một cuộc đảo chính ở Ukraine vào năm 2014, và Nato đã thất hứa đối với cam kết không tiến về phía đông.

VietCatholic Media

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS