Các bạn trẻ thân mến,
Đang khi các tông đồ đang lẫn trốn trong một căn phòng kín vì sợ người Do Thái, Đức Giêsu đã hiện ra vào trao bao cho các ông bình an. Các ông vừa mừng vừa sợ, không biết những gì đang xảy ra trước mắt mình đây là thực hay mơ. Để chứng minh cho các ông thấy mình đã sống lại, Đức Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn của Người. Thấy các ông vẫn chưa tin, Người còn xin các ông chút bánh và cá, rồi ăn trước mặt các ông. Sự xuất hiện lần đầu tiên của Đức Giêsu với các ông ví tựa như ngọn gió mát thổi tan đi những bức bối và buồn phiền trong các ông. Tưởng là tương lai đã khép lối, ai ngờ Chúa đến và mở toang một con đường. Vậy là hy vọng vẫn còn chút le lói. Cuộc sống chưa đến nỗi phải nếm trải đường cùng.
Tiếc là trong buổi hiện ra ấy, ông Tôma không có mặt. Khi ông trở về thì Giêsu đã biến mất rồi. Các tông đồ khác thi nhau kể cho ông nghe về Thầy Giêsu, rằng Người vẫn còn sống, rằng Người vẫn bình an, Người đã cho họ xem những vết thương, thậm chí đã ăn uống cùng với họ. Nhưng ông Tôma nhất quyết không tin. Ông đòi phải có bằng chứng cụ thể mà chính ông là người kiểm chứng. Các tông đồ khác cũng không thể làm được gì hơn. Tám ngày sau, Tôma vẫn chưa tin những gì các tông đồ khác nói với ông. Thầy Giêsu lại hiện đến, thỏa mãn những đòi hỏi của Tôma. Lúc đó, không mới tuyên xưng niềm tin của mình.
Các bạn trẻ thân mến,
Không biết có bao giờ các bạn thắc mắc là tại sao Giêsu không hiện ra ngay để chứng thực với Tôma, khiến ông phải bẽ bàng trước các tông đồ, nhưng lại đợi đến tám ngày sau? Hay tại sao Giêsu không hiện ra trước tiên với các môn đệ ngay khi sống lại, mà lại hiện ra với bà Maria Madalena rồi nhờ bà chuyển lời đến các ông? Hay tại sao Ngài lại không tỏ lộ cho những môn đệ thân tín trước, mà lại tỏ mình ra cho hai môn đệ vô danh khi hai người này buồn bã cất bước về quê? Hay tại sao khi Ngài trỗi dậy, Ngài không tiếp tục dong duổi khắp nơi, rao giảng tin vui, làm các phép lạ như trước để biểu uy quyền năng của Người? Hẳn là nếu Ngài làm như vậy, số người theo Chúa sẽ tăng vọt lên và đám cường quyền sẽ chẳng dám làm khó dễ với Ngài nữa. Giêsu đã không chọn lối hành xử nào trong số các cách vừa nói. Điều Ngài muốn là: chính anh em hãy làm chứng cho Thầy.
Có thể Chúa muốn dùng khoảng thời gian tám ngày để những vị tông đồ đã thấy Chúa làm chứng cho Tôma về sự phục sinh của Chúa bằng chính lối sống của mình. Tiếc là sau khi đã biết là Chúa phục sinh từ cõi chết, các ông vẫn cứ u buồn, cứ thất vọng, cứ lo lắng và giam mình trong căn phòng tối, làm sao Tôma có thể tin là các ông đã thấy Chúa. Một người khi gặp được Chúa sẽ ngay lập tức biến đổi cuôc đời mình, sẽ không còn mang trong những điều tiêu cực nhưng sẽ sống một lối sống mới đầy can đảm và nhiệt thành hơn. Một đời sống ủ rũ không thể là một đời sống có Chúa Phục Sinh trong mình.
Giêsu đã không còn hiện diện nơi trần thế này cách nhãn tiền như 2000 năm trước. Những người môn đệ của Ngài như chúng ta đây phải là những chứng nhân cho sự phục sinh của Ngài nơi lòng nhân thế. Còn quá nhiều người trên thế giới này sống trong đau khổ và lầm than, vì mất đi niềm hy vọng và ánh sáng tương lại. Có nhiều người đã bước theo Giêsu trong âm thầm và tín thác, nhưng họ chỉ mới dừng lại bên mộ để khóc than, chứ chưa cảm nếm được niềm vui phục sinh của Người. Ta phải làm sao đây để họ tin rằng Giêsu đã sống lại, rằng cái chết không còn chế ngự được Người nữa, rằng thần chết và bè lũ của nó đã bị Ngài đánh bại? Ta phải làm gì đây để họ có thể bỏ đi bộ mặt u ám, gạt đi những giọt nước mắt buồn thương mà đứng dậy, cười vui, và sống một đời sống mới?
Chính chúng ta phải là những người cảm nghiệm được sự phục sinh của Chúa trong tâm hồn mình trước. Bởi nếu ta chưa sống được kinh nghiệm phục sinh, ta cũng sẽ không thể nào trao ban niềm vui phục sinh ấy. Dấu chỉ của phục sinh là một sự can đảm dám thay đổi lối sống ích kỷ và biếng nhác của mình, dám hy sinh những lợi ích của mình để mưu cầu hạnh phúc cho người khác, dám trải rộng vòng tay, vươn xa đến những ai túng thiếu. Đó phải là một cuộc sống lạc quan, vui tươi trong bỏ mình và phục vụ mà không đòi đền đáp hay trả công. Cảm nghiệm được sự phục sinh của Chúa cũng là hăng hái lên đường, chẳng từ nan, chia sẻ về Chúa và tình thương của Người cho những ai ta gặp gỡ, khơi dậy trong họ niềm hy vọng đang ẩn khuất trong tim. Có như vậy, người ta mới có thể tin rằng Chúa đã phục sinh từ cõi chết.
Các bạn đã có kinh nghiệm phục sinh như vậy chưa? Các bạn đã có thể khiến cho hàng tỷ tỷ Tôma trên đời này tin là Chúa của mình đã phục sinh chưa? Nếu chưa, các bạn hãy bắt đầu đi nhé, vì Giêsu đang chờ đợi điều đó nơi các bạn rất nhiều.
(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, RadioVaticana 15.05.2014)