Luôn Sẵn Sàng Và Tỉnh Thức

Nghe bài này

il_fullxfull.149813708

Chuyến bay 4590 của Hãng Air France đã vào đường bay số 24 tại Phi Trường Charles de Gaulle. Phi công trưởng, Ðại Úy Christan Marty đã quan sát một cách cẩn thận các đồng hồ trong buồng lái của chiếc Concorde được sản xuất vào thập niên 1960. Trước đó Phi Công Marty đã ra lịnh cho sửa chữa lại những trục trặc nhỏ của động cơ số 2. Cùng với Phi công phụ Jean Marcot, hai người đã duyệt lại danh sách các việc phải làm trước khi cất cánh. Như tất cả các phi công lái phản lực cơ, Marty và Marcot, cả hai đã nhìn xuống phi đạo để xem có vật gì nằm trên phi đạo hay không, các vật có thể rơi rớt từ các xe kéo máy bay ra phi đạo, đến các bầy chim bị hoảng hốt bởi tiếng nổ của động cơ, như đã từng gây ra vấn đề cho các phi công tại phi trường Charles de Gaulle trước đây nhiều năm.

Trong lúc hành khách cảm thấy nhẹ nhỏm vì thoát khỏi trọng lực (G forces) khi máy bay cất cánh, thì các kiểm soát viên trên đài kiểm soát không lưu đã thông báo một tin khủng khiếp cho phi công Marty là một bánh xe máy bay bị nổ.

Nhưng vào thời điểm này, máy bay đã vượt qua điểm đi/không (go/no), máy bay đã đạt tốc độ 210 dặm/giờ (336 cây số/giờ). Khói đã bốc ra từ hai động cơ ở cánh trái của máy bay, nhưng người ta vẫn tin rằng hai động cơ còn hoạt động bình thường, nhưng thực ra không phải như vậy. Chiếc Concorde vẫn tiếp tục muốn vươn lên độ cao, nhưng hai động cơ bị chết bên trái đã hoạt động như trọng lực, từ từ đẩy máy bay qua trái. Người phi công được xem như anh hùng vì đã cố gắng đưa máy bay tránh rớt xuống ngôi làng của tỉnh Gonesse, và không thể nào hạ cánh khẩn cấp xuống Phi Trường Le Bourget cách tỉnh Gonesse không bao xa, cũng như không thể quay trở lại Phi Trường Charles de Gaulle.

Marty đã cố gắng giữ cho máy bay được thăng bằng, nhưng không được, ông đã báo cho đài kiểm soát biết là ông không thể nào kéo cần lái phía sau máy bay, để cho máy bay hạ xuống. Chỉ một phút sau khi cất cánh, bay cách phi đạo 4 dặm, và chỉ vỏn vẹn trong vòng 4 phút là máy bay đâm xuống khách sạn. 31,500 gallon nhiên liệu đã bùng cháy. Tất cả 100 hành khách mà hầu hết là người Ðức và phi hành đoàn 9 người (hai phi công, một kỹ sư cơ khí, 6 tiếp viên hàng không) cùng với 4 người ngụ trong khách sạn, đều bị tử nạn. (Tuần Báo Đại Chúng)

Cái chết thật bất ngờ và thật nhanh.

Tai nạn kinh khủng của Concorde, khi vừa khởi sự chuyến bay 4590 của hãng Air France, khiến cả thế giới phải bàng hoàng, kinh hãi. Hôm nay, trích thuật Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta nghe Đức Gêsu trấn an: “Đừng sợ!” Dù có mất đi của cải, địa vị, người thân, hay chính mạng sống mình đi nữa, cũng đừng sợ hãi.

Đừng sợ!

“Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã bằng lòng ban Nước Trời cho anh em.” (Lc 12, 32)

Thân phận con người chẳng ai thoát khỏi nỗi ám ảnh sợ hãi. Thoạt sinh ra, hài nhi khóc thét lên sợ hãi chào đời. Nỗi lo âu, khiếp hãi luôn mãi đeo theo con người dai dẳng, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Có lẽ vì thế, trong toàn bộ Kinh Thánh ghi nhận tất cả 365 lần lời dặn “Đừng sợ!”, mà Thiên Chúa trực tiếp trấn an con người, hay qua các thiên sứ, ngôn sứ, và Đức Giêsu. Như thế lời an ủi đó đủ cho con người mỗi ngày trong một năm.

Nỗi sợ hãi biểu hiện cho sự yếu đuối, bất lực của con người trước nghịch cảnh xảy đến. Lo sợ mất mát, hư hao, hay bị tước đoạt mất của cải, vật chất, lẫn tinh thần. Càng giàu có, càng công thành danh toại, càng có chức tước, địa vị cao, càng lo sợ. Nhưng nghèo đói, hoạn nạn, thất bại, cũng lo sợ không kém.

Tuy nhiên, nỗi lo sợ chẳng thể cứu vãn, hay báo đảm an toàn viên mãn cho sự sở hữu, chiếm hữu, hay thành quả tích lũy được. Bời chưng, tất cả chỉ là hư ảo phù vân. Nay còn mai mất, như đồng bạc tanh tưởi, luân chuyển từ tay người này sang tay người nọ. Của cải động sản, bất động sản rồi cũng hư hao do mối mọt, bị trộm cướp, bị chiếm đoạt. Chức vị rồi cũng bị mất đi do tị hiềm, phe cánh, do chính biến, do luật đào thải tuổi tác, mặc lòng vẫn còn đau đáu tham quyền cố vị.

Nỗi lo âu, sợ hãi còn tràn ngập đến, vì hoang mang trước biến cố bất ngờ, trước nỗi khó khăn, nguy hiểm, trước cơn đau đớn, nhục hình, trước cái chết được báo trước.

Thế tại sao Đức Giêsu lại ân cần khuyên nhủ: “Đừng sợ”? Là vì Người hứa ban phần thưởng tuyệt vời: Nước Chúa. Vậy làm sao để có thể lãnh nhận được phần thưởng cao sang đó, nếu không biết chia sẻ và phục vụ chân tình, như người đày tớ luôn tỉnh thức, trung tín và khôn ngoan.

Chia sẻ

Đức Giêsu đã kể nhiều dụ ngôn về chia sẻ, như người phú hộ và Lazarô, như người Samaria nhân lành, như người bạn bị làm phiền ban đêm. Bởi vì chia sẻ chính là xả kỷ vị tha, hy sinh, bỏ mình lo cho tha nhân, biểu hiện tình người, tình nhân ái, lòng thương xót, tái hiện tình yêu của Thiên Chúa, lám chứng cho Đức Kitô Cứu Thế.

“Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá.”(Lc 12, 33)

Lên 15 tuổi, thánh Antôn Maria Claret đã sớm giã từ bút nghiên để giúp cha mẹ buôn bán. Với bản tính thông minh, tài tháo vát và cách ăn nói lưu loát, hoạt bát, thánh nhân đã sớm gây tạo được một gia sản giầu có kếch xù. Là một con người đạo đức, coi mọi sự giầu sang phú quí chỉ là tạm bợ, rác rến, không tồn tại lâu dài. Thánh nhân đã bỏ tất cả mọi sự như lời Chúa Giêsu kêu mời: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí…” Thánh nhân đã bỏ lại tất cả và xin gia nhập vào tiểu chủng viện.

Chia sẻ không chỉ của cải vật chất, mà còn cả tinh thần, như hiệp thông, hợp tác với tha nhân trong nhiều môi trường đa dạng, để chuyển giao kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật, hòng thăng tiến và phát triển cộng đoàn, xã hội.

Hiện nay, nhiều tình nguyện viên từ các nước phát triển đến các quốc gia, miền, vùng xa xôi hẻo lánh, lạc hậu, để chuyền giao công nghệ, giúp đỡ hay huấn luyện về y tế, giáo dục, nông công nghiệp, …

Phục vụ

Không chỉ chia sẻ những gì mình có mà thôi, mà còn cần phục vụ một cách tỉnh táo, sẵn sàng, trung tín và khôn ngoan nữa. Phục vụ Chúa và tha nhân mọi nơi, mọi lúc, bất cứ môi trường nào, thời gian nào.

Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (Lc 12, 35 -36)

Trong tư thế người phục vụ áo quần tươm tất, gọn ghẽ, nhanh nhẹn, tận tâm và sẵn sàng, nhà cửa sáng sủa, sạch sẽ, chúng ta mới có thể chu đáo đón tiếp Chúa đến bất kỳ khi nào. Với tha nhân cũng thế, chúng ta mới có thể giúp đỡ, hay ứng cứu hiệu quả và kịp thời cho mọi người.

Chẳng thể luộm thuộm, bẩn thỉu áo quần, nhà cửa tăm tối, tâm hồn hoen ố, nhếch nhác tội lỗi mà xứng đáng dón rước Chúa đến thăm. Chẳng thề tham lam, giận ghét, đố kỵ, oán thù, mà đến với tha nhân được.

“Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12, 39-40).

Trong truyện Quo Vadis, chúng ta thấy giáo dân Roma thời sơ khai, ban đêm di chuyển như những bóng ma. Người này theo người kia xuống hang toại đạo (catacombs) để cầu nguyện. Tại sao giáo dân Roma thời ấy lại hăng say cầu nguyện suốt đêm như vậy? Chắc chắn để tránh bị chính quyền Roma bắt bớ, nhưng điều chính yếu là vỉ họ nghĩ Chúa Giêsu sắp trở lại, nên họ cầu nguyện chuẩn bị đón Chúa đến. (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Bài Giảng số 35)

Như thế, khi phục vụ chúng ta luôn sẵn sàng và luôn tỉnh thức, như người lính lâm trận, luôn đề phòng và đối phó mọi bất trắc. Người chiến sĩ Kitô cần trang bị tận răng bằng võ khí tâm linh, dưỡng nuôi bằng cầu nguyện, tăng lực bằng Lời Chúa và Thánh Thể, bảo vệ bằng Thần Khí Thánh Linh.

“Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.” (Lc 12, 42-44)

Phục vụ với tấm lòng chung thủy và nhân ái mới xứng danh Kitô hữu. Trung tín với Thiên Chúa và tha nhân. Yêu thương và đùm bọc tha nhân. Tích cực chờ đợi Chúa đến với bổn phận chu toàn, đảm đương trọn vẹn trách nhiệm với tha nhân. Tích cực đón Chúa với tâm hồn thanh tẩy trong sạch. Tích cực đón Chúa khi trở nên chứng nhân đích thực cho Đức Giêsu.

Tóm lại, để tránh bất ngờ khi Chúa gọi về, để được cứu rỗi, tưởng thưởng Nước Chúa, chúng ta luôn biết chia sẻ và tận tình phục vụ tha nhân trong tỉnh thức và yêu thương. Thể hiện thái độ sẵn sàng bằng kết hợp cầu nguyện với hành động cụ thể.

Thế giới và xã hội hôm nay đang cần Chúa đến để đổi mới và trở nên tốt hơn. Và chính chúng ta, những người Ki tô hữu có trách nhiệm tạo điều kiện cho Chúa đến trong mọi môi trường của xã hội bằng chính cuộc sống của chúng ta. Nhưng muốn đem Chúa đến, trước tiên chúng ta phải là dụng cụ tốt của Chúa, là đầy tớ trung thành và là chứng nhân đích thực của Ngài. Tất nhiên, việc làm chứng nhân cho Chúa trong thời đại này càng gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Lời Chúa nói với các Tông Đồ ngày trước vẫn còn gía trị đối với mỗi người chúng ta: “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã bằng lòng ban Nước Trời cho anh em.” Đây chính là lời ban sức mạnh, khuyến khích chúng ta kiên trì và sẵn sàng làm chứng cho Chúa. (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Bài Giảng 35)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa khuyên chúng con đừng sợ trước nghịch cảnh thế gian. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết nương tựa vào quyền năng Chúa, để chúng con có thể chống trả những cơn cám dỗ, những đam mê xác thịt, hầu được lãnh nhận Nước Trời.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ luôn dạy chúng con biết chia sẻ và phục vụ Thiên Chúa và tha nhân với lòng tỉnh thức, trung tín và khôn ngoan, đễ chúng con có thể đem Chúa đến mọi người. Amen.

AM Trần Bình An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS