Làm thế nào để đưa đời sống tâm linh trở lại những vùng quê, nơi mà Thiên Chúa dường như đã bỏ đi?
Hồng Thủy – Vatican
“Bằng cách mở lại các nhà thờ của chúng ta”; đó là câu trả lời của bà Catherine de Maistre, đang sống cùng với ông Alain, chồng của bà, tại một ngôi làng nhỏ ở trung tâm Somme. Cặp vợ chồng này, với một đức tin mạnh mẽ, đã cố gắng để đưa Chúa Giêsu trở lại trung tâm của ngôi làng. Kể từ năm 2016, Bí tích Thánh Thể được đặt hàng ngày trong nhà nguyện nhỏ của họ. Đó là câu chuyện về một cuộc phiêu lưu tâm linh.
Nằm dọc theo con đường băng qua ngôi làng nhỏ có ba mươi người, ngôi nhà nguyện nhỏ của Longuet (Somme), được xây dựng vào thế kỷ thứ mười tám, không có gì đặc biệt về dáng vẻ bên ngoài. Tuy nhiên, bên trong, một ngọn đèn màu đỏ nhỏ cho biết là Thánh Thể được đặt hàng ngày. Một sự hiện diện hiếm hoi trong khu vực mà có nhiều nhà thờ và nhà nguyện đóng cửa, vì thiếu linh mục và tín hữu thường xuyên đi tham dự Thánh lễ.
Một nhà nguyện đóng cửa từ nhiều thập kỷ
Bà Catherine de Maistre và chồng có một ngôi nhà đối diện với nhà thờ, ở phía bên kia đường. Là người gốc Paris, khi nghỉ hưu, họ đã quyết định đến Longuet thường xuyên hơn. Là những người thực hành đạo và rất tích cực trong giáo xứ ở Paris, đôi vợ chồng vẫn ngần ngại định cư ở ngôi làng này lâu hơn vì thiếu sự trợ giúp thiêng liêng. Trong nhiều thập kỷ, ngôi nhà thờ được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuliano đã bị đóng cửa và chỉ mở cửa mỗi năm một lần, vào thứ hai Phục Sinh, ngày lễ thánh bổn mạng. Truyền thống mở cửa vào ngày lễ thánh bổn mạng đã tồn tại từ lâu dù gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một linh mục để cử hành Thánh lễ.
Nhưng ý tưởng định cư ở Longuet luôn luẩn quẩn trong đầu óc họ. Bà Catherine kể lại với cung giọng đầy nhiệt tình: “Một ngày nọ, vợ chồng chúng tôi đang đi dạo và đột nhiên tôi có một trực giác. Tôi nghe thấy tiếng chuông ngân vang từ xa và tôi tự nhủ: ‘Cần phải đặt Chúa Giêsu lại vào vùng đất của chúng ta; chúng ta phải mở các nhà thờ và nhà nguyện, không có giải pháp nào khác!’ Ý tưởng đó chưa biến khỏi tâm trí bà. Vài tuần sau, bà xin một cuộc hẹn với tổng đại diện của giáo phận Amiens. Bà kể tiếp: “Tôi nói với ngài tất cả những gì tôi nghĩ, tôi nói rằng chúng tôi phải mở lại các nhà thờ để đưa Chúa Giêsu trở lại miền quê của chúng tôi.” Đầy tham vọng, bà Catherine còn đi xa hơn nữa và yêu cầu đặt Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện nhỏ của Longuet để tổ chức chầu Thánh Thể hàng ngày. Một cánh cổng sắt lớn được rèn, dựng trước ca đoàn, để bảo vệ Thánh Thể; với điều này bà Catherine hy vọng rằng vị tổng đại diện sẽ chấp nhận. Nhưng vị tổng đại diện đã thận trọng, không trả lời được ngay lập tức nhưng yêu cầu bà cùng với những người khác cầu nguyện cho ý định này.
Khi Thánh Thể quy tụ các tín hữu
Không bị nản lòng, được hỗ trợ bởi vị linh mục mới của giáo xứ, bà Catherine mời một số người cùng bà cầu nguyện trong nhà nguyện. Một ngày kia ngạc nhiên xảy đến. Bà Catherine kể: “Đó là một buổi sáng tháng mười hai, trời lạnh, nhà thờ đóng băng và chúng tôi có mười lăm người! Mười lăm người đã đến cầu nguyện với hy vọng nhìn thấy Chúa Giêsu trở lại miền quê nhỏ bé của chúng tôi. Chúng tôi đã được mãn nguyện.” Thế rồi từ điều này sang điều khác, cuộc phiêu lưu tâm linh tiếp tục và nhóm nhỏ quyết định gặp nhau mỗi tháng một lần để cầu nguyện và tham dự Thánh lễ theo thỏa thuận với linh mục. Sau năm tháng, phép lạ xảy ra. Linh mục đó đã nói với vị tổng đại diện về nhóm nhỏ này. Một ngày nọ, cha tổng đại diện gọi cho họ và nói: “Ngày mai, tôi sẽ trao cho anh chị em Mình Thánh Chúa”. Mọi người tràn ngập cảm xúc vui mừng. May mắn thay, mọi thứ đã sẵn sàng để nhận Mình Thánh Chúa. Bà Catherine tâm sự cách cảm động: “Chồng tôi đã chuẩn bị mọi thứ mà không biết liệu chúng tôi có bao giờ có Mình Thánh Chúa không. Nhưng chúng tôi có niềm tin! Do đó, ông ấy đã sửa chữa nhà tạm, lắp đặt điện, đặt đèn đỏ …”.
Đến hôm nay, đã hai năm rưỡi, Thánh Thể hiện diện ngày đêm trong nhà nguyện và một Thánh lễ được cử hành ở đó mỗi tháng một lần, với giờ chầu Thánh Thể. Mỗi ngày, ông Alain đến mở và đóng cửa nhà nguyện. Một cuộc phiêu lưu đã sinh hoa trái khi ngày càng nhiều người bước vào nhà nguyện thường bị đóng cửa này. Bà Catherine không ngần ngại nói về một phép lạ: “Khi chúng tôi đi vắng, thì một trong những người hàng xóm sống gần nhà thờ đến mở và đóng cửa. Tuy nhiên, đó là một người chống giáo sĩ. Ông ấy không bao giờ đi lễ và không bao giờ muốn đến nhà thờ. Nhưng xúc động khi thấy di sản của làng quê mình hồi sinh, ông đồng ý giúp đỡ. Hiện nay, ông ta mở và đóng cửa khi cần thiết và thậm chí đã đồng ý làm một chân nến. Một ngày nọ, không nói lời nào, ông ấy đã đặt chân nến trong nhà nguyện. Một buổi chiều chúng tôi đã nhìn thấy nó, được chiếu sáng bởi hai ngọn nến. Thật cảm động vô cùng.”
Một dấu hiệu hy vọng thực sự cho miền quê
Catherine có rất nhiều chứng từ. Chỉ cần mở cuốn sổ ghi chép các ý cầu nguyện và xem những ngọn nến đã được đốt đủ hiểu rằng có sự quan tâm thực sự từ các tín hữu cũng như của các cư dân làng quê này. Dù là tín đồ hay không, nhiều người được đánh động trước ý tưởng nhìn thấy nhà thờ nhỏ bé của họ, ký ức dịu dàng về thời thơ ấu, giờ đây được mở cửa hàng ngày. Những người khác hòa giải với đức tin hoặc khám phá việc chầu Thánh Thể lần đầu tiên. Bà Catherine chia sẻ: “Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ bước ra khỏi nhà thờ và nói với tôi: ‘Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi hoàn toàn bị thay đổi.” Ngày nay, những nhóm nhỏ khác được thành lập, ví dụ như những người phụ nữ cầu nguyện cho với Đức Mẹ của các trẻ em, như được minh họa trong một khung kiếng màu, để xin Mẹ gìn giữ con cháu của họ.
Với sự thành công mà đã mang đến một dấu hiệu hy vọng thực sự, bà Catherine hy vọng rằng sáng kiến này sẽ được các giáo xứ khác thực hiện theo. Với nhóm nhỏ của mình vào thứ sáu, bà cầu nguyện với ý chỉ này và thích lặp lại câu nói rất hay của vị linh mục của mình: “Chúng ta cầu nguyện cho người dân của giáo xứ. Chúng ta cầu nguyện rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại làng quê của chúng ta.” Đây là một thông điệp đẹp về hy vọng, nó chứng minh rằng việc đóng cửa các nhà thờ không phải là không thể tránh được!