Ý vừa tổ chức quốc tang cho David Sassoli, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, người đột ngột qua đời vì bệnh Legionnaire vào ngày 11 tháng Giêng. Thánh lễ đã được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Đức Maria của Các Thiên Thần ở Rôma với sự tham dự của Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Thủ tướng Mario Draghi, Chủ tịch Âu Châu Ursula von der Leyen, và hầu như toàn bộ cơ cấu quyền lực của lục địa này.
Đối với một dịp trọng đại như vậy, người ta có thể mong đợi Thánh lễ an táng sẽ được cử hành bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, là Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, hoặc có lẽ là Đại diện của Đức Giáo Hoàng tại giáo phận Rôma, là Đức Hồng Y Angelo De Donatis, hoặc thậm chí là Quốc vụ khanh của Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin.
Nhưng thay vào đó, vị chủ tế chính là Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna. Thực tế, Bologna cũng không phải là quê hương thực sự của Sassoli, vì ông sinh ra ở Florence, Tuscan năm 1956.
Chính vì thế, các phương tiện truyền thông tại Ý cho rằng đây là một cách để đánh bóng cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi người được tin là sẽ trở thành chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, gọi tắt là CEI, trước khi trở thành Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhị.
Trong sự kiện cầu nguyện cho hòa bình tại hí trường Rôma Côlôsêô vào ngày 8 tháng 10 vừa qua, với hàng loạt tên tuổi lớn, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Đức Hồng Y Zuppi là vị Hồng Y duy nhất được mời tham gia sự kiện này, và phát biểu về chủ đề “Chăm sóc Ngôi nhà Chung của chúng ta” cùng với Jeffrey Sachs, thành viên phò kiểm soát dân số của Học viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội.
Sandro Magister, người Ý, ký giả kỳ cựu về Vatican, cho biết Đức Hồng Y Zuppi đang nổi lên như vũ bão để trở thành ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu.
Theo John Allen của tờ Crux, việc Đức Hồng Y Zuppi là vị chủ tế chính trong đám tang Sassoli có thể là do tình bạn trọn đời giữa ngài và Sassoli. Và chính tình bạn này cũng là một cơ hội để Đức Hồng Y Zuppi lên nhanh như vũ bão.
Theo truyền thống, trong tiếng Ý, Bologna được biết đến với cái tên “Bologna rossa, dotta e grassa”, nghĩa là “đỏ, uyên bác và béo”. Đó là một sự tôn kính đối với kiến trúc gạch đỏ của thành phố, trường đại học nổi tiếng và ẩm thực nổi tiếng của thành phố. Tuy nhiên, “Bologna rossa” cũng được gọi rất nhiều như một tham chiếu đến nền chính trị của thành phố, vì nó từ lâu đã trở thành điểm tựa cho năng lượng cấp tiến của Ý.
Nhà lãnh đạo tương lai của Âu Châu và vị Hồng Y tương lai đã trở thành bạn bè cách đây nhiều thập kỷ, khi họ học cùng trường trung học “Liceo Virgilio” trên Via Giulia của thành phố Rôma, nơi cũng có sự tham gia của Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Thánh Egidio mà sau này Đức Hồng Y Zuppi cũng tham gia.
Sassoli từng nói về người bạn cũ Zuppi của mình, “Anh ấy lớn hơn tôi một tuổi, và nổi tiếng vì anh ấy ở trong một nhóm làm việc ở các vùng ngoại vi của thành phố với những người nghèo. [Nhóm làm việc được đề cập đến là cộng đồng Thánh Egidio mới ra đời.] Anh ấy gầy, thực sự gầy, với một chiếc túi da cũ trên vai, và một chiếc áo len dày màu đỏ tía thay vì một chiếc áo khoác… Anh ấy là đứa trẻ có nụ cười. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh mà không có một nụ cười. Ngay cả về thể chất, anh ấy cũng cho thấy niềm vui thực sự khi gặp gỡ mọi người”.
Mặc dù, Đức Hồng Y Zuppi và Riccardi đều là người Rôma và Sassoli là người Tuscan, cả ba đều lớn lên dưới cái bóng của Bologna vì đây là trung tâm của dòng văn hóa và tri thức Công Giáo Ý gắn liền với cố Hồng Y Giacomo Lercaro, người đã lãnh đạo thành phố trong thời kỳ những năm của Công đồng Vatican II vào giữa những năm 1960 và được liên kết với một nhánh Công Giáo chủ trương công bằng xã hội theo định hướng trung tả, và cải cách.
Sau Công đồng Vatican II, Bologna cũng trở thành quê hương của “Trường phái Bologna”, một hệ thống giải thích về Công Đồng trong đó nhấn mạnh “tinh thần” của Công Đồng, coi những nhà cải cách tiến bộ là anh hùng và thiểu số bảo thủ tại Công Đồng là kẻ thù của sự tiến bộ. Các kiến trúc sư của nó là những nhân vật như Giuseppe Dossetti, một linh mục và chính trị gia, và Giuseppe Alberigo, một nhà nghiên cứu giáo sử, cùng với người bảo trợ của Alberigo, nhà sử học và phê bình Alberto Melloni.
Đây là không khí mà các thanh niên Sassoli và Zuppi đã hít thở. Cả hai đều trở thành du khách thường xuyên đến Bologna; trên thực tế, chuyến thăm cuối cùng của Sassoli đến thành phố là vào tháng 9, cho một sự kiện có tên là “G20 của Đức Tin” do Melloni tổ chức và có sự tham dự của Đức Hồng Y Zuppi.
Sassoli ban đầu mang tầm nhìn trung tả, tiến bộ và nhân đạo của trường phái Bologna vào sự nghiệp báo chí của mình, đó là cách ông trở nên nổi tiếng ở Ý, và sau đó tham gia vào chính trị. Linh mục Zuppi cũng đi theo quỹ đạo tương tự trong đời sống giáo hội, trở nên tích cực trong Cộng đồng Thánh Egidio.
Trong những năm dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, nhiều người coi trường phái Bologna về cơ bản là đã chết, bị vượt qua bởi những luồng gió mới thổi dưới các vị giáo hoàng có định hướng chính trị và giáo hội khác – tập trung nhiều hơn vào bản sắc Công Giáo chứ không vào các “dấu chỉ của thời đại”, và trung hữu hơn là trung tả.
Tuy nhiên, vận may của trường phái Bologna đã hồi sinh dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vì vậy khi Đức Giáo Hoàng cử Đức Giám Mục Zuppi đến Bologna vào tháng 10 năm 2015, việc bổ nhiệm này được nhiều người coi là lễ đăng quang của cả di sản Lecaro và “trường phái Bologna”, vì Đức Cha Zuppi là một dòng dõi nổi bật của cả hai.
Hiện tại, có thể coi là hoàn toàn hợp lý khi Đức Hồng Y Bassetti từ chức chủ tịch hội đồng giám mục Ý vào cuối tháng 5, khi ngài bước sang tuổi 80, Đức Hồng Y Zuppi 66 tuổi có thể được chọn làm người kế nhiệm. Nếu điều này xảy ra, nó có thể là cơ hội để Đức Hồng Y Zuppi có ảnh hưởng lớn không chỉ ở Ý mà còn trên bình diện quốc tế, để được xem xét như một người kế vị khả thi cho chính Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong khi đó, thành công chính trị của Sassoli và sự nổi lên không ngừng trong giáo hội của Đức Hồng Y Zuppi là bằng chứng tích cực rằng trên cả hai bình diện dân sự và Giáo Hội, trường phái Bologna chưa thực sự chết – với những hoàn cảnh thích hợp, nó luôn có thể khởi đầu trở lại, lớn hơn và táo bạo hơn bao giờ hết.
Trong cuốn “The Next Pope”, tức là vị Giáo Hoàng tiếp theo, Edward Pentin, phóng viên thường trực của tờ National Catholic Register tại Rôma đưa ra những nhận xét sau, không mấy lạc quan về Đức Hồng Y Zuppi:
“Được biết đến như một ‘Hồng Y đường phố’ vì sự giúp đỡ của ngài cho người nghèo, sự nhấn mạnh của Đức Hồng Y Zuppi về nghèo đói vật chất và bình đẳng đã đưa ngài đến gần với chính trị cánh tả Ý – đến nỗi khi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi vào Hồng Y Đoàn được công bố, các phương tiện truyền thông Ý nói đùa rằng ‘tuyên úy’ của đảng xã hội chủ nghĩa hàng đầu của Ý đã trở thành một Hồng Y.
Với tư cách là Tổng giám mục của Bologna, ngài đã đọc điếu văn cho một người Ý cực đoan cánh tả, ủng hộ phá thai, và thậm chí còn cho nhập tịch vào Tổng giáo phận Bologna một linh mục Cộng sản đã tranh cử một ghế trong Nghị viện Âu Châu. Vị Hồng Y này cũng được nhớ đến vì đã viết lời tựa cho cuốn ‘Xây dựng một cây cầu: Làm sao Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tham gia vào mối quan hệ tôn trọng, trắc ẩn và nhạy cảm’, là cuốn sách gây tranh cãi về LGBT của Cha James Martin, được xuất bản vào năm 2018.”