Trong một cuộc họp báo video vào tháng trước, Đức Hồng y Giuseppe Betori, người dẫn dắt Tổng Giáo phận Firenze từ năm 2008, cho biết vào năm 2009, ngài đã chủ sự phong chức cho 7 linh mục cho Giáo phận, năm 2020 không có tân linh mục nào, và năm nay chỉ có một ứng viên là thành viên của Con đường Tân dự tòng. Đức Hồng y Betori bày tỏ: “Đối với tôi, đây là một trong những vết thương lớn nhất trong cuộc đời giám mục của tôi. Một tình huống thực sự bi thảm”.
Theo Đức Hồng y, số ứng sinh vào chủng viện giảm, nguyên nhân đến từ một cuộc khủng hoảng ơn gọi rộng lớn hơn, trong đó có cả khủng hoảng về bí tích Hôn nhân. “Vấn đề của khủng hoảng ơn gọi linh mục nằm trong cuộc khủng hoảng của con người”, Đức Tổng giám mục Firenze nói.
Niên giám thống kê mới nhất của Giáo hội Công giáo, được công bố vào tháng 3/2020, chỉ ra rằng trong năm 2018 số linh mục trên toàn thế giới đã giảm xuống còn 414.065 linh mục, trong đó châu Âu ghi nhận mức giảm lớn nhất. Mặc dù, so với các Giáo hội khác ở châu Âu, Giáo hội Ý vẫn được ghi nhận là một trong những nơi có mật độ linh mục cao hơn, một linh mục chăm sóc cho khoảng 1.500 tín hữu, nhưng nếu không có chủng sinh mới như trường hợp của Giáo phận Firenze thì Giáo hội Ý cũng khó đảm bảo được con số trên.
Giống như hầu hết các nước châu Âu, nhân khẩu học của Ý đã bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ sinh giảm trong 50 năm qua. Dân số già đồng nghĩa với việc ít người trẻ hơn, và theo thống kê quốc gia, ngày càng ít người Ý chọn kết hôn.
Đức Hồng y Betori nhận xét: Một nền văn hóa “tạm thời” đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của những người trẻ về tình trạng sống lâu dài, chẳng hạn như hôn nhân hoặc đời sống linh mục. Ngài nói: “Một cuộc sống muốn có nhiều trải nghiệm không thể là một cuộc sống được tận hiến cho một mục đích tối hậu. Điều này đúng cho hôn nhân, cho ơn gọi linh mục và cho tất cả những lựa chọn của con người”.
Ngọc Yến – Vatican News