Theo Christopher White của tạp chí Crux, thứ Ba vừa qua, 13 tháng 2, 2018, một số chuyên gia Công Giáo đã tụ họp nhau tại Đại Học Georgetown để duyệt lại 5 năm từ ngày Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng.
Nói chung, các chuyên gia trên ca ngợi việc nối vòng tay lớn của ngài về mục vụ và việc ngài thúc đẩy Giáo Hội tiếp cận thế giới hiện đại một cách tích cực hơn, nhưng họ cho rằng mọi sự có cơ nguy bị lu mờ đi nếu ngài không giải quyết hữu hiệu tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.
Chủ đề cuộc gặp gỡ là “Nhân Tố Phanxicô lúc Năm Năm: Suy Tư và Đối Thoại” do trung tâm Initiative on Catholic Social Thought and Public Life (Sáng Kiến về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo và Sinh Hoạt Công Cộng) của Đại Học Georgetowm đứng ra tổ chức, một trung tâm, mà theo Chủ Tịch John DeGoia, từng đem 15,000 cá nhân tới Đại Học này trong 5 năm qua để hiểu rõ hơn về đời sống của Giáo Hội.
Buổi gặp gỡ bắt đầu với bài suy tư của linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, chủ bút tờ La Civiltà Cattolica và là một trong các cố vấn thân cận nhất của Đức Phanxicô. Tiếp theo là cuộc thảo luận với sự tham dự của Greg Erlandson, chủ bút hãng tin Catholic News Service, Nữ Tu Norma Pimentel, giám đốc chấp hành của cơ quan Catholic Charities of the Rio Grande Valley, và Kirsten Powers, bình luận gia chính trị của CNN và giữ 1 mục của tờ USA Today, và được sự điều hợp của John Carr, giám đốc chấp hành của Initiative.
Nền ngoại giao thương xót hoàn cầu và các liên hệ Vatican-Trung Hoa
Cha Spadaro bắt đầu bài thuyết trình bằng cách nhận định rằng Đức Phanxicô bác bỏ “việc chạm trán giữa các nền văn minh” và trình bày một cái nhìn tổng thể về điều cha gọi là “nền ngoại giao bệnh viện dã chiến” vốn bắt nguồn từ một viễn kiến hoàn cầu về tình liên đới giữa các quốc gia được ngôn ngữ thương xót gợi hứng.
Đối với Cha Spadaro, các cuộc tông du của Đức Phanxicô cho thấy các ưu tiên của triều giáo hoàng của ngài: ngài tới những nơi nổi tiếng vì “các vết thương toang hoác” của họ.
Dựa trên các cuộc tông du Cairo, Bê Lem, Nam Hàn, Miến Điện, Bangladesh, và biên giới Mỹ Mễ, Cha nói: “các cuộc tông du cho phép Đức Giáo Hoàng rờ vào các vết thương toang hoác bằng chính đôi tay của ngài, thực hiện một cử chỉ có tính trị liệu”.
Đề cập vấn đề nóng bỏng nhất của nền ngoại giao Vatican vào lúc này, Cha Spadaro nói đến các động thái đang được bàn luận sôi nổi liên quan tới việc bình thường hóa mối liên hệ giữa Trung Hoa và Tòa Thánh.
Từ khi đảng Cộng Sản nắm chính quyền ở Trung Hoa năm 1949, Giáo Hội ở đấy bị chia thành điều người ta quen gọi là “Giáo Hội hầm trú” và Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa do nhà nước điều khiển. Trong khi Tòa Thánh và Trung Hoa không có liên hệ ngoại giao từ năm 1951, người ta đang đồn rằng một thỏa hiệp về việc bổ nhiệm giám mục sắp sửa được công bố.
Các nhà phê bình vốn cho rằng Vatican đang qụy lụy nhà nước Trung Hoa, trong khi nhiều người khác ca ngợi động thái này là cơ hội lịch sử để rao giảng Tin Mừng và là một cơ may giúp nhiều người Công Giáo hơn thực hành đức tin của họ với nhiều tự do hơn.
Cha Sparado nói rằng: “Đức Phanxicô đang đi cùng một con đường như Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, cố gắng tìm cách đối thoại hữu hiệu với các nhà cầm quyền Trung Hoa”.
Cha cho biết thêm: “một số người đang nêu câu hỏi liệu có thể chấp nhận được việc cấp quyền phong chức giám mục cho Chính Phủ Trung Hoa hay không. Câu hỏi này hoàn toàn sai lầm. Đấy không phải là nội dung của thỏa thuận. Nói như thế là nói sai. Giáo Hội không muốn từ bỏ thẩm quyền phong chức giám mục”.
Cha nói tiếp: “lịch sử Giáo Hội là lịch sử tìm kiếm các thoả thuận với các nhà cầm quyền chính trị về việc bổ nhiệm các giám mục. Trong các thỏa thuận hiện nay với một số nước dân chủ Tây Phương, ta thấy vẫn còn các qui định nói về quyền phủ quyết của các chính phủ đối với việc bổ nhiệm các giám mục. Ở khoảng 12 quốc gia trên thế giới, chính phủ dân sự vẫn có quyền được tham khảo hoặc thậm chí được giới thiệu”.
Theo Cha, “cho nên, đây không phải là vấn đề duy trì sự đối kháng kinh niên giữa các nguyên tắc và cơ cấu chống đối nhau, mà là tìm ra các giải pháp mục vụ thực tiễn giúp các người Công Giáo sống đức tin của họ và tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh chuyên biệt của Trung Hoa”.
Cha Spadaro cho biết: dưới thời Đức Phanxicô, Giáo Triều Rôma hành xử như một cột ăng-ten, nghĩa là “có khả năng vươn tới với những con người và những quốc gia giúp Đức Giáo Hoàng có thể lắng nghe thế giới và các nhu cầu của nó”.
Nối vòng tay lớn với các khu ngoại vi
Một trong các chủ đề lớn của triều giáo hoàng Phanxicô là việc nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải chú tâm tới những khu ngoại vi cả theo nghĩa vật lý lẫn nghĩa hiện sinh, hơn là những khu trung tâm.
Ông Erlandson cho rằng ông tin Đức Phanxicô được các vị Hồng Y bầu năm 2013 để lên khuôn khổ lại cho việc Giáo Hội bắt tay với thế giới chung quanh.
Ông nói rằng các Hồng Y cử tri đi tìm “một loại nhà lãnh đạo khác, một người không bị mắc kẹt vì các lo lắng và vấn đề nội bộ của Giáo Hội, nhưng biết cố gắng thúc đẩy Giáo Hội đi ra ngoài và bắt tay với thế giới” theo kiểu các triều giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI hợp lại với nhau.
Bà Powers cũng có cùng những tâm tư như thế và bà cho hay trong lãnh vực truyền thông của bà, Đức Phanxicô “đã làm cho Giáo Hội trở thành có liên quan bằng một cách chưa bao giờ có trước đây nơi những con người duy tục”. Bà cho biết các phản ứng của bà trong những ngày đầu tiên của triều giáo hoàng Phaolô, lúc thế giới vẫn còn đang cố gắng hình dung ra Jorge Mario Bergoglio là người thế nào, “như thể đang ngắm nhìn Chúa Giêsu” vậy.
Được Ông Carr gọi là “vị nữ tu ưu ái của Đức Giáo Hoàng”, Nữ Tu Pimentel nói việc Đức Phanxicô nhấn mạnh đến gặp gỡ đã nhắc Giáo Hội nhớ ra sao rằng “chúng ta là một gia đình”.
Đức Phanxicô đã đơn cử Nữ Tu Pimentel trong một buổi yết kiến ảo năm 2015 và ca ngợi bà đã chào đón các di dân tại biên giới Mỹ Mễ.
Ngài nói rằng “Cha muốn cám ơn con. Và qua con, cám ơn mọi chị em thuộc các dòng tu ở Hoa Kỳ về công việc các con đã và đang thực hiện ở Hoa Kỳ…Đức Giáo Hoàng nói thế có thích đáng không? Cha yêu tất cả các con rất nhiều”.
Nữ Tu Pimentel nói rằng căn cứ vào bản chất việc bà làm, điều chủ yếu đối với bà là là xây dựng các mối liên hệ vững chắc với các di dân, cũng như các viên chức kiểm soát biên giới và các viên chức đô thị.
Bà cho hay triều giáo hoàng Phanxicô xác nhận “chúng tôi đang làm đúng” trong việc bắc cầu.
Bà nói thêm: “Có cảm giác được chứng thực. Người thuộc cộng đồng La Tinh cảm thấy hài lòng được trở nên thành phần của Giáo Hội nhờ 1 vị giáo hoàng biết hỗ trợ và khuyến khích chúng tôi và nói với chúng tôi”.
Lạm dụng tình dục, cải tổ, và đối kháng
Theo Bà Powers, trong khi Đức Phanxicô được ca ngợi nhiều về việc nối vòng tay lớn mục vụ, thì vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục “đang treo lơ lửng trên di sản của ngài và thực sự có nguy cơ hoàn toàn xóa sạch hết mọi chuyện”.
Tiếp theo cuộc tông du Chile của ngài vào tháng trước, Đức Phanxicô đang bị vây khốn bởi nhnữg lời tố cáo xử sự không khéo vụ Đức Cha Juan Barros của giáo phận Osorno. Đức Cha Barros là người được che chở bởi Cha Fernando Karadima, người bị kết tội lạm dụng tình dục. Các nạn nhân của cha vốn tố cáo Đức Cha Barros biết chuyện lạm dụng nhưng cố tình che đậy.
Để trả lời, Tòa Thánh đã phái vị điều tra hàng đầu về lạm dụng tình dục, là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, qua Chile để điều tra thêm về vụ việc.
Bà Powers cho rằng “bạn phải lắng nghe các nạn nhân và coi trọng họ… nếu có việc phải chọn lựa ở đây, thì ưu tiên phải dành cho các nạn nhân”.
Ông Erlandson thì cho rằng tình huống ở Chile là một vụ “PTSD” (post traumatic stress disorder = rối loạn do căng thẳng hậu chấn thương) vì nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ vẫn đang quay cuồng vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.
Ông nói: “tôi thực sự nghĩ rằng việc phái Đức Tổng Giám Mục Scicluna… một người có thành tích hết sức gây ấn tượng… là một động thái tốt, nhưng sẽ không đủ. Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng, người vốn là bậc thầy về cử chỉ và bậc thầy về thương xót và cả tha thứ nữa, tôi nghĩ, ngài sẽ tìm cách đích thân giải quyết tình thế”.
Ngoài việc lạm dụng tình dục, Ông Erlandson nói việc đề kháng đối với triều giáo hoàng Phanxicô còn xoay quanh tông huấn năm 2016 của ngài, tựa là Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) trong đó có mở ra khả thể hạn chế cho phép người Công Giáo ly dị tái hôn được rước lễ.
Ông cho hay một số các quan tâm này không trực tiếp nhắm vào Đức Giáo Hoàng, nhưng nhắm vào “những người có thể đứng cùng hàng với ngài, muốn đi tới những điều mà chính Đức Giáo Hoàng không nhất thiết có ý định đi”
Bất chấp sự chống đối, Ông Erlandson bác bỏ nỗi sợ có ly giáo, coi đây là “ngôn từ gây khiếp sợ” mà người Công Giáo không nên lắng nghe.
Bà Powers thì cho rằng những người phê phán Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều là những người bảo thủ “lẫn lộn chính trị với thần học”. Theo bà, Đức Phanxicô nên thách thức các người Hoa Kỳ thuộc mọi khuynh hướng chính trị và bà nêu bài diễn văn của ngài trước lưỡng viện Quốc Hội năm 2015 làm điển hình.
“Nếu bạn là người Công Giáo thực sự, bạn thực sự không thể trở thành một người ý thức hệ, và do đó, Giáo Hội Công Giáo không xếp hàng theo đảng nào cả. Nó không hề làm thế. Điều này làm ngài trở thành người đôi khi nói 1 điều xúc phạm đến người Dân Chủ và đôi khi xúc phạm đến người Cộng Hòa”
Bất chấp các tranh cãi, và sự không chắc chắn về hướng đi của những vấn đề tín lý đặc thù hay cách đáp ứng đối với việc lạm dụng tình dục, buổi gặp gỡ đã kết thúc ở chỗ Cha Spadaro bắt đầu tức tập chú vào chủ đề thương xót của Đức Phanxicô.
Ông Erlandson cho hay: bất cứ triều giáo hoàng Phanxicô có 1 tương lai ra sao, ông hy vọng sứ điệp thương xót của ngài sẽ không bị người ta quên lãng. Ông nói: “điều tôi yêu thích nhất đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được thể hiện trong năm thương xót. Than phiền duy nhất của tôi là đáng lẽ nó nên kéo dài hai năm”.
Săn lùng phù thủy
Nhưng người ta rất sợ Ông Erlandson không hiểu rõ sứ điệp thương xót của Đức Phanxicô. Sứ điệp ấy không phải chỉ áp dụng cho một phía, cho một số người, mà phải áp dụng cho mọi con người theo mẫu mực mà Đức Kitô đã nói rõ trong các sách Tin Mừng: Thiên Chúa cho mưa cho nắng trên cả kẻ lành lẫn kẻ dữ!
Người ta có cảm tưởng con người thời nay đa số chỉ biết xót thương nạn nhân lạm dụng tình dục mà quên rằng những kẻ lạm dụng tình dục cũng đáng được thương xót, vì đơn giản họ cũng là nạn nhân của một nền văn hóa quá đề cao thỏa mãn cá nhân. Chỉ biết thương xót một phía đang biến xã hội ta thành một xã hội chuyên “săn lùng phù thủy”.
Phù thủy đúng là một sự ác cần diệt trừ, nhưng não trạng “săn lùng phù thủy” thì hình như có mùi không hay ho cho lắm. Từ điển mở Wikipedia định nghĩa sự kiện “săn lùng phù thủy” như sau: săn lùng phù thủy là việc săn lùng những người bị dán nhãn hiệu “phù thủy” hay có bằng chứng hành nghề phù phép, đôi khi mang dáng dấp hốt hoảng tinh thần hay điên loạn tập thể.
Thời gian săn lùng phù thủy cổ điển ở Âu Châu đầu thời cận đại và thời khai phá Bắc Mỹ diễn ra khoảng năm 1450 tới năm 1750… kết quả có khoảng từ 35,000 tới 100,000 vụ xử tử. Nếu tính cả các vụ xử tử bất hợp pháp và kiểu “tiền trảm hậu tấu” nữa thì con số tròm trèm 200,000 “phù thủy” bị tra tấn, thiêu sống hay treo cổ trong thế giới Tây Phương trong khoảng từ năm 1500 tới năm 1800.
Có người còn cho con số trên lên đến 500,000, thậm chí 1,000,000 vụ hoặc hơn. Mà phần lớn nạn nhân đều thuộc giai cấp thấp về kinh tế. Hai tác giả Scarre và Callow miêu tả như sau: “một phù thủy đặc trưng là vợ hay góa phụ một lao công nông nghiệp hay một tá điền nhỏ, và bị tai tiếng là người có bản chất hay cãi nhau và hay gây hấn”.
Với 1 mô tả như thế và bầu khí hốt hoảng và điên loạn tập thể, chắc chắn việc săn lùng trên là điều không đáng duy trì. Các xã hội Phương Tây đã chấm dứt nó từ lâu. Tuy nhiên tại các nước chậm tiến, nó vẫn còn được duy trì ở một số nơi. Chính vì thế, Liên Hiệp Quốc đã chính thức coi việc này là một vi phạm nhân quyền khổng lồ.
Nhưng não trạng “săn lùng phù thủy” thì vẫn còn đó, và nó mang nhiều hình thức khác nhau. Một trong các hình thức ấy lấp ló phía sau phong trào tố cáo lạm dụng tình dục và kiện cáo trừng phạt hiện nay, đến độ coi những người lạm dụng không còn phải là những con người, để ta có quyền kết tội trước khi công lý kết tội họ.
Điều ấy dễ hiểu đối với những ai khác, chứ nói đến thương xót, thì “săn lùng phù thủy” không hề có trong ngữ vựng của Đức Phanxicô.