Emma Gatti, trên Aleteia ngày 15/05/24, cho hay: Tháng 12 năm ngoái, Đức Giao hoàng đã tiết lộ nơi ngài sẽ được chôn cất – không phải ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, mà ở Nhà thờ Đức Bà Cả, nơi có biểu tượng “Maria Salus populi romani” (Maria Cứu giúp Dân Rôma).
Ở một góc kín đáo của Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả, giữa những lời thì thầm cầu nguyện của Nhà nguyện Pauline và sự im lặng huyền bí, gần như không có thật của Nhà nguyện Sforza: Đây là nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn để an táng, như ngài đã tiết lộ vào tháng 12 năm ngoái.
Chúng tôi tường trình từ vương cung thánh đường này ở trung tâm lịch sử của Rome, nơi an nghỉ của bảy vị giáo hoàng và là nơi mà vị giáo hoàng người Argentina đặc biệt yêu thích.
Đó là lúc kết thúc một ngày xuân có mưa ở Rome. Tại Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả, gần ga Termini, hàng chục du khách ngước nhìn lên để chiêm ngưỡng trần nhà sang trọng được dát vàng lá. Những bước chân lướt trên sàn đá cẩm thạch. Tiếng hát của những người hành hương Pháp thoát ra từ một nhà nguyện bên cạnh: “Hãy vui mừng, vì Ngài đã đến…”
Bức ảnh được yêu mến
Bên trái dàn hợp xướng là nhà nguyện Pauline nổi tiếng. Đây là nơi có bức ảnh Đức Trinh Nữ Maria Salus populi romani (cứu giúp dân Rôma) – theo truyền thống, được vẽ bởi Thánh Luca. Nhà nguyện không bao giờ trống rỗng.
Dưới tấm lưới bảo vệ chứng thực công việc đang được thực hiện trong mái vòm, điện thoại di động chụp lại những bức tranh danh giá tô điểm cho nhiều nhà nguyện của vương cung thánh đường và dừng lại một lúc trước bức ảnh rất được người Rôma yêu quý, nhìn ra bàn thờ.
Kể từ khi được bầu vào năm 2013, Jorge Mario Bergoglio đã đến cầu nguyện dưới chân linh ảnh 115 lần, đặc biệt là trước và sau mỗi chuyến tông du của ngài. Vào ngày 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài đã tôn vinh vị Trinh Nữ này bằng Bông Hồng Vàng. “Tôi luôn có lòng sùng kính lớn lao đối với Thánh Maria Cả, ngay cả trước khi tôi trở thành giáo hoàng,” ngài nói trong cuốn sách gần đây El Sucesor (“Người kế vị”), viết cùng với nhà Vatican học Javier Martìnez-Brocal.
Ngài tiếp tục giải thích lý do tại sao ngài chọn chôn cất ở đó: “Ngay bên ngoài tác phẩm điêu khắc Nữ hoàng Hòa bình, có một cái hốc nhỏ, một cánh cửa dẫn đến một căn phòng nơi cất giữ những cây nến. Tôi nhìn thấy nó và nghĩ: ‘Chính là nơi này.’ Và đó là nơi chôn cất đã được chuẩn bị. Tôi được biết là nó đã sẵn sàng.”
Được chôn cất như một Kitô hữu đơn giản
Cách đó vài bước, tủ đựng nến trước đây được giấu sau một cánh cửa gỗ gần như vô danh, khách du lịch đi qua mà không để ý. Ngôi mộ tương lai của vị giáo hoàng thứ 266 sẽ được đặt đối diện với nhà nguyện Salus populi romani, và được che chắn trong đường cong của những cây cột bảo vệ của nhà nguyện Sforza, nơi duy nhất dành cho việc cầu nguyện thầm lặng. Ở đây, việc chụp ảnh có đèn flash bị cấm. Chúng ta thậm chí không dám thì thầm, bị kìm hãm bởi sự im lặng sâu sắc ngự trị trong hòn đá xám xịt trang nghiêm, thấm đẫm những chuỗi Mân Côi được các tín hữu chiêm niệm cầu nguyện.
Cánh cửa ẩn giấu ngôi mộ tương lai của Đức Phanxicô cũng giống như ngài. Đức Giáo Hoàng đã giải thích rằng ngài mong muốn “đơn giản hóa” nghi thức an táng của giáo hoàng. Như Javier Martìnez-Brocal đã giải thích cho chúng ta:
“Ngài muốn dỡ bỏ mọi thứ liên quan đến luận lý học của chế độ quân chủ, của Triều đình… Ngài không muốn hài cốt của mình được trưng bày, ngài muốn được chôn cất như một Ki-tô hữu đơn giản. Ngài muốn quay trở lại với sự đơn giản nhất định và đảm bảo rằng hình ảnh của giáo hoàng được công nhận về tính chất tinh thần, không quá lố”.
Giữa hai tòa giải tội
Một chi tiết khác có ý nghĩa đặc biệt: cánh cửa dẫn vào ngôi mộ tương lai của Đức Phanxicô được bao bọc bởi hai tòa giải tội, nơi các linh mục lớn tuổi mặc áo alba thì thầm trong nhân cách Chúa Kitô, giải thoát những xiềng xích tội lỗi. Khi một hối nhân quỳ gối giữa đám đông du khách, người ta dễ dàng nghĩ rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vị Giáo hoàng người Argentina đã giảng rất nhiều về lòng thương xót. “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ” là một trong những khẩu hiệu lớn trong huấn quyền của ngài, và cử chỉ khiêm tốn đi xưng tội trong các buổi cử hành sám hối vẫn là một trong những hình ảnh tuyệt vời trong triều giáo hoàng của ngài.
Trong khi sự lựa chọn được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả thay vì ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô – gần ngôi mộ của Tông đồ Phêrô – trái ngược với những người tiền nhiệm gần đây của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không phải là vị giáo hoàng duy nhất được an nghỉ ở đây. Bảy giáo hoàng được chôn cất ở đây: Honoriô III (1216-1227), Nichola IV (1288 đến 1292), Piô V (1566-1572), Sixtô V (1585-1590), Clementê VIII (1592 đến 1605), Phaolô V (1605 -1621) và Clementê IX (1667-1669).
Dù thế nào đi nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích rằng ngài đã hứa điều này với Đức Trinh Nữ Maria, người mà ngài có “một mối liên kết rất sâu sắc”. Do đó, thi hài của ngài sẽ được ở gần Mẹ, trong vương cung thánh đường lớn duy nhất dành riêng cho Mẹ.