Người ta bảo linh mục là ai?

Nghe bài này

le-thu-phong-400

Thông thường hai Chúa Nhật cuối Tháng Sáu và Chúa Nhật đầu Tháng Bảy là thời điểm mà các giáo phận tại Pháp tổ chức thánh lễ truyền chức linh mục. Thời điểm này tương đối lý tưởng đối với các chủng viện và giáo xứ, vì lúc này năm học và chương trình sinh hoạt của một năm khép lại trong khi kỳ nghỉ hè đầy lý thú lại mở ra trước mắt. Do đó, trước khi đi hè, cộng đoàn Dân Chúa rất phấn khởi nhìn thấy thành quả vun trồng từ bao năm tháng đến nay được hội tụ nơi thánh lễ truyền chức, một niềm vui chung của tất cả thành phần trong Giáo Hội. Do đó đề tài lễ truyền chức linh mục luôn là chủ đề chính trong thời điểm này. Cũng trong khuôn khổ đó, bài viết muốn nhấn mạnh về thiên chức ơn gọi linh mục. Thật không hề ngẫu nhiên, khi Tin Mừng Chúa Nhật XII năm C có đặt câu hỏi về Chúa Giêsu theo cái nhìn của con mắt người đời : « Người ta bảo Thầy là ai ? », thì Tin Mừng Chúa Nhật XIII của tuần tiếp theo lại nói về điều kiện của người muốn đi theo Chúa. Đặc biệt trong khung cảnh ơn gọi linh mục, bài Tin Mừng này cũng có thể đặt ra câu hỏi: « Người ta bảo linh mục là ai ? ».

Trong bầu khí ấy, Chúa Nhật cuối cùng của tháng Sáu 30/06/2013, người viết có tham dự thánh lễ truyền chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Thánh Lazarô thuộc giáo phận Autun. Ứng viên của bí tích này gồm một phó tế người Việt và người còn lại là một phó tế người Pháp. Dù bất kỳ là ai, giáo dân, tu sĩ hay linh mục, khi tham dự cử hành bí tích này đều được đánh động bởi tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ngài qua việc tuyển chọn một số người nam để phục vụ Tin Mừng và Giáo Hội. Đặc biệt, quãng đường ơn gọi của hai tân chức hôm nay cùng với Lời Chúa của Chúa Nhật tuần XIII thường niên năm C toát lên căn tính của ơn gọi.

Thiên Chúa gọi ai tùy ý của mình. Đây chính là sáng kiến của Ngài. Thiên Chúa gọi và chọn người mình muốn để giao cho họ một sứ mạng. Ơn gọi hoàn toàn là một màu nhiệm. Vì thế, nó không hề có tính áp đặt, cũng chẳng theo tiêu chuẩn của người đời. Thiên Chúa gọi ai thì Ngài cũng để cho đương sự tự do đáp trả. Chẳng thế mà Tin Mừng trong ngày kể lại chuyện một người đến xin theo Chúa. Ngay lập tức Ngài đã nói về những bấp bênh trên con đường này. Sau đó, Đức Giêsu cũng đã chủ động kêu gọi một số người khác. Những người này chưa sẵn sàng theo Ngài, hoặc việc theo ấy phải thỏa mãn một số yêu sách của họ. Tin Mừng nêu ra một số trường hợp điển hình như quay trở về để giã biệt người thân, hoặc thực thi tình nghĩa hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là chôn chất cha mẹ mình.

Đi theo Chúa đòi hỏi tính dứt khoát ngay lập tức và vô điều kiện. Đồng thời, việc thi hành sứ vụ của Ngài luôn luôn phải là ưu tiên hàng đầu, vượt lên trên hết mọi công việc khác trong cuộc sống. Nguyên lý của sự lựa chọn luôn đồng nghĩa với từ bỏ một cách dứt khoát cái cũ để sẵn sàng đón nhận cái mới, mà theo cách nói của thánh Phaolô là cần phải chết đi cho con người cũ để mặc lấy con người mới.

Có thể nói, hành trình ơn gọi của hai tân linh mục ngày chịu chức phản ánh rõ niềm xác tín này. Hơn chục năm về trước, nếu như có ai nói là họ sẽ trở thành linh mục thì hoàn toàn sẽ không thể tài nào tin nổi. Làm sao có thể trở thành linh mục đối với một người đã nhận lãnh bí tích rửa tội mà lại có cả một chặng thời gian dài suốt ba mươi năm trời không hề đặt chân đến nhà thờ ? Làm sao có thể trở thành linh mục khi đã có nghề nghiệp ổn định mà nhất là nghề nghiệp ấy lại trong ngành cảnh sát ? Ấy thế mà chỉ cần một lần được đánh động khi đọc một câu thánh vịnh trong Kinh Thánh, cuộc đời của viên cảnh sát này đã lật sang một trang mới. Tất cả những gì thuộc quá khứ được gác sang một bên. Tâm hồn được hoán cải và ngay lập tức có ý muốn sống gắn bó với Giáo Hội trong sứ vụ linh mục. Sau thời gian tu học tại chủng viện và thực tập tại giáo xứ để chuẩn bị cho hành trang của người mục tử, theo như một bài viết trong nhật báo của tỉnh thuộc địa bàn giáo phận này, « người cảnh sát chuyên bắt tội phạm trở thành người mục tử chăm sóc các linh hồn ».

Về phần mình, tân linh mục người Việt không bao giờ có thể nghĩ rằng mình sẽ có được như ngày hôm nay. Hơn một thập niên rời xa quê hương, đất nước và người thân, ban đầu người có lý tưởng tu trì này được đón nhận trong một cộng đoàn dòng tu, nhưng chỉ là để lao động và cầu nguyện, mà không hề tính đến chuyện được đào tạo để trở thành linh mục. Thế rồi cơ duyên cũng đến, thầy được một giáo phận tiếp nhận và gửi đi tu học tại đại chủng viện.

Qua đó, chúng ta mới thấy được cách Chúa gọi và chọn hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của con người. Một khi Ngài đã chọn và gọi ai, thì ngay đối với cá nhân đương sự và người đời cũng sẽ không thể nào hiểu được sự màu nhiệm trong cách thức của Thiên Chúa.

Thiên Chúa gọi ai là để trao cho một sứ mạng cần thi hành. Đối với các linh mục, họ được mời gọi đón nhận những lễ vật của dân Thiên Chúa để dâng lên Ngài qua việc thông phần vào chức vụ tư tế của Đức Giêsu, đồng thời cũng qua sứ mệnh này để làm triển nở ân sủng tự trời cao đổ xuống cho dân Chúa qua việc cử hành các bí tích. Do sứ mệnh quan trọng này, các linh mục cũng được mời gọi sống chết cho sứ mệnh thể hiện qua việc rao giảng điều mình tin, và sống điều mình rao giảng.

Theo ý muốn của Đức Kitô, Giáo Hội luôn luôn cần đến vai trò của linh mục để tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể, nhằm hiện tại hóa hy tế xưa Đức Giêsu dâng trên thập giá xuyên suốt từ sự chết đến sự sống lại của Ngài. Mỗi khi linh mục dâng thánh lễ, suối nguồn hồng ân Thiên Chúa được trải rộng cho nhân loại. Chính vì thế, Mẹ Têrêsa thành Calcuta khuyên các linh mục luôn luôn ý thức được vai trò quan trọng này mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể. Đó là dâng thánh lễ với tất cả lòng sốt sắng như « thánh lễ đầu tiên, như thánh lễ cuối cùng, và như một thánh lễ duy nhất ».

Để chu toàn sứ mệnh cao cả này, các linh mục cũng rất cần sự nâng đỡ của cộng đoàn Dân Chúa, và đặc biệt là qua lời cầu nguyện liên lỉ để họ luôn trung thành với thánh chức của mình và luôn luôn trở nên người linh mục như lòng Chúa mong ước.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS