Ghi chú giải thích về ý nghĩa của “ơn cứu độ” trong bài giảng của ĐTC Phanxicô hôm 22 tháng 5

Nghe bài này

Pope_Francis_04

Ghi chú giải thích về ý nghĩa của “ơn cứu độ” trong bài giảng thường nhật của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 22 tháng 5
Cha Thomas Rosica, CBS.

Tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi và các tin nhắn trong suốt ngày hôm qua và cả ngày hôm nay nữa liên quan đến bài giảng thường nhật của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện Nhà Thánh Matta vào hôm thứ tư ngày 22 tháng 5 năm 2013. Bài giảng được gợi hứng từ đoạn Tin Mừng theo thánh Máccô (9, 38-40) trong đó các tông đồ cho Đức Giêsu biết họ đã cố gắng ngăn cản ai đó trừ quỷ vì người đó không phải là người trong nhóm họ. Đức Giêsu quở mắng các tông đồ và nói: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Trong một đoạn bài giảng, Đức Phanxicô nói: “Chúa đã cứu chuộc tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, với Máu của Đức Kitô: tất cả chúng ta, không riêng gì người Công Giáo. Tất cả mọi người! ‘Thưa cha, cả những người vô thần sao?’ Kể cả những người vô thần. Tất cả mọi người! Và Máu này biến chúng ta thành con cái hạng nhất của Thiên Chúa! Chúng ta là con cái được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và Máu Đức Kitô đã cứu chúng ta hết thảy! Và tất cả chúng ta đều có bổn phận làm điều lành. Và điều răn dạy mọi người làm điều lành này, theo cha nghĩ, là con đường đẹp đẽ dẫn đến hoà bình. Nếu chúng ta, mỗi người làm phần việc của mình, nếu chúng ta làm điều lành cho người khác, nếu chúng ta gặp nhau ở điểm này, làm điều lành, và chúng ta đi chậm rãi, dịu dàng, từng bước một, chúng ta sẽ làm nên văn hóa gặp gỡ: chúng ta cần điều đó biết bao. Chúng ta cần gặp thấy nhau làm điều lành. ‘Nhưng tôi không tin, thưa cha, tôi là một người vô thần!’ Nhưng hãy làm điều lành: chúng ta sẽ gặp nhau ở đó.”

Những câu hỏi của bạn có thể tóm lại theo 3 loại sau:

1. Làm sao người vô thần lại có thể được cứu độ?

2. Phải chăng Đức Thánh Cha Phanxicô đang miêu tả một loại “Kitô giáo ẩn danh” nào đó đang hoạt động trong thế giới hôm nay?

3. Đâu là những hàm ý trong bài giảng của Đức Thánh Cha đối với cuộc sống hàng ngày?

Tôi đã chuẩn bị một số suy nghĩ và câu trả lời ngắn gọn cho những câu hỏi này. Chúng bắt nguồn từ những nghiên cứu thần học của riêng tôi, qua 5 năm sống ở miền Trung Đông, trong một cộng đoàn thiểu số người Kitô hữu ở Ítraen, Palestin, Jordan và Ai cập cũng như làm việc trong ban đối thoại liên tôn giáo với người Do Thái và Hồi Giáo suốt nhiều năm trời. Tôi cũng đã làm việc nhiều với những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri ở các trường đại học thế tục tại Canada.

1)Hãy luôn luôn ghi nhớ thính giả và bối cảnh mà các bài giảng hàng ngày của Đức Thánh Cha nhắm tới. Đầu tiên và trước hết ngài là một vị mục tử dày dạn và là một nhà giảng thuyết có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận dân chúng. Lời của ngài không được nói ra trong bối cảnh của một phân khoa hay học viện thần học, cũng như trong cuộc đối thoại hay tranh luận liên tôn. Ngài nói trong bối cảnh của Thánh lễ, khi đưa ra những suy tư về Lời Chúa. Ngài đang nói với những người Công Giáo và những vị lãnh đạo tôn giáo. Kiến thức bén rể sâu trong Thần học và Truyền thống Công Giáo của ngài có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được và tiếp thu. Đây không phải là một quà tặng được ban cho mọi vị mục tử hay mọi thần học gia! Có ai tự hỏi rằng tại sao biết bao người được lời của Đức Thánh Cha Phanxicô lôi cuốn đến vậy không? Có ai lấy làm lạ tại sao có biết bao người đọc những bài giảng thường nhật của một vị Giáo Hoàng, bàn luận về những bài giảng đó và nêu lên những câu hỏi về điều họ đọc không?

2) Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý kích động một cuộc tranh cãi thần học về bản chất của Ơn Cứu Độ thông qua bài giảng hay suy tư kinh thánh của Ngài khi nói rằng: “Chúa đã cứu chuộc tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, với Máu của Đức Kitô: tất cả chúng ta, không riêng gì người Công Giáo. Tất cả mọi người!” Chúng ta hãy xem những đoạn sau trong Bản Toát Yếu Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, cung cấp giáo huấn của Hội Thánh về ai sẽ được “cứu độ” và cứu độ như thế nào.

135. Ðức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết như thế nào?

Ðức Kitô sẽ phán xét với quyền năng mà Người đã thu nhận được như Ðấng Cứu Chuộc trần gian, đã đến để cứu độ loài người. Những điều kín nhiệm trong tâm hồn cũng như thái độ của mỗi người đối với Thiên Chúa và tha nhân sẽ được tỏ ra. Mỗi người sẽ đón nhận sự sống hay bị kết án đời đời tùy theo các công việc họ đã làm. Như thế “sự viên mãn của Ðức Kitô” (Ep 4,13) được thành tựu, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).

152. “Hội thánh là bí tích phổ quát của ơn cứu độ” có nghĩa là gì?

Câu này muốn nói Hội thánh là dấu chỉ và khí cụ cho việc giao hòa và hiệp thông toàn thể nhân loại với Thiên Chúa cũng như cho sự hợp nhất nhân loại.

162. Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô tồn tại ở đâu?

Với tính cách là một cộng đoàn được thiết lập và tổ chức ở trần gian, Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô tồn tại (subsistit in) trong Hội thánh Công Giáo, được điều hành do vị kế nhiệm thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với ngài. Chỉ nhờ Hội thánh này người ta mới có thể đạt được cách đầy đủ các phương tiện cứu độ, vì Chúa đã trao phó tất cả những gì thiện hảo của Giao ước Mới cho tập thể tông đồ duy nhất, có thánh Phêrô đứng đầu.

166. Tại sao Hội thánh được gọi là Công Giáo?

Hội thánh có đặc tính là Công Giáo, nghĩa là phổ quát, vì Ðức Kitô hiện diện trong Hội thánh. “Ở đâu có Ðức Kitô Giêsu, ở đó có Hội thánh Công Giáo” (Thánh Inhaxiô Antiôkia). Hội thánh loan báo sự toàn diện và toàn vẹn của đức tin. Hội thánh gìn giữ và quản lý tất cả các phương tiện cứu độ. Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa của họ.

171. Câu khẳng định “Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ” có nghĩa gì?

Câu này muốn nói rằng ơn cứu độ xuất phát từ Ðức Kitô-là-Ðầu thông qua trung gian là Hội thánh, thân thể Người. Những ai biết rằng Hội thánh được Ðức Kitô thiết lập và cần thiết cho ơn cứu độ mà không muốn bước vào hay không muốn gắn bó với Hội thánh, thì sẽ không được cứu độ. Ngoài ra, nhờ Ðức Kitô và Hội thánh Người, những người, không vì lỗi mình mà không biết Tin Mừng của Ðức Kitô và Hội thánh Người, nhưng chân thành đi tìm Thiên Chúa và dưới ảnh hưởng của ân sủng, cố gắng thực hiện ý Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của lương tâm, vẫn có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời.

3) Kinh Thánh nói rõ cho chúng ta rằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ (1 Tm 2,4). Giao ước bình an mà Thiên Chúa ký kết với Nôe sau lụt hồng thủy chưa bao giờ bị bãi bỏ, trái lại, chính Con Thiên Chúa đã đóng dấu xác nhận giao ước đó với uy quyền của tình yêu hy sinh chính mình cho hết thảy mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác các người Công Giáo đừng coi những ai không là thành viên của Hội Thánh là quỷ dữ, và ngài đặc biệt bênh vực những người vô thần, khi nói rằng xây những bức tường chống lại những người không Công Giáo dẫn tới việc “giết chết nhân danh Thiên Chúa”.

4) Nhà thần học vĩ đại dòng tên người Đức, cha Karl Rahner đưa ý tưởng “người Kitô hữu ẩn danh” vào trong suy tư thần học. Qua khái niệm này, được gởi đến cho các kitô hữu, cha Rahner nói rằng: Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người được cứu độ, và Người không thể đày hết thảy những ai ngoài Kitô giáo xuống địa ngục. Thứ đến, Đức Giêsu Kitô là phương tiện cứu độ duy nhất của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là những người không phải là Kitô hữu mà kết thúc đời mình trên thiên đàng thì hẳn họ đã lãnh nhận ân sủng của Đức Kitô mà không hề hay biết. Vì thế mà có thuật ngữ “Kitô hữu ẩn danh”.

Ý nghĩa của luận đề về Kitô hữu ẩn danh này cũng được dạy trong Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh (Lumen Gentium) của công đồng Vatican II. (số 16). Theo tài liệu này, những ai chưa đón nhận Tin mừng và điều này không phải do lỗi của riêng họ, cũng có thể được hưởng ơn cứu độ vĩnh cửu… Thiên Chúa, “bằng những cách thức mà ta không biết” của ân sủng của Người, có thể ban đức tin vốn không thể thiếu để được cứu độ ngay cả đối với những ai chưa được nghe giảng về Tin Mừng.

Người Công Giáo không chấp nhận quan điểm tương đối hoá các tôn giáo, cho rằng mọi tôn giáo xét tổng thể đều chính đáng ngang nhau, và sự nhầm lẫn hay bất trật tự giữa chúng tương đối không mấy đáng kể. Thiên Chúa đích thực và thực sự muốn cho tất cả mọi người đều được cứu độ. Người Công Giáo tin rằng chỉ trong Đức Giêsu Kitô mà ơn cứu độ này được ban cho, và thông qua Kitô giáo và Hội Thánh duy nhất mà ơn cứu độ đó phải được ban phát cho tất cả mọi người.

5) Luôn có một nguy cơ trong cuộc đối thoại liên tôn hay đối thoại với những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri ngày nay khi giản lược mọi cuộc thảo luận thành xã giao đơn thuần và không thích đáng. Đối thoại không có nghĩa là thoả hiệp. Có thể và phải có đối thoại ngày hôm nay: đối thoại trong tự do đích thực chứ không chỉ trong sự ‘khoan dung’ và cùng chung sống, nơi mà người ta nhượng bộ đối thủ của mình đơn thuần là vì người ta không có đủ sức mạnh để hủy diệt họ. Cuộc đối thoại này tất nhiên phải được thực hiện với một thái độ yêu mến. Người Kitô hữu biết rằng chỉ duy chỉ có tình yêu là ngọn đèn cao nhất của hiểu biết và do đó những điều mà thánh Phaolô nói về tình yêu cũng có thể áp dụng cho việc đối thoại.

6) Một người ngoài Kitô giáo có thể không chấp nhận cách trình bày về tin mừng của người Kitô hữu. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa là người đó thực sự loại bỏ Đức Kitô và Thiên Chúa. Loại bỏ Kitô giáo có thể không có nghĩa là loại bỏ Đức Kitô. Bởi vì nếu một cá nhân nào đó khước từ Kitô giáo được mang đến cho anh ta thông qua lời giảng dạy của Hội Thánh, thì ngay cả khi đó chúng ta vẫn không có bất kỳ thẩm quyền nào để phán quyết rằng liệu sự loại bỏ này trong bối cảnh cụ thể là một lỗi lầm trầm trọng hay là một hành vi trung thành với lương tâm của anh ta. Chúng ta không bao giờ có thể khẳng định cách chắc chắn liệu rằng một người ngoài Kitô giáo đã loại bỏ Kitô giáo và những ai, dầu có một sự tiếp xúc nào đó với Kitô giáo nhưng đã không trở thành Kitô hữu, vẫn đang đi theo con đường tạm thời được vẽ ra cho ơn cứu độ của anh ta, dẫn anh ta đến một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, hay là anh ta đang đi trên con đường dẫn tới diệt vong.

7) Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa xem việc bày tỏ tình yêu đối với người lân cận cũng chính là bày tỏ tình yêu đối với chính Người. Do đó mối quan hệ yêu thương giữa một người và người lân cận của họ biểu thị mối quan hệ yêu thương giữa người đó đối với Thiên Chúa. Điều đó không có ý nói là những người ngoài Kitô giáo vẫn có thể thực hiện những hành động yêu thương người lân cận này mà không cần tới sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trái lại, những hành động yêu thương này thực sự minh chứng cho thấy Thiên Chúa đang hoạt động trong người ấy.

8) Là kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn vươn tới nhân loại trong tình yêu. Điều đó có ý nghĩa rằng mọi người nam, người nữ, dù hoàn cảnh nào, cũng được cứu độ. Cả những người ngoài kitô giáo cũng có thể đáp trả hành động cứu độ này của Chúa Thánh Thần. Không ai bị loại trừ khỏi ơn cứu độ chỉ vì điều được gọi là tội nguyên tổ; người ta chỉ đánh mất ơn cứu độ vì những tội lỗi nghiêm trọng của riêng mình.

Trong tâm trí của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đặc biệt được diễn tả trong bài giảng ngày 22/5, “làm điều thiện” là một nguyên tắc nối kết toàn thể nhân loại, vượt lên sự khác biệt ý thức hệ và tôn giáo, và tạo nên “nền văn hoá gặp gỡ” vốn là nền tảng của hoà bình.

Cuối cùng, tôi khuyến khích bạn đọc lại đoạn cuối cùng của diễn văn nổi tiếng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đọc tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 50 tại New York ngày 5 tháng 10 năm 1995.

17. Trong tư cách một kitô hữu, niềm hy vọng và tín thác của tôi quy hướng về Đức Giêsu Kitô, mà kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của Ngài sẽ được cử hành khi bước vào thiên niên kỷ mới. Là kitô hữu, chúng tôi tin rằng trong cái chết và sự phục sinh của Ngài đã tỏ bày trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và sự chăm sóc của Ngài đối với toàn thể tạo thành. Đức Giêsu Kitô đối với chúng tôi là Thiên Chúa đã làm người và làm nên một phần của lịch sử nhân loại. Chính vì lý do ấy, người kitô hữu có niềm hy vọng về thế giới và tương lai của nó lan rộng đến mọi người. Vì nhân tính rạng ngời của Đức Kitô, không có gì đích thực của con người lại không đánh động con tim người kitô hữu. Đức tin vào Đức Kitô không thúc đẩy chúng tôi sống bất khoan dung. Trái lại, nó thúc bách chúng tôi dấn thân với người khác trong một sự đối thoại kính cẩn. Tình yêu của Đức Kitô không làm chúng tôi vô cảm đối với lợi ích của kẻ khác, nhưng mời gọi chúng tôi sống có trách nhiệm đối với họ, không loại trừ ai và dĩ nhiên với một sự quan tâm đặc biệt đối với người hèn kém và đau khổ. Vì thế, khi chúng tôi tiến gần đến kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của Đức Kitô, Hội thánh chỉ xin được đề nghị cách kính cẩn sứ điệp cứu độ ấy và được cổ võ, trong đức ái và phục vụ, sự liên đới của toàn thể gia đình nhân loại.

Quý Bà và quý Ông thân mến! Tôi đến với quý vị, như giáo hoàng Phaolô VI vị tiền nhiệm của tôi đã làm cách đây ba mươi năm, không như một người hành xử quyền lực trần thế – đó là những lời của ngài – cũng chẳng như một người lãnh đạo tôn giáo tìm kiếm những đặc ân cho cộng đoàn của mình. Tôi đến với quý vị như một chứng nhân: một chứng nhân cho nhân phẩm, một chứng nhân cho niềm hy vọng, một chứng nhân cho xác tín rằng số phận của tất cả các quốc gia nằm trong bàn tay của Chúa Quan phòng giàu lòng thương xót.

18. Chúng ta cần phải vượt thắng nỗi sợ hãi về tương lai. Nhưng chúng ta sẽ không thể vượt thắng nó hoàn toàn trừ phi chúng ta cùng hành động chung với nhau. “Câu trả lời” cho nỗi sợ hãi đó chẳng phải là áp bức hay ức chế, cũng chẳng phải là áp đặt một “kiểu mẫu” xã hội cho toàn thể thế giới. Câu trả lời cho nỗi sợ hãi đang làm u ám cuộc sống nhân loại vào cuối thế kỷ hai mươi là cùng nỗ lực xây dựng nền văn minh tình thương, đặt nền trên những giá trị phổ quát là hoà bình, liên đới, công lý và tự do. Và “linh hồn” của nền văn minh tình thương là nền văn hoá tự do: tự do của mỗi cá nhân, tự do của các quốc gia, được sống trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm qua việc hiến thân.

Chúng ta không thể sợ hãi tương lai. Chúng ta không thể sợ hãi con người. Chúng ta hiện diện nơi đây không phải là một sự tình cờ. Mỗi một con người và mọi người đều được dựng nên giống “hình ảnh và hoạ ảnh” của Đấng là nguồn gốc mọi loài. Chúng ta có trong chúng ta những khả năng là khôn ngoan và nhân đức. Với những quà tặng ấy, và với sự trợ giúp của ân huệ Thiên Chúa, chúng ta có thể xây dựng thế kỷ tới và thiên niên kỷ tới một nền văn minh xứng với nhân loại, một nền văn minh đích thực của tự do. Chúng ta có thể và phải làm điều đó! Và khi làm điều đó, chúng ta sẽ thấy những giọt nước mắt của thế kỷ này đã chuẩn bị đất đai cho một mùa xuân mới của tinh thần con người.

Lâm Phương chuyển ý

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS