Nhà thờ Đức Bà Paris trỗi dậy từ đống tro tàn

Nghe bài này

5 năm sau trận hỏa hoạn kinh hoàng, nhà thờ chính tòa Paris sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/12/2024, nhân dịp lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức ông Olivier Ribadeau Dumas, giám đốc và cha sở của nhà thờ Đức Bà từ năm 2022, nói với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh: “Nhà thờ này không thuộc về ai, cả người Công giáo lẫn người Pháp, nhưng đại diện cho một phần lợi ích chung của nhân loại, nơi mà dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ, mọi người đều có thể tìm được nơi nương tựa”.

Đức ông Dumas giải thích rằng khi được mở cửa lại vào tháng 12, trong khi công việc trùng tu chính của tòa nhà đang diễn ra – phần lớn bị tàn phá bởi trận hỏa hoạn kinh hoàng vào đêm ngày 15/4/2019 đó – sẽ được hoàn thành trong những tháng tới, nhà thờ sẽ đẹp hơn, nhưng trên hết là chào đón hơn đối với những người Công giáo đến đó để cầu nguyện và đối với mọi khách viếng thăm đang tìm kiếm ý nghĩa và có thể là tìm kiếm Thiên Chúa. Sự tái sinh của nhà thờ mẹ tượng trưng cho dấu hiệu hy vọng cho người Công giáo trong giáo phận và cho toàn thế giới.

** Trước hết là một câu hỏi riêng tư: Đức ông đã ở đâu khi đám cháy bùng phát ở Nhà thờ Đức Bà?

– Tôi nghĩ rằng ngày 15/4/2019 là một trong những ngày quan trọng, giống như vụ tấn công ngày 11/9/2001 ở Hoa Kỳ, nơi mọi người đều nhớ mình đã ở đâu và đang làm gì vào thời điểm đó. Vào thời điểm đó, tôi là phát ngôn viên và Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Pháp và tôi đang ở văn phòng của mình ở Paris khi họ báo với tôi rằng nhà thờ đang cháy. Tôi bắt đầu trả lời các cuộc phỏng vấn từ các nhà báo, những người ngay lập tức gọi đến từ khắp nơi trên thế giới: đài phát thanh, kênh truyền hình, v.v. Tôi đến nhà thờ vào sáng ngày 16/4 (2019) để chào đón Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm nơi này, dẫn đầu là chỉ huy Đội cứu hỏa, những người vừa cứu Nhà thờ Đức Bà khỏi bị tàn phá. Về Đức Tổng giám mục Paris, ngài đã có mặt tại chỗ trong đêm cùng với Tổng thống nước Cộng hòa [Pháp].

** Việc trùng tu thánh đường hiện nay đang ở giai đoạn nào?

– Chúng ta hãy nhớ rằng sau vụ hỏa hoạn, rất nhanh chóng, vào tháng 7/2019, một đạo luật đã được thông qua nhằm thành lập cơ quan công quyền chịu trách nhiệm trùng tu nhà thờ thuộc sở hữu của Nhà nước. Công ty này trước tiên thực hiện công việc đảm bảo an toàn, kéo dài khoảng 18 tháng, sau đó là tái thiết. Hiện nay chúng ta đang đi đến giai đoạn cuối cùng của công việc này. Từ cách đây một thời gian, ngọn tháp đã xuất hiện trở lại trên bầu trời, chúng tôi đang che phần khung gỗ của gian giữa, gian ngang và ca đoàn, nơi đã được xây dựng lại hoàn toàn. Hơn nữa, phần bên trong của nhà thờ đã lấy lại được dáng vẻ đặc biệt sau khi các phiến đá và cửa sổ được tẩy sạch và các bức tranh được phục hồi. Chúng ta tìm thấy những kích thước mà trước đây không còn được cảm nhận nữa: cảm giác về độ cao của nhà thờ theo kiến trúc Gothic cũng như chiều rộng của tòa nhà. Các nhà nguyện trước đây toàn màu đen nay được làm nổi bật, đá vàng của nhà thờ mang đến bầu không khí ấm áp.  Cuối cùng, hàng cây số dây cáp cần thiết để cung cấp điện đã được lắp đặt.

** Về phần giáo phận Paris, giáo phận đã đảm nhận tất cả việc trang trí nội thất?

– Đây là một dự án có nhiều khía cạnh. Đầu tiên chúng tôi phải chọn những đồ trang trí cho những nơi thánh, cụ thể là giếng rửa tội ở lối vào nhà thờ, bàn thờ ở giữa gian ngang, nhà tạm trên bàn thờ Viollet-le-Duc, ở phía sau nhà thờ, ngai tòa ở phía phía bắc và giảng đài dưới chân tượng Đức Mẹ Đồng trinh, ở phía nam, nơi thoát khỏi ngọn lửa một cách kỳ diệu trong đêm nhà thờ bị cháy. Những đồ vật này, được sản xuất tại một xưởng được chuyển đến miền Nam nước Pháp, sẽ sớm được giao. Thứ hai, những chiếc ghế được ủy ban nghệ thuật đặc biệt giao phó cho nhà thiết kế người Pháp Ionna Vautrin sáng tạo, đang được sản xuất trong xưởng ở Landes, phía tây nam đất nước, với tốc độ 150 chiếc mỗi tháng. Chúng sẽ được sẵn sàng cho việc mở cửa lại nhà thờ. Dự án nội thất thứ ba liên quan đến việc tái phát triển các nhà nguyện ở dọc nhà thờ và ca đoàn: ý tưởng là tạo ra một “tuyến đường hành hương” để đón 15 triệu du khách hàng năm mà chúng tôi mong đợi từ việc mở cửa trở lại (có trung bình 11 triệu trước khi mở cửa trở lại) để trải nghiệm một cuộc gặp gỡ thực sự bên trong thánh đường.

** Không phải ngài đang cố tình không sử dụng thuật ngữ “khách du lịch” đó chứ?

– Tôi thích nói về khách viếng thăm hơn là khách du lịch vì khách viếng thăm thực hiện một cuộc viếng thăm thực sự, một cuộc gặp gỡ có thể với Chúa Kitô, điều này có thể được gợi lên bởi chứng tá đức tin của các tín hữu, những người sẽ cầu nguyện bên trong nhà thờ chính tòa, đặc biệt nhờ các Thánh lễ sẽ được cử hành ở bàn thờ chính, nghĩa là ở giữa các khách viếng thăm. Cuộc gặp gỡ này với Thiên Chúa cũng được trải nghiệm thông qua nghệ thuật hiện diện khắp mọi nơi trong tòa nhà, vì vẻ đẹp nói với chúng ta về Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao việc tái phát triển các nhà nguyện là điều cơ bản để giúp khách viếng thăm hiểu được sự mạch lạc trong đề xuất của chúng tôi, bao gồm cả hành trình mà tôi đã nói: chúng ta bắt đầu từ phía bắc của nhà thờ chính tòa – nơi nói về sự kiện giáng sinh và cuộc đời công khai của Chúa Giêsu – lên phía nam, dọc theo sông Seine, nơi kể về sự phục sinh của Chúa Kitô. Giữa hai không gian này, để tượng trưng cho giai đoạn trung gian được thể hiện bởi Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, chúng tôi sẽ đặt một hòm đựng thánh tích có mão gai. Với các tình nguyện viên, các giáo sĩ, các tuyên úy, 30 cha giải tội, chúng tôi cố gắng biến nhà thờ này thành một nơi của đức tin, nơi diễn tả phụng vụ, cử hành và cầu nguyện. Chúng tôi muốn khuyến khích lòng đạo đức bình dân, chiều kích cá nhân và cộng đoàn của việc cầu nguyện.

** Nhà thờ sẽ được chính thức mở cửa trở lại vào ngày 8/12, lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Những cử hành nào được dự kiến nhân dịp này?

– Vào chiều tối ngày 7/12, nghi lễ long trọng mở cửa Nhà thờ Đức Bà sẽ diễn ra trước sự chứng kiến ​​của chính quyền, sau đó là nghi thức làm phép đàn organ (đã được tháo dỡ hoàn toàn và sau đó được lắp ráp lại), hát thánh thi Te Deum và Magnificat. Vào sáng ngày 8/12, Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, bàn thờ mới sẽ được thánh hiến, sau đó là Thánh lễ. Vào ngày 9/12, lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và ngày cuối cùng của 3 ngày đặc biệt này, Thánh lễ sẽ được cử hành với sự hiện diện của đông đảo các giám mục và linh mục đến từ Pháp và trên toàn thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng người dân Paris sẽ có mặt trong thánh đường, chỉ có 1.500 chỗ ngồi, và trong sân nhà thờ sẽ có dựng một chiếc lều lớn. Những màn hình khổng lồ sẽ được lắp đặt ở những nơi khác ở thủ đô để không chỉ người Công giáo mà tất cả người dân Paris có thể nhìn thấy lại nhà thờ chính tòa của họ, nhà thờ canh giữ thành phố. Trong những ngày tiếp theo, cho đến ngày 15/12, vào buổi sáng, các Thánh lễ trọng sẽ được cử hành cho các hiệp hội bác ái, cho người nghèo, cho các cộng đoàn tu trì, cho giới trẻ, cho các nhà hảo tâm, cho những người đồng hành, v.v. Cuối cùng, trong những tháng tiếp theo, Nhà thờ Đức Bà sẽ chào đón những người hành hương đầu tiên từ vùng Paris, sau đó từ khắp nước Pháp.

** Những công trình trùng tu này và việc mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà có ý nghĩa gì đối với Giáo hội Công giáo ở Pháp?

– Trong khi chúng ta đang sống trong một thế giới rạn nứt, căng thẳng, thất vọng, việc mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà là một dấu hiệu hy vọng to lớn: những gì tưởng như đã chết vẫn còn đứng vững, nhờ vào tình liên đới của tất cả những người đã biến điều này thành hiện thực. Đó chính là dấu hiệu cho thấy tình huynh đệ có ý nghĩa thực sự và khi chúng ta hợp lực, chúng ta sẽ làm được điều gì đó vĩ đại và tốt đẹp, trong khi 5 năm trước, chúng ta thậm chí còn không biết liệu mình có thể đạt được kết quả như vậy hay không. Đó là một dấu hiệu hy vọng không chỉ đối với người Công giáo ở Paris mà còn đối với toàn thế giới, cũng lớn lao như cảm xúc mà vụ cháy nhà thờ chính tòa đã khơi dậy cách đây 5 năm ngay cả ở nước ngoài. Thứ hai, việc mở cửa lại nhà thờ chính tòa này là dịp thức tỉnh tâm linh: đó không phải là việc tái thiết một bảo tàng mà là một nhà thờ, được kêu gọi trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và việc thờ phượng Chúa ở trung tâm thành phố. Tất cả những người làm việc ở đây đều hoàn toàn nhận thức được rằng họ không chỉ ở bên trong bất kỳ toà nhà nào mà còn ở một nơi đầy lịch sử, sức mạnh thiêng liêng và Tin Mừng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cử hành phụng vụ phải đẹp, trang nhã, dễ hiểu và để Nhà thờ Đức Bà trở thành chứng từ đức tin cho tất cả những ai bước vào. Đây cũng là cơ hội để kết nối lại với linh hồn của nước Pháp: thực tế, kể từ khi được xây dựng, thánh đường luôn hiện diện trong các biến cố của đất nước chúng tôi, dù vui hay buồn.

** Vụ hỏa hoạn bi thảm và sự tái sinh của Nhà thờ Đức Bà có làm tăng thêm danh tiếng cho nhà thờ không?

– Trước vụ cháy có lẽ chúng ta đã không nhận ra rằng cả thế giới gắn liền với Nhà thờ Đức Bà đến mức nào. Ngay sau đó, học giả người Pháp Adrien Goetz đã nói về “Đức Bà của Nhân Loại”. Điều này được giải thích bởi thực tế là nhà thờ này không thuộc về ai, không thuộc về người Công giáo hay người Pháp, mà đại diện cho một phần lợi ích chung của nhân loại, nơi mà dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, mọi người đều có thể tìm được nơi nương tựa. Tôi hy vọng rằng trong những thập kỷ tới, nhiều người sẽ gặp Chúa Kitô trong nhà thờ, theo bước chân của nhà văn và nhà thơ người Pháp Paul Claudel, khi bước vào Nhà thờ Đức Bà trong thánh lễ Giáng sinh ngày 25/12/1886, ngay lập tức đã tin [vào Chúa].

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS