Nhiều phụ nữ không hài lòng với Tự Sắc Spiritus Domini, vẫn quyết liệt đòi được phong chức linh mục

Nghe bài này

Một vài phản ứng đối với Tông thư dưới dạng Tự Sắc Spiritus Domini của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong thông cáo đưa ra hôm 13 tháng Giêng, Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ đã cám ơn Ðức Thánh Cha và tất cả những người đã góp phần vào việc nghiên cứu để có bước tiến này về sự tham gia của nữ giới vào các thừa tác vụ của Giáo Hội, đồng thời gọi đây là “một dấu chỉ và là sự đáp lại năng động vốn là đặc tính của bản chất Giáo Hội, năng động này chính là của Chúa Thánh Linh, Ðấng liên tục kêu gọi Giáo Hội trong sự vâng theo mặc khải và thực tại”.

Các nữ Bề trên Tổng quyền cũng nhận xét rằng “trong nhiều vị trí, phụ nữ, đặc biệt những người nữ thánh hiến, theo chỉ dẫn của các Giám Mục, đang thi hành nhiều thừa tác vụ mục vụ, đáp lại nhu cầu loan báo Tin Mừng. Vì vậy, Tự Sắc của Ðức Thánh Cha, với đặc tính hoàn vũ, là một sự khẳng định con đường của Giáo Hội, trong việc nhìn nhận sự phục vụ của bao nhiêu phụ nữ đã và đang chăm sóc việc phục vụ Lời Chúa và Bàn Thánh”.

Ðức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của giáo phận Bamberg bên Ðức, cũng là một nhà giáo luật, nhận định rằng việc chính thức cho phép phụ nữ thi hành đọc sách và giúp lễ là “một bước tiến quá nhỏ” nhưng đi đúng hướng là không phân biệt nam nữ.

Nữ ký giả Lucetta Scaraffia, là một nhà sử học, 73 tuổi, đã từng xa lìa đức tin và đấu tranh trong phong trào nữ quyền, nhưng sau đó trở lại. Bà viết cho nhiều báo Công Giáo và từng phụ trách phụ trương “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” từ 2011 cho đến khi bị mất việc vào năm 2019. Phản ứng về Tự Sắc mới của Ðức Thánh Cha, bà viết một bài ngắn với tựa đề:

“Khép cửa đối với phụ nữ muốn làm linh mục: Ðức Giáo Hoàng chẳng làm gì cho chúng tôi”. Bà than rằng trong Tự Sắc Ðức Thánh Cha Phanxicô lấy lại lập trường của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: Giáo Hội không có năng quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Bà cho rằng: “Ðức Giáo Hoàng đã khơi lên nhiều hy vọng trong chúng tôi, nhưng rồi ngài làm cho chúng tôi thất vọng. Vatican không mở ra con đường nào cho phụ nữ làm linh mục. Ðây thật là một sự thất vọng. Không phụ nữ nào vui mừng vì Tự Sắc này. Làm như vậy chỉ là khép kín cửa đối với vấn đề phó tế phụ nữ…”.

Nữ ký giả Franca Giansoldati của báo Il Messaggero, ở Rôma, viết một bài với tựa đề: “Tiến bộ nửa chừng của Ðức Giáo Hoàng: phụ nữ giúp lễ bàn thờ nhưng không làm lễ”. Bà nhận xét rằng: “Chắc chắn là các nữ thần học gia Ðức, Mỹ, Áo và Pháp thất vọng vì từ bao năm họ tranh đấu cho sự bình đẳng trong Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng chỉ loại bỏ chữ “nam giới” trong khoản giáo luật 320, triệt 1. Nhưng dầu sao đó cũng là một bước tiến, cho dù phụ nữ vẫn không được làm phó tế và linh mục.”

3. Người Công Giáo và người Do Thái ở Ba Lan đánh dấu Ngày Do Thái giáo bằng thánh vịnh, âm nhạc và lời cầu nguyện

Người Công Giáo và người Do Thái ở Ba Lan đã cử hành Ngày Do Thái giáo hàng năm bằng thánh vịnh, âm nhạc và lời cầu nguyện vào hôm Chúa Nhật 17 tháng Giêng.

Sự kiện này được diễn ra ở nhiều nơi hôm Chúa Nhật. Tuy nhiên, các sự kiện chính diễn ra tại Nghĩa trang Do Thái Bródno ở Warsaw, một trong những nghĩa trang Do Thái lớn nhất thế giới, nơi chôn cất khoảng 320,000 người.

Người Công Giáo Ba Lan đã có truyền thống cử hành Ngày Do Thái giáo từ năm 1998. Năm nay, ngày này được đánh dấu bằng một buổi Phụng vụ Lời Chúa chung, sau đó là những diễn từ của các nhà lãnh đạo Công Giáo và Do Thái.

Các bài đọc được trích từ Sách Đệ Nhị Luật, vì chủ đề của năm nay được trích từ sách này “Coi đây, hôm nay Ta đưa ra cho các ngươi chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ” (Đnl 30:15).

Thánh Vịnh 130, một trong những Thánh Vịnh sám hối, cũng được cất lên tại buổi lễ, đầu tiên được đọc bằng tiếng Ba Lan và sau đó được hát bằng tiếng Do Thái. Cũng có thời gian để cầu nguyện trong im lặng.

Buổi cầu nguyện kết thúc bằng một buổi hòa nhạc. Âm nhạc của ban nhạc Symcha Keller được đan xen với những câu chuyện liên quan đến các thành viên của cộng đồng Do Thái Ba Lan trong lịch sử và ngày nay.

Đức Cha Romauld Kamiński, Giám Mục của Warszawa-Praga đã có mặt trong buổi lễ cùng với ông Michael Schudrich, Giáo sĩ trưởng của Ba Lan, người đã nói vào tuần trước: “ Ngày Do Thái giáo trong Giáo hội đối với tôi, một Giáo sĩ, là một ngày thánh”.

Theo một thông cáo báo chí từ Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, Giáo sĩ Stas Wojciechowski lưu ý trong bài suy niệm của mình rằng đoạn văn trong sách Đệ Nhị Luật thường được đọc vào Tết của người Do Thái, đó là “thời điểm để tóm tắt cách chúng ta sử dụng tự do của mình, chọn sự sống hay cái chết”.

Tuyên bố cho biết thêm: “Vị giáo sĩ Do Thái nhấn mạnh rằng trong phụng vụ hội đường, những lời này được giải thích trong ngữ cảnh của sự cải đạo, tức là bất cứ khi nào một người còn sống, người đó có thể cải đạo”.

Đức Cha Kamiński liên hệ bài đọc với đại dịch coronavirus đang diễn ra và những suy nghĩ về sự sống và cái chết. Ngài nhấn mạnh rằng nghe Lời Thiên Chúa là một đặc ân, nhưng câu hỏi đặt ra: tôi có đang nghe Thiên Chúa nói với tôi không? Liệu Người có cơ hội tiếp cận tôi ngày hôm nay bằng lời của Người không? “

Ngày Do Thái giáo diễn ra vào đầu Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô Giáo, được tổ chức hàng năm từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Tại Ba Lan, Giáo Hội Công Giáo cũng tổ chức Ngày của đạo Hồi vào cuối tuần lễ đại kết.

Được tổ chức bởi Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, Ngày Do Thái giáo “nhằm mục đích đối thoại giữa các tôn giáo và giúp khám phá căn cội của Kitô Giáo”.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS