Những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về chiến tranh Ucraina sẽ đi về đâu?

Nghe bài này

Từ 2 năm 4 tháng nay, có lẽ không có nước nào được Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu trên thế giới cầu nguyện nhiều cho bằng “Ucraina đau thương”. Bao nhiêu lần ngài lặp lại lời kêu gọi đó trong các buổi tiếp kiến chung và đọc kinh Truyền Tin. Ngài không quên kêu gọi tìm giải pháp cho chiến tranh Ucraina và Nga bằng đường lối thương thuyết, giữa lúc chính quyền Ucraina hết sức tìm kiếm thêm viện trợ vũ khí. Nhưng liệu con đường này có dẫn đến hòa bình hay không?

Nhiều chuyên gia đã nhận định về tình hình xung đột giữa hai nước hiện nay.

Công hiệu giới hạn của việc tăng viện trợ vũ khí

Phần lớn các nhà phân tích đều nhận định rằng việc sử dụng vũ khí tây phương trên lãnh thổ Nga, được sự chấp thuận của Mỹ và đa số các đồng minh Âu Châu, có thể mang lại một hỗ trợ hữu ích cho sự đối kháng của các lực lượng Ucraina, đang chịu sức ép hầu như trên mọi mặt trận và phải thoái lui khỏi nhiều vị trí trong các vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kharkiv, miền đông Ucraina giáp giới với Nga.

Các vũ khí của tây phương có thể đánh vào các kho đạn dược, bộ chỉ huy, vài căn cứ hoặc những nơi tập trung quân ở phía sau phòng tuyến của Nga, phá hủy một số radar hoặc bệ phóng tên lửa phòng không, nhưng chúng không thay đổi cán cân trên chiến trường nơi mà Nga ngày càng chiếm ưu thế trong khi quân Ucraina ngày càng suy yếu và thiếu đạn dược, vũ khí, phương tiện và quân đội.

Trong những ngày gần đây, quân Nga đã chiếm được các lãnh thổ ở khu vực Ugledar, Pokorovsk và Chasor Yar, là thành trì của Ucraina ở miền Donetsk. Tiến lên về phía bắc, Nga tiếp tục đưa quân nhắm bao vây thành trì Kupyansk là đối tượng đích thực của Nga khi tấn công thành Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ucraina.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Vladimir Putin nhấn mạnh rằng “Về vấn đề các cố vấn và huấn luyện viên quân sự của tây phương ở Ucraina, đó không phải là điều mới mẻ: từ lâu họ đã có mặt trên lãnh thổ nước này, và xui là họ cũng phải chịu những tổn thất, đó là điều chắc chắn, nhưng tại các nước Âu và Mỹ, người ta muốn giữ im lặng về tất cả những điều đó”.

Phản ứng của Nga

Ông Putin cũng đưa ra những lượng định về các biện pháp trả đũa đối với việc sử dụng các vũ khí tây phương có tầm xa hơn trên lãnh thổ Nga. Một biện pháp đáp trả có thể là không đối xứng. Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi đang nghĩ đến điều này là: nếu có ai nghĩ là có thể cung cấp các vũ khí như thế trong vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ chúng tôi và gây ra vấn đề cho chúng tôi, thì tại sao chúng tôi lại không có quyền cung cấp các vũ khí của chúng tôi cùng loại như vậy cho các nước thứ ba? Chúng tôi đang nghĩ đến điều đó”.

Ông ám chỉ đến khả năng Nga cung cấp vũ khí cho các lực lượng dân quân tấn công các lực lượng Mỹ, ví dụ như tại Irak và Syria, hoặc các cuộc tấn công mạng hoặc việc triển khai các vũ khí của Nga có cùng một tầm xa tại các nước gần Mỹ.

Dầu sao Ucraina cố gắng bằng mọi cách đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi những thất bại quân sự của mình trên chiến trường bằng cách nêu bật những kết quả đạt được khi tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, hoặc những sân bay của kẻ thù, kể cả các sân bay ở xa biên giới Nga – Ucraina. Như vụ tấn công bằng các máy bay không người lái chống phi trường Akhtubinsk ở mạn nam Astrakhan, cách tiền tuyến gần 600 cây số. Trong vụ này, tình báo của Ucraina tuyên bố lần đầu tiên đã làm hư hại một máy bay chiến đấu SU-57, là loại tân tiến nhất của không lực Nga. Hoặc vụ tấn công, cũng bằng máy bay không người lái, mà Nga nói là đã đẩy lui được, tại phi trường quân sự Mozdok, trong vùng Caucase ở miền bắc Ossezia, cách biên giới Ucraina tới 1.500 cây số. Những tin tức ấy chắc chắn không cân bằng được bước tiến của Nga trên các mặt trận Kharkiv, Donesk và Zaporizhia.

Quân Nga tiếp tục chiếm ưu thế

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Euronews, Ed Arnold, nhà phân tích thuộc Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia của Anh (Roayl United Services Institute), gọi tắt là RUSI, nhìn nhận rằng hồi đầu tháng 5 vừa qua, các lực lượng vũ trang của Nga ở trong tình trạng tốt hơn so với 6 tháng trước đó, và tình thế ấy rất khó khăn đối với các lực lượng của Ucraina. Cả những khoản viện trợ mới, được quốc hội Mỹ thông qua, có lẽ sẽ giúp duy trì mặt trận, nhưng không thể nghĩ đến cuộc phản công của Ucraina vì nước này thiếu nhân lực và phương tiện.

Đó là chưa nói đến tình trạng kỹ nghệ của Ucraina đã bị kiệt quệ, bị tê liệt vì bị mất tới 86% khả năng sản xuất điện lực, như chính ông tổng giám đốc công ty DTEK Maxim Timchenko đã nhìn nhận với tờ Washington Post. Về mặt quân sự, như hãng tin UNN cho biết, chỉ huy trưởng tổng cục kế hoạch phòng vệ của Ucraina là tướng Yevhen Ostrayansky đã quyết định giảm bớt 60% nhân sự dành cho các cơ quan tham mưu, để có thêm nhân sự gửi ra chiến trường, trong khi Ucraina ngày càng yêu cầu các nước Âu Châu gửi trở về Ucraina những nam công dân Ucraina từ 18 đến 60 tuổi, đã tị nạn sang các nước đó, và ngày càng có các tin về những công dân Ucraina bị xung vào quân ngũ và gửi ra tiền tuyến mà không được huấn luyện chu đáo.

Ucraina yếu thế hơn

Ngoài ra, có sự liên tục giảm sút chất lượng của các binh sĩ Ucraina, lý do vì thiếu thời gian huấn luyện, tình trạng này tạo nên sự tổn thất ngày càng cao. Sự mất mát này cũng vì Nga có mức độ hỏa lực 6, tới 7 lần cao hơn Ucraina. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho các hãng thông tấn quốc tế lớn, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác quyết rằng mỗi tháng Ucraina bị mất 50 ngàn binh sĩ, trong khi sự tổn thất của Nga thấp hơn nhiều. Ông nói thêm rằng hiện nay có 1.348 tù binh Nga ở trong tay Ucraina, trong khi tù binh Ucraina bị Nga cầm giữ là 6.465 người.

Ucraina gửi cả các cảnh sát và lính biên phòng tới mặt trận ở phía bắc vùng Kharkiv. Kênh Telegram Nga Slavyangrad theo dõi các ai tín đăng trên các báo của Ucraina, và cho đến giữa tháng 5 vừa qua đã đếm được 463.400 ai tín. Còn kênh Telegram War Tears của Ucraina, cho đến ngày 16/5 vừa qua, cho biết có 508 ngàn người chết, 17 ngàn tù nhân và chỉ có 256 ngàn binh sĩ Ucraina đang tại ngũ. Con số này cũng được gián tiếp xác nhận do một nguồn tin quân đội Pháp, giữ kín tên, nói với hãng thông tấn Pháp AFP, rằng Ucraina vất vả dàn trận 250 ngàn quân và trong tất cả các lữ đoàn, quân số đều ở dưới 40%: theo nguồn tin này, với việc mở ra mặt trận ở miền bắc Kharkiv, các lực lượng Ucraina bó buộc phải phân tán mỏng trên một chiến tuyến dài hơn, làm suy yếu các khu vực khác, loại bỏ các lực lượng dự bị và tạo điều kiện cho quân Nga tiến lên.

Xác định con số binh sĩ tử vong trong cuộc xung đột này vẫn là điều không thể: Moscow nói là đã tiêu diệt trong 1 tháng 43 ngàn quân thù, trong khi một bài của tờ New York Thời báo, ngày 5/5 vừa qua, nói là tổn thất của Ucraina cao đến độ không thể thông báo mau lẹ cho gia đình và chính quyền không biết được chính xác. Nhiều binh sĩ, người ta đã tìm thấy xác, nhưng vẫn còn bị liệt kê vào số những người mất tích.

Tổn thất quân số hai bên

Bộ tham mưu của Ucraina cho rằng Nga đã bị tổn thất nửa triệu binh sĩ từ đầu chiến tranh hồi tháng 2 năm 2022. Hồi tháng 8 năm ngoái (2023), tờ New York thời báo, trích dẫn các quan chức Mỹ, ước lượng số tổn thất của Nga là 120 ngàn người, trong khi cách đây ít ngày, Tổng thống Joe Biden ước lượng là có 350 ngàn binh sĩ Nga tử trận và bị thương, con số này cũng được Bộ trưởng quốc Phòng của Anh bấy giờ, ông James Heappey, nói tới hồi tháng giêng năm nay. Về vấn đề này, nên để ý rằng nếu những tổn thất ấy là đáng tin, thì có lẽ không ai ở Tây phương có lý do để liên tục báo động về điều mà người ta nói là Nga đang chuẩn bị xâm lăng Âu Châu.

Một chi tiết khác cần để ý là sự gia tăng những vụ binh sĩ Ucraina đầu hàng. Thật khó phủ nhận rằng chiến tranh diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho Ucraina, điều này được xác nhận về những tin đồn nơi giới quốc hội Ucraina về việc cách chức tổng tư lệnh Aleksamder Syrsky của Ucraina, biến tướng này thành con dê tế thần. Ông là người đã được bổ nhiệm thay thế tướng Valery Zaluzhy bị cách chức vài tháng trước đó.

Nga chiếm ưu tiên về sản xuất vũ khí

Mặc dù Ucraina được cung cấp thêm các vũ khí của Tây phương để có thể đánh vào lãnh thổ Nga, nhưng Nga vẫn nắm ưu thế trong việc sản xuất vũ khí so với Ucraina và cả Mỹ và Âu Châu. Nhưng phó thủ tướng thứ I của Nga, ông Denis Manturov, đã nhấn mạnh trong diễn đàn kinh tế mới đây ở thành phố Saint Petersburg rằng hiện có hơn 3 triệu 500 ngàn người Nga làm việc trong công nghiệp quốc phòng của Nga, so với 147.500 người ở Vương quốc Anh và khoảng 135 ngàn người ở Đức (La nuova bussola quotidiana 10/6/2024)

Những phân tích trên đây cho thấy Đức Thánh Cha có lý khi thúc giục tìm kiếm giải pháp thương thuyết cho chiến cuộc, thay vì bằng vũ khí, rốt cuộc chỉ có những hãng sản xuất và buôn bán vũ khí được lợi nhiều nhất, trong khi xương máu của bao nhiêu người trẻ tiếp tục bị hy sinh trên chiến trường.

G. Trần Đức Anh, O.P.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS