Edward Condon là người đồng sáng lập và là chủ biên của The Pillar có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Pope Francis’ Fernández miscalculation”, nghĩa là “Phải chăng Fernández là tính toán sai lầm của Đức Thánh Cha Phanxicô?”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Tổng Giám Mục Fernández đã đảm nhận vai trò hiện nay chỉ mới vài tháng, vào tháng 9 vừa qua. Việc lựa chọn của Đức Giáo Hoàng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin bắt đầu bằng việc gạt ra ngoài một nửa nhiệm vụ của Bộ này. Đức Giáo Hoàng miễn cho vị tân tổng trưởng khỏi bất kỳ vai trò nào trong việc giải quyết các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Một số người nói không phải là miễn nhưng đã loại trừ ngài Fernández khỏi phần vụ đó.
Kể từ đó, Hồng Y Fernández đã phải đối phó với những câu hỏi lặp đi lặp lại về sự phù hợp của ngài với vai trò này vì các bài viết trước đây của ngài, cũng như việc triển khai Tuyên ngôn gây nhiều tranh cãi về phước lành cho các cặp đôi đồng giới hoặc các mối quan hệ không bình thường.
Những tin đồn về việc Hồng Y nộp đơn xin từ chức với Đức Thánh Cha Phanxicô gần như chắc chắn đã bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, điều rõ ràng là ngài Fernández đã trở thành cột thu lôi cho những lời chỉ trích và tranh cãi, thu hút sự chú ý thường không được chào đón đối với một cơ quan vốn có vị thế thấp hơn dưới thời giáo hoàng hiện tại.
Đồng thời, nhiều nhà phê bình mạnh mẽ nhất và những người bảo vệ quyết liệt nhất chia sẻ đánh giá chung rằng Hồng Y Fernández đang làm những gì Đức Phanxicô dự định với vai trò này – cụ thể là đẩy lùi các ranh giới và dẫn đầu một nỗ lực táo bạo, thậm chí triệt để nhằm đưa tầm nhìn mục vụ của Đức Giáo hoàng vào giáo huấn của Giáo hội.
Nhưng đó có phải là điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn khi bổ nhiệm Tổng Giám Mục Fernández vào vai trò này không?
Không nhất thiết, theo một số người làm việc ở Vatican và trong quỹ đạo của giáo hoàng.
Thật vậy, như một số người đã nói, Hồng Y Fernández hoàn toàn không phải là người được Đức Giáo Hoàng ưa thích cho công việc này và việc bổ nhiệm ngài là một canh bạc mà một số người cho rằng dường như không mang lại kết quả.
Khi Tổng Giám mục Fernández được công bố là tổng trưởng mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào mùa hè năm ngoái, nhiều nhà bình luận ở Vatican đã ca ngợi sự lựa chọn này là một sự lựa chọn táo bạo và ở một khía cạnh nào đó là lựa chọn rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Một người Á Căn Đình, một người bạn và cộng tác viên lâu năm của Đức Phanxicô, “Tucho,” như ngài được bạn bè biết đến, dường như là người phù hợp tự nhiên để củng cố cuộc cải tổ giáo triều của Đức Thánh Cha tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, sau khi ban hành tông hiến Praedicate evangelium vào năm 2022.
Và với tư cách là người đằng sau hậu trường viết một số văn bản được nhắc đến nhiều nhất của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả những đoạn gây tranh cãi nhất trong Amoris laetitia, một số người theo dõi thường xuyên các diễn biến Giáo hội đã tự tin tuyên bố rằng Hồng Y Fernández luôn ở trong tâm trí Đức Giáo Hoàng, với tư cách là người chuyển đổi Bộ Giáo Lý Đức Tin từ cơ quan giám sát tính chính thống của đạo lý Công Giáo thành một tổ chức tư vấn mục vụ nhằm đưa ra các tư duy tiến bộ.
Nhưng cảm giác cho rằng việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục Fernández là không thể tránh khỏi đã bỏ qua những dự đoán kiên quyết trước đó rằng vai trò này sẽ được đảm nhận bởi những người khác.
Vào tháng 12 năm 2022, tin đồn ở Vatican đã rộ lên rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã sẵn sàng bổ nhiệm Giám mục người Đức Heimer Wilmer để lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Theo một mô hình đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, các blog của Vatican đã tung ra tin tức về kế hoạch này, rồi kế hoạch đó vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ một số khu vực, trước khi được những người ủng hộ trung thành của Đức Giáo Hoàng bảo vệ, chỉ để sau đó không bao giờ thành hiện thực.
Trong khoảng thời gian đó, việc bổ nhiệm được cho là đang chờ giải quyết của Giám Mục Wilmer đã được báo cáo rộng rãi và với đủ tin cậy rằng các Hồng Y cao cấp, bao gồm cả Hồng Y tổng trưởng đương nhiệm lúc bấy giờ là Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, được cho là đã nêu ra quan ngại với cá nhân Đức Giáo Hoàng, theo các nguồn tin của Vatican.
Sau sự kiện Đức Cha Wilmer không được bổ nhiệm, một số người theo dõi Vatican tuyên bố rằng phản ứng dữ dội từ đông đảo những vị trong Hồng Y đoàn đã khiến Đức Phanxicô từ bỏ quyết định của mình; những người khác lập luận rằng Đức Cha Wilmer chưa bao giờ là một ứng cử viên nặng ký cho công việc này, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã khéo léo sử dụng tên của vị Giám Mục để thu hút hỏa lực và khiến cho sở thích thực sự cuối cùng của ngài dành cho Tổng Giám Mục Fernández có vẻ ít gây tranh cãi hơn.
Không thể đọc được tâm trí của Đức Giáo Hoàng, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết Đức Cha Wilmer đã tiến gần đến mức nào để trở thành sự lựa chọn thực sự của Đức Giáo Hoàng trong vai trò lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Nhưng ý kiến cho rằng việc đề cử Đức Cha Wilmer được đưa ra để dọn đường cho Đức Cha Fernández dường như không hợp lý – Đức Phanxicô không phải là một giáo hoàng quan tâm nhiều đến việc làm thay đổi cái gọi là quan điểm bảo thủ một khi ngài đã quyết định.
Tuy nhiên, một số nhân vật cao cấp nắm rõ quá trình bổ nhiệm đã nói với The Pillar rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự cởi mở với ý tưởng bổ nhiệm Đức Cha Wilmer và bị thuyết phục chống lại ý tưởng này bởi sức nặng của những phản hồi tiêu cực mà ngài nhận được.
Một quan chức cao cấp của giáo triều thân cận với Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết: “Đức Giáo Hoàng không muốn gây ra tranh cãi về bất kỳ sự bổ nhiệm nào”. “Ngài có tầm nhìn về cách ngài mong muốn thấy Bộ hoạt động, nhưng nó không liên quan đến việc tạo ra xung đột”.
Nguồn tin tương tự nói với The Pillar rằng Đức Phanxicô lo ngại khi thấy phong cách và tầm nhìn của mình về việc chăm sóc mục vụ “được đón nhận” như thế nào trong toàn Giáo hội, nhưng mục tiêu này sẽ được phục vụ tốt nhất thông qua cách trình bày “nhạy cảm” để không tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.
Với suy nghĩ đó, các nguồn tin nói với The Pillar, trong khi Tổng Giám Mục Fernández là một ứng cử viên rõ ràng vì ngài phù hợp với suy nghĩ và các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài không phải là sự lựa chọn đầu tiên hoặc duy nhất của Đức Phanxicô cho chức vụ tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Và điều đó, khác xa với việc gây tranh cãi, Đức Giáo Hoàng thực sự thích một người có thể đóng vai trò là lực lượng vững chắc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin.
“Trên thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị thuyết phục rằng người phù hợp cho vai trò này là Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark,” một nguồn tin cao cấp tại Phủ Quốc vụ khanh nói với The Pillar.
Viên chức biết rõ sở thích của Đức Giáo Hoàng nói rằng Đức Hồng Y Tobin được ưa thích hơn vì ngài có thành tích là một giám mục, người có thể nói về các vấn đề mục vụ nhạy cảm trong khi tránh xa sự chia rẽ phe phái của các giám mục – ví dụ như sự tranh cãi công khai và đôi khi gay gắt của USCCB liên quan đến “sự mạch lạc Thánh Thể”, là điều mà Hồng Y Tobin phần lớn vẫn tránh né.
Tuy nhiên, quan chức cao cấp cho biết, cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không bổ nhiệm Hồng Y Tobin vào Bộ Giáo Lý Đức Tin vì ngài muốn giữ Đức Hồng Y làm nhân vật cao cấp ở Hoa Kỳ.
“Đức Giáo Hoàng nói ‘Đó phải là Hồng Y Tobin, tôi biết là vậy.’ Nhưng nói thêm rằng ngài ‘cần’ vị Hồng Y ở Mỹ.
Nguồn tin tương tự cho biết việc Hồng Y Tobin tiếp tục lên tiếng trong hội đồng giám mục Hoa Kỳ là một điều đáng cân nhắc, nhưng Đức Giáo Hoàng chủ yếu quan tâm đến việc Đức Hồng Y có sẵn sàng chuyển đến Tổng giáo phận Washington trong thời gian trung hạn hay không. Tổng giám mục hiện tại ở thủ đô nước Mỹ, Đức Hồng Y Wilton Gregory, năm nay đã 76 tuổi.
“Tổng Giám Mục Fernández không phải là ưu tiên của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài đã chọn vì không có Hồng Y Tobin, ngài có thể làm việc tốt với Tổng Giám Mục Fernández, như hai vị đã làm, và các vấn đề khác có thể được giải quyết.”
Nguồn tin tương tự cũng chỉ ra việc đặt Tổng Giám Mục Fernández đứng ngoài các vụ án giáo sĩ lạm dụng tình dục của Bộ Giáo Lý Đức Tin là để đón đầu những lời chỉ trích về cách giải quyết các vụ việc của vị Tổng Giám Mục trong Tổng giáo phận La Plata.
“Đức Thánh Cha không muốn có sự lộn xộn liên quan đến các vụ lạm dụng, và ngài không muốn tạo ra những cáo buộc cho rằng mình gây ra tình trạng lộn xộn”.
Nhưng nếu việc lựa chọn Tổng Giám Mục Fernández lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin là một sự đánh cược có tính toán, dựa trên những lợi ích của việc ngài gần gũi với suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng trước những trách nhiệm tương lai, thì điều đó ngày càng có vẻ là một tính toán sai lầm.
Việc ban hành Tuyên ngôn Fiducia Supplicans trước Giáng Sinh đã gây ra sự chia rẽ ngay lập tức và trên toàn cầu giữa các Giám mục đoàn, với toàn bộ các hội đồng Giám Mục và thậm chí cả các châu lục dường như bác bỏ hoàn toàn các tiền đề thần học và việc áp dụng nó, trong khi những người khác ngay lập tức tìm cách áp dụng tài liệu này ngoài phạm vi những giới hạn đã nêu của chính nó.
Hồng Y Fernández buộc phải thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn giải thích chớp nhoáng để cố gắng xoa dịu cuộc tranh cãi, trước khi đưa ra một thông cáo báo chí dài năm trang nhằm đưa ra loại hướng dẫn diễn giải chi tiết về văn bản mà ngài đã nói trước đó sẽ không được đưa ra.
Ngay tại Rôma, Tuyên ngôn Fiducia Supplicans cũng đã gây ra nhiều vấn đề. Đức Hồng Y Arthur Roche, Bộ trưởng Bộ Phụng tự, được cho là đã phàn nàn rằng bộ của ngài không được hỏi ý kiến về văn bản, việc xuất bản hoặc cách áp dụng nó, và những ví dụ được báo cáo rộng rãi về các linh mục chúc lành cho các kết hiệp đồng tính đã khiến bộ phận của ngài phải đau đầu.
Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn đối với Hồng Y Fernández, khả năng kiểm soát dự án lớn đầu tiên của ngài càng bị cản trở hơn bởi việc phát hiện ra cuốn sách kinh khủng năm 1998 mà ngài viết khi còn là linh mục.
Cuốn “Niềm đam mê huyền bí”, một tuyển tập suy niệm đầy hình ảnh khiêu dâm về chủ đề tình dục và tâm linh, một lần nữa đã buộc Đức Hồng Y phải tách mình ra khỏi tác phẩm trước đây của mình, đồng thời tuyên bố công khai rằng bây giờ ngài sẽ không viết một điều như vậy và ngài đã không ủng hộ việc tái bản cuốn sách đó.
Ngoài những lời chỉ trích về chính nội dung, cuốn sách còn đặt ra những câu hỏi mới về sự phù hợp của Hồng Y Fernández với vai trò tổng trưởng, vì ở một số phần, tác giả đặt câu hỏi về việc các hành vi tình dục ngoài hôn nhân có phải là tội lỗi đáng trách hay không; và ở những phần khác lại thúc đẩy một cách có vấn đề việc tình dục hóa tâm linh.
Tuy nhiên, trong khi Hồng Y Fernández phải đối mặt với những trở ngại cá nhân đáng kể, mối quan tâm cấp bách hơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô có thể là những cuộc khủng hoảng liên tiếp của vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ có ý nghĩa gì đối với di sản của chính ngài.
Ở tuổi 87 của Đức Thánh Cha Phanxicô, mọi kỳ vọng hợp lý đều cho thấy ngài đang bước vào những năm cuối triều đại giáo hoàng của mình. Nếu mối quan tâm hàng đầu của ngài trong việc bổ nhiệm một tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là để củng cố tầm nhìn thần học của mình, bảo đảm rằng nó sẽ tồn tại lâu hơn thời gian ngài nắm quyền, thì Hồng Y Fernández có thể sẽ tạo ra những tác động ngược lại.
Hơn bất kỳ vị Giáo Hoàng nào khác, Đức Phanxicô đã đa dạng hóa Hồng Y đoàn, thích bổ nhiệm các vị Giám Mục từ những gì ngài gọi là “các vùng ngoại vi toàn cầu”. Tuy nhiên, trớ trêu thay, chính ở nhiều khu vực ngoại vi, đặc biệt là Phi Châu, sự phản đối đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans lại được bày tỏ gay gắt nhất, cùng với những lời chỉ trích Hồng Y Fernández.
Khác xa với việc vun đắp di sản của Đức Phanxicô, vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày càng nhiều tai tiếng này có thể sẽ tạo ra phản ứng dữ dội đối với di sản đó. Trong trường hợp này, vấn đề trở thành câu hỏi là Đức Phanxicô còn có thể sẵn lòng giữ một người bạn và cộng tác viên lâu năm ở vị trí này trong bao lâu nữa.