Hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn của mình về một báo cáo sâu rộng về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Pháp được công bố một ngày trước đó. Ngài gọi đây là “khoảnh khắc xấu hổ” đối với Giáo Hội Công Giáo và kêu gọi các giới chức Giáo hội bảo đảm sự an toàn của mọi người được giao phó cho sự chăm sóc của họ.
Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung ngày 6 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Nam Nữ Tu Sĩ Pháp “đã nhận được một báo cáo từ một ủy ban độc lập về nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội nhằm đánh giá mức độ của hiện tượng tấn công và bạo lực tình dục được thực hiện đối với trẻ vị thành niên từ năm 1950”.
“Thật không may, có một số lượng đáng kể,” Đức Thánh Cha nói, và không chỉ nói lên “nỗi buồn và nỗi đau” của mình đối với các nạn nhân vì những tổn thương mà họ đã phải chịu đựng, mà còn là “sự xấu hổ; sự xấu hổ của chúng ta, sự xấu hổ của tôi, vì Giáo hội đã bất lực quá lâu không đặt họ vào trung tâm của mối quan tâm của mình”.
Đức Thánh Cha bảo đảm với các nạn nhân những lời cầu nguyện của ngài.
“Tôi cầu nguyện và tất cả chúng ta hãy cùng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin danh Chúa được cả sáng, xin cho chúng con biết xấu hổ. Đây là một khoảnh khắc đáng xấu hổ”.
Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra một ngày sau khi bản báo cáo dài 2,500 trang được công bố. Phúc trình này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 4 năm về tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ Pháp.
Báo cáo được công bố vào ngày 5 tháng 10 cho thấy ước tính có khoảng 330.000 trẻ em – khoảng 80% trong số đó là trẻ em trai – là nạn nhân của lạm dụng tình dục của khoảng 3,000 linh mục và tu sĩ Pháp trong suốt 70 năm qua.
Bản báo cáo dài 2,500 trang cũng cho thấy nhiều thập kỷ các giới chức của Giáo hội đã che đậy có hệ thống.
Sau khi báo cáo được công bố, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: “Đức Thánh Cha đã được thông báo về việc công bố phúc trình CIASE, nhân dịp cuộc gặp gỡ trong những ngày trước đây với các giám mục Pháp, về Roma thăm Tòa Thánh. Nay với sự đau lòng, ngài được biết nội dung phúc trình.”
“Đức Thánh Cha nghĩ tới trước tiên các nạn nhân, với sự đau buồn vô biên vì những vết thương của họ và biết ơn vì họ đã có can đảm tố giác. Ngài cũng nghĩ đến Giáo hội tại Pháp, để sau khi ý thức về thực tại kinh khủng này và hiệp với đau khổ của Chúa vì các con cái dễ bị tổn thương nhất của Người, Giáo hội có thể khởi sự con đường cứu chuộc.”
“Qua kinh nguyện, Đức Thánh Cha phó thác cho Thiên Chúa dân Chúa tại Pháp, đặc biệt là các nạn nhân. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và an ủi, và để trong sự công bằng, Giáo hội Pháp có thể thực hiện phép lạ chữa lành”.
Phát biểu của Đức Phanxicô hôm thứ Tư là lần đầu tiên ngài nói về bản báo cáo bằng chính giọng nói của mình.
Trong lời phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu và những người hành hương có mặt “chia sẻ trong thời điểm này” nỗi xấu hổ và đau khổ trong Giáo Hội, và ngài khuyến khích các giám mục, các vị bề trên các dòng tu “tiếp tục nỗ lực để những bi kịch tương tự không được lặp lại. “
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khép lại buổi tiếp kiến của mình, bày tỏ sự gần gũi và ủng hộ của mình đối với các linh mục của Pháp “đối mặt với con đường khó khăn nhưng lành mạnh này, và tôi mời những người Công Giáo Pháp nhận trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm rằng Giáo hội là ngôi nhà an toàn cho tất cả mọi người”.
Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 10, Hồng Y Sean O’Malley ở Boston, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, do Đức Thánh Cha Phanxicô lập ra để tư vấn cho ngài về cuộc chiến chống lạm dụng giáo sĩ, đã gọi báo cáo của Pháp là “một bản cáo trạng” về những thất bại của những người lãnh đạo trong Giáo hội.
“Lịch sử lạm dụng không được kiểm soát này kéo dài qua nhiều thế hệ thách thức sự hiểu biết của chúng ta về việc những người vô tội có thể phải chịu đựng khủng khiếp như thế nào và tiếng nói của họ đã bị bỏ qua trong một thời gian dài,” ngài nói.
Đức Hồng Y O’Malley nói thêm, “Giáo Hội không được thất bại trong cam kết tìm kiếm sự chữa lành và công lý cho những người sống sót.”
Ngài ca ngợi những nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo ở Pháp để vừa thừa nhận vấn đề vừa thực hiện những bước đầu tiên để chữa lành.
Ngài nhấn mạnh “Chúng ta không thể để một người bị lạm dụng tính dục không được công nhận, hoặc một người có nguy cơ bị lạm dụng bởi một thành viên của Giáo hội,” và lưu ý rằng vẫn còn “một con đường dài phía trước” khi đối mặt với vấn đề giáo sĩ lạm dụng, và, khi Giáo hội tiến lên, việc bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương phải là “ưu tiên cao nhất của chúng ta”.