Phản ứng thờ ơ của Vatican trước sự phẫn nộ của Thế vận hội Paris

Nghe bài này

Phil Lawler chủ bút của Catholic World News, ngày 05 tháng 08 năm 2024, tự hỏi: Có gì sai với tuyên bố của Vatican về hành vi báng bổ Olympic? Và tự trả lời: Gần như là mọi thứ.

Bắt đầu với thời điểm. Hơn một tuần đã trôi qua giữa lễ khai mạc Thế vận hội Paris và việc công bố phản ứng thờ ơ của Vatican. Trong tuần đó, hàng nghìn người đã bày tỏ cơn sốc và tức giận về hành vi cố ý xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể – nguồn gốc và đỉnh cao của đức tin Công Giáo. Vì vậy, thế giới tự nhiên hướng đến Rome để có phản ứng có thẩm quyền, và trong nhiều ngày không nghe thấy gì cả.

Sau đó, khi Vatican đưa ra một tuyên bố ngắn, nó đã được công bố với thế giới vào một buổi chiều thứ Bảy. Đó là thời điểm thường được các nhà quan hệ công chúng lựa chọn, những người cảm thấy có nghĩa vụ phải đưa một điều gì đó vào hồ sơ, nhưng không muốn thu hút sự chú ý của công chúng – thời điểm để “chôn vùi” một câu chuyện tin tức.

Một tuyên bố khá mạnh mẽ, tại thời điểm đó, có thể được phân loại là “quá ít, quá muộn”. Nhưng đây không phải là một tuyên bố mạnh mẽ. Bắt đầu bằng câu “Tòa thánh buồn”. Buồn ư? Chúng ta chỉ “buồn” vì sự chế giễu công khai người mà chúng ta yêu thương hay sao?

Trên thực tế, Vatican (cố ý?) đã bỏ lỡ điểm cốt yếu. Tuyên bố tiếp tục “lên án sự xúc phạm gây ra cho nhiều Ki-tô hữu và tín đồ của các tôn giáo khác”, và sau đó đề cập đến “những ám chỉ chế giễu niềm tin tôn giáo của nhiều người”.

Màn trình diễn đang nói đến không bao gồm một vài “ám chỉ” chế giễu tôn giáo; đó là một cuộc tấn công liên tục. Quan trọng hơn, Màn trình diễn không chỉ đơn thuần là sự xúc phạm đối với các Ki-tô hữu; đó là sự xúc phạm đối với Thiên Chúa. Những gì Vatican coi là vi phạm phép phép lịch sự thực chất là một sự báng bổ cố ý, vi phạm điều răn đầu tiên của Thiên Chúa.

Chắc chắn, có những lý do khác để ghê tởm lễ khai mạc Olympic. Các nhà bình luận thế tục có thể và đã lên án sự xúc phạm đối với phép lịch sự thông thường và về giới hạn của quyền tự do ngôn luận trong một xã hội lành mạnh. Nhưng thế giới mong đợi Tòa thánh nhìn nhận các sự kiện qua con mắt của đức tin. Theo quan điểm đó, tội phạm thượng nghiêm trọng hơn nhiều so với cảm giác tổn thương của những người tin.

Cuối tuần trước, cả tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Iran đều thúc giục Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng. Thời điểm đưa ra tuyên bố chậm trễ của Vatican đặt ra câu hỏi: Liệu Vatican có quan tâm nhiều hơn đến phản ứng của các nhà lãnh đạo Hồi giáo hơn là sự phẫn nộ trong số những người Công Giáo trung thành trên thế giới không?

Ngay cả sau lời kêu gọi trực tiếp từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn chưa đưa ra tuyên bố của riêng mình. Có lẽ tuyên bố không có chữ ký của Tòa thánh không thể được đưa ra nếu không có sự chấp thuận của ngài. Tuy nhiên, thực tế vẫn là một sự xúc phạm đến Chúa Giêsu của chúng ta trong Bí tích Thánh Thể đã bị Giáo hoàng của ngài ở Rome im lặng.

Làm sao chúng ta có thể giải thích được sự im lặng của Đức Giáo Hoàng về sự phẫn nộ ở Paris này? Có lẽ đó là một phần của một mô hình. Hãy nhớ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không cử hành Thánh lễ trước công chúng trong hơn hai năm nay. Đức Giáo Hoàng thường “chủ trì” Thánh lễ và đọc bài giảng, nhưng ngài không đóng vai trò là người chủ tế chính của phụng vụ Thánh Thể. Đây có phải là vấn đề về thứ tự ưu tiên không? Nếu vậy, điều gì có thể quan trọng hơn đối với Đức Giáo Hoàng – “Thầy tế lễ tối cao” của Giáo Hội Công Giáo – hơn là Bí tích Thánh Thể?

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS