… Đan viện hoàng gia San Lorenzo ở Escurial bên Tây-Ban-Nha do vua Philipphê II (1527-1598) thành lập. Nơi đây có tôn kính Bánh Thánh Phép Lạ.
Hơn 4 thế kỷ trôi qua, nhưng Bánh Thánh vẫn giữ nguyên vẹn bản chất. Hiện nay Bánh Thánh Phép Lạ được đặt nơi bàn thờ bên trong Phòng Thánh. Bánh Thánh được che khuất bởi một bức tranh tuyệt đẹp. Bức tranh diễn tả vua Carlo II (1661-1700) cùng với toàn thể triều đình đang quì gối thờ lạy Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Sử liệu đan viện San Lorenzo ghi lại sự tích Bánh Thánh Phép Lạ như sau.
Thế kỷ XVI là một trong những thế kỷ đau thương nhất của Giáo Hội Công Giáo. Bởi lẽ, tại Âu Châu, nổi lên phong trào Cải Cách đưa đến sự ly khai làm phát sinh các hệ phái Tin Lành. Nổi bậc nhất là 3 ông tổ lạc giáo: Jean Calvin (1509-1564) người Pháp, Martin Luther (1483-1546) người Đức và Ulrich Zwingli (1484-1531) người Thụy Sỹ.
Cuối thế kỷ XVI, nước Hòa Lan lâm vào cảnh nội chiến đẫm máu, dưới chiêu bài tôn giáo. Đâu đâu cũng gặp cảnh tang thương chết chóc. Các thánh đường và các tu viện bị xúc phạm, bị đốt phá. Lợi dụng “nước đục thả câu”, bọn theo lạc giáo Zwingli cũng xuất đầu lộ diện, đánh phá khắp nơi.
Một ngày trong năm 1592, các đồ đệ của Zwingli hùng hổ xông vào thành phố Gorkum. Họ đập phá các ảnh tượng thánh và theo thói dữ vẫn làm, họ đi đến chỗ phạm thánh. Họ ùa vào nhà thờ chánh tòa, cướp phá những gì có giá trị. Sau cùng, họ cướp lấy Bình Đựng Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ và trút bỏ các Bánh Thánh xuống đất. Chưa hết, như bị quyền lực Satan điều khiển, họ còn dám giơ chân đạp lên Mình Thánh Chúa. Thế nhưng, trước hành động xúc phạm này, Đức Chúa GIÊSU KITÔ không trừng phạt nhãn tiền các thủ phạm. Ngài chỉ để lại một dấu tích như bằng chứng đau thương của lòng Nhân Hậu. Bánh Thánh bị chà đạp, bỗng tuôn ra máu tươi của người sống!
Trước hiện tượng lạ lùng này, một trong các đồ đệ lạc giáo Zwingli bỗng nhận được ơn hoán cải. (Tạm gọi ông Gioakim).
Ông Gioakim vừa có tâm tình kính tôn thán phục trước Phép Lạ Thánh Thể, vừa kinh hoàng về hành động phạm thượng của mình. Hai tâm tình hỗn độn khiến ông đứng im như bị trời tròng. Ông muốn chạy lại cầm lấy Bánh Thánh Phép Lạ, nhưng một sức mạnh vô hình ngăn cản không cho phép ông nhúc nhích. Sau một lúc phấn đấu, cuối cùng ông Gioakim chạy như điên ra khỏi nhà thờ.
Ông chạy một mạch đến nhà Vị Tổng Đại Diện lúc bấy giờ là Đức Ông Jean Vander Delpht. Ông xúc động kể lại cho Cha Bề Trên giáo phận nghe biến cố phạm thánh vừa diễn ra nơi nhà thờ chánh tòa.
Đức Ông Jean Vander Delpht vội vàng cùng ông Gioakim, đến ngay nhà thờ chính tòa.
Với tâm tình tràn đầy kính tôn trước Bánh Thánh Phép Lạ, Đức Ông mang ngay Bánh Thánh chạy trốn khỏi bọn lạc giáo Zwingli.
Cả hai người rời thành phố Gorkum, tiến về thành phố Malines và đến thẳng tu viện các tu sĩ dòng Thánh Phanxicô.
Đức Ông Jean Vander Delpht giao cho các tu sĩ nhiệm vụ cất giữ Bánh Thánh Phép Lạ, đồng thời làm việc đền tạ vì Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể bị xúc phạm. Về phần ông Gioakim, ông hoàn toàn ăn năn về tội lỗi tầy trời của mình. Ông không muốn rời xa Bánh Thánh Phép Lạ. Ông xin các tu sĩ Phanxicô cho ông ở lại tu viện.
Sau một thời gian chay tịnh, khóc lóc đền bù tội phạm thánh, ông Gioakim xin các tu sĩ cho mình gia nhập tu viện. Từ đó ông tiếp tục cuộc sống tu trì trong tâm tình thống hối và yêu mến tràn bờ đối với Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể.
Bánh Thánh Phép Lạ được tôn kính nơi tu viện các tu sĩ Phanxicô ở Malines một thời gian. Sau đó vì cẩn trọng, Bánh Thánh được đưa sang Vienne, thủ đô nước Áo, rồi lại chuyển đến Praha, thủ đô nước Tiệp. Sau cùng, Bánh Thánh Phép Lạ được đưa sang Tây-Ban-Nha, đặt nơi Đan viện hoàng gia San Lorenzo ở Escurial.
Bánh Thánh Phép Lạ vẫn nguyên vẹn và được tôn kính cho đến nay sau hơn 4 thế kỷ trôi qua.
(P. Eugène COUET, ”Les Miracles Historiques du Saint Sacrement”, Éditions D.F.T, Réédition 1998, trang 182-184)
Nữ tu Jean Berchmans Minh Nguyệt
Đài Vatican