Sau chuyện nói hớ về người đồng tính, Đức Phanxicô tìm cách làm hòa

Nghe bài này

Elise Allen của tạp chí Crux, ngày 4 tháng 6, có đưa hai mẩu tin về mối liên hệ của Đức Phanxicô với cộng đồng Công Giáo đồng tính.

Bà cho rằng Sau khi Đức Phanxicô gây ra một làn sóng tranh cãi vì sử dụng những từ ngữ khiếm nhã về người đồng tính nam, giờ đây dường như ngài đang cố gắng hàn gắn, đưa ra những lời trấn an đối với một người đàn ông đồng tính đã bị chủng viện từ khước và viết lời tựa cho một cuốn sách của một linh mục nổi tiếng hoạt động cho cộng đồng LGBTQ+.

Thực vậy, ngày 4 tháng 6, phiên bản tiếng Ý cuốn sách của Cha James Martin Dòng Tên, “Hãy bước ra: Lời hứa về phép lạ vĩ đại nhất của Chúa Giêsu,” đã được xuất bản, trong đó có lời tựa do Đức Phanxicô viết.

Cuốn sách, được xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng 9 năm 2023, đưa ra một sự suy nghĩ và phân tích mở rộng về câu chuyện trong Kinh thánh về việc Chúa Giêsu làm cho người bạn Ladarô của Người sống lại từ cõi chết và bảo anh bước ra khỏi hang động nơi anh đã được chôn cất.

Cha Martin, biên tập viên tổng quát của Tạp chí America và nổi tiếng vì ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ Công Giáo, khám phá các khía cạnh khác nhau của đoạn văn và nhân vật Ladarô trong nghệ thuật và văn hóa, tập trung vào câu chuyện như một ví dụ về cách sự hiện diện của Chúa có thể biến đổi con người và mang đến cho họ cuộc sống mới.

Trong lời nói đầu, Đức Phanxicô đã ca ngợi cuốn sách của Cha Martin như “luôn hấp dẫn và không bao giờ có thể đoán trước được”, nói rằng Cha Martin đã có thể làm cho “bản văn Kinh thánh trở nên sống động”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc Kinh thánh hàng ngày, Đức Phanxicô cho biết Thiên Chúa nói qua Kinh thánh, một sự thật mà ngài nói “sẽ mang đến cho chúng ta một chút rung động mỗi ngày”.

Như trước đây, ngài kêu gọi các tín hữu mang theo một phiên bản Tin Mừng bên mình, trong túi, túi xách, hoặc trên điện thoại thông minh, như một nguồn suy gẫm về những thăng trầm của mỗi ngày.

Đức Phanxicô nói: “Những hành động như thế này sẽ giúp chúng ta hiểu được mức độ Kinh thánh là một cơ thể sống động, một cuốn sách mở, một chứng từ sống động về một Thiên Chúa không chết và bị chôn vùi trên những giá sách lịch sử đầy bụi bặm”.

Đức Phanxicô cho biết cuốn sách đưa người đọc trực tiếp vào câu chuyện của một trong những người bạn thân của Chúa Giêsu và nhấn mạnh rằng mỗi người đều là bạn của Chúa Giêsu.

Đôi khi người ta “chết” theo nghĩa bóng “vì tội lỗi, sự sa ngã và sự không chung thủy của chúng ta, sự chán nản làm chúng ta nản lòng và đè bẹp tinh thần của chúng ta,” ngài nói, đồng thời Chúa Giêsu không ngại “đến gần chúng ta – ngay cả khi chúng ta ‘hôi’ như xác chết được chôn ba ngày vậy.”

Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Giêsu không sợ tội lỗi hay cái chết, nhưng đúng hơn là chờ đợi “bên ngoài cánh cửa đóng kín của trái tim chúng ta, cánh cửa chỉ mở từ bên trong, mà chúng ta khóa bằng then kép bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa không bao giờ có thể tha thứ cho chúng ta.

Đức Phanxicô cho biết cuốn sách của Cha Martin minh họa cách các tín hữu có thể “cảm nhận một cách thực tế ý nghĩa sâu xa của những gì Chúa Giêsu làm khi Người thấy chính mình trước một người chết thực sự, cơ thể của người này tỏa ra mùi khó chịu – một phép ẩn dụ về sự thối nát đạo đức mà tội lỗi tạo ra trong Linh hồn của chúng ta.”

Đức Phanxicô nói: “Chúa Giêsu không sợ đến gần những người tội lỗi – với bất cứ tội nhân nào, ngay cả những người mặt dầy mặt dạn và không sợ hãi nhất”. Đúng hơn, mối quan tâm duy nhất của Chúa Giêsu là “không ai bị mất tích, không ai bị tước đoạt khả năng cảm nhận được vòng tay yêu thương của Chúa Cha”.

Theo truyền thông Ý, Đức Phanxicô gần đây dường như cũng đã trả lời một thanh niên tên là Lorenzo Michele Noè Caruso, 22 tuổi, người nói rằng anh đã bị chủng viện từ chối vì là người đồng tính.

Đức Phanxicô đã gây ra một làn sóng tranh cãi sau khi một báo cáo được đăng trên blog Dagospia của Ý nói rằng Đức Thánh Cha đã sử dụng một lời nói khiếm nhã gây khó chịu đối với người đồng tính trong một phiên họp gần đây với các thành viên của Hội đồng Giám mục Ý (CEI).

Trong cuộc họp kín ngày 20 tháng 5, rõ ràng Đức Phanxicô đã nói về vấn đề đồng tính luyến ái trong đời sống chủng viện, nói rằng có quá nhiều Frociaggine trong các chủng viện, hiểu nôm na là “sự lăng nhăng”.

Bình luận này đã bị rò rỉ cho báo chí và tạo ra phản ứng dữ dội ngay lập tức chống lại Đức Phanxicô, kể cả từ một số người đã ngỡ ngàng khi biết rằng Đức Phanxicô vốn nổi tiếng với câu nói “Tôi là ai mà dám phán xét?” và là người được coi như người đấu tranh cho việc bao gồm người LGBTQ+ vào Giáo Hội Công Giáo, thế là xem ra đã sử dụng những thuật ngữ thô thiển như vậy.

Vatican đã đưa ra lời xin lỗi nhẹ nhàng vào ngày 28 tháng 5, nói rằng Đức Giáo Hoàng nhắc lại lập trường của ngài rằng “trong Giáo hội có không gian cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi người! Không ai là vô dụng, không ai là người thừa, có chỗ cho tất cả. Giống như chúng ta vậy, mọi người.”

Tuyên bố cho biết: “Đức Giáo Hoàng không bao giờ có ý xúc phạm hoặc thể hiện mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, và ngài xin lỗi những người cảm thấy bị xúc phạm khi sử dụng thuật ngữ này, như đã được những người khác báo cáo”.

Theo tờ báo Ý Il Messaggero, sau khi nghe nhận xét của Đức Giáo Hoàng, Caruso đã viết một email dài 3 trang cho ngài giải thích câu chuyện của chính mình và việc anh đã cay đắng như thế nào khi bị chủng viện quay lưng và thất vọng trước nhận xét của Đức Giáo Hoàng.

Caruso rõ ràng đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng anh và nhiều người khác giống như anh “sống bên lề Giáo hội, thường bị buộc phải lẩn trốn vì bị loại trừ khỏi cộng đồng hoặc bị buộc phải trả giá đắt khi bị từ chối vì sự chân thành của mình”.

Anh nói về việc làm giáo lý viên của mình, về ơn gọi sâu sắc mà anh cảm nhận được đối với chức linh mục, và sự thất vọng của anh khi bị từ chối vì sự kiện anh là người đồng tính.

Đề cập đến Thượng Hội đồng đang diễn ra về Tính đồng nghị, trong đó việc bao gồm người Công Giáo LGBTQ+, theo báo cáo, là một điểm thảo luận quan trọng, Caruso cho biết anh tin tưởng diễn trình này là “một bước ngoặt để cùng nhau bước đi dưới ánh sáng của Chúa Kitô, nơi không ai bị từ chối và mọi người đều là một cách nói lên kế hoạch của Chúa dành cho Giáo hội của chúng ta”.

Caruso cũng yêu cầu các giám mục Ý xem xét “lệnh cấm vào chủng viện dành cho người đồng tính”, nói rằng nhiều người trẻ “cảm thấy lạc lõng trong một Giáo hội dường như thường bị ràng buộc với chủ nghĩa giáo sĩ độc hại và chọn lọc, nơi mà chỉ một số người xứng đáng được chào đón” và là nơi mà những người khác bị loại trừ vì coi đó là những Kitô hữu giả danh.”

Dường như Đức Phanxicô đã đích thân viết một lá thư được sao chép và đính kèm vào email trả lời email của chính Caruso vào ngày 1 tháng Sáu.

Theo Il Messaggero, Đức Giáo Hoàng cảm ơn Caruso đã liên hệ và nói rằng ngài rất ấn tượng với cụm từ “chủ nghĩa giáo sĩ trị độc hại và có tính chọn lọc”.

“Đúng đấy! Con có biết chủ nghĩa giáo sĩ trị là một bệnh dịch không? Đó là một ‘tính trần tục’ xấu xí và như một nhà thần học vĩ đại đã nói, ‘tính trần tục là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, thậm chí còn tệ hơn thời đại của các giáo hoàng lấy nàng hầu’”, ngài viết thế, muốn đề cập đến các bài viết của nhà thần học Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar.

Đức Phanxicô nhắc lại quan điểm của mình rằng “Chúa Giêsu kêu gọi mọi người, mọi người,” nói với Caruso, “hãy tiến bước với ơn gọi của mình. Cha cầu nguyện cho con, xin hãy làm điều đó cho cha (cha cần nó).”

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS