Sau khi thực hiện nghĩa cử Quì Gối, vị Giám Mục miền biên giới được Đức Giáo Hoàng khen ngợi.

Nghe bài này

(Theo CNS ngày 4 tháng 6 năm 2020) Cử chỉ gọi là Quì Gối thường được nhiều thể tháo gia chuyên nghiệp sử dụng để công khai phản đối sự tàn bạo của cảnh sát trong nhiều năm qua.

Gần đây, cả các cảnh sát viên ở khắp nước cũng chứng tỏ tình đoàn kết với những người phản đối bằng cách quỳ gối trước những cuộc biểu tình chống cảnh sát vì vụ giết chết George Floyd ngày 25 tháng 5.

Nhưng cho đến ngày 1 tháng Sáu, chưa có vị giám mục Công Giáo nào công khai làm cử chỉ này cho đến khi Đức cha Mark J. Seitz ở El Paso, Texas, trở thành người đầu tiên.

Bao quanh bởi nhiều linh mục cuả giáo phận, ngài quỳ xuống trong khi cầm một bích chương Black Lives Matter, ngay tại bãi cỏ cuả Công viên El Paso, nơi mà một cuộc biểu tình đã diễn ra ngày bôm trước.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3 tháng 6 với CNS (Dịch vụ Tin tức Công Giáo) Ngài cho biết là một giám mục thì những gì nên làm là một việc thực sự khó khăn. “Nhưng tôi có một số cố vấn, là những giáo dân và linh mục xuất sắc. Tôi cố gắng lắng nghe họ, lắng nghe trái tim tôi. Đôi khi, bạn cần thực hiện một bước nhảy vọt vào một tương lai bí ẩn.”

Bức ảnh vị giám mục quỳ gối đã lan truyền đi khắp thế giới qua Twitter và được đăng trên một trang web của Ý ở Giáo phận Rome. Có lẽ ở đó, vị cha chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhìn thấy nó.

Vào ngày 3 tháng Sáu, ngay sau khi Đức Giám Mục kết thúc Thánh lễ hàng ngày tại El Paso, Đức Giáo Hoàng đã gọi.

“Tôi trả lời điện thoại và một giọng nói bằng tiếng Anh cho biết người đầu giây là thư ký của Đức Thánh Cha, ” Đức Cha Seitz nói. “Đức Thánh Cha muốn nói chuyện với tôi. Tôi muốn nói chuyện bằng tiếng Ý hay là tiếng Tây Ban Nha? ”

ĐGM Seitz chọn tiếng Tây Ban Nha.

“Đức Thánh Cha nói rằng ngài chúc mừng tôi vì những gì tôi đã nói. Ngài cũng đã gọi cho Đức Tổng Giám Mục (Jose H.) Gomez ở Los Angeles. Tôi nói với Ngài rằng tôi cảm thấy là rất quan trọng tại thời điểm này là thể hiện sự đoàn kết với những người đang đau khổ. Tôi nói với Ngài rằng tôi vừa kết thúc Thánh lễ và tôi đã cầu nguyện cho Ngài và tôi luôn luôn làm thế. Ngài cảm ơn tôi và nói rằng bất cứ khi nào chúng tôi cử hành thánh lễ, chúng tôi đang cầu nguyện cùng nhau, dù cho Ngài ở bên đó và tôi ở vùng biên giới. Tôi nói với Ngài rằng tôi rất vinh dự được phục vụ ở đây.”

“Những cuộc điện đàm với các giám mục ở Mỹ cho thấy Đức Thánh Cha đang theo dõi những gì xảy ra ở đất nước này và rất lo lắng để cho Giáo Hội có thể đáp ứng bằng những công việc mục vụ, và tỏ tình đoàn kết với những người bị phân biệt chủng tộc, ” theo lời ĐGM Seitz.

Trong một tuyên bố công khai ngày 4 tháng 6 về vụ giết ông Floyd, ĐGM Seitz đã phản ánh một hình ảnh mà ngài nhìn thấy trên video là tại một cuộc biểu tình gần toà Bạch Cung, một người phụ nữ trẻ da trắng đã lấy thân mình làm rào cản cho một thiếu niên da đen đang quỳ gối khi những người cảnh sát dã chiến tiến tới gần cậu ta.

Như Chuá Giêsu đã nói, ‘Không có tình yêu nào lớn hơn là hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu’, ĐGM Seitz viết. “Đây là một cảnh đoàn kết và tự hiến đã diễn ra trên khắp đất nước rất nhiều lần trong tuần qua. Ở El Paso, có hai sĩ quan cảnh sát trẻ đã quỳ xuống với những người biểu tình ở đây và nó đã giúp giải toả sự căng thẳng. Có một cái gì đó rất sâu sắc về điều đó và tôi đã được cảm hứng từ những người trẻ tuổi đó. Họ đang dạy chúng tôi nhiều điều.”

Năm ngoái, ĐGM Seitz đã viết một lá thư mục vụ về phân biệt chủng tộc, vài tuần sau vụ xả súng ngày 3 tháng 8 tại tiệm Walmart ở El Paso, một sự kiện đẫm máu mà chính quyền tin là nhắm vào người Latin. Cho đến khi xảy ra đại dịch, ĐGM vẫn thường xuyên đến thăm những người sống sót trong bệnh viện và an ủi gia đình nạn nhân trong sự kiện mà ngài gọi là ‘la matanza, ’ nghĩa là ‘tàn sát’ trong tiếng Tây Ban Nha.

Bà Guillermo Garcia, 36 tuổi, một nạn nhân, là người mà ĐGM Seitz đã đến thăm, đã qua đời vào ngày 27 tháng 4, làm cho con số thiệt mạng trong vụ việc lên tới 23.

“Sự kiện ‘la matanza’, đã cho tôi nhìn thấy có những người có lối suy nghĩ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những định kiến về chủng tộc và đó không phải là một vấn đề tầm thường vì là một vấn đề có thể dẫn đến cái chết, ” ngài nói với CNS. “Vì vậy, nó đã cho tôi một cảm giác mới, rằng đây không chỉ là một vấn đề trừu tượng, mà là một vấn đề có tác động to lớn đến cuộc sống của mọi người. Và đó không chỉ có tác hại vật lý mà thôi, mà còn tác hại đến khả năng phát triền của con người.”

Ngài nói rằng để một người đạt được tiềm năng như Chúa dự định, họ cần được những người chung quanh nhìn thấy họ như Chúa thấy họ, nhưng khi những người khác nhìn họ với sự ngờ vực, không có sự tốt lành mà Chúa nhìn thấy ở họ, thì chính người đó cũng vì thế mà đâm ra hoài nghi chính mình và ngài nghĩ đây là một việc tuy nhỏ bé nhưng cực kỳ quan trọng là những ‘định kiến có hệ thống’ gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Vì vậy, ngài cảm thấy điều quan trọng là thể hiện sự đoàn kết.

“Đức Giáo Hoàng, từ ngày đầu tiên, đã gọi Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến. Vậy thì vào một thời điểm, vừa có COVID vừa có việc giết chết George Floyd, chính là lúc mà Giáo Hội phải có mặt trong sự đoàn kết và hỗ trợ cho mọi người, ” ĐGM Seitz nói. “Chúng ta cần thể hiện tình yêu và lòng trắc ẩn và đáp lại lời kêu gọi hành động một cách hòa bình, mang đến cho họ sự hỗ trợ mà họ cần.”

ĐGM Seitz nghĩ rằng khi ngài quỳ xuống, khi ngài tham gia việc Quì Gối, là ngài đang tham gia vào một việc giống như thực hành một nghi thức phụng vụ.

“Tôi đã dạy phụng vụ trong chủng viện. Trong phụng vụ, đức tin của chúng tôi được đưa vào cuộc sống. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta thấy diễn ra trong vài ngày qua có lẽ hơi giống như phụng vụ, ” ngài nói. “Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta có thể rơi vào cái bẫy nghĩ rằng Kitô giáo là một tôn giáo giáo diều. Là về những điều xảy ra từ lâu hoặc về các từ ngữ trên một trang giấy.”

“Nhưng mỗi ngày trong Thánh lễ, khi tôi quỳ xuống trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, tôi đều được nhắc nhở rằng Người còn sống và đang hiện diện. Kitô giáo là một sự kiện xảy ra ngay bây giờ. Lịch sử về sự cứu rỗi là một cái gì đó diễn ra hằng ngày. Và tất cả chúng ta đều có một vai trò.”

Trần Mạnh Trác

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS