Sơ Beatrice Jane: Trẻ em khuyết tật có nhiều tiềm năng và lòng dũng cảm

Nghe bài này

Sơ Beatrice Jane Agutu chia sẻ kinh nghiệm của sơ tại một trường dành cho học sinh đặc biệt ở Kenya. Sơ khẳng định rằng khuyết tật không phải là bất lực và mọi trẻ em đều xứng đáng có cơ hội tỏa sáng. Trẻ em khuyết tật sở hữu một vũ trụ tiềm năng chưa được khai thác và có lòng dũng cảm phi thường.

Sơ Beatrice Jane, người điều hành Trường Thánh Martin De Porres ở Kisumu, Kenya, một trường đặc biệt giúp đỡ cho hơn 300 trẻ em khuyết tật khác nhau. Sơ chia sẻ: “Là những nữ tu Công giáo, và đặc biệt là các Nữ tu Dòng Phanxicô Thánh Anna, chúng tôi được kêu gọi phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất. Sự dấn thân của chúng tôi trong việc giảm bớt đau khổ và thúc đẩy sự thay đổi tích cực tiếp tục thúc đẩy chúng tôi lên tiếng vì nhiều người dễ bị tổn thương được giao phó cho chúng tôi”.

Câu chuyện của Sơ không chỉ là về một trải nghiệm, mà còn là lời kêu gọi thay đổi mô hình trong việc chăm sóc, hỗ trợ và lòng trắc ẩn đối với những người dễ bị tổn thương.

Hành trình của Sơ Beatrice bắt đầu khi sơ là một giáo viên tại các trường học thông thường. Tuy nhiên, một tiếng gọi sâu xa đã dẫn dắt sơ khám phá giáo dục đặc biệt, một trải nghiệm bắt đầu vào năm 2003 khi sơ được bổ nhiệm đến làm việc tại một trường dành cho người khiếm thính. Sơ chia sẻ với Vatican News rằng “Mặc dù không có kinh nghiệm trước đó về ngôn ngữ ký hiệu, nhưng sự quyết tâm và lòng trắc ẩn đã thúc đẩy tôi tiến về phía trước”. Ngày nay, sơ có thể giao tiếp trôi chảy với người khiếm thính.

Sơ Beatrice đóng vai trò là người bạn tâm giao, người hướng dẫn, người cố vấn và người mẹ của họ. Vai trò của sơ vượt xa việc tiếp thu ngôn ngữ. “Tôi phụ trách một cộng đồng gồm hơn 300 trẻ em đang vật lộn với nhiều khuyết tật khác nhau, từ bại não, khiếm khuyết về thể chất, khuyết tật trí tuệ, v.v.”

Để được nhận vào ngôi trường của sơ là điều không hề dễ dàng. Để trẻ em nhận được chẩn đoán phù hợp và được sắp xếp vào trường phù hợp, phụ huynh phải trải qua một hệ thống đánh giá y tế và giáo dục phức tạp trước khi con em họ có thể được nhận vào học. Sơ giải thích: “Trường học của chúng tôi là ngôi nhà của những đứa trẻ này. Nhiều em trong số đó bị giam cầm trong nhà của các em, bị coi là gánh nặng, trở nên người vô hình với thế giới; sự cô lập này làm tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em trầm trọng thêm và hạn chế cơ hội của các em”.

Ngôi trường đóng vai trò như một đường dây cứu sinh cho nhiều người, một nơi trẻ em tìm thấy sự chấp nhận, tự do, tình bạn, cảm giác được thuộc về, cơ hội để học tập và phát triển, và quan trọng nhất là tình yêu thương trong khuôn viên trường. Niềm tin vững chắc của Sơ Beatrice vào tiềm năng của học sinh đã được chứng minh là có sức lan tỏa. Sơ không nhìn thấy khuyết tật, nhưng là những khả năng chưa được khai thác. Thái độ tích cực của sơ là minh chứng cho triết lý của sơ: “Khuyết tật không phải là bất lực”. Sơ nhìn xa hơn những thách thức của họ, nhận ra tiềm năng ở nơi mỗi đứa trẻ.

Sơ lưu ý rằng “Điều hành trường học là một cuộc chiến gian nan liên tục”, và chỉ ra những thách thức to lớn mà trường của sơ phải đối mặt. Không được chính phủ hỗ trợ đầy đủ, thiếu nguồn lực và nhu cầu quá lớn của học sinh là điều hiển nhiên. Việc xã hội thường coi những đứa trẻ này là gánh nặng cũng gây thêm áp lực cho Sơ Beatrice và nhóm của sơ.

Nhiều phụ huynh không đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu cơ bản, chưa nói đến chi phí chăm sóc và giáo dục chuyên biệt. Cha mẹ của các em, mệt mỏi trước những thách thức trong việc nuôi dạy một đứa trẻ khuyết tật, thường nhờ ông bà hỗ trợ. Sơ Beatrice lưu ý, “Chính phủ chỉ cung cấp hỗ trợ tối thiểu, và các tổ chức như chúng tôi phải tự mình gánh vác những thách thức này”. Dòng tu của sơ cũng đang cố găng để đáp ứng nhu cầu quá lớn của học sinh. Tuy nhiên, Sơ Beatrice và nhóm của sơ vẫn kiên trì, không chỉ cung cấp giáo dục mà còn cung cấp dịch vụ chăm sóc thiết yếu, bao gồm thực phẩm, quần áo và chăm sóc y tế.

Có lẽ thách thức đau lòng nhất là sự thờ ơ của cộng đồng rộng lớn. Thay vì cung cấp hỗ trợ, nhà trường thường được coi là nguồn lực cần được khai thác. Nhà trường và học sinh được mời đóng góp vào các hoạt động của Giáo hội nhưng đôi khi nhận được rất ít hỗ trợ tài chính. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, bà Claris Achieng Olare, một phụ huynh có con trai bị bại não, cho biết, sự kỳ thị mà các cha mẹ phải chịu đựng là cách mọi người nghĩ rằng cha mẹ hẳn đã làm điều gì đó sai trái và do đó hậu quả là như vậy. Bà kêu gọi xã hội chấp nhận sự thật rằng những trường hợp như vậy vẫn tồn tại, và điều quan trọng là chấp nhận và cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cần thiết cho những đứa trẻ như vậy mà không có định kiến.

Bất chấp những rào cản này, vẫn có những khoảnh khắc chiến thắng phi thường. Một phụ nữ trẻ, trước đây không biết đọc hoặc viết, đã trở thành một nhà thuyết giáo và là nguồn cảm hứng cho bạn bè của mình. Sơ Beatrice nói: “Những câu chuyện như vậy đã thúc đẩy niềm đam mê của tôi và thúc đẩy tôi tiếp tục chăm sóc những đứa trẻ này, để tạo ra một thế giới mà mọi đứa trẻ, bất kể khả năng của chúng, đều được coi trọng và hỗ trợ”. Sơ nói thêm: “Những đứa trẻ này được yêu thương, không phải bị thương hại”.

Cuối cùng, nữ tu mời mọi người nuôi dưỡng ước mơ và tiềm năng của trẻ em khuyết tật. “Hãy cùng chúng tôi trong việc xây dựng một thế giới nơi mà sự khuyết tật thực sự không phải là sự bất lực, mà là chất xúc tác cho những thành tựu phi thường”.

Sơ Roselyne Wambani Wafula, fsp

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS