Viện Napa được thành lập để giúp các nhà lãnh đạo Công Giáo đối diện với các thách đố do “Nước Mỹ Kế Tiếp” đặt ra, là tiếp tục công việc của các Tông Đồ và các vị kế nhiệm các ngài, tức các giám mục, bằng cách lưu tâm tới lời kêu gọi liên tục phúc âm hóa của Chúa Kitô.
Qua kế hoạch hướng dẫn các tham dự viên thấu hiểu chân lý nằm ở đàng sau đức tin, Viện Napa giúp người Công Giáo dám sống và dám bảo vệ đức tin của họ một cách đầy tự tin thanh thản, một niềm tự tin phát sinh từ một nền đào luyện vững chắc, tình hiệp thông và sự phong phú hóa thiêng liêng.
Chú tâm chính của Viện là cuộc hội thảo hàng năm. Được tổ chức tại Thung Lũng Napa, California, cuộc hội thảo giới thiệu các vị Hồng Y, giám mục, linh mục và tu sĩ cũng như các nhà trí thức Công Giáo nổi danh trình bày nhiều bài học sâu sắc về các chủ đề hợp thời.
Viện đã tổ chức được 2 khóa hội thảo vào các năm 2011 và 2012. Khóa hội thảo thứ ba vừa kết thúc vào Chúa Nhật 4 tháng 8 vừa qua. Khóa năm nay bàn tới các chủ đề: Tính Thánh Thiêng Của Việc Làm, Xây Dựng Nền Văn Hóa Công Giáo, và Lý Trí Và Đức Tin.
Các diễn giả và các giáo phẩm tham dự gồm: các TGM José Gomez, Charles Chaput, John Nienstedt, Samuel Aquila, Salvatore Cordileone, và Alexander Brunett; các GM Robert Vasa, Kevin Vann, và Robert Morlino; các LM Robert J. Spitzer, S.J., Ronald Tacelli, S.J., và Brian Mullady, OP; cùng với Tim Gray, Ph.D., Carolyn Woo, Ph.D., Kathryn Jean Lopez, John Garvey, và Tiến Sĩ Francis Beckwith.
Theo tin CNA/EWTN ngày 5 tháng 8, tại cuộc hội thảo năm nay, Kathryn Jean Lopez, giám đốc Catholic Voices USA kiêm tổng biên tập National Review Online, đã phát biểu rằng: Người Công Giáo phải coi truyền thông thế tục như một cơ hội để phúc âm hóa và vươn tới “những ai cần anh hùng và Tin Mừng” một cách hữu hiệu hơn.
Cô cho hay: “Hãy nhìn truyền thông như một cơ hội tông đồ. Hãy gọi cho các phóng viên, hãy thành bạn bè của họ. Hãy mời họ bước vào để nói về Tin Mừng. Qúy vị không cần đồng ý với họ về mọi điều họ nói hay làm họ trở lại ngay lập tức. Qúy vị nên kiên nhẫn. Hãy tôn trọng sự tự do của họ. Hãy chia sẻ sự thật với họ. Hãy chân thực với họ”.
Cô bảo: “tôi biết ta dễ bị cám dỗ ta thán về truyền thông, tìm các sai lạc của họ. Nhưng sở dĩ tường trình của họ thù nghịch đối với ta, là vì những người chủ trì chương trình, các phóng viên, các nhà sản xuất không biết gì về Đạo Công Giáo, họ có thể chỉ biết những gương xấu, những bài giáo lý tệ hay một biếm họa nào đó”.
Cô đưa ra một số gợi ý để trả lời các chỉ trích và tranh luận về đức tin Kitô Giáo. Cô bảo: “Qúy vị nên nhìn ý hướng tích cực nằm đàng sau các chỉ trích. Thông thường vẫn có một giá trị Kitô Giáo nào đó. Hãy đề cập tới giá trị đó”.
Cô khuyên các nhà truyền thông Công Giáo “chiếu sáng đừng chiếu nóng” và giúp “mở cửa dẫn vào các bí tích. ” Theo cô, “người ta không nhớ bạn đã nói gì cho bằng bạn làm họ cảm nhận ra sao”.
Song song với ngôn từ ngắn gọn “có thể nói với trái tim người ta bằng một nội dung vững chắc”, truyền thông hiện đại còn có khả năng sử dụng “các hình ảnh và viđêô lôi cuốn được chú ý mà lời không thôi không làm được”.
Lopez cũng nhấn mạnh sự quan trọng của kể truyện trong việc chia sẻ đức tin, cho rằng nó là “một trong những điều tốt nhất qúy vị có thể làm khiến người ta phải lắng nghe. Truyện ấy không phải về chính qúy vị. Mà là về Chúa Kitô. Điều này cực kỳ có tính giải thoát. Thiên Chúa phải được nâng cao, còn tôi, cần phải nhỏ đi”.
“Ta phải sẵn sàng sánh bước với người ta bất cứ họ đi đâu, chỉ cho họ thấy Đạo Công Giáo trong cái viên mãn của nó. Cho họ thấy niềm vui, sự hy sinh và cả tính nghiêm ngặt nữa. Hãy sống chân thực, cho họ thấy rõ ta đang sống trong thế giới thực”.
Lopez cho rằng điều quan trọng cần nhớ là quan điểm văn hóa chính dòng hiện nay coi Thiên Chúa và tôn giáo chỉ như một “cái bến an toàn”, niềm ủi an của kẻ chết và người bệnh chứ không phải là điều nên “lây lan ra các lãnh vực khác của cuộc sống”.
Cô giải thích: “Truyền thông không khuyến khích người ta ước mơ, hy sinh, phục vụ và tin những vấn đề vượt quá các thèm muốn của họ. Ta cần khuyến khích những người có óc sáng tạo viết những kịch bản tốt hơn, kể những câu truyện cứu vớt nâng cao tâm hồn hơn. Ta cần những con người biết mở truyền hình và những cuốn sách và không đầm mình vào các khốn cùng của người khác để trốn tránh các khốn cùng của riêng mình, nhưng để trở thành tốt hơn và đi tìm các giải trí có thể giúp họ trong hành trình này”.
Theo Lopez, quả là “bất công” đối với công chúng, đối với sinh viên, các đồng nghiệp, bạn bè và tín hữu nói chung nếu truyền thông Công Giáo chẳng “là gì khác hơn một cố gắng tông đồ”.
Đồng thời cô cũng cho rằng các cố gắng truyền thông của Công Giáo “cũng phải tốt như các linh hồn của ta”. Cô bảo: “khốn thay cho ai cố gắng bênh vực Giáo Hội nơi công cộng mà lại không thường xuyên xưng tội, tham dự Thánh Lễ hàng ngày bao nhiêu có thể, và nghiêm chỉnh đối với việc cầu nguyện”. Cô cho rằng sinh hoạt bận bịu của truyền thông có nguy cơ khiến người ta sống “không cần ơn bí tích và chiêm niệm. Người chuyên nghiệp Công Giáo rất dễ mất linh hồn. Hoặc làm người khác sa ngã hoặc mất linh hồn vì tiếng xấu”. Cô nhấn mạnh: “các câu truyện có tính cứu rỗi thường không tạo ra tin sốt dẻo”.
Lopez cũng cho rằng hiện có một không khí tang chế trong cuộc sống hiện nay nơi những người cảm thấy họ đang mất mát điều gì hay đang thiếu một điều gì khiến họ phải đi tìm tình yêu “không đúng chỗ. Ta cần nhớ tới cảnh tang chế của những người ta bất đồng với, nỗi đau họ đang phải mang. Không phải để thỏa hiệp nhưng để mở cửa giúp cho tâm hồn họ có thể cởi mở đối vớ các đề xuất của Đạo Công Giáo”.
Bất luận xuất hiện trên tin tức, bên ngoài Giáo Hội, tại quán bar địa phương, hay trong sinh hoạt gia đình, người Công Giáo nên chào đón mọi dịp để thảo luận đức tin của họ, vì “đây là mệnh lệnh của Tin Mừng, giúp mọi người hiểu rõ điều gì đáng sống và đáng chết cho”.