Đức cha Laurent Ulrich, Tổng Giám mục Paris, và Đức Cha Dimitrios Ploumis, Chủ tịch Hội đồng các giám mục Chính Thống giáo ở Pháp, viết trong một chuyên mục đăng trên báo Le Figaro vào ngày 5/5/2024, ngày lễ Phục sinh của Chính Thống giáo theo lịch Grêgôriô: “Nhân dịp này, theo sáng kiến của tất cả những người chịu trách nhiệm đối thoại đại kết trong các Giáo hội của chúng ta, tất cả các Kitô hữu ở Île-de-France sẽ được mời gặp nhau, vào buổi chiều Chúa Nhật Phục Sinh, tại nhà thờ Notre-Dame de Paris, được khôi phục lại như cũ với vẻ huy hoàng và sức sống của nó”. Việc cử hành chung này về “niềm vui phục sinh của Chúa Kitô và sự chiến thắng của tình yêu Người”, “một cách quan phòng”, diễn ra vào cùng năm với Năm Thánh và 1700 năm Công đồng Nixêa, “được tất cả các giáo hội Kitô giáo công nhận”.
Mục tiêu: một ngày lễ Phục sinh duy nhất
Tuy nhiên, lời mời gọi của các vị lãnh đạo Công giáo và Chính Thống giáo ở Pháp còn nhắm đến mục tiêu cuối cùng là “sự công nhận của tất cả mọi người về một ngày lễ Phục sinh duy nhất”. Một số sáng kiến theo hướng này gần đây đã được đưa ra nhằm mục đích này. Các vị giám chức Kitô giáo viết: “Trong cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục Công giáo ở Roma vào tháng 10 năm ngoái, Đức Thánh Cha được yêu cầu thực hiện những nỗ lực quyết tâm theo hướng này”.
Một chứng tá truyền giáo đúng đắn hơn và hiệu quả hơn
Trong chuyến thăm Hội đồng Giám mục Pháp mới đây, Đức Thượng phụ Bartolomeo của Constantinople đã tán thành việc duy trì ngày lễ Phục sinh chung. Thượng phụ Tawadros II, lãnh đạo tinh thần của Chính Thống giáo Coptic, cũng bày tỏ mong muốn như vậy trong chuyến thăm của phái đoàn giám mục Pháp tới Cairo.
Đức Cha Ulrich và Đức Cha Ploumis nhấn mạnh: “Việc cử hành chung Lễ Phục Sinh một cách lâu dài (…) sẽ có tầm quan trọng lịch sử đáng kể. Nó sẽ là một bước tiến rất có ý nghĩa hướng tới sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu Kitô khẩn thiết yêu cầu nơi tất cả các môn đệ của Người nhằm hướng tới một chứng tá truyền giáo đúng đắn hơn và hiệu quả hơn”. Các ngài nói tiếp: “Vấn đề hiệp nhất này không chỉ mang tính tôn giáo mà còn liên quan đến hòa bình thế giới”. Một số cuộc xung đột, vốn “xé nát rất nhiều quốc gia” như ở Ucraina, Armenia hay Thánh Địa, “chắc chắn sẽ dễ khắc phục hơn nếu tất cả các Giáo hội Kitô hiệp nhất hơn”.
Hồng Thủy – Vatican News