Theo Thánh kinh thì ơn cứu độ đến với loài người qua thánh giá và phục sinh. Thánh giá và phục sinh của Đức Kitô không thể nào tách rời được. Không có thánh giá, không thể có phục sinh. Không có phục sinh, không thể có sự sống vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao Giáo Hội có thể nói đến sự toàn thắng của thánh giá trong nền tảng thần học của thánh giá.
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Thập giá đâu phải chuyện đùa, đâu phải cứ muốn vác là kê vai vác. Muốn vác phải bỏ mình! Chính vì thế, lời ấy trở thành một thử thách, còn hơn thế, là một thách thức lớn trong đời ta. Từ bỏ đã khó, từ bỏ chính mình lại càng khó. Nhưng Chúa không dừng ở đó, Người mời gọi ta đi xa hơn để theo Người: Từ bỏ chính mình vác thập giá. Lời Chúa quả là một đòi hỏi quyết liệt.
Chúa Giêsu nhắc lại cho Nicôđêmô một biến cố đã xảy ra trong cuộc Xuất Hành, biến cố này Người biết rất rõ, vì là “vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”: con rắn đồng Môsê đã đúc và giương cao trong sa mạc (x. Ds 21,4-9), và Người bình luận tích đó rằng tích đó tượng trưng cho những gì sắp xảy ra cho Người. Con Người sắp được giương cao trên thập giá để tất cả những ai nhìn lên Người thì sẽ được cứu.
Muốn được vào Nước Trời, chúng ta phải có công nghiệp, mà muốn có công nghiệp, chúng ta phải vác lấy thập giá mình. Công nghiệp của chúng ta mặc dù là nhỏ bé nhưng lại là một sự cộng tác cần thiết cho chính bản thân chúng ta được cứu rỗi. Bởi đó chúng ta đừng vội lẩm bẩm kêu trách mỗi khi gặp phải những gian nguy thử thách. Trái lại hãy coi đó là một diễm phúc vì được làm chính việc của Chúa, vì được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Hơn nữa những khổ đau chúng ta phải chịu trong cuộc sống hiện tại, sẽ không thể nào sánh ví được với hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu mà chúng ta sẽ được đón nhận trên quê hương Nước Trời.
Người Kitô giáo không thể tin vào Đức Kitô mà lại chối bỏ thánh giá. Người Kitô giáo không thể chối bỏ thánh giá, mà phải tôn vinh Thánh giá như phương tiện cứu rỗi. Họ phải hãnh diện về biểu hiệu của Thánh giá. Tuy nhiên họ không được dừng lại ở thánh giá mà phải vượt qua thánh giá và tìm cho ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá. Vì có sự liên hệ giữa thánh giá và phục sinh mà Đức Giêsu mời gọi người môn đệ vác lấy thánh giá để theo Người (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23).
Nicôđêmô đã không hiểu điều Đức Giêsu ám chỉ khi Người nói “ông cần được sinh lại bởi trên”, bây giờ lại càng ngỡ ngàng khi nghe nói đến việc “giương cao Con Người”. Ông ngạc nhiên và có lẽ cũng buồn nữa. Ông im lặng lắng nghe, chứ không biết hỏi thế nào nữa. Ông chưa được soi sáng bởi ánh sáng Phục Sinh, nên những gì ông đang được nghe lúc này là mầu nhiệm không sao dò thấu đối với ông.
Ông chưa hiểu được rằng “Tin vào Đấng được giương cao” có nghĩa là đưa mắt nhìn lên “Đấng Chịu đóng đinh”, là Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá, và dựa vào Người mà đo lường mọi quyết định của ông, để cho Người hướng dẫn các quyết định của ông. “Đưa mắt nhìn lên Đấng Chịu đóng đinh” chính là coi Người là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. “Đưa mắt nhìn lên Đấng Chịu đóng đinh” như thế cũng có nghĩa là phải từ bỏ nhiều thứ, hy sinh nhiều chuyện. Tác giả Tin Mừng Gioan nói rằng một ngày nào đó người ta “sẽ nhìn lên Đấng họ đã dâm thâu” (Ga 19,37). Vào ngày đó, Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập trên trần gian.
Như lời mời gọi của Chúa cho ông Nicôđêmô, cần phải đặt Con Thiên Chúa vào thập giá, cần phải treo Con Thiên Chúa lên thập giá, con người chúng ta có hiểu được ý nghĩa của thập giá? Thập giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự thù ghét của con người đối với con người, của con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người biệt phái Pharisiêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa.
Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).
Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.
Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Tại một một tiểu chủng viện kia trong quá khứ, các chủng sinh được ban giáo sư tập cho thói quen đặt thánh giá bên gối đầu giường để khi chưa ngủ được thì suy niệm về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Sau khi chịu chức linh mục, có linh mục kia vẫn giữ thói quen để thánh giá bên gối đầu giường. Khi không thấy thánh giá, linh mục đó cảm thấy như thiếu thốn một báu vật gì khiến cho linh mục đó cảm thấy khó ngủ.
Nhìn quanh, người ta thấy biết bao người đang phải mang vác thánh giá về đau yếu, bệnh hoạn và tật nguyền về thể lý, tâm lý và tinh thần. Có những người uống thuốc chữa trị nhiều năm mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Có những người đi bác sĩ, nằm nhà thương liên tiếp, mà bệnh tật vẫn còn đó. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh băn khoăn, lo âu, sợ hãi và hiểu lầm trong suốt cả cuộc sống.
Những giọt nước mắt ngày hôm nay nhỏ xuống, thì ngày mai sẽ kết thành những trái chín của hạnh phúc Nước Trời, bởi vì nhờ những giọt nước mắt khổ đau ấy mà chúng ta trở nên giống Đức Kitô. Hay như lời thánh Phaolô đã nói: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ được sống lại với Người. Bởi vì chính Ngài đã long trọng công bố: Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an.
Ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với thập giá Chúa. Phải chăng thập giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em? Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý ..
Huệ Minh