Thư ngắn gửi Tucho

Nghe bài này

Robert Royal, chủ bút The Catholic Thing, ngày 12 tháng 2, 2024, đã gửi một lá thư ngắn cho Đức Hồng Y Fernandez, có tục danh là Tucho. Nội dung bức thư như sau:

Thưa Đức Hồng Y, gần đây, ngài đã thông báo rằng ngài đang chuẩn bị một “tài liệu rất quan trọng” khác, lần này là về “phẩm giá con người”. Nó cũng sẽ giải quyết các xu hướng trong xã hội đương thời – “không chỉ các vấn đề xã hội mà còn là sự chỉ trích mạnh mẽ các vấn đề đạo đức như phẫu thuật chuyển đổi giới tính, mang thai hộ và hệ tư tưởng giới tính”. Điều này sẽ cho phép “hầu hết những người quan tâm” đến công việc của ngài “cảm thấy thoải mái”.

Mặc dù con chưa được chính thức mời làm như vậy, nhưng xin vui lòng cho phép con nói vài lời, trong tinh thần nói/nghe của tính Đồng nghị. Bây giờ tất cả chúng ta đều là thành viên của một Giáo hội đồng nghị, phải không? (Mặc dù tính đồng nghị dường như đã – tạm thời? – bị đình chỉ vì “sự thay đổi mô hình trong thần học” bất ngờ của Tông thư Ad theologiam provendam và “sự khai triển của các phép lành phi phụng vụ” trong Fiducia supplicans.)

Trước tiên, ngài đừng nghĩ rằng, trong một tài liệu quan trọng về “phẩm giá con người”, ngài có thể đơn giản đọc luyên thuyên hàng chục trang về những gì mà mọi người Công Giáo – thực ra, những gì mà bất cứ ai đã nêu lên ngay cả trong nền đạo đức Do Thái-Kitô giáo đang phai nhạt ở phương Tây – tin vào giá trị và sự thánh thiêng của con người. Và sau đó, ngài có thể viện dẫn nguyên tắc “chào đón người lạ” của Kitô giáo để lẻn cho vào quan điểm không chính thống (về LGBT) hoặc làm xói mòn những gì còn sót lại của xã hội Kitô giáo bằng cách ủng hộ việc nhập cư bất hợp pháp không giới hạn trong căn bản.

Ngài đã sử dụng một chiến thuật tương tự trong Amoris Laetitia, viết một số chương không thể phản bác, thậm chí sâu sắc về những điều tốt đẹp của hôn nhân, nhưng sau đó lại giới thiệu một cách lỏng lẻo Chương 8 – và chỉ trong một chú thích vụng về ở cuối trang (¶351) – mở đầu cho một sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội về ai có thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Tất nhiên, ngài chưa bao giờ thực sự nói điều đó bởi vì ngài biết điều đó sẽ gây phản tác dụng. Đừng nói gì đến việc chống lại chính những lời của Chúa về tính bất khả hủy tiêu của hôn nhân. Nhưng nhiều người, cả những người hoan nghênh và phản đối sự thay đổi, đã nhận thấy vào thời điểm đó. Nhiều người nữa sẽ xem xét kỹ lưỡng văn bản mới, dự đoán chính xác những thủ thuật lừa đảo như vậy ngay bây giờ.

Ngài hãy làm điều đó, và ngài sẽ chỉ xác nhận được quan điểm cho rằng sự mơ hồ của vị giáo hoàng này là cố tình nhằm mục đích tạo thêm những điều không chính thống dưới vỏ bọc hồ đồ. Điều đó sẽ khó “làm cho mọi người yên tâm” về công việc của ngài.

Xin vui lòng trích dẫn Newman một cách dè sẻn, nếu có. Và không bao giờ ủng hộ những “sự phát triển” thử nghiệm mà vị này vốn cười nhạo khinh miệt. Điều tương tự cũng xảy ra với Thánh Tôma. Rất nhiều người Công Giáo – các học giả và giáo dân – đã đọc vị này một cách cẩn thận và thấm nhuần sự thuần khiết và sức mạnh của ngài. Khi ngài cố gắng tranh thủ vị này, như trong quá khứ, để hỗ trợ cho các thao tác mơ hồ, dẫn đến những chủ trương về tính không thể sống “các lý tưởng” của đời sống Kitô hữu, ngài không có vẻ uyên bác và bác ái, mà là hời hợt và đa cảm. Giống như một sinh viên ban cử nhân đang viết một khảo luận, và cố gắng biến những trích dẫn rải rác thành một hệ thống đạo đức ăn ý nhau hơn – cho các sinh viên chưa cùng bậc. Không được tốt lắm.

Vì ngài có ý định giải quyết “các vấn đề xã hội”, xin hãy chú ý cẩn thận đến những thách thức trọng tâm của thế kỷ 21 – những dấu hiệu thực sự của thời đại.

Đất nước của ngài thật đáng yêu; Buenos Aires là một viên ngọc quý. Nhưng nền chính trị cận thị đã khiến Á Căn Đình một thế kỷ trước từ một trong những nền kinh tế và hình mẫu vĩ đại cho tương lai trở thành thảm họa. Ngài chưa bao giờ trải nghiệm cách một quốc gia và nền kinh tế có thể thực sự vận hành như thế nào. Tổng thống mới của ngài, Javier Milei, chắc chắn là một người hơi hoang dã. Nhưng không giống như sự nhiệt tình đáng xấu hổ của Vatican đối với những tham vọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông ta đã nói với cơ quan đó điều gì là tốt – và điều gì không – về chủ nghĩa tư bản hoàn cầu. Dù có nhiều vấn đề, nhưng ít nhất nó đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói về vật chất. Milei có thể thất bại ở Á Căn Đình vì hoàn cảnh quốc gia. Nhưng ít nhất ông ta không sa lầy vào quan điểm của chủ nghĩa tư bản và người lao động bị mắc kẹt trong thập niên 1970 – hoặc 1870.

Ngoài ra, chủ nghĩa tư bản không phải là thách thức trọng tâm của thời đại chúng ta. Thách thức của chúng ta là một hình thức toàn trị mới.

Các hình thức cổ điển – chủ yếu là chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa phát xít – đã chết, mặc dù hầu hết bất cứ ai chống lại các chế độ chuyên chế mới đều thấy mình bị gắn mác “phát xít”. Chủ nghĩa Cộng sản, mà nhiều người trong Giáo hội vẫn thích tán tỉnh, đã thất bại ở mọi nơi nó được thử và chỉ tiếp tục ở một số nơi do sự truyền máu lớn của con người và sự ngây thơ về mặt đạo đức. Ngay cả những hình thức yếu kém của chủ nghĩa xã hội “nhân bản” mà chính Marx khinh miệt cũng vấp ngã vì chúng mâu thuẫn với bản chất con người khi coi chính trị và nhà nước là trọng tài cuối cùng của đạo đức và sự thật.

Tệ hơn nữa, một chủ nghĩa xã hội “đã thức tỉnh” (hay còn gọi là chủ nghĩa Mác văn hóa) – tại Liên Hợp Quốc, Liên hiệp Châu Âu, thậm chí ở các khu vực rộng lớn của các chính phủ Mỹ, Canada và Châu Âu – đang ở trong yên ngựa, chi phối các dân tộc trên thế giới.

Những người theo chủ nghĩa dân túy nổi dậy chống lại những chế độ chuyên chế mới này, mà nhiều người trải qua hàng ngày tại nơi làm việc, trường học của con cái họ, ngay cả trong giáo xứ của họ, không phải là chủ nghĩa cực đoan “cực hữu” hay “sự cứng ngắc” về mặt đạo đức. Đừng để bị lừa dối. Chúng phản ảnh mong muốn chính đáng của nhiều người ở nhiều nơi không để cuộc sống và quyền tự do của họ bị gián đoạn hoàn toàn bởi các kế hoạch hoàn cầu hóa về LGBT, những cuộc di cư bất hợp pháp ồ ạt và sự cởi mở với các trào lưu xã hội hàng ngày đang hủy hoại gia đình, đức tin, văn hóa của họ.

Các cuộc bầu cử năm nay, cũng như năm ngoái ở Á Căn Đình, thường sẽ bác bỏ tất cả những điều đó, và trong những năm tới sẽ chỉ ngày càng mạnh mẽ hơn. Dictum sapienti (châm ngôn khôn ngoan)…

Nói với tư cách là một người Mỹ – một quốc gia tiếp nhận hơn một triệu người nhập cư hợp pháp mỗi năm và thực hiện khá tốt việc tiếp nhận họ – đó là một bài học tồi cho nhiều người muốn đến đây và những nơi đáng mơ ước khác như Châu Âu – nếu cho phép họ làm như vậy bằng cách vi phạm pháp luật. Một trật tự pháp luật được thực thi tốt là nền tảng của mọi xã hội tốt đẹp và mang lại lợi ích khôn lường cho mọi người. Bỏ qua những nền tảng đó trong hiện tại sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp trong tương lai.

Về các vấn đề xã hội, chúng ta nên quay lại với những phát triển phong phú của Học thuyết Xã hội Công Giáo hiện đại:

Tính bổ trợ – tính bổ trợ thực sự không phải là sự trợ cấp tự sát của các lực lượng chống Kitô giáo, mà là việc trao quyền cho các tổ chức xã hội dân sự như gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, và – vâng – thậm chí cả các quốc gia.

Và tình liên đới thực sự, không phải là những ảo tưởng xã hội học của giới tinh hoa hậu hiện đại, mà là sự quan tâm dành cho nhau bắt nguồn trong thực tại trọn vẹn của Kitô giáo về Thiên Chúa và con người.

Và trong sự thật. Sự thật Công Giáo.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS