Sau thời kỳ khó khăn ban đầu, mà lịch sử Giáo Hội gọi là “Apostolic times” – thời các Thánh Tông đồ – chúng ta bước sang thời kỳ “Christendom times” – thời Kitô Giáo – trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà họ tán thành tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp truyền bá trung thành đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ.
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vừa có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 10 tháng Hai, 2021 với nhan đề “From Christendom Times to Apostolic Times”, nghĩa là “Từ thời Kitô Giáo đến thời các Tông đồ”. Ông cho rằng chúng ta đang sống trong một không khí văn hóa thù địch với đức tin, đến mức có lẽ chúng ta đang rơi ngược trở lại thời sơ khai, chập chùng các khó khăn của Giáo Hội.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
From Christendom Times to Apostolic Times
By George Weigel
Từ thời Kitô Giáo đến thời các Tông đồ
Ba mươi năm trước, vào ngày 22 tháng Giêng năm 1991, thông điệp thứ tám của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, nghĩa là Sứ vụ của Đấng Cứu Thế, được công bố. Trong một triều đại giáo hoàng giàu ý tưởng đến nỗi giáo huấn của triều đại này chỉ mới bắt đầu được tiêu hóa, Redemptoris Missio nổi bật như một kế hoạch chi tiết cho tương lai Công Giáo. Các phần sống động của Giáo hội trên thế giới đang sống viễn tượng môn đệ truyền giáo mà thông điệp mời gọi chúng ta. Những phần đang hấp hối của Giáo hội trên thế giới vẫn chưa nhận được thông điệp, hoặc hiểu sai, hay đã từ chối thông điệp này — đó là lý do tại sao họ đang chết dần.
Redemptoris Missio đã đặt ra một thách thức thẳng thắn và ghê gớm đối với những người Công Giáo sống tà tà thoải mái: Hãy nhìn xung quanh các bạn và hãy nhận ra rằng thời của chúng ta là thời kỳ tông đồ, không phải thời kỳ Kitô giáo. Thời kỳ Kitô giáo, Christendom, như Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã nói vào năm 1974, đã kết thúc.
“Christendom” nghĩa là một tình huống trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà họ tán thành giúp truyền bá “đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ” (Gđ 1: 3). Những nơi như thế tồn tại trong ký ức sống động; Tôi lớn lên trong những khoảnh khắc cuối cùng, thoáng qua của một, trong các nền văn hóa Công Giáo đô thị của những năm 1950 ở Baltimore. Hình thức “Christendom” đó bây giờ đã biến mất từ lâu. Trên khắp thế giới phương Tây ngày nay, không khí văn hóa mà chúng ta hít thở không truyền tải đức tin và cũng không trung lập về đức tin; đó là thứ không khí văn hóa thù địch với đức tin. Và khi sự thù địch đó chiếm được đỉnh cao chỉ huy của nền chính trị, nó sẽ ráo riết tìm cách gạt đức tin ra bên lề. Chẳng hạn, đó là điều xảy ra khi các chính phủ tìm cách áp đặt LGBTQ và tư tưởng giới tính lên xã hội bằng cách trừng phạt những người, vì lý do niềm tin, không chịu khuất phục trước quan niệm có hại về tính tuỳ tiện vô hạn của con người – ý tưởng Kinh Thánh và Kitô Giáo về con người bị hình sự hóa. Những người tưởng tượng ra rằng “điều đó làm sao có thể xảy ra ở đất nước này” nên đọc Sắc lệnh hành pháp về “bản sắc giới tính” do ông Biden ký vài giờ sau khi ông nhậm chức Tổng thống.
“Thời các Tông đồ” mời gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai, được mô tả một cách sống động trong Tông đồ Công vụ. Ở đó, chúng ta thấy những người bạn của Chúa Phục Sinh bùng cháy với lòng say mê truyền giáo. Các “tin mừng” mà Chúa Giêsu tuyên bố trước khi chết đã được xác nhận qua sự phục sinh của Người từ trong cõi chết và qua những lần xuất hiện của Người với các bạn bè trong nhân tính đã được chuyển hóa, và tôn vinh của Người. Đây không phải là tin mừng cho một số ít người được chọn; đây là một tin mừng cần được chia sẻ với mọi người.
Vì vậy, một loạt những người vô danh tiểu tốt, sống bên lề của một thế giới tự tưởng tượng mình là văn minh, đã bất ngờ xuất hiện để chuyển đổi thế giới đó sang một thế giới đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô là Chúa của họ. Họ phải đối mặt với sự chế giễu; một số nghĩ rằng họ say rượu, họ “đầy rượu rồi” (Cv 2:13). Những người khác coi họ là những người nói lảm nhảm, như Thánh Phaolô đã nhận ra trên đồi Areopagus của thành Nhã Điển (Cv 17:18). Vẫn còn những người khác cho rằng họ điên rồ, như khi thống đốc La Mã Phét-tô hét lên với Phaolô, “Ông Phaolô, ông điên mất rồi! Ông hay chữ quá nên hoá điên” (Cv 26:24). Nhưng các Tông đồ vẫn kiên trì. Các ngài đã thể hiện một cách sống khiêm tốn hơn, nhân ái hơn. Một số đã chết như những vị tử vì đạo. Và đến năm 300 sau Chúa Giáng Sinh, họ đã cải đạo một phần đáng kể đế quốc La Mã sang niềm tin vào Chúa Kitô.
Trong thời kỳ Kitô giáo, một “nhà truyền giáo” là người rời khỏi vùng thoải mái về văn hóa và đi rao giảng Tin Mừng ở nơi mà trước đây người ta chưa từng nghe thấy. Thông Điệp Redemptoris Missio dạy rằng vào thời các Tông đồ, mỗi người Công Giáo là một nhà truyền giáo đã được giao nhiệm vụ “ra đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Trong thời các Tông đồ, “lãnh thổ truyền giáo” không phải là một điểm du lịch xa lạ; nó ở khắp mọi nơi. Lãnh thổ truyền giáo ở ngay bàn nhà bếp, khu phố, và nơi làm việc; sứ mệnh truyền giáo mở rộng đến cuộc sống của chúng ta trong tư cách là những người tiêu dùng và các công dân. Giáo dân, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, có một nghĩa vụ đặc biệt là trở thành những người truyền giáo cho văn hóa, kinh doanh và chính trị, vì chứng tá của giáo dân ở những địa điểm đó có uy tín đặc biệt.
Là một Giáo hội gồm các môn đệ truyền giáo, chúng ta phải sử dụng phương pháp tự nguyện, tự do, không áp đặt. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp Redemptoris Missio, được in nghiêng những lời của mình để nhấn mạnh rằng “Giáo hội đề xuất; Giáo Hội không áp đặt gì cả”. Nhưng chúng ta phải đề xuất, chúng ta phải mời gọi, chúng ta phải làm chứng cho ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã được ban tặng — đó là tình bạn với Chúa Giêsu Kitô và sự kết hợp vào nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội. Như chính Chúa đã nói trong Mt 10: 8, vì chúng ta đã nhận được cách nhưng không, nên chúng ta phải trao ban một cách cách nhưng không.
Giáo Hội Công Giáo của thế kỷ 21 đang được kêu gọi chuyển từ thế thủ sang truyền giáo, có nghĩa là phải chuyển đổi các tổ chức của chúng ta thành bệ phóng cho việc truyền giáo. Bản lĩnh tư cách môn đệ của chúng ta sẽ được đo lường bằng cách chúng ta đáp lại lời kêu gọi là tiến ra chia sẻ ân sủng mà chúng ta đã được chúc phúc.