Đoạn Sách Thánh được đọc trước bài giáo lý được trích từ sách Giu-đi-tha.
Sau những ngày đó, ai nấy trở về phần đất gia nghiệp của mình. Bà Giu-đi-tha trở lại Bai-ty-lu-a và cư ngụ trong phần đất bà vẫn có. Ngay trong buổi sinh thời, tiếng tăm bà đã lừng lẫy khắp nơi. Danh tiếng bà mỗi ngày một thêm lừng lẫy. Bà sống tại nhà chồng bà, tuổi đời rất cao, thọ được một trăm lẻ năm tuổi . Bà trả tự do cho người nữ tỳ. Cuối cùng bà qua đời ở Bai-ty-lu-a và được chôn cất trong hang mộ bên cạnh ông Mơ-na-se, chồng bà. Nhà Ít-ra-en khóc thương bà suốt bảy ngày. Trước khi nhắm mắt, bà Giu-đi-tha đã phân phát của cải cho tất cả bà con bên chồng cũng như cho thân quyến của bà. (Gđt 16,21.23-24)
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta sẽ nói về Giu-đi-tha, một nữ anh hùng trong Kinh Thánh. Phần kết của cuốn sách mang tên bà – chúng ta vừa nghe – tóm tắt phần cuối cuộc đời của người phụ nữ này, người đã bảo vệ Israel khỏi kẻ thù. Giu-đi-tha là một góa phụ Híp-ri trẻ tuổi và nhân đức, nhờ đức tin, sắc đẹp và sự khôn khéo của mình, đã cứu thành Bai-ty-lu-a và dân tộc Giuđa khỏi vòng vây của Hô-lô-phéc-nê, tướng của Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua nước Át-sua, một kẻ thù hống hách và khinh thường Thiên Chúa. Và như vậy, với cách hành động thông minh của mình, người phụ nữ này có khả năng giết chết bạo chúa chống lại đất nước mình. Người phụ nữ này dũng cảm, nhưng bà có một đức tin …
Sau cuộc phiêu lưu lớn mà bà là nhân vật chính, Giu-đi-tha trở về sống ở thành phố của bà, Bai-ty-lu-a, nơi đây bà sống một tuổi già đẹp, đến 105 tuổi. Điều này cũng xảy ra với nhiều người: đôi khi sau một cuộc sống làm việc căng thẳng, sau một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, hoặc một trong những cống hiến lớn lao. Sự anh hùng không chỉ là sự kiện trọng đại được chú ý, như vụ Giu-đi-tha đã giết chết bạo chúa: mà sự anh hùng thường được tìm thấy ở tình yêu bền bỉ dành cho một gia đình khó khăn và hỗ trợ một cộng đồng đang bị đe dọa.
Giu-đi-tha đã sống hơn một trăm tuổi, một phúc lành đặc biệt. Nhưng ngày nay cũng không hiếm người sống rất nhiều năm sau khi nghỉ hưu. Cần diễn giải thế nào, làm sao để tận dụng khoảng thời gian này của chúng ta? Tôi sẽ nghỉ hưu hôm nay, và sẽ còn nhiều năm nữa, và tôi có thể làm gì trong những năm này? Làm thế nào để tôi có thể lớn thêm – về tuổi tác thì tự nó, nhưng làm thế nào tôi có thể lớn thêm hơn về quyền bính, sự thánh thiện và khôn ngoan?
Đối với nhiều người, viễn cảnh nghỉ hưu cũng là viễn cảnh được nghỉ ngơi xứng đáng và mong muốn thoát khỏi các hoạt động đòi hỏi và mệt mỏi. Nhưng cũng xảy ra rằng nó là sự kết thúc của công việc vốn thể hiện một nguồn quan tâm và được mong đợi với một số lo lắng: “Tôi sẽ làm gì bây giờ khi cuộc sống của tôi sẽ trống rỗng những điều vốn đã lấp đầy trong thời gian dài?”. Đây là vấn đề. Công việc hàng ngày cũng có nghĩa là một tập hợp các mối quan hệ, sự hài lòng trong việc kiếm sống, thực thi một vai trò, một sự cân nhắc xứng đáng, một khoảng thời gian tròn đầy ngoài những giờ làm việc đơn giản.
Tất nhiên, có một sự dấn thân vui vẻ và không mệt mỏi trong việc chăm sóc các cháu, và ngày nay ông bà đóng một vai trò rất lớn trong gia đình để giúp nuôi dạy các cháu; nhưng chúng ta biết rằng ngày nay ngày càng ít trẻ em được sinh ra, và cha mẹ thường ở xa hơn, phải đi lại nhiều hơn, với hoàn cảnh gia đình và công việc không thuận lợi. Thậm chí đôi khi họ miễn cưỡng với việc giao phó không gian giáo dục của các cháu cho ông bà, và chỉ nhờ những gì rất cần sự hỗ trợ. Nhưng có người nói với tôi, với một nụ cười khểnh, rằng: “Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại, ông bà càng quan trọng hơn, vì ông bà có lương hưu”. Họ nghĩ như thế. Có những nhu cầu mới, cũng trong lĩnh vực giáo dục và các mối quan hệ của cha mẹ, đòi hỏi chúng ta phải định hình lại liên minh truyền thống giữa các thế hệ.
Nhưng, chúng ta tự hỏi: liệu chúng ta có đang thực hiện nỗ lực “phục hồi” này không? Hay đơn giản là chúng ta phải chịu sức ì của các điều kiện kinh tế và vật chất? Trên thực tế, sự chung sống của nhiều thế hệ đang kéo dài. Chúng ta có đang cố gắng làm cho sự chung sống này trở nên nhân bản hơn, tình cảm hơn, công bằng hơn, trong điều kiện mới của xã hội hiện đại? Đối với ông bà, một phần quan trọng trong thiên chức của họ là hỗ trợ các con trong việc nuôi dạy con cái. Những đứa trẻ học được sức mạnh của sự dịu dàng và tôn trọng đối với sự mong manh. Đây là những bài học không thể thay thế, mà với ông bà, những bài học này sẽ dễ dàng truyền đạt và tiếp nhận hơn. Về phần mình, ông bà học được rằng sự dịu dàng và mong manh không chỉ là dấu hiệu của sự sa sút: đối với những người trẻ, điều này là những bước làm nên con người tương lai.
Giu-đi-tha sớm trở thành góa phụ và không có con cái, nhưng như một phụ nữ lớn tuổi, bà có thể sống một mùa tràn đầy và thanh thản, với ý thức mình đã sống trọn vẹn sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho bà. Đối với bà, đã đến lúc để lại di sản tốt đẹp của trí tuệ, sự dịu dàng, những món quà cho gia đình và cộng đồng: di sản về điều tốt chứ không chỉ về tài sản. Khi chúng ta nghĩ về sự thừa kế, đôi khi chúng ta nghĩ về tài sản, chứ không phải điều tốt đã làm trong tuổi già và đã được gieo trồng, điều tốt đẹp đó là cơ nghiệp tốt nhất mà chúng ta có thể để lại.
Chính ở tuổi già, Giu-đi-tha đã “trả tự do cho người nữ tỳ của bà”. Đây là dấu hiệu của một cái nhìn quan tâm và nhân văn đối với những người đã gần gũi với bà. Người nữ tỳ này đã đồng hành cùng bà trong cuộc phiêu lưu để cắt cổ và chiến thắng bạo chúa. Khi bạn già, bạn mất đi một chút thị giác nhưng cái nhìn bên trong trở nên thấu hiểu hơn: bạn nhìn bằng trái tim. Một người có khả năng nhìn thấy những thứ trước đây lẩn khuất. Người già biết cách nhìn và biết nhìn thấy… Nó là thế này: Chúa không chỉ giao những nén bạc của Người cho người trẻ và người mạnh: Người trao cho tất cả, tuỳ theo khả năng của mỗi người, phù hợp với từng người, ngay cả đối với người già. Cuộc sống của các cộng đoàn của chúng ta phải có khả năng tận hưởng những nén bạc và đặc sủng của nhiều người cao tuổi. Theo biên chế thì họ đã nghỉ hưu, nhưng họ là một gia sản đáng được trân trọng. Điều này đòi hỏi, về phía những người cao tuổi, một sự lưu tâm sáng tạo, một sự để tâm mới, một tấm lòng quảng đại. Các kỹ năng sống hoạt bát trước đây mất đi phần nắm giữ và trở nên nguồn để ban tặng: dạy dỗ, khuyên nhủ, xây dựng, chữa lành, lắng nghe… Ưu tiên cho những người thiệt thòi nhất, những người không có khả năng học tập hoặc những người bị bỏ rơi trong cô đơn của họ.
Bà Giu-đi-tha đã trả tự do cho người nữ tỳ của mình và khiến mọi người chú ý. Khi còn trẻ, bà đã giành được sự kính trọng của cộng đồng bằng lòng dũng cảm của mình. Khi là một người lớn tuổi, bà xứng đáng nhận điều đó bởi sự dịu dàng vốn làm phong phú thêm cho sự tự do và tình cảm của bà. Giu-đi-tha không phải là một người nghỉ hưu buồn sầu, sống trong sự trống vắng của mình: bà là một cụ bà say mê lấp đầy thời gian mà Chúa ban bằng những món quà.
Tôi khuyên anh chị em: trong những ngày này, hãy cầm lấy Kinh Thánh và mở sách Giu-đi-tha: nó nhỏ, anh chị em có thể đọc nó… khoảng 10 trang, không hơn. Hãy đọc câu chuyện về một người phụ nữ can đảm kết thúc như thế, với sự dịu dàng, với lòng bao dung, một phụ nữ cao quý. Và vì vậy tôi ước mong những người bà của chúng ta: can đảm, khôn ngoan và để lại cho con cháu di sản không phải tiền bạc, mà là di sản của trí tuệ, được gieo vào cháu chắt của họ.
Vatican News