Chúa đã sai Con Ngài đến để chúng ta có thể được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa
Trong loạt bài suy niệm cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng năm nay của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng tập trung vào việc đưa ra ánh sáng “vẻ huy hoàng bên trong của Giáo Hội và của đời sống Kitô hữu”, mà không “nhắm mắt trước thực tế của các sự kiện”, để mỗi người có thể đối mặt với trách nhiệm của mình từ góc độ đúng đắn.
Đức Hồng Y Cantalamessa cho biết ngày nay có nguy cơ nhiều người đang sống “như thể Giáo hội không hơn gì” những vụ bê bối, tranh cãi, xung đột cá tính, buôn chuyện, hoặc cùng lắm chỉ hữu ích chút đỉnh về mặt xã hội. Nói tóm lại, Giáo Hội chỉ là chuyện của con người, giống như mọi thứ khác trong quá trình lịch sử”. Trong những suy tư Mùa Vọng, Đức Hồng Y đề nghị chúng ta “nhìn Giáo hội từ bên trong, theo nghĩa mạnh nhất của từ này, dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà Giáo hội mang trong mình”, để chúng ta không mất phương hướng.
Năm nay, chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng gồm ba bài được trình bày vào ba thứ Sáu trước Lễ Giáng Sinh với chủ đề là “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến”, trích từ chương 4 Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát trong đó tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm của Kitô Giáo.
Bài suy niệm Mùa Vọng đầu tiên được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục có tựa đề là “Chúa đã sai Con Ngài đến để chúng ta có thể được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa”
Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Mùa Chay vừa qua tôi đã cố gắng làm sáng tỏ mối nguy hiểm của việc sống “etsi Christus non daretur,”, tức là “như thể Chúa Kitô chưa bao giờ tồn tại.” Tiếp tục dòng suy nghĩ này, trong các bài suy niệm Mùa Vọng năm nay, tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến một mối nguy hiểm tương tự khác: đó là việc sống “như thể Giáo hội không hơn gì” những vụ bê bối, tranh cãi, xung đột cá tính, buôn chuyện, hoặc cùng lắm chỉ hữu ích chút đỉnh về mặt xã hội. Nói tóm lại, Giáo Hội chỉ là chuyện của con người, giống như mọi thứ khác trong quá trình lịch sử.
Tôi muốn làm sáng tỏ vẻ huy hoàng bên trong của Giáo hội và đời sống Kitô. Chúng ta không được nhắm mắt trước thực tế, cũng không được trốn tránh trách nhiệm của mình; đồng thời, chúng ta cần phải đối mặt với chúng từ một góc độ đúng đắn và không để bản thân mình bị chúng đè bẹp. Chúng ta không thể mong đợi các nhà báo và các phương tiện truyền thông tính đến quan điểm của chính Giáo hội, nhưng kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu như chúng ta, những người thuộc về Giáo hội và những thừa tác viên của Tin Mừng, cuối cùng lại đánh mất đi mầu nhiệm ẩn chứa trong Giáo hội và thối lui để hành xử như người khác và luôn ở thế phòng thủ.
Nói về việc loan báo Tin Mừng, Thánh Tông đồ Phaolô viết: “Chúng ta đựng kho tàng này trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4, 7). Thật là ngu ngốc khi dành toàn bộ thời gian và sức lực của chúng ta để tập trung vào “những chiếc lọ đất sét dễ vỡ” trong khi quên mất “kho báu”. Thánh Tông đồ cho chúng ta một lý do để khẳng định điều tích cực tồn tại ngay cả trong những tình cảnh như hoàn cảnh của chúng ta ngày nay. Ngài nói rằng điều này là “để có thể thấy rõ rằng quyền năng phi thường này thuộc về Thiên Chúa và không đến từ chúng ta” (2 Cr 4, 7).
Giáo Hội giống như những ô cửa kính màu của một nhà thờ lớn. (Tôi đã trải nghiệm điều này khi đến thăm nhà thờ chính tòa thành Chartres.) Nếu anh chị em nhìn vào các cửa sổ từ bên ngoài, từ đường phố, tất cả những gì anh chị em thấy là những mảnh kính đen được giữ lại với nhau bằng những dải chì sẫm màu. Nhưng nếu anh chị em đi vào bên trong và nhìn vào chính những ô cửa sổ đó với ánh sáng tràn vào, thì thật là một mảng màu rực rỡ, những câu chuyện và ý nghĩa mở ra trước mắt anh chị em! Tôi đề nghị rằng chúng ta nên nhìn Giáo hội từ bên trong, theo nghĩa sâu xa nhất của từ này, để thấy Giáo Hội dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà Giáo Hội thủ đắc.
Trong Mùa Chay, Định nghĩa của Công Đồng Chalcedon theo đó Chúa Kitô thực sự là con người và thực sự là thần thánh trong một hữu thể duy nhất đã hướng dẫn chúng ta suy niệm. Trong Mùa Vọng này, chúng ta sẽ dõi theo một trong những bản văn phụng vụ Mùa Vọng tiêu biểu hơn, đó là thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Galát chương 4, từ câu 4 đến câu 7, trong đó có đoạn:
Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.
Nói một cách ngắn gọn, phân đoạn này là sự tổng hợp của toàn bộ mầu nhiệm Kitô Giáo. Nó bao gồm Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha, Con của Người và Chúa Thánh Thần; mầu nhiệm nhập thể: “Thiên Chúa đã sai Con Ngài;” và tất cả những điều này, không phải là một kinh nghiệm trừu tượng, lạc hậu, mà là trong bối cảnh lịch sử cứu độ: “trong thời viên mãn”. Sự hiện diện của Đức Maria một cách kín đáo, nhưng không kém phần thiết yếu, là: “sinh ra bởi một người phụ nữ”. Và, cuối cùng, kết quả của tất cả những điều này là mọi người nam cũng như nữ được làm con cái của Thiên Chúa và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Con cái của Chúa!
Trong bài suy niệm đầu tiên này, tôi muốn suy ngẫm về phần đầu của bản văn: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Tình phụ tử của Thiên Chúa là trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngay cả trong Kinh thánh tiếng Do Thái, Thiên Chúa được xem như một người cha. Điều mới lạ ở đây là giờ đây Thiên Chúa không được coi là “cha của dân tộc Israel” theo một nghĩa tập thể, có thể nói như vậy, mà là cha của mỗi con người theo một nghĩa cá nhân và cá vị, cha của cả người công chính lẫn người tội lỗi. Thiên Chúa quan tâm đến từng người như thể người đó là độc nhất vô nhị; Chúa biết nhu cầu, suy nghĩ và đếm số lượng sợi tóc trên đầu của mỗi người.
Sai lầm của Thần học Tự do, vào đầu thế kỷ 19 và 20 (đặc biệt là ở Adolf von Harnack, người đại diện nổi tiếng nhất của nó), là coi tình phụ tử của Thiên Chúa là yếu tính của Phúc âm, bỏ qua một bên thần tính của Chúa Kitô và Mầu nhiệm Vượt qua. Một sai lầm khác, bắt đầu từ lạc giáo Marcion vào thế kỷ thứ 2 và chưa từng bị xóa sổ hoàn toàn, là xem Thiên Chúa trong Kinh thánh tiếng Do Thái là Thiên Chúa công bình, thánh thiện, quyền năng và sấm sét, và Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa dịu dàng, là “hình bóng người cha” niềm nở và nhân từ.
Sự mới lạ do Chúa Kitô mang lại không bao gồm điều này. Thay vào đó, nó bao gồm thực tế là Thiên Chúa, Đấng vẫn như đã được mô tả trong Kinh Thánh tiếng Do Thái, cụ thể là, ba lần thánh, công bình và toàn năng, giờ đây đã được ban cho chúng ta làm cha của chúng ta! Đây là hình ảnh được Chúa Giêsu đặt ra trong lời mở đầu của Kinh Lạy Cha và diễn tả một cách ngắn gọn, tất cả những điều sau đây: “Cha chúng con, Đấng ngự trên trời”. Cha ngự trên trời, như thế Cha là Đấng Tối Cao, Đấng siêu việt, ở trên chúng ta như các tầng trời ở trên mặt đất, nhưng vẫn là “cha của chúng ta” – hay như nguyên tác đã viết: “Abba!” – hơi giống với cách nói bố của chúng ta, bố của con.
Đây cũng là hình ảnh của Thiên Chúa mà Giáo hội đặt ở đầu kinh Tin kính của mình. “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng”: là cha, nhưng vẫn là đấng toàn năng: toàn năng, nhưng vẫn là cha, Đây rốt cuộc là điều mà mọi đứa trẻ cần – cha mẹ luôn cúi xuống với con, dịu dàng, có thể chơi với con, nhưng đồng thời là người mạnh mẽ và con có thể dựa vào để được bảo vệ, là người truyền cho con lòng dũng cảm và tự do.
Trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về tính mới mẻ thực sự thay đổi mọi thứ. Thiên Chúa không chỉ là một người cha theo nghĩa ẩn dụ và đạo đức, theo nghĩa là Ngài đã tác tạo và chăm sóc cho dân tộc của mình. Thiên Chúa – trước hết – là một người cha thực sự của một người con thực sự được sinh ra “trước bình minh”, nghĩa là trước khi thời gian bắt đầu, và sẽ nhờ Người Con duy nhất này mà nhân loại cũng có thể trở thành con cái của Thiên Chúa theo nghĩa thực sự chứ không chỉ là một cách ẩn dụ. Sự mới lạ này tỏa sáng trong cách Chúa Giêsu tự xưng với Chúa Cha, gọi Người là Abba, và cũng qua lời Chúa Giêsu chúng ta biết rằng: “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27).
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng trong lời rao giảng của Chúa Giêsu trần thế, tính mới mẻ triệt để mà Ngài mang lại vẫn chưa hiển nhiên. Phạm vi của danh hiệu “cha” kéo dài theo nghĩa đạo đức, nghĩa là, nó mô tả cách Thiên Chúa hành động đối với nhân loại và cảm giác mà nhân loại nên nuôi dưỡng về Chúa. Mối quan hệ vẫn thuộc loại hiện sinh, chưa mang tính bản thể học và bản chất. Để điều này xảy ra, Mầu nhiệm Vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là cần thiết.
Thánh Phaolô đã trình bày các suy tư liên quan đến giai đoạn đức tin sau Phục sinh này. Nhờ ơn cứu chuộc do Chúa Kitô mang lại và truyền cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội, chúng ta không còn là con cái Thiên Chúa theo nghĩa luân lý đơn thuần, mà còn theo nghĩa thực tế, bản thể học. Chúng ta đã trở thành “những người con trong Chúa Con,” và Chúa Kitô đã trở thành “trưởng tử của nhiều anh chị em” (Rôma 8:29).
Để diễn tả tất cả điều này, Thánh Tông đồ sử dụng ý niệm về việc nhận con nuôi: “… để chúng ta có thể nhận làm nghĩa tử như con cái Ngài” “Thiên Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1: 5). Nó chỉ là một phép tương tự, và như với bất kỳ phép tương tự nào, nó không thể diễn tả hết được mầu nhiệm này. Về bản chất, việc nhận làm con nuôi của con người chúng ta là một vấn đề luật pháp. Con nuôi có thể mang họ, quốc tịch và nơi cư trú của cha mẹ nuôi, nhưng chúng không có chung huyết thống hoặc DNA của bố mẹ. Việc thụ thai, mang nặng đẻ đau và sinh nở đều không liên quan. Đây không phải là trường hợp của chúng ta. Thiên Chúa không chỉ truyền cho chúng ta được gọi là con của Người, nhưng Người còn truyền cho chúng ta đời sống thân mật của Người, Thần Khí của Người, có thể nói được là truyền cho chúng ta DNA của Người. Nhờ Bí tích Rửa tội, chính sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy trong chúng ta.
Về điểm này, Thánh Gioan táo bạo hơn Thánh Phaolô. Thánh Gioan không nói về việc nhận con nuôi, mà nói về sự sinh nở thực sự, Chúa đã sinh ra chúng ta. Những ai tin vào Đức Kitô “được Thiên Chúa sinh ra” (Ga 1,13); trong Phép Rửa, chúng ta được “sinh ra bởi Thánh Linh;” một người được “tái sinh từ trên cao” (xem Ga 3: 5-6).
Từ niềm tin đến sự ngạc nhiên
Cho đến nay, chúng ta đã chạm vào những chân lý đức tin của chúng ta. Tuy nhiên, tôi không muốn tập trung vào những điều này. Đây là những điều mà chúng ta đã biết và chúng ta có thể đọc trong bất kỳ sách hướng dẫn nào về thần học Kinh thánh, trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, và các sách về tâm linh. Vậy thì khía cạnh “khác biệt” mà chúng ta muốn tập trung vào trong bài suy niệm này là gì?
Điểm khởi đầu của tôi để khám phá là một câu được Đức Thánh Cha của chúng ta sử dụng trong bài giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát tại buổi tiếp kiến chung vào ngày 8 tháng 9. Sau khi trích dẫn văn bản chúng ta vừa nghe về việc nhận chúng ta làm nghĩa tử, ngài nói thêm: “Những người Kitô hữu chúng ta thường xem thực tại được làm con cái Thiên Chúa là chuyện đương nhiên. Chúng ta cần phải sống ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được với một nhận thức sâu xa hơn, —và điều đó sẽ tốt cho chúng ta— nếu chúng ta luôn ghi nhớ khoảnh khắc của phép Rửa Tội khi chúng ta trở thành con cái Chúa”.
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với một mối nguy hiểm chết người, đó là việc coi thường những chân lý cao siêu nhất về đức tin của chúng ta, bao gồm chân lý chúng ta là con cái của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng Toàn Năng, Đấng Vĩnh Hằng, Đấng ban sự sống. Thánh Gioan Phaolô II, trong bức thư về Bí tích Thánh Thể, được viết không lâu trước khi ngài qua đời, đã nói về “sự kinh ngạc của Thánh Thể” mà các Kitô hữu phải tái khám phá. Điều tương tự cũng nên nói về việc chúng ta là con cái của Chúa: chúng ta phải chuyển từ niềm tin sang sự ngạc nhiên. Tôi sẽ đi xa hơn để nói từ niềm tin đến sự bất tín! Tôi nói về một kiểu không tin rất đặc biệt: đó là những người tin mà không thể nắm bắt được những gì mình tin bởi vì nó quá bao la và không thể tưởng tượng được.
Thật vậy, chúng ta ngại nói thành lời hậu quả của việc trở thành con cái của Thiên Chúa bởi vì điều đó chỉ đơn giản là làm lung lay tâm trí. Như vậy, khoảng cách bản thể học ngăn cách Thiên Chúa với con người ngắn hơn khoảng cách bản thể học ngăn cách chúng ta với phần còn lại của tạo vật, bởi vì nhờ ân sủng, chúng ta “được thông phần thiên tính” (2 Pt 1: 4).
Một ví dụ cụ thể có thể hữu ích cho chúng ta hơn là một loạt các lập luận để hiểu tại sao không nên xem việc được là con cái Thiên Chúa là chuyện đương nhiên. Sau khi cải đạo, Thánh Margaret thành Cortona đã trải qua một thời kỳ đau khổ khủng khiếp. Chúa dường như nổi giận với cô và đôi khi bắt cô phải nhớ lại từng tội lỗi mà cô đã phạm đến từng chi tiết nhỏ nhất, khiến cô muốn biến mất khỏi mặt đất này. Một ngày nọ, sau khi rước lễ, khá bất ngờ có một giọng nói bên trong cô ấy cất lên: “Con gái của Ta!” Cô đã chống lại việc xem xét lại tất cả lỗi lầm của mình, nhưng cô không thể cưỡng lại được sự dịu dàng của giọng nói này. Cô ấy rơi vào trạng thái ngây ngất và trong cơn ngây ngất ấy, những nhân chứng có mặt đã nghe thấy cô ấy điên cuồng lặp lại trong sự kinh ngạc:
Tôi là con gái của Người; chính Người đã nói như vậy. Ôi sự dịu dàng vô hạn của Chúa tôi! Đó là từ ngữ tôi đã khao khát! đã quyết liệt tìm kiếm! Lời Người có sự ngọt ngào vượt qua mọi sự ngọt ngào! Thật là một đại dương của niềm vui! Con gái Ta! Chúa tôi đã nói điều đó! Con gái Ta!
Trước Thánh Margaret từ lâu, Tông đồ Gioan đã đạt được nhận thức đáng kinh ngạc đó. Ngài viết: “Hãy chứng kiến tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa dành cho chúng ta đến mức chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa. Và đó là những gì chúng ta thực sự là!” (1 Ga 3: 1). Câu này rõ ràng là có ý được đọc với một dấu chấm than.
Cởi trói cho phép Rửa của ta
Tại sao việc đi xa hơn niềm tin để đi đến sự ngạc nhiên, hay từ những niềm tin (fides quae) sang tin (fides qua), lại quan trọng đến vậy? Chỉ tin thôi chưa đủ à? Chưa, và vì một lý do rất đơn giản: bởi vì điều đó – và chỉ điều đó – mới thực sự thay đổi cuộc sống của anh chị em!
Hãy cùng nhìn lại con đường dẫn đến cấp độ đức tin mới này. Như chúng ta đã nghe, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trở lại với Bí tích Rửa tội của mình. Để hiểu làm thế nào mà một bí tích đã lãnh nhận nhiều năm trước – thường là khi bắt đầu cuộc đời chúng ta – có thể đột ngột sống lại và giải phóng năng lượng tâm linh mới, chúng ta cần ghi nhớ một số khía cạnh của thần học về bí tích.
Thần học Công Giáo thừa nhận ý tưởng về một bí tích vừa thành sự vừa hợp luật, nhưng “bị trói buộc” hoặc “bị đóng băng”. Phép Rửa Tội thường là một bí tích “bị trói buộc”. Một bí tích được cho là “bị trói buộc” nếu tác dụng của nó vẫn còn bị hạn chế và cản trở do thiếu một số điều kiện để phát huy hiệu quả của nó. Một ví dụ cực đoan là Bí tích Hôn phối hoặc Truyền Chức Thánh được lãnh nhận trong tình trạng đang mắc tội trọng. Trong hoàn cảnh đó, các bí tích đó không thể mang lại bất kỳ ân sủng nào cho các cá nhân lãnh nhận. Tuy nhiên, một khi chướng ngại của tội lỗi được loại bỏ, qua một lời xưng tội tốt, người ta nói rằng bí tích hồi sinh (reviscit) mà không cần lặp lại nghi thức bí tích, nhờ vào sự trung tín và không thể đảo ngược của hồng ân Thiên Chúa.
Như tôi đã đề cập, Bí Tích Hôn Phối và Truyền Chức Thánh là những ví dụ điển hình, nhưng có thể có những trường hợp khác, trong đó một bí tích, mặc dù không hoàn toàn bị trói buộc, cũng không hoàn toàn được giải phóng, nghĩa là được tự do phát huy tác dụng của nó. Trong trường hợp của Bí tích Rửa tội, điều gì có thể khiến các tác động của bí tích bị trói buộc? Các bí tích không phải là những nghi thức ma thuật hoạt động một cách máy móc mà chúng ta không biết hoặc không có sự hợp tác của chúng ta. Hiệu quả của chúng là kết quả của sức mạnh tổng hợp hoặc sự cộng tác giữa quyền năng toàn năng của Thiên Chúa, cụ thể là ân sủng của Chúa Kitô, của Chúa Thánh Thần, và sự tự do của con người.
Một bí tích mà mọi sự tùy thuộc vào ân sủng hoặc thánh ý của Chúa Kitô thì được gọi là “opus operatum”, “công việc viên mãn”; nghĩa là công việc đã hoàn thành, những hiệu quả khách quan và tất yếu của bí tích ấy phát huy tác dụng nếu bí tích ấy được thực hiện một cách hợp lệ. Trái lại, một bí tích mà mọi thứ phụ thuộc vào quyền tự do và sự định đoạt của người nhận thì được gọi là “opus operantis”, “công việc chưa được hoàn thành”, nghĩa là còn những điều phải tiến hành, với sự đóng góp của con người.
Những gì chúng ta nhận được từ Thiên Chúa – trong điều được gọi là “hồng ân Phép Rửa” – là nhiều mặt và rất phong phú. Nó bao gồm việc chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, được xóa bỏ tội lỗi, được Chúa Thánh Thần ngự trị, và được gieo mầm các nhân đức thần học như đức tin, đức cậy và đức mến vào tâm hồn chúng ta. Sự đóng góp của con người chủ yếu là niềm tin! “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16). Khi ân sủng và tự do giao nhau trong một thể đồng bộ hoàn hảo, giống như hai cực, một cực dương và một cực âm, thì ánh sáng và sức mạnh được giải phóng.
Trong trường hợp Bí tích Rửa tội cho trẻ sơ sinh (và cả trong Bí tích Rửa tội dành cho người lớn khi thiếu niềm tin và thiếu sự tham gia sâu sắc), tính đồng bộ đó bị thiếu. Tôi không đề nghị chúng ta từ bỏ thực hành rửa tội cho trẻ sơ sinh. Giáo hội đã luôn luôn thực hành điều đó một cách đúng đắn và bảo vệ nó trên cơ sở rằng Bí tích Rửa tội là một hồng ân của Thiên Chúa ngay cả trước khi đó là kết quả của sự lựa chọn của con người. Thay vào đó, chúng ta cần thừa nhận những gì thực hành này có liên quan, trong hoàn cảnh lịch sử mới mà chúng ta đang sống.
Trong quá khứ, khi toàn bộ môi trường là Kitô Giáo và được thấm nhuần đức tin, đức tin này có thể nở rộ, mặc dù dần dần. Hành động đức tin tự do và cá vị được “Giáo hội cung cấp” và được thể hiện, như đã thường xảy ra là thông qua một bên thứ ba, cụ thể là cha mẹ và người đỡ đầu. Đây không còn là trường hợp của ngày hôm nay. Môi trường mà đứa trẻ lớn lên ngày nay ít thuận lợi hơn trong việc giúp đức tin nảy nở trong đứa trẻ. Môi trường gia đình cũng ít thuận lợi hơn xưa, hệ thống trường học còn ít thuận lợi hơn nữa, và tình hình còn thê thảm hơn trong toàn bộ xã hội và văn hóa của chúng ta.
Đây là lý do tại sao tôi đã nói về phép Rửa Tội như một bí tích “bị trói buộc”. Nó giống như một gói quà rất quý giá vẫn chưa được mở ra, giống như một món quà Giáng sinh, bị thất lạc ở đâu đó và bị lãng quên, ngay cả trước khi nó được mở ra. Bất cứ ai có nó đều có mọi thứ họ cần để thực hiện mọi hành vi cần thiết trong đời sống của một Kitô Hữu, và cũng trải nghiệm một số tác động của nó ít nhất là một phần, nhưng không tận hưởng được sự trọn vẹn của thực tại này. Theo ngôn ngữ của Thánh Augustinô, họ cảm nghiệm được bí tích (sacramentum), nhưng không cảm nghiệm được thực tại của bí tích (res sacramenti), hay chỉ cảm nghiệm được một phần.
Thực tế là chúng ta đang ở đây suy ngẫm về điều này có nghĩa là chúng ta đã tin, rằng đức tin đã được kết hợp với bí tích trong chúng ta. Vậy thì chúng ta vẫn còn thiếu điều gì? Chúng ta thiếu niềm tin như một sự kinh ngạc, thiếu một sự trầm trồ tròn xoe đôi mắt! thiếu sự ngạc nhiên và phấn khích mà anh chị em có được khi mở một món quà, mà đối với người tặng quà đó là quà tặng tuyệt vời nhất. Các Giáo phụ Hy Lạp gọi Bí tích Rửa tội là “sự khai sáng” (phoismos). Loại giác ngộ đó đã bao giờ xuất hiện trong chúng ta chưa?
Chúng ta tự hỏi: liệu có khả thi, và thậm chí có đúng không, khi chúng ta khao khát đạt đến một mức độ khác của đức tin, trong đó chúng ta không chỉ tin một chân lý mà còn trải nghiệm và nếm trải chân lý mà chúng ta tin? Linh đạo Kitô giáo thường đi kèm với một sự miễn cưỡng và thậm chí, như trong trường hợp của các nhà Cải cách Tin Lành, còn đi kèm với sự phủ nhận chiều kích kinh nghiệm và thần bí của đời sống Kitô như thể nó thấp kém hơn và đi ngược lại với đức tin thuần túy cách này cách khác. Nhưng bất chấp những lạm dụng cũng đã xảy ra, truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ hạ thấp truyền thống khôn ngoan cho rằng đỉnh cao của đức tin là ở chỗ “thưởng thức” chân lý của những gì chúng ta tin và “nếm” chân lý, bao gồm cả vị đắng của chân lý thập tự giá.
Theo ngôn ngữ Kinh thánh, biết không có nghĩa là có ý tưởng về một thứ gì đó vẫn tách biệt và xa rời tôi. Nó có nghĩa là bước vào một mối quan hệ và trải nghiệm nó. Thánh sử Gioan đã thốt lên: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4:16), và một lần nữa: “Chúng ta đã tin và biết rằng Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6: 69). Tại sao lại nói “đã biết và đã tin?” “Đã biết” thêm gì vào “đã tin”? Thưa: Nó thêm một xác tín nội tâm xảy ra khi sự thật đối đầu với tinh thần và người ta buộc phải thốt lên từ thẳm sâu trong lòng: “Đúng, đó là sự thật, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là thế!” Sự thật được tin tưởng trở thành sự thật được sống. Thánh Thomas Aquinas đã nói như thế này: “Fides non terminatur ad enuntiabile sed ad rem”, nghĩa là “Đức tin không kết thúc bằng lời nói, nhưng bằng thực tế.” Chúng ta không ngừng tái khám phá những hệ quả thực tiễn của nguyên tắc này.
Vai trò của Lời Chúa
Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện bước nhảy vọt về chất này từ đức tin đến sự ngạc nhiên khi biết mình là con cái Thiên Chúa? Câu trả lời đầu tiên là Lời Chúa! Có một phương tiện thiết yếu không kém, đó là Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta sẽ để lại điều đó cho lần suy niệm tiếp theo. Thánh Grêgôriô Cả đã so sánh Lời Chúa với đá lửa, tức là, với viên đá từng được dùng để tạo ra tia lửa đốt cháy. Thánh nhân nói rằng cần phải làm với Lời Chúa những gì được thực hiện với đá lửa: nghĩa là đánh nó liên tục cho đến khi nó tạo ra tia lửa. Suy ngẫm về nó, lặp lại nó, thậm chí lớn tiếng.
Trong giờ cầu nguyện hoặc giờ thờ phượng của anh chị em, với cả tấm lòng và không chán nản, hãy lặp lại trong chính anh chị em: “Con của Thiên Chúa! Tôi là con của Thiên Chúa; Tôi là con cái của Chúa. Chúa là cha tôi!” Hoặc chỉ cần lặp đi lặp lại một lúc: “Lạy Cha chúng con ngự trên trời” mà không tiếp tục phần còn lại của Kinh Lạy Cha. Khi làm như vậy, điều cần thiết hơn bao giờ hết là phải nhớ lời của Chúa Giêsu: “Hãy gõ thì cửa sẽ mở cho anh em” (Mt 7: 7). Không sớm thì muộn, và có lẽ khi anh chị em ít ngờ tới nhất, điều đó sẽ xảy ra – thực tại của những lời nói đó, dù chỉ trong chốc lát, sẽ bùng nổ trong anh chị em và sẽ là đủ cho phần còn lại của cuộc đời anh chị em. Và ngay cả khi không có gì giật gân xảy ra, hãy yên tâm rằng anh chị em đã đạt được những gì cần thiết. Phần còn lại sẽ được trao cho anh chị em ở trên trời: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3: 2)
Chúng ta tất cả là anh chị em!
Một trong những tác động tức thì của tất cả những điều này là anh chị em sẽ nhận thức được phẩm giá của mình. Vào đêm Giáng sinh, Thánh Lêô Đại Đế sẽ khuyên nhủ chúng ta: “Hỡi người Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình. Một khi anh chị em đã chia sẻ trong thần tính Thiên Chúa, anh chị em có thực sự còn muốn quay trở lại những điều tồi tệ trong quá khứ của mình không?” Còn phẩm giá nào có thể cao hơn là được làm con của Thiên Chúa? Có một câu chuyện kể về một cô công chúa xấu tính, kiêu ngạo con của nhà vua nước Pháp, là người đã liên tục mắng mỏ một trong những người hầu gái của mình. Một ngày nọ, cô ấy hét vào mặt người tớ gái, “Mày không biết rằng tao là con gái vua của mày à?” Người hầu gái trả lời: “Thế cô không biết rằng tôi là con gái Chúa của cô à?”
Một sản phẩm phụ khác thậm chí còn quan trọng hơn là anh chị em trở nên ý thức hơn về phẩm giá của những người khác, những người cũng là con trai và con gái của Thiên Chúa. Đối với Kitô Hữu chúng ta, tình liên đới giữa con người với tư cách là anh chị em, tối hậu bắt nguồn từ sự thật rằng Thiên Chúa là cha của tất cả chúng ta, và vì tất cả chúng ta đều là con trai và con gái của Thiên Chúa, nên tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau. Không có mối ràng buộc nào bền chặt hơn điều này, và đối với các tín hữu Kitô chúng ta, không có lý do khác cấp thiết hơn để thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát. Thánh Cyprianô viết: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha của mình mà không coi Giáo hội như mẹ của mình.” Chúng ta nên nói thêm: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha mình mà không coi người hàng xóm là anh chị em với mình.”
Có một điều chúng ta nên ngưng ngay đừng làm nữa. Chúng ta đừng nói với Thiên Chúa, là Cha chúng ta, dù chỉ là những lời xa xôi bóng gió rằng: “Hãy chọn giữa con và kẻ thù của con; hãy quyết định xem Chúa đứng về phía nào!” Không một bậc cha mẹ nào đáng bị đặt vào tình thế không thể nhìn nhận một trong những con cái của mình chỉ đơn giản là vì bọn trẻ không thể hòa hợp với nhau. Vì thế, chúng ta đừng cầu xin Chúa đứng về phía chúng ta chống lại người khác.
Khi chúng ta xung đột với người khác – anh chị em của chúng ta – ngay cả trước khi chúng ta gặp họ để thảo luận về quan điểm của chúng ta, là điều không chỉ là đúng đắn mà đôi khi còn là cần thiết nữa, chúng ta hãy nói với Chúa: “Cha ơi, xin hãy cứu con, cứu cả anh trai hoặc em gái của con; cứu cả hai chúng con. Con không giành phần phải về mình, và anh ấy hoặc cô ấy không nhất thiết phải là sai. Con muốn người đó đứng về sự thật, hoặc ít nhất là có thiện ý”. Lòng thương xót của người này đối với người kia là điều không thể thiếu để sống đời sống Thánh Linh và đời sống cộng đồng dưới mọi hình thức của nó. Nó không thể thiếu đối với gia đình và mọi cộng đồng con người và tôn giáo, kể cả Giáo triều Rôma. Như thánh Augustinô đã nói, tất cả chúng ta đều là những hũ đất sét dễ vỡ: Chúng ta rất dễ làm tổn thương chính mình.
Trước đó, chúng ta đã nhắc nhớ đến sự phấn khích của Thánh Margaret thành Cortona khi cô ấy cảm thấy Chúa đang gọi cô ấy là “con gái của Ta”. “Tôi là con gái của Người; Người đã nói như vậy… Thật là một đại dương của niềm vui! Con gái Ta! Chúa tôi đã nói điều đó! Con gái Ta!” Chúng ta có thể trải nghiệm điều gì đó rất giống nếu chúng ta lắng nghe chính giọng nói đó của Thiên Chúa, không vang vọng trong tâm trí của chúng ta, điều này có thể bị đánh lừa!, nhưng xuất hiện tỏ tường như được viết trên trang Kinh thánh mà chúng ta đang xem xét: “Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa!” (Gal 4:7)
Nếu Chúa muốn, như chúng ta sẽ thấy lần sau Thánh Linh sẵn sàng giúp chúng ta trong công việc này.
1. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia – Giáo Hội từ Thánh Thể, 6.
2. Giunta Bevegnati, Vita e miracoli della Beata Margherita da Cortona, II, 6 (Italian version, Vicenza 1978, p. 19f).
3. Xem A. Michel, Reviviscence des sacrements, in DTC, XIII,2, Paris 1937, coll. 2618-2628.
4. Summa theologiæ, II-II, 1, 2, ad 2.
5. Thánh Grêgôriô Cả, Các bài giảng về tiên tri Ezechiel, I,2,1.
6. Thánh Lêo Cả, Diễn từ về Giáng Sinh, 3.
7. Cyprianô, De unitate Ecclesiæ, 6.
8. Thánh Augustinô, Các diễn từ, 69 (PL 38, 440) (lutea vasa sibi invicem angustias facientes).