Tình yêu đồng tính là một ơn phúc?

Nghe bài này

Theo Eduardo J. Echeverria (*) trên The Catholic Thing, ngày 20 tháng 4, 2024, trong cuốn sách gần đây của ngài, Cuộc Sống: Câu chuyện của tôi qua lịch sử, Đức Phanxicô ủng hộ việc hỗ trợ pháp lý cho các kết hợp dân sự đồng tính của “[những người đồng tính] trải nghiệm ơn phúc tình yêu”. Thử hỏi, theo nghĩa nào, nếu có, tình yêu đồng tính là một ơn phúc?

Tâm trí của Giáo hội là: nó chắc chắn không thể là một ơn phúc của Thiên Chúa, không theo nghĩa tự nhiên (sáng thế) cũng không theo nghĩa siêu nhiên (bí tích). Theo Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, nguồn tình yêu tối hậu là chính Thiên Chúa. Trích dẫn Tông huấn Familiaris Consortio năm 1981 của Đức Gioan Phaolô II, Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo khẳng định:

Thiên Chúa là tình yêu và trong chính mình Người, Người sống một mầu nhiệm hiệp thông yêu thương bản vị [kết hợp vĩnh viễn trong hiện hữu, mối quan hệ và tình yêu]. Tạo ra loài người theo hình ảnh của chính Người…, Thiên Chúa đã ghi khắc nơi nhân tính của người nam và người nữ [St 1:27] ơn gọi, và do đó, khả năng và trách nhiệm, yêu thương và hiệp thông.

Nhận xét của Đức Phanxicô, bề ngoài, dường như không coi “tình yêu” đồng tính là một hình thức tình yêu vốn đã rối loạn. Ngài có nghĩ rằng người đồng tính có thể sống ơn gọi khiết tịnh, và do đó, ơn gọi tình yêu trong mối quan hệ đồng tính không? Làm sao người đồng tính có thể làm như vậy? Ơn gọi khiết tịnh bao hàm sự phân biệt giới tính giữa một người nam và một người nữ, mà theo nhân học Kitô giáo, có nghĩa là “sự hội nhập thành công của tính dục vào trong con người và do đó sự hiệp nhất bên trong của con người với bản thể thể xác và tinh thần của họ”.

Sách Giáo lý giải thích: “Tính dục, trong đó bản chất con người thuộc về thế giới thể xác và sinh học được thể hiện, trở thành bản vị và thực sự nhân bản khi nó được hòa nhập vào mối quan hệ giữa người này với người khác, trong sự trao tặng hỗ tương trọn vẹn và suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà.”

Do đó, đức khiết tịnh bao hàm sự phân biệt giới tính giữa nam và nữ, đến nỗi chỉ có sự kết hợp giới tính giữa người nam và người nữ mới làm cho thân thể theo bất cứ ý nghĩa thực sự nào trở thành “một xương một thịt” (St 2:24), trong đó sự kết hợp thân xác hữu cơ vừa nói là điều kiện cần thiết cho sự hiện hữu của tình yêu vợ chồng đích thực.

Tình yêu đồng tính không phải là một ơn phúc, thực ra, nó là một tình yêu sai lầm, bởi vì nó không có khả năng chu toàn ơn gọi khiết tịnh, hoàn thiện hữu thể con người và phát triển cuộc sống của họ; và do đó được sắp xếp theo luật tự nhiên, trật tự của Sáng tạo, và do đó tuân theo Thiên Chúa. Là một hình thức tình yêu vô trật tự, nó không những thiếu sự hòa nhập mà còn là một sự phản hòa nhập do vi phạm đến ơn gọi khiết tịnh, khiến nó không thể nhận ra sự toàn vẹn của con người và sự toàn vẹn của việc tự hiến chính mình.

Nhân học Kitô giáo phải xem xét thực tại của con người, của người nam và người nữ, theo trật tự tình yêu. Tại sao? Bởi vì, như Karol Wojtyla đã phát biểu một cách đúng đắn trong kiệt tác triết học Tình yêu và Trách nhiệm của ngài, “con người tìm thấy trong tình yêu sự viên mãn lớn nhất của hữu thể mình, của sự hiện hữu khách quan của mình. Tình yêu là một hành động như vậy, một hành vi như vậy phát triển đầy đủ nhất sự hiện hữu của con người. Tất nhiên, đây phải là tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực nghĩa là gì?”

Tình yêu là một khái niệm loại suy, nghĩa là có nhiều loại tình yêu khác nhau: tình cha con, tình anh chị em, tình bạn, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà. (“Tình yêu nam nữ là mối quan hệ qua lại giữa con người với nhau và mang tính chất bản vị.”)

Tóm lại, tình yêu bao hàm sự thu hút đối với các giá trị giác quan-tình dục, và các giá trị tinh thần hoặc đạo đức của người khác, chẳng hạn như, Wojtyla nói, “đối với trí thông minh hoặc các nhân đức của nàng”. Ngoài ra còn có “nhu cầu yêu thương”, hay tình yêu như dục vọng, và “lòng nhân từ”. “Nhu cầu yêu thương” mong muốn “con người như một điều tốt đẹp cho chính mình”. Tình yêu như lòng nhân từ là mong muốn điều tốt đẹp cho người khác. “Lòng nhân từ đơn giản là sự vô vị lợi trong tình yêu: ‘Tôi không mong đợi bạn như một điều tốt’, mà là ‘Tôi mong muốn điều tốt cho bạn’, ‘Tôi mong muốn điều gì tốt cho bạn’.”

Sau đó Wojtyla quay sang vấn đề hỗ tương, điều mang lại sự tổng hợp “tình yêu theo ước muốn và tình yêu nhân từ”. Sự có đi có lại liên quan đến mối quan hệ giữa “tôi” và “chúng tôi”. Và do đó, nơi hình thành một cộng đồng liên bản vị:

Tình yêu tìm thấy hữu thể trọn vẹn của nó không những ở trong một chủ thể cá nhân mà còn ở trong mối quan hệ liên chủ thể, liên bản vị….Sự chuyển đổi từ “tôi” sang “chúng ta” đối với tình yêu không kém phần thiết yếu so với việc vượt qua cái “tôi” của mình như được phát biểu thông qua [sự hấp dẫn], tình yêu ham muốn và tình yêu nhân từ.

Vốn dĩ là rối loạn, tình yêu đồng tính không thể hình thành một cộng đồng liên bản vị, nơi sự thống nhất được biểu lộ ở cái “chúng ta” trưởng thành. Cuối cùng, Wojtyla coi tình yêu trọn vẹn như tình yêu dâng tặng, hay điều ngài gọi là tình yêu vợ chồng, là tình yêu trao hiến chính mình cho người khác, bao gồm việc trao hiến mình hỗ tương cho nhau. Ngài nói thêm, “Khái niệm về tình yêu [dâng tặng] vợ chồng có một ý nghĩa then chốt để thiết lập chuẩn mực cho mọi luân lý tình dục.”

Vì con người – nam và nữ – được tạo dựng trong và cho tình yêu, nên đạo đức tính dục không thể hiểu được nếu không có tình yêu. Điểm cốt yếu về việc tìm thấy trong tình yêu sự viên mãn lớn nhất của hữu thể họ phải được áp dụng cho tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Wojtyla nói: “Tình yêu là sự kết hợp giữa những con người, một sự kết hợp khách quan trong đó người nam và người nữ hợp thành “một chủ thể hành động”, theo nghĩa là “một xương thịt”. (St 2:24) Sự kết hợp này không thể tách rời khỏi nền tảng sinh học của nó do sự khác biệt hữu cơ giữa hai giới. Sự kết hợp khách quan này được sinh ra từ “lợi ích chung”, “lợi ích khách quan”, tức là lợi ích của các nhân vị và một mục đích chung,” ràng buộc [họ].”

Mục đích này là sinh sản, con cháu, gia đình, đồng thời là toàn bộ sự trưởng thành không ngừng tăng lên trong mối quan hệ giữa hai người trong mọi lĩnh vực do chính mối quan hệ vợ chồng mang lại.

Do đó, khi Sách Giáo lý khẳng định rằng các hành vi tình dục đồng tính không phải là ơn phúc sự sống, đó là vì những hành vi đó không có sự kết hợp khách quan trong việc phân biệt giới tính giữa một người nam và một người nữ. “Trong mọi trường hợp, đều không thể được chấp thuận.” Những hành vi như vậy là “tội nặng trái với đức khiết tịnh”. Vì vậy, tình yêu đồng tính không phải là một ơn phúc.
_______________________________________________________________________________________________
(*) Eduardo J. Echeverria là Giáo sư Triết học và Thần học Hệ thống tại Đại Chủng viện Thánh Tâm, Detroit. Các ấn phẩm của ông bao gồm Pope Francis: The Legacy of Vatican II (Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Di sản của Vatican II) Phiên bản thứ hai được sửa đổi và mở rộng (Nhà xuất bản Lectio, Hobe Sound, FL, 2019) và Revelation, History, and Truth: A Hermeneutics of Dogma: A Hermeneutics of Dogma [Mặc Khải, Lịch sử và Sự thật: Khoa Giải thích Tín điều]. (2018). Cuốn sách mới của ông là Are We Together? A Roman Catholic Analyzes Evangelical Protestants [Chúng ta có ở với nhau không? Một người Công Giáo Rôma phân tích những người Thệ phản Phúc âm]

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS