Toàn văn Bức thư của Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi dân Chúa

Nghe bài này

Theo Antoine Mekary, trên tạp chí Aleteia, ngày 25/10/23, vào thứ Tư, ngày 25 tháng 10 năm 2023, 364 thành viên của Thượng hội đồng đã bỏ phiếu công bố một bức thư gửi “dân Chúa”, trong đó họ bày tỏ tâm trạng của mình khi giai đoạn Rôma đầu tiên của Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội gần đến lúc kết thúc vào Chúa nhật. Bức thư dài hai trang rưỡi, được công bố dưới đây, kêu gọi các Kitô hữu hãy lắng nghe “những người đã bị từ chối quyền phát ngôn trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, ngay cả bởi Giáo hội”.

Thư của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường lệ lần thứ XVI gửi dân Chúa

Anh chị em thân mến,

Khi tiến trình của phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 sắp kết thúc, chúng tôi muốn cùng với tất cả anh chị em tạ ơn Thiên Chúa vì trải nghiệm đẹp đẽ và phong phú mà chúng tôi đã sống. Chúng tôi đã sống thời gian hạnh phúc này trong sự hiệp thông sâu sắc với tất cả anh chị em. Chúng tôi đã được hỗ trợ bởi những lời cầu nguyện của anh chị em, mang theo những kỳ vọng, những câu hỏi cũng như nỗi sợ hãi của anh chị em. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu cách đây hai năm, một tiến trình lâu dài về lắng nghe và phân định đã được khởi xướng, mở ra cho tất cả dân Chúa, không ai bị loại trừ, để “cùng nhau hành trình” dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ truyền giáo dấn thân vào việc theo chân Chúa Giêsu Kitô.

Phiên họp mà chúng tôi được tập trung tại Rôma kể từ ngày 30 tháng 9 là một giai đoạn quan trọng của tiến trình này. Theo nhiều cách, đây là một trải nghiệm chưa từng có. Lần đầu tiên, theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những người nam cũng như nữ được mời, nhờ bí tích rửa tội, ngồi cùng một bàn để tham gia, không những vào các cuộc thảo luận, mà còn vào diễn trình bỏ phiếu của Phiên họp Thượng Hội đồng Giám mục này. Cùng nhau, trong sự bổ sung cho nhau về ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ của chúng tôi, chúng tôi đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa và kinh nghiệm của những người khác. Sử dụng cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi đã khiêm tốn chia sẻ sự giàu có và nghèo khó của các cộng đồng chúng tôi từ mọi châu lục, tìm cách phân định những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với Giáo hội ngày nay. Do đó, chúng tôi cũng đã trải nghiệm được tầm quan trọng của việc cổ vũ sự trao đổi lẫn nhau giữa truyền thống Latinh và truyền thống Kitô giáo Đông phương. Sự tham gia của các đại biểu huynh đệ từ các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác đã làm phong phú sâu sắc các cuộc thảo luận của chúng tôi.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra trong bối cảnh một thế giới đang gặp khủng hoảng, nơi mà những vết thương và sự bất bình đẳng đầy tai tiếng vang vọng một cách đau đớn trong trái tim chúng tôi, truyền dẫn vào công việc của chúng tôi một sức hấp dẫn đặc biệt, nhất là vì một số người trong chúng tôi đến từ những quốc gia nơi chiến tranh đang hoành hành. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực chết người, không quên tất cả những người vì khốn khổ và tham nhũng buộc phải lên đường di cư nguy hiểm. Chúng tôi đoan chắc sự liên đới và cam kết của mình cùng với những người đàn bà và đàn ông trên toàn thế giới đang nỗ lực xây dựng công lý và hòa bình.

Theo lời mời của Đức Thánh Cha, chúng tôi đã dành một không gian quan trọng cho sự im lặng để nuôi dưỡng sự lắng nghe lẫn nhau và ước muốn hiệp thông trong Chúa Thánh Thần giữa chúng tôi. Trong buổi canh thức đại kết khai mạc, chúng tôi đã cảm nghiệm được sự khao khát hiệp nhất gia tăng như thế nào trong việc im lặng chiêm ngưỡng Chúa Kitô bị đóng đinh. Thật vậy, thập giá là ngai tòa duy nhất của Đấng đã hiến mình để cứu độ thế giới, đã giao phó các môn đệ cho Chúa Cha, để “tất cả nên một” (Ga 17:21). Hiệp nhất vững chắc trong niềm hy vọng do Sự Phục Sinh của Người mang lại, chúng tôi phó thác cho Người ngôi nhà chung của chúng ta, nơi mà tiếng kêu than của trái đất và của người nghèo ngày càng trở nên cấp bách: “Laudate Deum!” (“Ca ngợi Thiên Chúa!”), như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng tôi khi bắt đầu công việc của của chúng tôi.

Ngày qua ngày, chúng tôi cảm nhận được lời kêu gọi cấp thiết phải hoán cải mục vụ và truyền giáo. Vì ơn gọi của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng không phải bằng cách tập trung vào chính mình, nhưng bằng cách phục vụ tình yêu vô hạn mà với nó Thiên Chúa đã yêu thương thế gian (x. Ga 3:16). Khi những người vô gia cư gần Quảng trường Thánh Phêrô được hỏi về những kỳ vọng của họ đối với Giáo hội nhân dịp Thượng hội đồng này, họ đã trả lời: “Tình yêu!”. Tình yêu này phải luôn luôn là trái tim nhiệt thành của Giáo hội, một tình yêu Ba Ngôi và Thánh Thể, như Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở vào ngày 15 tháng 10, giữa cuộc họp của chúng tôi, khi nhắc đến sứ điệp của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chính “niềm tín thác” mang lại cho chúng tôi sự táo bạo và tự do nội tâm mà chúng tôi đã trải nghiệm, không ngần ngại bày tỏ một cách tự do và khiêm tốn những điểm đồng nhất, khác biệt, mong muốn và thắc mắc của mình.

Còn bây giờ? Chúng tôi hy vọng rằng những tháng dẫn đến phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024 sẽ cho phép mọi người tham gia cụ thể vào tính năng động của hiệp thông truyền giáo được biểu thị bằng các chữ “thượng hội đồng”. Đây không phải là về ý thức hệ, mà là về một kinh nghiệm bắt nguồn từ truyền thống tông đồ. Như Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở chúng tôi khi bắt đầu diễn trình này, “sự hiệp thông và truyền giáo có thể có nguy cơ hơi trừu tượng, trừ khi chúng ta nuôi dưỡng một hoạt động giáo hội nói lên sự cụ thể của tính đồng nghị (…) khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người” (Tháng 10 ngày 9 tháng 1 năm 2021). Có nhiều thách thức và nhiều câu hỏi: báo cáo tổng hợp của phiên họp đầu tiên sẽ nêu rõ những điểm nhất trí mà chúng tôi đã đạt được, nêu bật những câu hỏi còn bỏ ngỏ và cho biết công việc của chúng tôi sẽ tiến hành như thế nào.

Để tiến bộ trong việc phân định của mình, Giáo hội tuyệt đối cần lắng nghe mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất. Điều này đòi hỏi một con đường hoán cải, cũng là một con đường ca ngợi: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con tạ ơn Cha vì Cha đã giấu những điều này với những người khôn ngoan và hiểu biết, và mặc khải cho các người bé nhỏ” ( Lc 10:21)! Nó có nghĩa là lắng nghe những người đã bị từ chối quyền phát biểu trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, ngay cả bởi Giáo hội; lắng nghe những người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức – đặc biệt ở một số vùng, đối với người dân bản địa mà nền văn hóa của họ bị khinh miệt. Trên hết, Giáo hội thời đại chúng ta có nhiệm vụ lắng nghe, trên tinh thần hoán cải, những người là nạn nhân của sự lạm dụng do các thành viên trong cơ thể giáo hội gây ra, và cam kết một cách cụ thể và có cấu trúc để bảo đảm rằng điều này không xảy ra nữa.

Giáo hội cũng cần lắng nghe giáo dân, đàn bà và đàn ông, tất cả đều được kêu gọi tới sự thánh thiện nhờ ơn gọi rửa tội của họ: tới chứng từ của các giáo lý viên, những người trong nhiều tình huống là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng; tới sự giản dị và linh hoạt của trẻ em, tới lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, tới những câu hỏi và lời cầu xin của họ; tới những ước mơ, sự khôn ngoan và ký ức của người già. Giáo hội cần lắng nghe các gia đình, những mối quan tâm giáo dục của họ, những chứng tá Kitô giáo mà họ cống hiến trong thế giới ngày nay. Giáo Hội cần chào đón tiếng nói của những người muốn tham gia vào các mục vụ giáo dân và tham gia vào các cơ cấu phân định và đưa ra quyết định.

Để tiến bộ hơn nữa trong việc phân định đồng nghị, Giáo hội đặc biệt cần thu thập nhiều hơn nữa những lời nói và kinh nghiệm của các thừa tác viên được thụ phong: các linh mục, những người cộng tác chính của các giám mục, những người mà thừa tác vụ bí tích không thể thiếu cho đời sống của toàn cơ thể; các phó tế, những người, qua thừa tác vụ của mình, biểu thị sự quan tâm của toàn thể Giáo hội đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Giáo Hội cũng cần được chất vấn bởi tiếng nói tiên tri của đời sống thánh hiến, vốn là lính canh tỉnh thức của tiếng gọi Chúa Thánh Thần. Giáo Hội cũng cần phải chú ý đến tất cả những người không chia sẻ đức tin với mình nhưng đang tìm kiếm sự thật, và trong họ Chúa Thánh Thần, Đấng “ban cho mọi người khả năng được liên kết với mầu nhiệm vượt qua này” (Gaudium et Spes 22), cũng hiện diện và hoạt động.

“Thế giới chúng ta đang sống và thế giới chúng ta được kêu gọi yêu thương và phục vụ, ngay cả với các mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Giáo hội tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực thuộc sứ mệnh của mình. Chính con đường đồng nghị này là điều Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Chúng ta không cần phải sợ hãi khi đáp lại lời kêu gọi này. Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, người đầu tiên trong cuộc hành trình, đồng hành với cuộc hành hương của chúng ta. Trong niềm vui cũng như nỗi buồn, Mẹ cho chúng ta thấy Con của Mẹ và mời gọi chúng ta tin tưởng. Và Người, Chúa Giêsu, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta!

Thành Vatican, ngày 25 tháng 10 năm 2023

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS