Tôn giáo có là sự lố bịch?

Nghe bài này

tongiao

Hỏi: Con có nghe nhiều người nói rằng tôn giáo là một sự ru ngủ. Xã hội và con người sẽ chẳng thể nào tiến bộ được khi người ta cứ tin vào thần thánh này nọ. Ngày xưa, khi khoa học chưa phát triển, việc người ta tin vào thần thánh còn có thể chấp nhận được, chứ thời nay, tin vào một vị thần nào đó có vẻ thật lố bịch. Nghĩ như thế có đúng không? Tôn giáo trong thời buổi ngày nay có phải là một sự lỗi thời không?

Trả lời:

Ngày trước, khi đời sống còn thô sơ, con người – với sức mạnh còn non nớt của mình – luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé trước sức mạnh của tự nhiên. Trí tưởng tượng của con người bắt đầu nghĩ đến những vị thần minh ở trên trời cao lúc thì ban mưa, lúc thì cho nắng, lúc nổi giận gõ sấm chớp, lúc thổi hơi làm nên những cơn bão… Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chúng ta biết rằng tất cả những điều này chẳng qua chỉ là những hiện tượng tự nhiên, chứ chẳng phải do ai ở trên các tầng mây điều khiển. Thật là nực cười khi vào thời hiện đại này mà có một người trưởng thành bình thường nào còn tin vào những ông bụt, bà tiên, thần này thần nọ như trong phim Tây Du Ký. Khái niệm về thần thánh trở nên rất mơ hồ, không thực tế và rõ ràng gì cả. Không lo làm việc, mà suốt ngày chỉ trông chờ vào vận may vận rủi, phụ thuộc vào việc làm hài lòng thần thánh ngự đâu đó trên trời kia thật sự là một sai lầm lớn. Kiểu niềm tin này chắc chắn không giúp ích gì cho nhân loại, mà chỉ làm cho người ta trở nên thấp kém và tầm thường mà thôi. Tuy nhiên, niềm tin này không phải là tôn giáo, mà chỉ là mê tín dị đoan.

Tôn giáo xuất hiện từ việc con người tự nhận thấy mình hữu hạn giữa thế giới hữu hình này. Trong một phút trầm mặc tĩnh lặng nào đó, một tia sáng chợt bừng lên trong tâm hồn, mặc khải cho con người biết rằng có cái gì đó hơn mình, ở trên mình. Dù mình có chân nhận “Cái Gì Đó ” này hay không, mình cũng không thể chối bỏ rằng mình không phải là tuyệt đối. Xung quanh chúng ta được bao bọc bởi vô vàn điều khó hiểu. Càng khám phá thế giới, chúng ta càng kinh ngạc về hằng hà sa số những điều vượt ngoài tầm với của trí khôn. Chỉ cần đặt câu hỏi “tại sao” đến tận cùng, ta sẽ được dẫn tới một kinh nghiệm rằng: thế giới hữu hình này không phải là tất cả. Chân lý thật sự không phải là những cái ta nhìn thấy nhưng nằm ở nơi giác quan ta không thể chạm sờ được.

Cũng từ kinh nghiệm bản thân, bất cứ con người nào cũng thấy mình được thôi thúc hướng về chân, thiện, mỹ, như thể mình từ đó mà được hiện hữu rồi được lôi kéo để hướng về đó. Ai cũng được thu hút bởi điều chân thật, bởi điều tốt lành và nét đẹp. Chẳng hiểu vì sao, nhưng chẳng ai trong chúng ta thích sự dối trá, ai trong chúng ta cũng đánh giá cao những việc lành phúc đức và cứ ở đâu có cái đẹp là ta hướng về. Chúng ta cũng cảm thấy dường như sự tồn tại của mình không phải là ngẫu nhiên, nhưng là bởi một dụng ý nào đó. Dù thấy mình nhỏ bé và chẳng là gì giữa thế giới này nhưng con người thấy mình luôn được bao bọc, chở che, yêu thương bằng một tình yêu siêu nhiên nào đó, rất thanh khiết và rất lạ kỳ.

Như thế, một tôn giáo đích thực đưa người ta vượt lên khỏi thế giới hữu hình để đi vào vô hình, gặp gỡ một Đấng Siêu Việt mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Tôn giáo giúp thăng hoa con người và làm cho con người nhận ra phẩm giá cao quý của mình, tách biệt với những giống loài khác. Chẳng có loài động vật nào khác ngoài con người có tôn giáo cả. Bởi thế, tôn giáo không phải là sản phẩm trí tưởng tượng của con người, nhưng là cái nảy sinh từ chính cảm nghiệm thiêng liêng nội tâm, giúp con người nhận ra cái gì đó siêu vượt hơn mình khiến mình phải thần phục. Có người vội vã cho rằng Thiên Chúa “không tồn tại”. Đúng hơn phải nói như thế này: Thiên Chúa không hiện hữu theo kiểu giống như chúng ta hay bất cứ một giống loài nào khác. Ngài là “nền tảng” cho mọi sự hiện hữu khác. Hay nói cách khác, Ngài không phải là cái gì đó hiện hữu, nhưng là chính Sự Hiện Hữu. Sự hiện hữu của chúng ta cũng như của mọi loài khác là một sự hiện hữu trong Sự Hiện Hữu (hiện hữu trong Thiên Chúa).

Có thể sẽ dễ hiểu hơn với câu chuyện nhỏ này của cha Anthony de Melo kể về một con cá nhỏ đi tìm cái mà nó nghe người ta gọi là Đại Dương. Nó cất công tìm đến một con cá lớn tuổi và khôn ngoan để hỏi Đại Dương ở đâu vì theo nó nghĩ, làm gì có cái gọi là Đại Dương. Con cá lớn trả lời: “Con à, con đang ở trong Đại Dương đấy thôi, con đi đâu tìm nữa!”. Con cá nhỏ thắc mắc: “Đâu, sao con không thấy Đại Dương?” Không tin lời con cá lớn, con cá nhỏ lại bơi đi tìm Đại Dương mà không biết là nó đã ở trong Đại Dương rồi. Câu chuyện có thể làm cho chúng ta suy nghĩ: Chúa là ai, Chúa ở đâu, có thật là có Chúa không? Chúa là tên mà ta đặt cho Thực Tại Tuyệt Đối phi vật chất mà lương tâm và trí khôn ta trực giác được dù chỉ một chút.

Một tôn giáo đúng nghĩa thì không đối nghịch với khoa học. Điều bạn không thấy không có nghĩa là nó không tồn tại. Điều mà khoa học không chứng minh được không có nghĩa là nó sai, mà có khi là vì nó nằm ngoài phạm vi của khoa học. Khoa học thuộc về thế giới hữu hình, vật chất, trong khi phạm vi của tôn giáo đi từ vật chất đến điều phi vật chất. Những gì lý trí không thể vươn tới được thì con người được mời gọi dùng đức tin để tìm kiếm sự hiểu biết. Vì thế, khoa học càng phát triển, con người càng thấy được sự vĩ đại của Tạo Hoá, càng xác tín vào sự hiện hữu của siêu nhiên. Hầu hết các nhà khoa học vĩ đại, có con tim mở ra cho sự tìm kiếm đều là những người có tôn giáo. Họ không tin vào mê tín dị đoan, nhưng họ tin vào một Trí Tuệ Siêu Việt đang bao bọc lấy toàn thể vũ trụ này.

Bởi vậy, theo suy nghĩ của chúng tôi, nếu hiểu tôn giáo theo nghĩa như thế thì nó chẳng bao giờ là lạc hậu hay lỗi thời cả. Tự cổ chí kim cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, con người luôn thấy mình nhỏ bé và từ đó, cảm nghiệm được một Thực Tại siêu việt vượt trên mình. Sẽ chẳng bao giờ con người là tuyệt đối. Dù họ có vô tình hay cố ý chối bỏ nó vì nhiều lý do khác nhau, họ vẫn thấy một tiếng nói vô âm vô sắc vang lên trong lòng. Ít ra, chẳng con người nào dám làm trái điều lương tâm dạy mà vẫn cảm thấy thanh thản bình an. Họ có thể cãi lời phán dạy của người quyền thế nhất thế gian này, nhưng chẳng thể làm điều gì ngược lại với điều lương tâm mình mách bảo. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy rằng con người mình không phải là chủ thể của chính mình. Tôn giáo ra đời từ cảm thức ấy. Con người vẫn mãi là một giống loài có tôn giáo, dù họ có thích hay không, có thừa nhận điều này hay không.

 

(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net 09.101.2016)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS