Trường Thánh Tâm ở Awali
Trường Thánh Tâm ở Awali là trường trung học Công giáo được thành lập cạnh nhà thờ Thánh Tâm, ở Manama, vào những năm 1940. Năm 1953 trường được uỷ thác cho các Nữ tu Truyền giáo thánh Comboni điều hành. Các sơ đã cung cấp một nền giáo dục đa văn hóa hướng đến chất lượng học thuật và thái độ hành xử dựa trên các giá trị của sự trung thực và công bằng.
Trường đã phát triển trong nhiều năm và sau đó được chuyển đến một địa điểm mới ở Isa Town, trong khi vẫn giữ trụ sở chính ở Manama. Năm 2013, Đức cha Bernard G. Gremoli, Đại diện Tông Tòa Ả Rrập, đã giao ngôi trường cho các Nữ tu Dòng Cát Minh Tông Tòa coi sóc. Ngày nay cùng với nhà thờ giáo xứ, các sơ tạo thành “Gia đình Thánh Tâm”.
Trường hiện có các học sinh thuộc 29 quốc tịch, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau.
Gặp gỡ khoảng 800 bạn trẻ
Đến trường học, Đức Thánh Cha được Sơ hiệu trưởng và các học sinh chào đón ở lối vào và tặng hoa. Tại hội trường thể thao của trường, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ khoảng 800 bạn trẻ với những bài hát, điệu vũ truyền thống và các chứng từ của một học sinh Hồi giáo, một nữ sinh Công giáo và một người trẻ thuộc giáo xứ Thánh Tâm.
Sự gặp gỡ và đối thoại giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng
Ngỏ lời với các bạn trẻ, trong bài diễn văn, trước hết Đức Thánh Cha đề cao sự gặp gỡ và đối thoại giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau ở Bahrain, được thể hiện qua những người trẻ không cùng tôn giáo nhưng không ngại ở bên nhau. Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ rằng nếu không có các bạn, sự chung sống giữa những khác biệt này sẽ không thể thực hiện được. Và sẽ không có tương lai! Trong nắm bột của thế giới, các bạn là men tốt được định sẵn để trưởng thành, vượt qua rất nhiều rào cản xã hội và văn hóa và thúc đẩy những mầm mống của tình huynh đệ và sự mới lạ.”
Người trẻ là nền tảng của một xã hội thân thiện và liên đới. Theo Đức Thánh Cha, “đây là điều cơ bản trong bối cảnh phức tạp và đa dạng mà chúng ta đang sống: phá bỏ những rào cản để mở ra một thế giới hướng đến con người hơn và huynh đệ hơn, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải đối mặt với vô số thách đố.” Và ngài đưa ra cho những người trẻ ba lời mời gọi.
Đón nhận văn hóa quan tâm
Trước hết là hãy đón nhận văn hóa quan tâm. Đức Thánh Cha giải thích: “Quan tâm có nghĩa là phát triển một thái độ đồng cảm nội tâm, một cái nhìn chăm chú đưa chúng ta ra khỏi chính mình, một sự hiện diện nhẹ nhàng khắc phục sự thiếu quan tâm của chúng ta và làm cho chúng ta quan tâm đến người khác.” Theo ngài, đây là sự khởi đầu của một điều gì đó mới mẻ, liều thuốc giải độc cho một thế giới khép kín và đầy rẫy chủ nghĩa cá nhân, một thế giới nuốt chửng con cái của mình. Một thế giới bị giam cầm bởi một thứ nỗi buồn làm nảy sinh sự thờ ơ và đơn độc.
Chúa Giêsu quan tâm đến các tương quan
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi hành động của Chúa Giêsu “đều được truyền cảm hứng từ sự quan tâm đến người khác. Chúa quan tâm đến các tương quan với tất cả những người Người gặp tại các gia đình, trong thành phố và dọc đường đi. Người nhìn thẳng vào mắt mọi người, lắng nghe lời cầu cứu của họ, đến gần họ và chạm vào vết thương của họ. Người đi vào lịch sử loài người để nói với chúng ta rằng Đấng Tối Cao quan tâm đến chúng ta; để nhắc nhở chúng ta rằng đứng về phía Thiên Chúa có nghĩa là quan tâm đến một ai đó và điều gì đó, đặc biệt là đối với những người đang gặp khốn khó nhất.”
Quan tâm chăm sóc tâm hồn, trái tim của chúng ta
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng trước hết chúng ta đừng quên quan tâm đến bản thân, đến nội tâm, đến phần sâu sắc và quý giá nhất của chính mình, là linh hồn, là trái tim của chúng ta bằng cách cố gắng im lặng và lắng nghe nó. “Trong thinh lặng, theo nhịp tim của các bạn, các bạn hãy nói chuyện với Chúa. Hãy kể cho Người nghe về bản thân các bạn và những người các bạn gặp hàng ngày, những người mà Người đã ban cho các bạn như những người bạn đồng hành trên hành trình của các bạn. Hãy mang đến với Người khuôn mặt, niềm vui và nỗi buồn của họ, vì không có lời cầu nguyện nào mà không có các mối quan hệ, cũng như không có niềm vui nào mà không có tình yêu.”
Quan tâm đến những người xung quanh chúng ta
Và tình yêu, Đức Thánh Cha giải thích, là nghĩ đến người khác, quan tâm đến người khác, dành thời gian và những món quà của mình cho những người khốn khó, chấp nhận rủi ro và biến cuộc sống thành một món quà tạo ra cuộc sống vĩ đại hơn. Ngài mời gọi người trẻ hãy ghi dấu ấn tích cực trên hành trình của chúng ta ngay cả bây giờ, bằng cách quan tâm đến cộng đồng, bạn học, đồng nghiệp của chúng ta và thế giới xung quanh chúng ta …
Làm lan tỏa tình huynh đệ
Lời mời gọi thứ hai của Đức Thánh Cha là lan tỏa tình huynh đệ. “Hãy cố gắng trở thành người chiến thắng của tình huynh đệ!” Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là thách đố của ngày hôm nay, điều sẽ khiến chúng ta chiến thắng vào ngày mai, thách đố mà các xã hội ngày càng đa văn hóa và toàn cầu hóa của chúng ta phải đối mặt. Vì như các bạn thấy, các thiết bị và công nghệ mà sự hiện đại cung cấp cho chúng ta không đủ để làm cho thế giới của chúng ta trở nên hòa bình và huynh đệ. Những luồng gió chiến tranh không ngừng thổi với tiến bộ công nghệ. Chúng ta đau buồn thấy rằng ở nhiều khu vực, căng thẳng và các mối đe dọa đang gia tăng và đôi khi bùng phát xung đột. Thường thì điều này xảy ra bởi vì chúng ta không hành động dựa trên trái tim; chúng ta cho phép những khoảng cách giữa bản thân và những người khác tăng lên và kết quả là những khác biệt về sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và những khác biệt khác trở thành những vấn đề và nỗi sợ hãi khiến cô lập hơn là cơ hội để cùng nhau phát triển. Và khi những khác biệt đó dường như mạnh hơn tình huynh đệ, thứ giữ chúng ta lại với nhau, thì chúng ta có nguy cơ đối đầu và xung đột.”
Tiếp tục gieo những hạt giống của tình huynh đệ
“Hãy tiếp tục gieo những hạt giống của tình huynh đệ, và các bạn sẽ là những người xây dựng tương lai, bởi vì chỉ trong tình huynh đệ, thế giới của chúng ta mới có tương lai!” Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đừng bao giờ tách tình yêu Thiên Chúa ra khỏi tình yêu tha nhân, và hãy trở thành người lân cận với mọi người (x. Lc 10,29-37) … Ngài nói thêm: “Sống như anh chị em là ơn gọi phổ quát được trao phó cho mọi thụ tạo. Trước xu hướng hiện nay là thờ ơ và bất khoan dung với người khác, thậm chí ủng hộ các cuộc chiến tranh và xung đột, các bạn trẻ – hơn bất cứ ai khác – được kêu gọi “đáp lại bằng một tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, điều sẽ không còn ở mức độ của lời nói” (Fratelli Tutti, 6). Lời nói thôi là chưa đủ: cần phải có những cử chỉ cụ thể được thực hiện hàng ngày.”
“Tạo mối quan hệ tốt” với tất cả mọi người
Chìa khoá của việc lan toả tình huynh đệ, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của bạn trẻ Nevin, là “tạo mối quan hệ tốt” với tất cả mọi người. Ngài cũng khuyên các bạn trẻ để việc cầu nguyện trợ giúp chúng ta, “vì lời cầu nguyện mở rộng tâm hồn, giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ anh chị em trong mọi người chúng ta gặp gỡ.” Đề cao sự phong phú của Á châu, với các tín ngưỡng, truyền thống và ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha mời gọi “Hãy học cách kết hợp những thứ tiếng khác nhau trong một ngôn ngữ yêu thương, như những người chiến thắng thực sự của tình huynh đệ!”
Chấp nhận thách đố khi đưa ra quyết định
Và lời mời gọi cuối cùng là chấp nhận thách đố khi đưa ra quyết định trong cuộc sống. Cuộc sống luôn có những thử thách và đòi phải đưa ra quyết định. Để quyết định đúng đắn thì cần phải chuẩn bị. Do đó, theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần có hướng đi trong cuộc sống. Và ngài khuyến khích người trẻ hãy tiến về phía trước và không sợ hãi, nhưng đừng bao giờ đi một mình!
Cầu nguyện và trò chyện với Chúa
“Thiên Chúa không bao giờ để các bạn một mình; Người đợi các bạn yêu cầu Người giúp các bạn một tay. Người đồng hành và hướng dẫn chúng ta, không phải bằng những dấu hiệu quyền năng và phép lạ, nhưng bằng cách nói nhẹ nhàng qua những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta.” Để nhận ra tiếng Chúa, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của bạn trẻ Merina: “cầu nguyện thinh lặng và đối thoại thân mật với Người, gìn giữ trong trái tim chúng ta những gì giúp ích cho chúng ta và mang lại cho chúng ta sự bình an.”
Đừng đưa ra quyết định một mình
Và Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ đừng đưa ra quyết định một mình. “Trước khi tìm lời khuyên trên Internet, hãy luôn tìm đến những người tư vấn giỏi trong cuộc sống, những người khôn ngoan và đáng tin cậy có thể hướng dẫn và giúp đỡ các bạn. Tôi nghĩ đến cha mẹ và thầy cô, nhưng cũng nghĩ đến những người cao tuổi, ông bà của các bạn, và một vị linh hướng tốt. Mỗi chúng ta cần được đồng hành trên đường đời!”
“Giáo hội ở bên các bạn và rất cần mỗi người trong các bạn”
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với những lời chia sẻ chân thành: “Các bạn trẻ thân mến, chúng tôi cần các bạn. Chúng tôi cần sự sáng tạo của các bạn, ước mơ và lòng can đảm của các bạn, sự quyến rũ và nụ cười của các bạn, niềm vui lây lan của các bạn và cảm giác điên cuồng mà các bạn có thể mang lại cho mọi tình huống, giúp chúng ta thoát khỏi những thói quen và cách nhìn sự vật cách cổ hủ. Là Giáo hoàng, tôi muốn nói với các bạn: Giáo hội ở bên các bạn và rất cần mỗi người trong các bạn, để chúng ta có thể được đổi mới, khám phá những con đường mới, trải nghiệm với các ngôn ngữ mới, và trở nên vui tươi và hiếu khách hơn. Đừng bao giờ mất can đảm để mơ những giấc mơ lớn và sống trọn vẹn! Hãy áp dụng văn hóa quan tâm và phổ biến nó. Hãy trở thành người chiến thắng của tình huynh đệ. Hãy đối diện với những thách đố trong cuộc sống bằng cách để bản thân được hướng dẫn bởi sự sáng tạo trung thành của Thiên Chúa và bởi những cố vấn giỏi. Và cuối cùng, xin hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của các bạn. Tôi cũng sẽ làm như thế với các bạn, khi mang các bạn trong trái tim của tôi. Cảm ơn các bạn!”
“Thiên Chúa ở cùng các bạn! Allah ma’akum”.
Sau diễn văn của Đức Thánh Cha, các sứ điệp hoà bình đã được xướng lên.
Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha và các bạn trẻ đã cùng cầu nguyện, đọc kinh Lạy Cha, và sau đó ngài ban phép lành cho họ.
Kết thúc cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha ký vào sổ lưu niệm và sau đó trở về nơi nghỉ ngơi.
Hồng Thủy – Vatican News