Giáo hội cử hành Ngày Thế giới ông bà và người cao tuổi vào Chúa Nhật thứ tư của tháng 7, nhưng Giáo hội tại Nhật Bản đã xin phép và được Tòa thánh cho phép chuyển ngày lễ này sang tháng 9, trùng với ngày lễ quốc gia, Ngày tôn trọng người cao tuổi. Năm nay, Giáo hội cử hành Ngày này vào ngày 15/9.
Người già không phải là gánh nặng cho thế hệ trẻ
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Tổng giám mục Kikuchi đã nhấn mạnh vai trò vô giá mà người già vẫn tiếp tục đóng góp trong xã hội. Ngài trích dẫn thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Ông bà Thế giới và cảnh báo chống lại xu hướng xã hội coi người già là gánh nặng cho thế hệ trẻ. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại niềm tin sai lầm rằng thế hệ già “cướp đi tương lai của những người trẻ”.
Ngài nói: “Ngay cả khi các hoạt động của họ trở nên kém hiệu quả và có thể bị coi là lãng phí, Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Người, ngay cả khi họ già đi và sức lực suy yếu, ngay cả khi tóc họ chuyển sang màu xám và vai trò của họ trong xã hội trở nên kém quan trọng hơn”.
Khủng hoảng lão hóa ở Nhật Bản
Cuộc khủng hoảng lão hóa của Nhật Bản là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên thế giới, với gần 30% dân số trên 65 tuổi. Tỷ lệ sinh giảm, kết hợp với tuổi thọ kéo dài, đã tạo ra sự mất cân bằng nhân khẩu học làm gián đoạn các cấu trúc gia đình truyền thống.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản, thước đo số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ có trong suốt cuộc đời, đã giảm xuống còn 1,2 vào năm ngoái, theo số liệu thống kê mới nhất.
Năm 2023, Nhật Bản chỉ có 727.277 ca sinh nở, giảm 5,6% so với năm trước, đánh dấu con số thấp nhất kể từ khi bắt đầu được thống kê vào năm 1899.
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy tỷ lệ kết hôn giảm 6%, với 474.717 cặp đôi kết hôn vào năm ngoái. Các nhà chức trách trích dẫn sự sụt giảm trong tỷ lệ kết hôn này là một yếu tố quan trọng gây nên tỷ lệ sinh giảm.
Vatican News