Trump và Biden đều cố gắng giành phiếu của Công Giáo

Nghe bài này

Chỉ còn hơn ba tháng nữa là đến ngày bầu cử 3 tháng 11, các chiến dịch của Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thu hút cử tri Công Giáo, một khối cử tri trước đây vốn đáng tin cậy của Đảng Dân chủ nhưng gần đây đã được thả nổi để ai muốn nắm cũng được. Các chiến dịch và những người đại diện của họ nói rằng sự lựa chọn khá rõ nét, mỗi bên đều làm nổi bật các vấn đề được họ tin sẽ thu hút các loại cử tri Công Giáo của họ: những người được động viên chủ yếu bởi chủ đề phá thai và những người nhìn thấy trong bốn năm qua việc bỏ rơi những người bị hắt hủi nhất của xã hội.

Ông Biden thường xuyên đề cập tới đức tin của mình khi nói chuyện với cử tri, nhất là trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở các tiểu bang. Chiến dịch của ông cho đến nay đã ve vãn các cử tri được động viên bởi đức tin của họ bằng cách chèn ngôn ngữ “giá trị” vào các bài nói chuyện nhằm vào đoàn ngũ những người có truyền thống ủng hộ Đảng dân chủ, như phụ nữ, người nói tiếng Tây Ban Nha và đồng tính luyến ái cùng thay đổi phái tính. Chiến dịch của Ông Biden cũng có kế hoạch công bố một nhóm người Công Giáo nổi tiếng tán thành cựu phó tổng thống vào cuối mùa hè này. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Ông đã phát động chiến dịch trực tuyến “Các Tín Hữu Bầu Cho Biden”, bao gồm các cuộc trò chuyện ảo với nhân viên chiến dịch và các buổi cầu nguyện và suy niệm hàng tuần.

Chiến dịch Biden gần đây đã thuê một giám đốc kết nối đức tin, đặc biệt nhắm các cử tri Do Thái giáo, Hồi giáo và cả các cử tri Tin Lành có khuynh hướng Cộng Hòa, nhưng họ đang tìm cách để toàn bộ sứ điệp của ông Biden thấm nhiễm ngôn ngữ đức tin và các giá trị. Thí dụ, một quảng cáo cho chiến dịch Biden đã đăng hình một linh mục đang đứng trong một căn phòng bệnh viện. Đặc biệt đối với các cử tri Công Giáo, John McCarthy, một nhân viên của chiến dịch Biden, cho biết câu chuyện bản thân của ông Biden, cũng như chủ đề của chiến dịch, sẽ nói trực tiếp với các cử tri có đức tin.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tạp chí America, Ông McCarthy nói “Cốt lõi của đạo Công Giáo là sứ điệp dạy rằng chúng ta phải lưu tâm đến người lân cận. Khi chúng ta đang hướng về cuộc tổng tuyển cử, nước Mỹ phải trả lời câu hỏi chúng ta là ai. Đối với người Công Giáo, và đối với các cử tri có đức tin, câu hỏi đặt ra là chúng ta có lưu tâm đến nhau, có coi người khác như chính chúng ta hay không? Nếu họ hỏi câu hỏi ấy, các cử tri này cuối cùng sẽ đứng cùng chiến tuyến với Phó Tổng thống Biden, người suốt đời dấn thân cho các vấn đề cốt lõi của Giáo huấn Xã hội Công Giáo”.

Michael Wear, người làm việc trong chiến dịch kết nối đức tin cho cựu Tổng thống Barack Obama, đã chỉ trích các nỗ lực của đảng Dân chủ trong việc bắt tay với các cử tri có đức tin, đặc biệt trong cuộc bầu cử năm 2016. Năm 2008, ứng cử viên Barack Obama khi đó đã công bố một Hội đồng Cố vấn Công Giáo Quốc gia vào tháng 4 nhưng năm 2016, chiến dịch của Hillary Clinton đã không tổ chức một nhóm lãnh đạo Công Giáo. Ông Wear cho biết ông thấy có dấu hiệu cho thấy chiến dịch Biden đang coi trọng hơn việc kết nối đức tin này.

Ông Wear nói rằng “Điều quan trọng nhất cần phải có là lời mời rõ ràng gửi đến các cử tri tôn giáo, cho họ hay Joe Biden muốn lá phiếu của họ. Điều này cần phải rõ ràng. Phó tổng thống không cần thường xuyên tổ chức các biến cố đức tin, nhưng điều mà chúng ta mong có là một hoặc hai biến cố chủ chốt trong đó đức tin chiếm vị trí trung tâm”…

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Ông Trump đã hồi sinh chiến dịch Người Công Giáo Bầu cho Trump, một chiến dịch khởi đầu hơi trục trặc vào đầu năm nay. Chiến dịch đã cho công bố một cuốn video hồi tháng Năm, gồm những cuộc đàm thoại với một số thành viên của nhóm, bao gồm cả chuyên gia chính trị Mary Matalin và các nhà hoạt động bảo thủ Matt và Mercedes Schlapp, sau khi một vụ phát động trực tiếp bị hủy bỏ hồi tháng 3 vì đại dịch. Biến cố này, giả thiết được tổ chức tại Wisconsin, đã bị ít nhất một giám mục Công Giáo chỉ trích; vị này không muốn Giáo Hội định chế liên lụy đến cuộc tụ tập.

Một thành viên khác của Người Công Giáo Bầu cho Trump, người có tham dự biến cố trên YouTube, nói rằng bà ủng hộ việc tái cử của tổng thống vì quan điểm của ông về phá thai, một vấn đề theo bà “cho thấy trái tim và tâm hồn của một ứng cử viên và là một lộ trình dẫn đến các chủ trương khác của họ”.

Kristan Hawkins, người lãnh đạo phong trào Sinh viên Phò sinh, viết trong một email gửi tạp chí America “Giống mọi cử tri, người Công Giáo có nhiều quan tâm về một số vấn đề và đặc biệt các vấn đề có ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, trước tiên mọi người cần được chào đời. Không có điều này, tất cả các cuộc trò chuyện khác đều vô nghĩa đối với những người bị vứt bỏ trước khi họ có cơ hội sống”.

Một số nhóm chính trị Công Giáo và nhân vật truyền thông không liên hệ chính thức với chiến dịch này cũng đã lên tiếng ủng hộ tổng thống. Tổ chức Catholic Vote có trụ sở tại Michigan đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và thư từ trực tiếp để đưa ra quan điểm cho rằng ông Trump tốt đối với các cử tri Công Giáo, nhấn mạnh việc chống đối phá thai của ông. Raymond Arroyo, một người dẫn chương trình trò chuyện của kênh truyền hình Công Giáo có ảnh hưởng là EWTN, đã phỏng vấn ông Trump vào tháng 6, đùa dỡn với ông Trump và khen ngợi quy mô đám đông biểu tình ủng hộ ông. Ông Arroyo cũng là người đóng góp cho Fox News, nơi ông thường xuyên đặt nghi vấn về việc ông Biden thích đáng trở thành tổng thống.

Theo phân tích gần đây của Frank Newport, một nhà khoa học chính trị tại Gallup, người Công Giáo chiếm khoảng 23 phần trăm cử tri. Nhưng ông Newport lưu ý rằng việc chỉ là thành viên của cùng một đức tin có thể không mang lại lợi thế cho ông Biden, vì “thiếu bằng chứng cho thấy người Công Giáo, bằng bất cứ cách nào, bỏ phiếu như một khối hoặc tôn giáo của họ làm họ khác với mọi cử tri khác”. Người Công Giáo phản ảnh gần y hệt sự phân cực rõ nét tìm thấy nơi dân số Hoa Kỳ nói chung. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Công Giáo ít nhiều chia rẽ khi nói đến hai ứng cử viên, mặc dù như năm 2016, sự chia rẽ rõ ràng là giữa người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, những người vốn chủ yếu ủng hộ ông Biden, và người Công Giáo da trắng với đa số có kế hoạch ủng hộ tổng thống.

Lịch sử riêng của ông Trump với các nhà lãnh đạo Công Giáo hơi phức tạp. Trong nhiều năm qua, ông đã có một vài chuyến viếng thăm Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, người đầu mùa xuân này đã ca ngợi sự lãnh đạo của tổng thống trong một cuộc điện đàm kiểu tranh cử giữa một số nhà lãnh đạo trường Công Giáo và Nhà Trắng, và sau đó một lần nữa trong cuộc xuất hiện trên Fox News.

Nhưng tổng thống cũng đã nhận được sự chỉ trích của các nhà lãnh đạo Công Giáo, kể cả của Đức Giáo Hoàng, người đã mặc nhiên chỉ trích quan điểm cứng rắn của ông Trump về vấn đề nhập cư. Trong cao điểm các cuộc biểu tình đòi công lý chủng tộc vào đầu mùa hè này, tổng thống đã bị tổng giám mục Washington, D.C., Wilton Gregory, lên án từ vì đã chính trị hóa đức tin tôn giáo.

Tổng thống cũng đã ca ngợi sự ủng hộ của một vị tổng giám mục gây tranh cãi người Ý, người đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức; điều này đã khiến một số nhà bình luận Công Giáo đặt nghi vấn về việc liệu tổng thống có hiểu thấu các cử tri Công Giáo hay không.

David Gibson, người lãnh đạo Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa của Đại học Fordham, nói với The Tablet hồi tháng trước “Ông Trump đang ở trên địa thế nguy hiểm với người Công Giáo da trắng. Những người Công Giáo ủng hộ ông có thể không yêu mến Đức Phanxicô, nhưng nếu họ thấy tổng thống [có vẻ như đang tấn công] Đức Giáo Hoàng thì chắc họ không vui”.

Một số nhóm Công Giáo tin rằng ông Biden có thể tìm được đường len lỏi vào các cử tri Công Giáo đang ngày càng e dè đối với phong cách của ông Trump, hy vọng rằng các cử tri này sẽ xem xét tính toàn bộ của giáo huấn xã hội Công Giáo khi đưa ra quyết định sẽ ủng hộ ứng cử viên nào.

Simone Campbell, một Nữ Tu Phục vụ Xã hội, đang điều hành Mạng lưới Vận động Công bằng Xã hội. Bà nói rằng bà thường xuyên nhận được các điện thư của những người Công Giáo “lo âu” trước ý tưởng bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai nhưng lại cảm thấy bị ông Trump làm cho mất hứng.

Nữ tu Campbell nói rằng “đây là đạo đức học nhất quán về sự sống”. Nhóm của bà có kế hoạch công bố bảng điểm cho hai ứng cử viên vào cuối mùa hè này, chấm điểm họ về các vấn đề mà theo bà cũng quan trọng không kém đối với cả chính nghĩa phò sinh lẫn phá thai, như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe và quyền của người lao động.

Nữ tu Campbell nói rằng “Donald Trump đã làm mọi cách để hạ nhục và làm tổn thương người nhập cư, và làm tổn thương trẻ em nhân danh Thiên Chúa. Ông đã làm mọi điều có thể quan niệm được để làm giảm tiền lương và phẩm giá của người lao động”; bà nói thêm: mối quan tâm đối với người dễ bị tổn thương “có trong máu của Joe Biden”.

Tuy nhiên, một vấn đề chắc chắn sẽ ám ảnh ông Biden khi ông tìm kiếm phiếu bầu Công Giáo là phá thai. Năm ngoái, một linh mục ở Nam Carolina nói rằng ngài đã không cho ông Biden rước lễ vì ông ủng hộ quyền phá thai; điều này có lẽ báo hiệu việc trở lại với “cuộc chiến rước lễ” năm 2004, khi John Kerry, một ứng cử viên tổng thống Công Giáo của Đảng Dân chủ, phải đối đầu vụ đề kháng tương tự từ một số nhà lãnh đạo Giáo Hội. (Năm ngoái, Đức Hồng Y Dolan nói ngài sẽ không bác bỏ việc Ông Biden rước lễ).

Trong khi vốn đã ủng hộ việc phá thai hợp pháp hóa, thì gần đây cựu phó tổng thống còn thay đổi quan điểm đối với Tu Chính Án Hyde nữa, một chính sách trước đây vốn được cả hai đảng ủng hộ nhằm ngăn cản việc lấy tiền dân đóng thuế tài trợ cho các vụ phá thai. Ông bảo nay ông chống lại chính sách đó.

Chiến dịch tranh cử của Ông Trump thường xuyên nêu bật việc ông phản đối phá thai như là lý do tại sao ông xứng đáng nhận được sự ủng hộ của người Công Giáo và người Thệ Phản Phúc âm. Người đứng đầu gây tranh cãi của phong trào Linh mục Phò Sự sống, Cha Frank Pavone, đã ủng hộ ông Trump năm 2016 và một lần nữa trong thời gian này. Ngài đã từng làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Ông Trump, nhưng gần đây đã từ chức, vì các linh mục thường không được khuyến khích hoạt động chính trị đảng phái. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 27 tháng 7, ngài nói, “tôi kêu gọi mọi đồng bào của tôi, những người ủng hộ các nguyên tắc phò sinh và bảo thủ gạt sang một bên, bao nhiêu có thể, mọi sinh hoạt khác và biến thành ưu tiên hàng đầu của họ, như tôi sẽ làm, việc tái bầu Tổng thống Trump, việc dành cho ông một Hạ viện và một Thượng viện Cộng hòa, và việc bầu những người Cộng hòa ở cấp tiểu bang và địa phương”.

Một số đảng viên Dân chủ đang thúc giục đảng của họ làm dịu lập trường của mình về phá thai để gửi tín hiệu cho cử tri phò sinh rằng họ là một khối cử tri quan trọng. Nhóm Dân chủ Phò sinh của Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới các viên chức của Đảng Dân chủ vào ngày 24 tháng 7, yêu cầu họ “đưa ra các chính sách nhằm bảo vệ cả phụ nữ lẫn trẻ em” khi họ soạn thảo cương lĩnh của họ, với hy vọng một số cử tri phò sinh bị ông Trump làm phiền có thể thoải mái hơn khi bỏ phiếu cho ông Biden.

Đối với việc tạo ra những biến cố tranh cử để chứng tỏ tầm quan trọng của đức tin, như chiến lược gia Dân chủ, ông Wear, vốn gợi ý như là điều rất quan trọng đối với chiến dịch Biden, nhiều khả thể từ nay đến ngày 3 tháng 11 vẫn còn đó, nhưng ít nhất một khả thể đã trở thành nạn nhân của đại dịch đang tiếp diễn.

Thực thế, hôm thứ Hai, Đại học Notre Dame tuyên bố họ sẽ không tổ chức cuộc tranh luận tổng thống đã được lên kế hoạch vào ngày 29 tháng 9, với lý do lo ngại về an toàn do coronavirus gây ra. Điều này khiến ông Biden không có dịp nói về đức tin của mình tại một trong những khuôn viên đại học Công Giáo nổi tiếng nhất quốc gia.

Nguyên bản: How Trump and Biden are courting Catholic voters (
https://www.americamagazine.org/politics-society/2020/07/28/trump-biden-catholic-vote? )

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS