Theo Elise Ann Allen của tạp chí Crux, trong cuộc họp báo ngày 9 tháng 7 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian bác bỏ nguồn tin cho rằng Trung Quốc gây áp lực khiến Đức Phanxicô loại bỏ một đoạn lớn nói tới tình hình Hồng Kông trong bài diễn từ lúc đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 5 tháng 7.
Phát ngôn viên trên nói “tôi không biết gì tới tình thế đó, nhưng chúng tôi hy vọng và tin rằng những người có viễn kiến, thực sự quan tâm tới Hồng Kông, hẳn sẽ quyết định hành động theo những cách có lợi cho việc phát triển Hồng Kông”. Ông ta nói thêm: “Trung Quốc sẽ tiếp tục dấn thân vào các cuộc đối thoại xây dựng với Vatican và làm việc để cải thiện các liên hệ song phương”.
Các nhận định của Ông Zhao đã được đưa ra trong cuộc họp báo nói trên, nhiều ngày sau các tường trình cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô bỏ một đoạn đáng kể nói về tình thế đang diễn ra tại Hồng Kông, trong đó, có lời kêu gọi tự do tôn giáo và nhân quyền, khỏi diễn từ lúc đọc kinh Truyền Tin của ngài.
Sau diễn từ đó, một số quan sát viên cho rằng Đức Giáo Hoàng tự chế phát biểu cảm nhận của ngài do lời yêu cầu của Bắc Kinh, trong khi nhiều quan sát viên khác lại cho rằng việc bỏ này thực ra là dấu chỉ kỹ năng ngoại giao tài tình của Đức Phanxicô.
Trung Quốc và Vatican hiện đang thương thảo để triển hạn thỏa thuận tạm kéo dài 2 năm về việc bổ nhiệm các Giám Mục ký năm 2018 do đó sắp hết hạn vào tháng Chín, một việc được nhiều người tin là nhân tố trong suy nghĩ và hành động của Đức Giáo Hoàng liên quan đến các biến động ở Hồng Kông.
Tình trạng bất ổn hiện thời liên quan đến luật an ninh quốc gia mới do chính quyền trung ương ở Bắc Kinh áp đặt bắt đầu có hiệu lực tại Hồng Kông vào ngày 30 tháng 6. Nó cấm phản quốc, ly khai, dụ dỗ, lật đổ, can thiệp nước ngoài và khủng bố và cho phép chính quyền trung ương Trung Quốc thành lập các cơ quan giúp Hồng Kông thực hiện các nhu cầu an ninh của mình bất cứ khi nào chúng tỏ ra cần thiết.
Các nhà hoạt động dân chủ đã chỉ trích luật này như là việc bãi bỏ các quyền tự do mà thuộc địa cũ của Anh được hưởng kể từ khi nó được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Do kết quả của các cuộc đàm phán dẫn đến việc chuyển quyền, một số quyền dân chủ đã được đảm bảo trong ít nhất 50 năm theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”.
Sau khi luật an ninh được áp đặt, một số nước châu Âu đã đe dọa sẽ có biện pháp phản ứng lại luật an ninh; Vương quốc Anh đã cung ứng con đường tiến đến quyền công dân cho một số người Hồng Kông muốn chạy trốn. Nước Úc cũng đã đưa ra cùng một sáng kiến sau đó.
Trong cuộc họp báo, Ông Zhao đã đề cập đến những mối đe dọa này, nhưng nhấn mạnh rằng “các vấn đề của Hồng Kông là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vốn không cho phép sự can thiệp của nước ngoài”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi hy vọng các quốc gia này sẽ nhìn luật này một cách công bằng và khách quan, thận trọng trong lời nói và hành động của họ, và làm những việc có lợi cho sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông”.
Một mối quan tâm khác được chia sẻ bởi các nhà hoạt động và các giới chức Giáo hội là về mối quan hệ của Hồng Kông với Vatican, điều mà nhiều người lo sợ sẽ bị coi là việc can thiệp của nước ngoài, do đó dẫn đến việc chấm dứt tự do tôn giáo tại lãnh thổ này.
Những nỗi lo sợ ấy đã lên tới một cường độ mới sau khi có nhiều tường trình cho rằng Đức Giám Mục James Su Zhimin của Bảo Định, ở tỉnh Hồ Bắc, đã chết.
Sinh năm 1932, Đức Cha Su Zhimin đã bị bắt tám lần, bị giam giữ tại nhà và bị kết án khổ sai trong một trại lao động trong hơn 30 năm. Ngài được thụ phong năm 1981, và được bổ nhiệm làm giám mục Bảo Định năm 1992.
Trong những ngày gần đây, có nhiều tin đồn cho rằng Đức Cha Su Zhimin, người bị bắt năm 1997 vì từ chối gia nhập Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc (CCPA) do nhà nước điều khiển và không ai nhìn thấy ngài trong 17 năm, đã chết.
Theo ucanews.com, Đức Cha được nhìn thấy lần cuối tại một bệnh viện ở Bảo Định năm 2003, nhưng kể từ đó, ngài đã không được ai nhìn thấy.
Có tường trình cho rằng chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Vatican bổ nhiệm giám mục phó của Đức Cha Su Zhimin là Đức Cha Phanxicô An Shuxin làm tân giám mục, khiến các thành viên gia đình và các thành viên của cộng đồng giáo phận địa phương sợ Đức Cha Su Zhimin đã không còn trên cõi đời.
Đức Cha An Shuxin, 71 tuổi, trước đây là thành viên của Giáo hội hầm trú trung thành với Vatican và chống lại Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc; tuy nhiên, ngài bị bắt năm 1996 và sau 10 năm bị quản thúc tại gia, đã được thả ra và hiện làm việc công khai với Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc.
Theo ucanews.com, Đức Cha An Shuxin cho biết ngài đã hỏi về tung tích của Đức Cha Su Zhimin, khi ngài được thả tự do năm 2006, nhưng các giới chức Trung Quốc nói rằng họ không biết, tuy nhiên, họ bảo đó là vấn đề sẽ được chính quyền trung ương và Vatican giải quyết.
Su Tianyou, cháu trai Đức Cha Su Zhimin, nói với tờ báo rằng người ta cho hay: các giới chức Vatican và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong tháng này để thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận năm 2018, và khi cuộc họp này diễn ra, ông hy vọng Vatican sẽ yêu cầu thả chú của mình.
Ông bảo “Vatican không thể quên các giám mục trong tù, nhưng Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc gây rắc rối cho các ngài”.
Vũ Văn An