Vào sáng thứ hai, 26.5.2014 sự việc xảy ra tại thành phố cổ Giêrusalem cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô như trong một giấc mơ là được ôm chầm lấy người bạn đến từ Buenos Aires là thày Rabbi Do Thái Abraham Skorka ngay phía trước mặt của bức tường than khóc, đồng thời ĐGH cũng đưa tay phải đón nhận người bạn khác là vị giáo sĩ Hồi Giáo Omar Abboud đến từ Argentina, người tháp tùng ĐGH đến Đất Thánh. Một cử chỉ, một hình ảnh kết hợp tôn giáo trong sự tôn trọng lẫn nhau thay cho cả ngàn lời nói.
Gió thổi mạnh hất áo choàng trắng của ĐGH lên cao và phủ lên đầu của Ngài như là một biểu tượng được chở che từ trên trời cao. Ba tôn giáo lớn hội tụ ngay nơi Đất Thánh, đã từng là một nơi được xây dựng thành Đền Thờ Giêrusalem. Không còn gì hoàn hảo hơn về hình ảnh biểu tượng hiếm có này.
Tại bức tường than khóc của người Do Thái ĐGH Phanxicô đã cầm một phong thơ ghi lời cầu nguyện và nhét vào khe tường, như cách làm truyền thống của mỗi người Do Thái. Câu kinh trong Kinh Lạy Cha đã được ĐGH tự viết tay và bằng tiếng Tây Ban Nha, lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. Cách thế cầu nguyện trước bức tường, ĐGH lúc trên đường đến Bethlehem hôm Chúa Nhật thì Ngài yêu cầu cho dừng xe Papamobile trước bức tường cao 8 mét ngăn cách giữa Do Thái và Palestina – điều này không được ghi trong nghị trình ngoại giao, trước dòng chữ Bethlehem Ngài đặt tay phải lên bức tường, áp đầu vào và thầm lặng cầu nguyện. Nhìn cử chỉ thuần túy tôn giáo này trong một hoàn cảnh xung đột phức tạp tại Trung Đông được mệnh danh là một bãi mìn nguy hiểm, thì ĐGH đã sử dụng viêc cầu nguyện cho sự hòa bình giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo một cách khôn khéo.
Tiến xa hơn sau đó, bằng một lời mời gọi chân thành ngay tại Bêlem – nơi Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ – làm cho hai nhà lãnh đạo Do Thái Tổng thống Shimon Peres và Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas không thể nào từ chối ngoài việc ưng thuận ngay đến tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình với ĐGH Phanxicô tại Tòa Thánh Vatican được tổ chức vào tháng 6 năm nay. Một ý tưởng không ai dám nghĩ ra và dám làm trong hoàn cảnh luôn căng thẳng và bạo động tại vùng Trung Đông. ĐGH xác tín việc “cầu nguyện cho ơn bình an đến từ Thiên Chúa”. Sự hiện diện của Tổng thống Peres và Tổng thống Abbas sẽ mang một biểu tượng rất tốt cho vùng Trung Đông.
Tại bức Tường Than Khóc Giêrusalem, ĐGH Phanxicô đã khiêm tốn ghi dòng chữ trong sổ vàng lưu niệm “Tôi đến để cầu nguyện và tôi xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình”. Đó là sứ mạng chính yếu của ĐGH đến vùng Trung Đông trong ba ngày ngắn ngủi.
Với sự chân thành ĐGH Phanxicô cố gắng làm toại nguyện những kỳ vọng ngoại giao của Do Thái lẫn Palestina, nhất là từ phía tổng thống Shimon Peres và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Việc đặt vòng hoa từ tay ĐGH Phanxicô nơi lăng mộ ông Theodor Herzl, một nhà khởi xướng thành lập quốc gia Do Thái qua Phong trào Sion từ năm 1897 được đánh giá cao trong cuộc viếng thăm Do Thái vì đây là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện việc này.
Từ chỗ lăng mộ ông Theodor Herzl không xa, theo ghi nhận của giới ngoại giao thì ĐGH Phanxicô muốn đền bù lại việc đặt tay cầu nguyện tại bức tường Bethlehem hôm Chúa Nhật, Ngài dừng lại nơi bia tưởng niệm của các nạn nhân đã chết vì sự khủng bố Palestina, chỗ này Ngài cũng đặt tay cầu nguyện. Đến đây không phải là ý tưởng của ĐGH, nhưng là điều mong muốn của thủ tướng Netanyahu, ông cho đó là một cử chỉ liên đới đáp lại điều mà ĐGH đã làm ở Bethlehem.
Sau đó tại dinh tổng thống, ĐGH Phanxicô cùng với Tổng thống Shimon Peres trồng cây Ôliu ngoài vườn, một biểu tượng chung tay xây dựng hòa bình, như trước đây ĐGH Bênêđictô XVI đã từng làm vào tháng 5.2009.
Tổng thống Do Thái Shimon Peres nói rằng ông hy vọng rất nhiều từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tôi tin rằng chuyến thăm và kêu gọi hòa bình (của ĐGH) sẽ tìm thấy được một tiếng vang trong khu vực và giúp làm sống lại các nỗ lực cho tiến trình hòa bình giữa chúng tôi và người Palestina”.
Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas cảm ơn người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo cho những nỗ lực kêu gọi hòa bình, ông nói: “Tôi gửi một thông điệp tới nước láng giềng Israel của chúng tôi, một thông điệp hòa bình: Chúng ta hãy thiết lập hòa bình”.
Nếu được như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng minh trong chuyến Tông Du của Ngài tới Israel và phần đất của Palestina một cảm giác không thể nhầm lẫn của biểu tượng mang đầy ý nghĩa đã được thực hiện. Ngay cả lòng tốt chân thành của mình về kiến tạo hòa bình Ngài cũng muốn cho cả hai bên nhận ra cả về tôn giáo lẫn chính trị.
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn