Việc thay thế lớp kính bảo vệ cho tượng Mẹ Sầu Bi (Pietà) của Michelangelo tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô đã hoàn tất. Lớp bảo vệ mới bao gồm chín lớp kính chống vỡ và chống đạn chất lượng cao có độ trong suốt, tất cả đều được tăng cường bằng hệ thống ánh sáng mới.
Là một phần trong công trình để kỷ niệm Năm Thánh do văn phòng quản lý Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, thực hiện, lớp kính bảo vệ trong nhà nguyện của Tượng Mẹ Sầu Bi (Pietà) của Michelangelo đã được thay thế. Lớp kính trước đó được lắp đặt vào năm 1973 được thiết kế để bảo vệ tác phẩm điêu khắc đã bị hư hại do một người đàn ông dùng búa đập vào tượng ngày 21 tháng 5 năm 1972. Lớp bảo vệ mới, như được mô tả trong một tuyên bố của Công ty Fabbrica di San Pietro, có một hệ thống neo công nghệ cao bao gồm chín tấm kính chống bể và chống đạn chất lượng cao nhất và độ trong suốt được thiết kế bởi một nhóm chuyên gia người Ý sau quá trình nghiên cứu chuyên sâu.
Việc thay thế các tường kính này mất chưa đầy sáu tháng và nhằm mục đích mang đến cho những người hành hương và du khách góc nhìn tốt nhất có thể về biểu tượng Đức Mẹ Maria, đồng thời tăng cường an ninh. Sau khi tháo bỏ giàn giáo, tác phẩm điêu khắc một lần nữa có thể được chiêm ngắm toàn bộ vẻ đẹp của nó. “Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu vô cùng nhạy cảm ngày nay”, Đức Hồng y Mauro Gambetti, Tổng giám mục của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Chủ tịch Công ty Fabbrica di San Pietro cho biết, “các tín hữu một lần nữa có thể chiêm ngưỡng Đức Mẹ, người đã ban tặng cho nhân loại Con Thiên Chúa, được hạ xuống khỏi Thập giá và sống lại nhờ quyền năng của Sự phục sinh. Sự dâng hiến của Đức Trinh Nữ Maria mở ra con đường hòa giải các trái tim và xây dựng con đường dẫn đến tình huynh đệ và hòa bình”.
Nâng cấp
Việc thay thế tấm kính, sau năm mươi năm khi lớp kính đầu được lắp ráp, trở nên cần thiết vì lý do thẩm mỹ do vật liệu bị mờ nhạt đi tự nhiên và ảnh hưởng đến các vấn đề về cấu trúc. “Dự án không chỉ liên quan đến việc xử dụng các tấm kiếng trong suốt hơn mà còn sử dụng các tấm vượt trội về mặt cơ học”, kỹ sư Alberto Capitanucci, trưởng phòng kỹ thuật Fabbrica di San Pietro giải thích. “Độ dày được áp dụng là 24,5 mm, so với 19 mm ban đầu (11 mm cho phần trên). Các tấm không chỉ được xếp lớp mà còn được tôi nhiệt. Chúng có thể chịu được tới 26 nhát búa/rìu (gần bằng P6B theo tiêu chuẩn EN 356) và có khả năng chống đạn vượt quá mức BR2/S (EN 1063), nghĩa là chúng có thể chống lại các cuộc tấn công từ súng lục cỡ nòng 9 mm.” Tổng cộng, cửa sổ kính màu, bao gồm cả các tấm kính và các thành phần thép kết cấu tích hợp chúng, bao phủ một diện tích khoảng 50 mét vuông, nặng 3.400 kg và được thiết kế để chịu được các lực lớn từ môi trường, chẳng hạn như lực áp suất và lực chân không tác động lên toàn bộ bề mặt, hoạt động địa chấn và áp lực của đám đông lên lan can, tất cả đều có biên độ an toàn đáng kể. Sự can thiệp này kết hợp khả năng hiển thị lớn hơn với khả năng bảo mật được tăng cường.
Cảm ơn các nhà hảo tâm
Dự án được hình thành, hiện thực hóa và tài trợ nhờ các khoản đóng góp từ một nhóm doanh nhân và chuyên gia từ vùng Piedmont của Ý. Trong số các nhà tài trợ có Banca Sella – Sanlorenzo Spa, Brenntag Spa, Inalpi Spa, Costruzioni Generali Gilardi Spa, MdM Srl – Studio Miroglio và Lupica Associati Architects, Romoli Venturi & Partners, hợp tác với Oxlip, Sagep Editori, Magon Sistemi Spa, Mollo Noleggio và với sự bảo trợ của Confindustria Piemonte.
Ánh sáng mới
Ánh sáng là yếu tố chính của công trình nâng cấp này. Nhóm điêu khắc Pietà và toàn bộ nhà nguyện đã được trang bị hệ thống chiếu sáng mới, hiện đại, được đổi mới hoàn toàn bằng các công nghệ và linh kiện thế hệ mới nhất. Công ty Ý iGuzzini, đơn vị ban đầu thiết kế và triển khai hệ thống ánh sáng vào năm 2017, đã tặng các thiết bị ánh sáng mới, với thiết kế không xâm lấn, được lắp đặt sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về không gian và môi trường chiếu sáng.
Cải tạo thêm
Nhờ giàn giáo dựng lên để lắp đặt cửa sổ kính màu lớn, Fabbrica di San Pietro cũng đã thực hiện một loạt các công trình củng cố và phục hồi trên các bề mặt bích họa của Nhà nguyện Pietà (một trong số ít cửa sổ còn lại trong Vương cung thánh đường), do họa sĩ Giovanni Lanfranco tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1629 đến năm 1632. Sự an toàn của cửa sổ kính màu hình vòm ở phía sau nhà nguyện cũng được đảm bảo.
Nhà nguyện Mẹ Sầu Bi (Pietà)
Chủ đề chính của toàn bộ chu kỳ trang trí của Nhà nguyện Pietà là sự tôn vinh Thánh giá và sức mạnh cứu rỗi của nó. Cho đến giữa thế kỷ 18, nhà nguyện được dành riêng dâng kính Thánh giá, một cây thánh giá bằng gỗ từng được đặt ở đó, hiện nằm trong Nhà nguyện Bí tích Thánh thể. Mái vòm có những bức bích họa duy nhất trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, được thực hiện bởi Giovanni Lanfranco (1582-1647) từ năm 1629 đến năm 1632. Toàn bộ mái vòm được trang trí bằng các cảnh trong Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, với trọng tâm là tôn vinh Thánh giá, được bao quanh bởi một vòng xoáy các thiên thần. Hình ảnh trung tâm này được bổ sung bằng các tấm bảng vẽ thể hiện các cảnh trong Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, được thể hiện bằng chủ nghĩa hiện thực sống động.
Thánh tượng Mẹ Sầu Bi (Pietà) của Michelangelo
Nhóm tượng bằng đá cẩm thạch mô tả Đức Mẹ Sầu Bi, người trong sự trong sáng trẻ trung của mình, dịu dàng ôm Người Con đã chết, được Michelangelo Buonarroti tạc vào năm 1498-99, khi ông mới 23 tuổi, cho ngôi mộ của Đức Hồng y Jean de Bilhères-Lagraulas, ban đầu nằm trong Nhà nguyện Santa Petronilla, bên cạnh Vương cung thánh đường cũ. Dòng chữ khắc trên dải ruy băng buông xuống từ vai Đức Mẹ có nội dung: “michael āgelvs bonarotvs florent facieba” (Michelangelo Bonarroti của Florence đã làm ra nó), tác phẩm có chữ ký duy nhất của nghệ sĩ. Vào ngày 3 tháng 12 năm 1749, bức tượng được đặt trước một cây thánh giá bằng đá cẩm thạch trên bàn thờ của nhà nguyện này, nơi nó vẫn được trưng bày để các tín hữu chiêm ngắm sùng bái, ngoại trừ một vài tháng vào năm 1964-1965, khi bức tượng được thực hiện một hành trình độc đáo vô nhị và chưa từng có, vượt đại dương để tham dự Hội chợ Thế giới ở New York. Vào ngày 21 tháng 5 năm 1972, sau vụ tấn công bi thảm làm hỏng cánh tay trái và khuôn mặt của Đức Mẹ, bức tượng đã được phục chế một cách chuyên nghiệp và được bảo vệ bằng tấm kính lớn, hiện mới được thay thế.
Thanh Quảng sdb