Tuyên bố của Đức Hồng Y Charles Bo về tình trạng của Miến Điện sau khi hàng trăm người đã bị giết

Nghe bài này

Hôm Chúa Nhật 14 tháng 3 là ngày cầu nguyện cho Miến Điện, một ngày sau đó, Đức Hồng Y Charles Bo, là Tổng Giám Mục Yangon và cũng là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã có bài phát biểu sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Anh chị em thân mến:

Trước tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến anh chị em vì những lời cầu nguyện của anh chị em cho Miến Điện vào lúc này. Hôm qua chính thức là Ngày Cầu nguyện Toàn cầu hàng năm cho Miến Điện, và hôm nay những người bạn của tôi trong CSW đã tổ chức sự kiện này để gắn kết mọi người lại với nhau, để suy ngẫm và cầu nguyện cho người dân Miến Điện. Tôi không thể ở bên anh chị em ‘trực tiếp’ do chênh lệch múi giờ, nhưng tôi rất biết ơn vì anh chị em đã cho tôi cơ hội để gửi thông điệp này.

Miến Điện ngày nay đang ở trong một chương khác của bóng tối, đổ máu và đàn áp. Sau một thập kỷ cải cách và mở cửa, trong đó – mặc dù có nhiều thách thức và những đám mây bão tố trên đường – chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhìn thấy mặt trời bắt đầu mọc trên vùng đất xinh đẹp của chúng tôi và viễn cảnh – dù mong manh hay dễ chao đảo – đã xuất hiện trong một bình minh mới dân chủ, tự do, hòa bình và công lý. Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi đã bị đẩy lùi lại hơn một thập kỷ, quay trở lại cơn ác mộng của cảnh quân đội đàn áp, tàn bạo, bạo lực và độc tài.

Kể từ sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, chúng ta đã chứng kiến lòng dũng cảm, sự dấn thân và sự sáng tạo đáng kinh ngạc của nhân dân chúng ta, thể hiện trên khắp đất nước trong các cuộc biểu tình hàng nghìn người hết ngày này sang ngày khác của họ. Họ đã thể hiện quyết tâm không cho phép nền dân chủ và tự do vốn khó khăn lắm mới giành được, và hy vọng hòa bình của họ bị đánh cắp. Đó là một cảnh ngoạn mục và một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Ý thức thống nhất và đoàn kết trong sự đa dạng – với những người thuộc các sắc tộc và các tôn giáo khác nhau đến với nhau vì cùng một mục đích – là điều đáng chú ý.

Nhưng điều đó đã phải đối mặt với những viên đạn, những trận đòn, đổ máu và đau buồn. Rất nhiều người đã bị giết hoặc bị thương trên đường phố của chúng tôi, và hàng ngàn người đã bị bắt và mất tích.

Và ở các tiểu bang sắc tộc của chúng tôi, bao gồm cả những nơi mà các thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết cách đây vài năm, quân đội lại một lần nữa tấn công dân thường, khiến hàng nghìn người phải di dời và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tồn tại nhưng giờ đây còn nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, trong những thời kỳ đen tối, và tăm tối này, chúng ta nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi Giáo hội tiếp tục là nhân chứng, là công cụ cho công lý, hòa bình và hòa giải, là tay chân của Ngài trong việc trợ giúp người nghèo và những người đang phải sợ hãi, để chống lại hận thù bằng tình yêu.

Chúng ta nghe thấy giọng nói đó trong sách Tiên Tri Isaia 65: 17-21, bài đọc đầu tiên trong phụng vụ Thánh lễ của Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới ngày hôm nay. “Ðây Thiên Chúa phán: ‘Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu… Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho’”.

Hay những lời đầu tiên của Thánh Vịnh 29 mà chúng ta đọc hôm nay: “Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con”.

Hay bài Tin Mừng hôm nay – theo Thánh Gioan – kể câu chuyện về một quan chức trong triều mà Chúa Giêsu đã gặp ở Cana, Galilê, có con trai bị bệnh và xin Chúa Giêsu chữa cho. Chúa Giêsu nói: “Hãy về nhà, con trai của ông sẽ sống”.

Trong ba đoạn này, chúng ta nghe thấy thông điệp hy vọng là trọng tâm của đức tin của chúng ta – và chúng tôi, Giáo hội ở Miến Điện, giữ vững thông điệp đó. Chúng tôi sẽ cầu nguyện và làm việc cho một Miến Điện mới được sinh ra từ thảm kịch hiện tại này, một Miến Điện nơi thực sự mọi con người đều có phần như nhau ở đất nước này và quyền bình đẳng đối với các quyền tự do cơ bản, một Miến Điện nơi tôn vinh sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo và nơi chúng ta tận hưởng hòa bình thực sự, một Miến Điện nơi những người lính bỏ súng xuống, lùi lại sau quyền lực và làm những gì mà một đội quân đúng nghĩa phải làm là bảo vệ chứ không phải là tấn công người dân. Một Miến Điện mà Thiên Chúa nói – như Chúa Giêsu đã nói với người cha có đứa con sắp chết trong Phúc âm – “Con ông sẽ sống. Cháu sẽ được sống”. Một Miến Điện vươn lên trở lại từ đống tro tàn.

Làm sao chúng ta đạt được điều đó? Thưa: Bằng đức tin, lời cầu nguyện, tình yêu, đối thoại và lòng can đảm. Bằng cách nói lên sự thật, công lý, tự do, hòa bình và dân chủ.

Và vì vậy chúng tôi cần lời cầu nguyện của anh chị em hơn bao giờ hết.

Xin hãy cầu nguyện cho viễn kiến này của Miến Điện.

Xin hãy cầu nguyện cho những người hiện đang gặp nguy hiểm, đang ẩn náu, di dời, bị cầm tù, bị thương hoặc đau buồn.

Xin hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ của chúng tôi – cho Aung San Suu Kyi và các đồng nghiệp của bà – và cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia dân tộc và tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Và xin hãy cầu nguyện cho Tướng Min Aung Hlaing và quân đội, như Chúa đã hoán cải tâm hồn Saolô trên con đường tới Damascus, Ngài sẽ thay đổi trái tim của họ, khiến họ lùi lại và ngăn họ đưa Miến Điện đi sâu hơn vào con đường xung đột, đàn áp và phá hủy.

Xin hãy cầu nguyện – ngay cả bây giờ, sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua trong sáu tuần qua – cho kết quả của cuộc bầu cử, trong đó ý chí của người dân được thể hiện rất rõ ràng, được tôn trọng và để Miến Điện tiến tới một con đường dân chủ thực sự, được tháp tùng bởi đối thoại, hòa giải, công lý và hòa bình.

Xin hãy cầu nguyện trong khi Miến Điện, trong Mùa Chay này, một lần nữa phải bước vào cuộc hành trình lên đồi Canvê và Golgotha trong thực tạo, một cuộc hành trình mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt bảy thập kỷ qua, để chúng tôi trong tư cách là một quốc gia vẫn có thể sớm nhìn thấy sự hồi sinh của mình, là Lễ Phục sinh của chúng tôi.

Xin Chúa phù hộ cho anh chị em.

J.B. Đặng Minh An dịch

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS