Các Giám mục Đức
Trước tiên, về nhóm “thất vọng”, có lẽ nhiều nhất đến từ Đức. Đức cha Georg Baetzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã phổ biến một tài liệu dài 159 trang được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau để trình bày về những nghị quyết được các tham dự viên Con đường Công nghị của Công Giáo Đức thông qua hồi tháng 3 năm nay. Mục đích việc phổ biến này là để xin Thượng Hội đồng Giám mục 16 ủng hộ việc thỉnh cầu Tòa Thánh truyền chức cho phụ nữ và các nghị quyết khác của Con đường Công nghị Đức.
Đức cha Franz-Josef Overbeck
Đặc biệt trong cuộc họp báo chiều ngày 21/10 vừa qua, trong số các tham dự viên được mời trình bày có Đức cha Franz-Josef Overbeck, Giám mục giáo phận Essen ở miền bắc Đức, Giám mục giáo hạt quân đội Đức. Ngài được mời giới thiệu Con đường Công nghị của Giáo hội Công giáo Đức.
Đức cha cho biết có nhiều người đã bày tỏ lo âu với ngài về Con đường Đức và hỏi: quí vị có còn là Công Giáo, là thành phần của Giáo hội Công giáo nữa không? Đức cha trả lời là có!
Và ngài trình bày về Con đường này: nó bắt đầu từ năm 2019 như một sáng kiến, không theo giáo luật, của Hội Đồng Giám mục và Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức. Trong khóa họp chung kết hồi tháng 3 năm 2023 ở Frankfurt, các tham dự viên Con đường Công nghị Đức đã thông qua việc chúc lành cho các cặp đồng phái, đưa ý thức hệ Gender vào đời sống thực hành của Giáo hội và thỉnh cầu Tòa Thánh cho truyền chức cho phụ nữ.
Tuyên bố trong 10 phút với giới báo chí tại cuộc họp báo, Đức cha Overbeck khẳng định rằng tiến trình Con đường công nghị ở Đức là để đáp lại bối cảnh hậu tục hóa có một không hai trong văn hóa Đức, trong đó dân chúng không có ý niệm gì về sự siêu việt, về Giáo hội hoặc Chúa Kitô. Điều này là một thách đố đối với toàn thể các vấn đề chúng ta đang bàn tới, và theo Đức cha, nếu giáo huấn Công Giáo trái ngược với những dấu chỉ thời đại này thì sẽ không thuyết phục được ai về sự hướng dẫn của Giáo hội.
Đức cha Overbeck nhắc lại nhiều lần về tình trạng văn hóa đặc biệt của Đức để biện minh cho những nghị quyết gây tranh luận nhất của Con đường công nghị. Ví dụ việc thử nghiệm sự chấm dứt luật độc thân giáo sĩ. Đức cha giải thích rằng giáo phận Essen của ngài, trong 13 năm ngài làm Giám mục tại đó, chỉ có 15 tân Linh mục và có tới 300 Linh mục qua đời và hiện nay tại giáo phận này không có chủng sinh nào!
Thêm vào đó, Đức cha cho biết hiện có nhiều phó tế vĩnh viễn Công Giáo cũng như các nữ mục sư Tin Lành Luther hoạt động tại Đức làm cho việc truyền chức phó tế phụ nữ là điều đặc biệt quan trọng đối với Công Giáo Đức. Ngài nói: “Chúng tôi sống trong thế giới này và các vấn đề ấy xảy đến”. Và theo Đức cha, truyền chức phó tế cho phụ nữ là “một ơn gọi chứ không phải chỉ là tạo nên một nghi thức để phụ nữ có thể thi hành thừa tác vụ bí tích trong Giáo hội”.
Trước đó Đức cha Overbeck nói rằng hôn nhân đồng phái phải được chấp nhận và không được coi đó là điều vô luân. Giáo hội phải để Chúa Kitô ở Trung tâm và loại bỏ những thói quen và truyền thống để đáp ứng các nhu cầu hiện đại, tuy rằng Đức cha minh xác rằng truyền thống cần loại bỏ ở đây không phải là Tông truyền, hay Truyền thống tông đồ.
Đức cha Overbeck nói thêm rằng Con đường Công nghị đề nghị thay đổi giáo huấn Công Giáo về tính dục, cũng như cách cai quản, là để đối phó với những nguyên nhân gây nên nạn lạm dung tính dục đã làm chao đảo Giáo hội Công giáo tại Đức trong những thập niên qua.
Đức Hồng Y Robert Francis Prevost
Một vị Giám mục khác, trong một cuộc họp báo, trình bày lập trường đối nghịch với nhiều Giám mục Đức. Đó là Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giám mục. Ngài cảnh giác rằng “Giáo sĩ hóa phụ nữ” sẽ không giải quyết các vấn đề trong Giáo hội Công giáo ”!.
Đức Hồng Y Prevost, người Mỹ, thuộc dòng thánh Augustino, nguyên là Giám mục thừa sai tại Mỹ châu La tinh. Trong cuộc họp báo chiều ngày 25/10 vừa qua bên lề Thượng Hội Đồng Giám mục thứ 16, ngài trả lời câu hỏi về những lời kêu gọi cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào việc cai quản trong Giáo hội Công giáo. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “Truyền thống tông đồ đã nói rất rõ ràng, nhất là khi bạn muốn nói về vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ. Cũng cần phải nói rằng việc truyền chức này, tức là giáo sĩ hóa phụ nữ, sẽ không nhất quyết giải quyết một vấn đề, nhưng nó có thể tạo thêm một vấn đề mới. Và có lẽ chúng ta cần có một sự hiểu biết mới, hoặc hiểu khác về vấn đề lãnh đạo, quyền bính và phục vụ, nhất là việc phục vụ trong Giáo hội, dưới một nhãn giới mới mà người nam và người nữ có thể mang lại cho đời sống Giáo hội”.
Giáo hội không chiều theo thế gian
Theo Đức Hồng Y Prevost, Giáo hội Công giáo không phải là một cái gương phản chiếu hình ảnh của xã hội, nhưng cần phải khác biệt. Nghĩa là vì một phụ nữ có thể làm tổng thống hoặc đảm trách nhiều vai trò lãnh đạo khác trên thế giới, điều này không nhất thiết là đi tới kết luận rằng trong Giáo hội cũng phải như vậy… Bạn không thể nói rằng sau 2 ngàn năm, bây giờ chúng ta cần thay đổi truyền thống của Giáo hội”.
Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giám mục ghi nhận rằng phụ nữ đang tiếp tục đảm nhận các vai trò lãnh đạo mới tại Vatican và trong các phần khác của Giáo hội. Ví dụ mới đây, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm nữ tu Simona Brambilla làm Tổng thư ký của Bộ các dòng tu. Ngài nói: “Tôi nghĩ sẽ có một sự tiếp tục nhìn nhận rằng phụ nữ có thể đóng góp nhiều cho đời sống Giáo hội ở nhiều bình diện”.
Đức Hồng Y Prevost bày tỏ lập trường trên đây sau khi hãng tin “Religion News Service” đưa tin rằng trong Thượng Hội Đồng Giám mục có đông đảo các nữ tu, đặc biệt từ Mỹ châu la tinh và Âu Châu, ủng hộ việc truyền chức cho phụ nữ, đặc biệt là phó tế.
Đức Hồng Y Broglio
Ngoài ra, trong cuộc họp báo chiều ngày 25/10, Đức Hồng Y Timothy Broglio, Tổng Giám mục giáo phận Quân Đội Mỹ kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Mỹ, cũng nói về vai trò của nữ giới trong Giáo hội. Nhắc đến ảnh hưởng rất lớn của các nữ tu trong ngành giáo dục tại Mỹ và nhiều nơi khác, Đức Hồng y nói: “Tôi nghĩ quan niệm cho rằng vì phụ nữ không nắm giữ mọi vai trò ở mọi cấp độ nên không có ảnh hưởng, quan niệm như thế là sai”.
Nữ tu Nonterah
Tại cuộc họp báo, nữ tu Nora Kofognotera Nonterah, một giáo sư thần học ở Ghana, và là 1 trong 54 phụ nữ tham dự Thượng Hội đồng Giám mục 16 này với quyền bỏ phiếu, nói rằng theo kinh nghiệm của chị tại Thượng Hội Đồng Giám mục về tính hiệp hành này là chị cảm thấy được lắng nghe như một giáo dân, một phụ nữ, và một người Phi châu trong Giáo hội đã không có cơ hội làm cho mình được phong phú với tiếng nói và sự khôn ngoan của các phụ nữ, các giáo dân và người Phi châu. “Tôi xác tín mạnh mẽ trong những ngày này rằng Giáo hội chúng ta phải sẵn sàng ngồi học từ phụ nữ, đặc biệt các nữ giáo dân đến từ Nam bán cầu, để học cách thức canh tân trí tưởng tượng sáng tạo của Giáo hội”. (CNA 26/10/2023)
Đức Thánh Cha
Cũng nên nói thêm rằng trong cuốn sách phỏng vấn, được xuất bản bằng tiếng Ý trong tuần này, Đức Thánh Cha tái khẳng định việc không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ: “Sự kiện phụ nữ không tham gia các thừa tác vụ thánh chức không phải là một sự thiếu sót, vì chỗ đứng của phụ nữ quan trọng hơn… Trong Giáo hội Tin lành Luther, có truyền chức mục sư cho phụ nữ, nhưng vẫn có ít người đi nhà thờ… Các mục sư có thể lập gia đình, nhưng dầu vậy, số mục sư vẫn không gia tăng. Vấn đề ở đây là văn hóa. Chúng ta không thể thơ ngây và nghĩ rằng những thay đổi thực tiễn này sẽ mang lại cho chúng ta giải pháp”.
Tiến bộ
Quả thực, nhìn lại những bước đường đã qua, người ta phải nhận có một thay đổi lớn: tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2018 về giới trẻ, chỉ có một tu huynh được quyền bỏ phiếu, nhưng không có nữ tu nào. Nay trong Thượng Hội đồng Giám mục vừa kết thúc, trong số 346 tham dự viên có quyền bỏ phiếu, tuy đa số là Giám mục, nhưng cũng có 54 phụ nữ có cùng quyền như vậy. Và trong số 9 vị được Đức Thánh Cha chỉ định thay ngài luân phiên nhau điều khiển các phiên họp khoáng đại, cũng có 2 phụ nữ là nữ tu Dolores Palencia Gomez người Mexico, Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Giuse thành Lyon, và chị Momoko Nishimura, thuộc tu hội đời thừa sai Phục vụ Tin Mừng Lòng Chúa Thương Xót (S.E.M.D).
Giuse Trần Đức Anh, O.P.