Vào mỗi dịp Phục Sinh, Giáo Hội khắp thế giới chào đón hàng ngàn người Công Giáo mới. Riêng tại Hoa Kỳ, trung bình, hơn 100, 000 người đã gia nhập Giáo Hội hàng năm. Họ xuất thân từ mọi giới và thuộc mọi lứa tuổi. Một số gia nhập Giáo Hội sau nhiều năm đấu tranh bản thân, một số gia nhập Giáo Hội vào cuối cuộc đời. Nhiều người khác được động viên gia nhập Giáo Hội vì gương sáng của các vị thánh, các linh mục, tu sĩ, giáo dân và thành viên gia đình làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.
Dĩ nhiên, cuối cùng, họ đều đạt tới một kết luận chung như vị tân tòng nổi tiếng là Thánh Hồng Y John Henry Newman từng viết: “Về Kitô Giáo, 1, 000 khó khăn không tạo nên một hoài nghi”.
Và điều cũng chắc chắn là trong hành trình đến với Đạo Công Giáo, nhiều tân tòng đã được khuyến khích bởi mẫu mực của các tân tòng nổi tiếng hơn.
Minh tinh màn bạc, các thi sĩ, tiểu thuyết gia, nhạc sĩ, triết gia, khoa học gia, và cả các hoàng hậu đã xác tín trong lương tâm của họ rằng họ phải trở thành người Công Giáo.
Họ đều là những người tội lỗi, giống tất cả chúng ta, và, với một nhóm đa dạng và đáng lưu ý như thế, họ có những tính khí, nhân cách và nhược điểm rất khác nhau.
Tính đa dạng muôn mầu ấy tự nó là một tiểu vũ trụ của những con người khác nhau gia nhập Giáo Hội hàng năm. Nhưng nó cũng là một nhắc nhở hữu ích rằng mọi người đều được Chúa Kitô kêu gọi và không quá khứ nào, dù đen tối và rối loạn đến đâu, khiến chúng ta không được vòng tay yêu thương đầy thương xót và tha thứ của Thiên Chúa ôm ẵm.
Matthew Bunson trên National Catholic Register liệt kê 50 tân tòng nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 (https://www.ncregister.com/daily-news/50-catholic-converts-notable-new-church-members-over-the-last-century):
Mortimer Adler (1902-2001): Triết gia và nhà giáo dục Hoa Kỳ, ông khám phá ra Thánh Tôma Aquinô ở lứa tuổi 20 và trở thành một nhân vật nổi tiếng của Phong trào Tân-Thomist.
Đức Hồng Y Francis Arinze (b. 1932): Tân tòng người Nigeria, được Chân Phúc Cyprian Tansi rửa tội lúc 9 tuổi. Ngài trở thành Giám Mục trẻ nhất thế giới lúc mới có 32 tuổi và sau đó được nâng lên hàng Hồng Y và là bộ trưởng Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ luật Bí tích.
Francis Beckwith (b. 1960): Triết gia và thần học gia, được bầu làm chủ tịch Hội Thần học Phúc âm nhưng trở lại Công Giáo năm 2007.
Tony Blair (b. 1953): Lãnh tụ Đảng Lao động Anh và thủ tướng từ 1997 tới 2007. Ông là thủ tướng trẻ tuổi nhất từ năm 1812. Vợ ông, Cherie, cũng là người Công Giáo.
Cherry Boone (b. 1954): Con gái ca sĩ tin lành nổi danh Pat Boone. Kết hôn măm 1975 với nhà văn Dan O’Neill, cả bà lẫn chồng đều trở lại Công Giáo.
Robert Bork (1927-2012): Thẩm phán bảo thủ Hoa Kỳ và nhà luật học nổi tiếng hơn cả vì cuộc tranh đấu chính trị đầy nham hiểm mưu toan chặn đứng việc bổ nhiệm ông vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm 1987. Ông và vợ trở lại Công Giáo năm 2003.
Louis Bouyer (1913-2004): Thần học gia người Pháp và là một trong các thành viên sáng lập của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế và tập san thần học quốc tế Communio.
Dave Brubeck (1920-2012): Một trong số các nhạc sĩ nhạc jazz nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông trở lại năm 1980 và được uỷ nhiệm sáng tác Mass to Hope (Thánh Lễ Hy Vọng).
Tim Conway (b. 1933): Diễn viên hài Hoa Kỳ nổi tiếng hơn cả nhờ vai trò của ông trong các chương trình truyền hình McHale’s Navy và The Carol Burnett Show.
Gary Cooper (1901-1961): Tài tử Hoa Kỳ, đoạt 3 giải Academy Awards, trong đó có giải “Tài tử Hay nhất” trong Sergeant York và High Noon. Ông được yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô XII năm 1953 và chính thức gia nhập Giáo Hội năm 1959.
Frederick Copleston (1907-1994): Tu sĩ Dòng Tên người Anh và sử gia triết học, ngài trở lại Công Giáo năm 18 tuổi và gia nhập Dòng Tên năm 1930.
Dorothy Day (1897-1980): Nhà văn, nhà hoạt động xã hội và đồng sáng lập phong trào Thợ Thuyền Công Giáo cùng với Peter Maurin. Án phong thánh của bà đã được mở tại New York năm 2000 và vì thế bà được gọi là Tôi Tớ Thiên Chúa. Điều lạ về Dorothy là mặc dù trở lại Công Giáo, chủ nghĩa tranh đấu xã hội và vô chính phủ của bà vẫn còn đó. Đức Bênêđíctô XVI coi bà như một điển hình “hành trình đức tin… trong môi trường duy tục hóa”. Đức Phanxicô coi bà là một trong bốn người Hoa Kỳ vĩ đại; ba người kia là Abraham Lincoln, Martin Luther King và Thomas Merton.
Catherine de Hueck Doherty (1896-1985): Lãnh tụ đòi công lý xã hội người Gia Nã Đại và sáng lập viên hình thức tông đồ Madonna House. Trở lại từ Chính thống giáo Nga, án phong thánh của bà được mở năm 2000 và do đó, giống Dorothy Day, bà được gọi là Tôi Tớ Thiên Chúa.
Diana Dors (1931-1984): Nữ tài tử người Anh, được coi như “trái bom tóc hoe” (blonde bombshell) trong các cuốn phim.
Đức Hồng Y Avery Dulles (1918-2008): Tu sĩ Dòng Tên Hoa Kỳ, thần học gia và Hồng Y, con trai cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles.
Newt Gingrich (b. 1943): Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ từ 1995 tới 1999, đồng thời là một tác giả, ứng cử viên tổng thống và sử gia.
Rumer Godden (1907-1998): Tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng hơn cả nhờ các tiểu thuyết Black Narcissus và In This House of Brede.
Graham Greene (1904-1991): Nhà văn Anh, nổi tiếng hơn cả trong các giới Công Giáo nhờ các tiểu thuyết Brighton Rock, The Power and the Glory, The Heart of the Matter và The End of the Affair.
Sir Alec Guinness (1914-2000): Tài tử người Anh đoạt giải Oscar về “Tài tử Hay nhất” năm 1957 nhờ cuốn phim The Bridge on the River Kwai (Cầu Sông Quai).
Scott Hahn (b. 1957): Thần học gia Thánh kinh, nhà hộ giáo và nhà văn viết rất nhiều, và là một diễn giả. Vợ ông, Kimberly, cũng là một tân tòng.
Susan Hayward (1917-1975): Nữ tài tử đoạt giải Oscar trong vai trò tử tội Barbara Graham của phim I Want to Live! (1958).
Elisabeth Hesselblad (1870-1957): Tân tòng người Thụy Điển trở lại từ giáo hội Luthêrô và sáng lập viên Dòng Nữ Tu Bridgettine, bà được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh năm 2015.
Dietrich von Hildebrand (1889-1977): Triết gia và thần học gia người Đức, được nhiều vị Giáo Hoàng tôn vinh vì các đóng góp vĩ đại của ông vào tư duy Công Giáo.
Katharine, Nữ Công tước Kent (b. 1933): Phu nhân của Hoàng tử Edward, Công tước Kent (Cháu trai Vua George V và Hoàng hậu Mary và em họ Nữ hoàng Elizabeth II), thành viên hoàng gia đầu tiên trở lại Công Giáo từ năm 1701.
Joyce Kilmer (1886-1918): Thi sĩ, nhà báo và chủ bút Hoa Kỳ, nổi danh hơn cả nhờ bài thơ ngắn Trees (1913). Ông bị giết năm 1918 cuối Thế chiến I.
Russell Kirk (1918-1994): Lý thuyết gia chính trị Hoa Kỳ và là một trong các nhân vật có ảnh hưởng hơn hết trong phong trào bảo thủ Hoa Kỳ.
Dean Koontz (b. 1945): Tiểu thuyết gia viết nhiều, từng bán hơn 450 triệu bản các cuốn tiểu thuyết của ông.
Clare Boothe Luce (1903-1987): Người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên được cử làm đại sứ tại một nhiệm sở quan trọng, là dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ từ 1943 tới 1947, và là một nhà văn và kịch tác gia.
Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger (1926-2007): Tổng Giám Mục Paris từ 1981 tới 2005, là Hồng Y từ năm 1983 và là người cổ vũ cuộc đối thoại Công Giáo-Do Thái giáo. Ngài từ Do Thái Giáo trờ lại Công Giáo.
Gabriel Marcel (1889-1973): Triết gia Pháp, kịch tác gia và triết gia hiện sinh nổi tiếng nhờ tác phẩm The Mystery of Being (Huyền Nhiệm Hữu Thể).
Jacques Maritain (1882-1973): Triết gia Pháp, tác giả của hơn 60 cuốn sách và là một trong các nhân vật chủ chốt trong việc phục hồi chủ thuyết Tôma thời hiện đại. Ông và vợ, là Raïssa, trở lại Công Giáo năm 1906.
Norma McCorvey (1947-2017): Nguyên đơn trong vụ nổi đình đám Roe v. Wade năm 1973 hợp pháp hóa phá thai, sau đó đã trở thành phò sinh. Mới đây, có tin cho hay: lúc sắp qua đời, bà tuyên bố lý do phò sinh là vì bị mua chuộc.
Marshall McLuhan (1911-1980): Giáo sư, triết gia và lý thuyết gia truyền thông người Gia Nã Đại, nổi tiếng nhờ sáng chế kiểu nói “phương tiện truyền thông là một sứ điệp” và “làng hoàn cầu”.
Thomas Merton (1915-1968): Đan sĩ dòng Trappist người Hoa Kỳ, linh mục, thi sĩ, nhà hoạt động xã hội và là một trong các tân tòng Công Giáo nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong thế kỷ 20.
Vittorio Messori (b. 1941): Nhà báo Ý nổi tiếng nhờ các cuộc phỏng vấn xuất bản thành sách The Ratzinger Report: An Exclusive Interview on the State of the Church (1985) và Crossing the Threshold of Hope của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1994).
Malcolm Muggeridge (1903-1990): Nhà báo, nhà thơ trào phúng và tác giả người Anh. Ông trở thành người Công Giáo năm 1982 cùng với vợ, Kitty, phần lớn nhờ ảnh hưởng của Thánh Têrêxa Calcutta.
Bernard Nathanson (1926-2011): Bác sĩ y khoa Hoa Kỳ và là thành viên sáng lập của tổ chức NARAL Pro-Choice America (phò phá thai), nhưng đã tham gia phong trào phò sinh trong thập niên 1970.
Hoàng hậu Nazli (1894-1978): Hoàng hậu Ai Cập từ năm 1919 tới năm 1936 trong tư cách là vợ thứ hai của Vua Fuad và là mẹ của Vua Farouk Ai Cập. Bà và con gái, Fathia, từ Hồi Giáo gia nhập Công Giáo năm 1950.
Patricia Neal (1926-2010): Nữ tài tử đoạt giải Academy Award nhờ diễn xuất trong phim Hud (1963). Bà trở lại Công Giáo ít tháng trước khi qua đời.
Richard John Neuhaus (1936-2009): Cựu mục sư Luthêrô, nhà văn, thần học gia và sáng lập viên và chủ bút tập san First Things.
Robert Novak (1931-2009): Nhà báo, phụ trách cột báo và bình luận gia chính trị bảo thủ.
Joseph Pearce (b. 1961): Nhà văn và viết tiều sử văn học người Anh.
Walker Percy (1916 -1990): Văn sĩ Hoa Kỳ được yêu mến nhờ các tiểu thuyết viết về cuộc vật lộn của con người với tính hiện đại.
Knute Rockne (1888-1931): Huấn luyện viên gốc Na Uy của đội túc cầu Notre-Dame từ 1918 tới 1930 và được coi là một trong các huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao.
Adrienne von Speyr (1902-1967): Y sĩ, nhà văn linh đạo và huyền nhiệm học người Thụy Sĩ, tác giả của hơn 60 cuốn sách về linh đạo và thần học.
Thánh Teresa Benedicta Thánh giá (Edith Stein) (1891-1942): Triết gia Đức gốc Do Thái và Nữ tu dòng Cát Minh, chết tại Auschwitz. Bà được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1998. Bà là một trong sáu vị thánh quan thầy của Âu Châu.
Sigrid Undset (1882-1949): Tiểu thuyết gia Na Uy, được giải thưởng Nobel về Văn Chương năm 1928.
Evelyn Waugh (1903-1966): Nhà văn Anh nổi tiếng nhờ tiểu thuyết Brideshead Revisited (1945).
John Wayne (1907-1979): Tài tử đoạt giải Academy Award, được yêu mến trong các phim Miền Tây và chiến tranh.
Israel Zolli (1881-1956): Học giả Ý gốc Do Thái và là trưởng giáo sĩ Do Thái Giáo ở Rôma từ 1940 tới 1945. Là một người bạn của Đức Piô XII, ông từ Do Thái Giáo trở lại Công Giáo năm 1945.
Vũ Văn An